“My I con”

Chúng tôi đã mời mỗi người phụ nữ chọn cho mình một đồ vật, tượng trưng cho một điều quan trọng trong cuộc sống của họ. Và thật bất ngờ, một nữ nhà báo đã chọn chiếc ôtô; một cô gái chuyên hát nhạc Trịnh chọn cái laptop; còn một doanh nhân lại chọn bếp ga làm biểu tượng cho cuộc sống của mình.

Ô tô, Thủy Phạm và những chuyến đi

Mua xe là để nó phục vụ mình chứ không phải mình phục vụ


Chuyến đi đầu tiên của chị là khi nào?

Lúc gặp ông Thụ là tôi đã bắt đầu một chuyến đi. Chúng tôi xuyên Việt một tháng. Chuyến đi đó khiến tôi nhận ra một điều: đường đi quan trọng hơn đích đến. Rõ ràng, cuộc trải nghiệm trên đường đi giá trị hơn rất nhiều so với việc mình cứ chăm chăm đến đích.

Và chị quyết định mua “hai cầu” để trải nghiệm?

Không. Tôi mua xe máy trước. Đó là chiếc Bonus 125 phân khối.

Hình thức chị đâu có “quái” để đi Bonus?

Tôi chỉ nghĩ cái xe có thể đi xa được chứ không nghĩ nó có phù hợp với mình hay không. Có thể đó cũng là hình ảnh rất độc đáo ở Hà Nội năm 1994. Tôi mặc váy dài, đi giày cao gót, tay bóp côn xe. Có lần tôi bị ngã, váy móc vào gầm không lôi ra được, người dân quanh đó phải ra nhấc xe lên. Đến bây giờ tôi vẫn giữ chiếc Bonus đó làm kỷ niệm.

Khi nào chị mua xe hơi? Nó được phục vụ cho công việc hằng ngày hay những chuyến đi của chị?

Năm 1999, xe là một tài sản, mà nhà tôi chỉ có 70 triệu. Tôi phải mua xe nhỏ (Matiz), giá 10 ngàn đô la, và phải trả góp, ban đầu chỉ để phục vụ cho việc đi lại bình thường. Nhưng ngay năm sau chúng tôi quyết định xuyên Việt.

Đó là một cuộc thay đổi tư duy, cả hai vợ chồng đều thống nhất: mua xe là để nó phục vụ mình chứ không phải mình phục vụ nó, và việc sứt sơn, hư hỏng cũng là tiền trả cho việc sử dụng. Khi đã thoải mái tâm lý, chúng tôi quyết định lên đường.

Đầu tiên hai vợ chồng thuê người lái. Lúc ra Bắc tài xế lái một nửa chặng, tôi một nửa chặng, nhưng khi quay vào Nam thì một mình tôi lái. Chúng tôi đi không theo một lịch trình cố định, lúc nào tiện thì đi, có khi xuất phát từ nửa đêm, và thích dừng ở đâu thì dừng, có thể vì nơi đó có cái tên lạ, hoặc gặp một món ăn mình thích.

Những chuyến xuyên Việt như vậy, chúng tôi “mua” thêm rất nhiều đường, cũng hay là chiếc xe đó nhỏ nhưng khỏe.

Nhưng chị vẫn “lên đời” xe?

Tôi xuyên Việt 4 lần bằng Matiz thì đổi. Vì gầm xe hơi thấp, không đi được những địa hình mình mong muốn. Chiếc xe thứ 3 này mới thật sự gắn bó với những chuyến đi kinh hoàng của chúng tôi.

Còn nhớ Tết năm ngoái, chúng tôi lên Nà Hang (thuộc tỉnh Tuyên Quang giáp với Hà Giang), đường đi không có vấn đề gì, việc leo dốc cũng bình thường. Nhưng khi về, chúng tôi không đi đường cũ mà qua Bắc Kạn, vòng về hồ Ba Bể, xuống Hà Nội. Ngay cả người chỉ đường cho chúng tôi cũng chưa đi đường đó bao giờ.

Đó là con đường hoang, có những đoạn mấy chục năm không có xe đi qua. Cảnh vật rất đẹp, nhưng đường như trong rừng, toàn ổ voi, ổ chó, đá hộc. Xe chỉ đi được 5km/h, phải qua đèo, qua suối, qua hầm. Nhiều đoạn ông Thụ phải xuống làm hoa tiêu tôi mới dám đi. Vật lộn mãi mới lên được hồ Ba Bể.

Nhưng trải qua chặng đường vất vả như vậy, khi đến hồ Ba Bể gặp không gian mở ra rất tuyệt vời, tôi lặng đi chiêm ngưỡng.

Đi để khám phá bản thân và biết những cái ngoài mình

Đáng lẽ người lái là “ông Thụ”, sao lại là chị?

Ông Thụ cũng đã tập lái, nhưng lần đầu đi đã xô vào người chở bia, làm vỡ đèn xe của họ. Thế là ông ấy sợ luôn. Mà tôi biết tính ông Thụ. Nhiều lần đi xe máy qua ngõ nhà mình, nhưng ông ấy… phóng thẳng, đi một đoạn xa mới nhớ ra và quay về. Bởi ông Thụ hay quên, nhất là khi đang tập trung vào chuyện khác. Lái ô tô mà như vậy rất nguy hiểm.

Cơ thể chị rất yếu, chỉ cần nắng mưa “không hẹn trước” là đổ bệnh. Vậy sức khỏe đâu để chị đi?

Thật ra, tinh thần khỏe mạnh mới là điều quan trọng. Không phải riêng tôi, mà khi lái xe thì thần kinh ai cũng trở nên chủ động, mạnh mẽ hơn.

Có lần lái xe từ Hà Nội vào Tp.HCM, không nghỉ ngơi, tôi đánh thẳng xe lên cơ quan làm việc đến tối mới về. Ngược lại, nếu ngồi cạnh lái xe, thì người tôi luôn “phập phờ”, buồn ngủ, thậm chí ói. Hơn nữa, tôi thấy trong người mình có một sức mạnh tinh thần rất đặc biệt.

Lần leo đỉnh Phanxipăng mới đây, chặng đầu bị mưa, đêm đó cả đoàn nghỉ để sáng hôm sau lên đỉnh. Nhưng nằm được một chút thì tôi lạnh run người, cấu vào chân cũng không cảm thấy đau, và tôi bị ói. Mọi người xoa dầu, nhưng suốt đêm người tôi lạnh như băng, chỉ chợp mắt được 1 – 2 tiếng.

Đêm hôm đó tôi nghĩ chưa chắc ngày mai mình đã xuống được. Nhưng không thể tưởng tượng được, sáng hôm sau tỉnh dậy, như không hề có chuyện xảy ra đêm qua, người tôi khỏe như bình thường. Và trong đoàn đó, tôi trở thành phóng viên báo viết lên đỉnh đầu tiên, chụp được những bức ảnh đầu tiên. 6 giờ chiều chúng tôi xuống trạm cuối cùng để đi về. Xuống đến nơi tôi lại… ói tiếp!

Chị được gì từ những chuyến đi “hành xác” như vậy?

Tôi được khám phá chính bản thân mình. Những nơi tôi đến luôn là sự thử thách đối với tôi, về cả sức khỏe và tinh thần. Điều quan trọng hơn là tôi nhận ra sức mình có thể làm được điều đó chứ không phải mình yếu hoặc mình là phụ nữ nên không làm được như nhiều người nói.

Ví dụ vụ “test” xe ở Philippines, mọi người nói không nên đi, vì con đường đó dốc 45 độ, lên là xuống luôn, xuống dốc nhìn không thấy đường, mà phải dựa vào cột chỉ dẫn. Nếu chệch tay lái là lộn tùng phèo.

Nhưng tôi vẫn đi. Đương nhiên mình không quá liều. Tôi dám đi vì bên cạnh có chuyên gia. Tôi biết chỉ có xác suất 10% có thể xảy ra tai nạn. Nếu không đi, mình sẽ không được 90% kia, và sẽ không thể biết liệu tay lái của mình có vượt được chặng đường không?

Cũng là khám phá cảm giác. Có lần tôi lái xe lên đỉnh Mẫu Sơn cao 1.500 mét ở Lạng Sơn, đỉnh cao nhất không đi xe lên được, nên tôi phải leo. Lên đến nơi, sương mù dày đặc không thấy gì, cảm giác rất ghê người, tự nhiên tôi được sống trong cảm giác không bình thường.

Tôi nghĩ, cuộc sống cần có những cảm giác đó, giống như khi lái xe, có những lúc tôi vọt 130km/h. Lúc đó người tôi khác, máu trong người tôi chảy khác. Khi về lại Tp.HCM, đi 20km/h, giống mình đang từ một thế giới khác – bay bổng, tự do, mạnh mẽ – tự nhiên rơi xuống, chững lại.

Còn điều gì quan trọng hơn những chuyến đi?

Tất nhiên, khám phá mình, và khám phá cả những điều “ngoài mình”. Kịch tôi xem nhiều, nhưng ấn tượng nhất là vở “Người đẹp và quái thú” ở New York. Kết thúc vở kịch đó, tôi không đứng dậy được, nước mắt ràn rụa. Vở kịch đã chạm vào dây xúc cảm nào đó trong con người tôi. Tôi giống một đứa trẻ lạc vào thế giới thần tiên.

Không phải một mình tôi, có một cậu người châu Á ngồi gần tôi cũng rút kính ra lau nước mắt! Tôi hiểu vì sao vở kịch diễn 8 năm, mà mình vẫn phải xếp hàng mua vé thừa! Xem xong tôi ra ngay cột điện thoại gọi cho ông Thụ. Tôi nói: “Anh phải sang đây và anh phải xem!”.

Những chuyến đi thú vị như vậy hẳn phải có kế hoạch rất thông minh vạch ra trước đó?

Trước khi đi tôi đọc về địa danh mình đến, và chấm những điểm có thể đi được. Tôi thường chấm về mặt văn hóa, xã hội. Không biết có phải hiếu thắng không, nhưng tính tôi càng bị ngăn cấm bởi cái gì, thì càng quyết tâm thực hiện.

Ví dụ, khi sang Mỹ, tôi quyết tâm đến khu Harlem ở ngoại ô New York. Theo lời đồn, đó là khu rất nguy hiểm, thường xuyên xảy ra trộm cắp, hãm hiếp. Nhưng nó rất nổi tiếng, vì là thủ phủ của người da đen. Đó cũng chính là quê hương của nhạc Jazz.

Chuyến đó tôi đi một mình, ông Thụ không cho tôi tới Harlem, tôi cũng vâng để ông ấy yên tâm. Nhưng tôi tiếp tục tìm hiểu. Bill Clinton khi không làm tổng thống cũng mở văn phòng luật ở đây để chứng tỏ bây giờ khu Harlem không còn đáng sợ như ngày xưa. Và thế là tôi đi.

Tôi lên một chiếc tàu điện ngầm rất bẩn, trên chiếc tàu chỉ có mình tôi là… trắng nhất! Nhìn họ tôi sợ, còn họ nhìn tôi nhưng không làm gì cả. Xuống đến nơi, cái choáng ngợp đầu tiên trong mắt tôi là một sàn diễn tóc. Người da đen thích làm tóc, mỗi người một kiểu, một màu khác nhau. Tôi còn được nghe nhạc ngay trên đường phố. Họ hát, nhảy rất hồn nhiên. Tôi đến xem bảo tàng của người da đen, ở đó họ ghi dòng chữ: black is beautiful – đen là đẹp.

Là phụ nữ, sao không thấy chị chăm lo làm đẹp, mà lại bị quyến rũ bởi thứ vốn không thuộc sở trường của phụ nữ?

Tôi đã biết có những phụ nữ hoàn toàn không đẹp, nếu không nói là xấu, nhưng họ sinh động và hấp dẫn bởi chính đời sống của họ. Ngược lại, có những người rất đẹp nhưng như một bức tượng sáp, tôi không thấy hấp dẫn.

Tôi nghĩ vẻ đẹp tinh thần đặc biệt quan trọng, nhất là với phụ nữ hiện đại. Cũng không phải tôi không quan tâm đến việc làm đẹp, nhưng không phải người đẹp, nên tôi có chăm sóc nữa cũng không thành hoa hậu được. Nhưng rõ ràng tôi vẫn lấy được chồng, không những lấy được chồng, mà tôi cũng có nhiều người yêu. Tôi nghĩ, tôi hấp dẫn những người đó bằng tinh thần của mình chứ không phải vì tôi đẹp!

 Dương Thúy

 

Các tin liên quan

Máy tính mở ra thế giới khác
Cái bếp và ngọn lửa

 

 

 


From the same category