Điều mà bà chủ nhà hàng Cơm Việt Trịnh Thu Hương tự hào nhất không phải là nguồn thu từ công việc kinh doanh, mà chính là những bữa cơm tối được làm từ hai đầu bếp chính: chị và ông xã.
Trông chị không giống như những gì chị tự nhận là yếu mềm và thuộc týp người của gia đình?
Không hề sai đâu, nếu hỏi tôi, đồ vật gì có thể tượng trưng cho điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mình, tôi sẽ chọn cái bếp ga.
Là chủ nhà hàng Cơm Việt và biết nấu ăn ngon, chị có duy trì bữa cơm gia đình đều đặn không?
Tôi đang thành công trong sự nghiệp ở một mức độ nào đó, nhưng càng bận rộn, tôi càng lo bù đắp cho cuộc sống riêng của gia đình mình. Tôi không thể cứ 5 giờ chiều là xách giỏ ra chợ rồi về quét nhà, lau nhà được. Nhưng tôi có thể ngưng công việc khi đã 7 giờ tối, về nhà cùng chồng con làm các món ăn chính để cả gia đình được thưởng thức “tài nghệ” của mình chứ không nhờ đến người giúp việc.
Năm 2001, khi nhà hàng Cơm Việt mới thành lập, đã có lúc tôi bận đến mức một năm liền cả gia đình phải ăn cơm hàng. Cơm nhà hàng tất nhiên là ngon, nhưng chúng tôi không thể có thời gian quây quần để cùng làm bếp.
Đó là khoảng thời gian tôi quyết tâm phải thành công nhanh với việc kinh doanh của mình để cả nhà sớm quay trở lại quỹ đạo sinh hoạt bình thường. Bởi với chồng con, tôi thể hiện tình cảm của mình qua cái bếp, một cái bếp lúc nào cũng đầy ắp những món ăn ngon!
Anh ấy – cũng là một doanh nhân có tiếng, lại chăm chỉ về nhà đúng giờ và cùng chị nấu ăn; chị có bí quyết gì để “lôi kéo” chồng cùng tham gia chia sẻ công việc bếp núc?
Tôi lôi kéo anh ấy bằng những đứa con. Tôi muốn khi anh ấy đi làm về là đã thấy niềm hạnh phúc, sự vui vẻ trong gia đình ánh lên trong mắt những đứa con. Tôi dạy chúng cách bóp đầu, massage cho bố bằng những ngón tay bé xíu, hát những bài hát tôi dạy cho anh ấy nghe, khoe anh ấy những niềm vui của chúng.
Chúng tôi cũng không có nhiều thời gian, từ 7 – 8 giờ là vào bếp, nghỉ ngơi một chút rồi các cháu còn phải học bài, nên thời gian nấu ăn được chúng tôi coi là khoảng thời gian rất quan trọng để họp mặt gia đình. Vì thế, không chỉ riêng tôi mà cả chồng tôi đều coi trọng việc giữ cho cái bếp lửa luôn ấm.
Chị đã bao giờ làm anh ấy xúc động vì một bữa cơm đặc biệt chưa?
Tôi thực sự thấy bất ngờ vì bữa cơm hôm đó rất giản dị mà lại làm cho anh ấy xúc động vô cùng. Hôm đó tôi phải lùi thời gian đi công tác lại ngày hôm sau, và nhân dịp rỗi rãi, tôi đã vào bếp từ lúc 5 giờ. Khi chồng tôi đón cả hai đứa nhỏ về, anh ấy đã hỏi tôi những 3 lần: “Mới 7 giờ tối mà cả nhà đã được ăn cơm hả em?”.
Chính tôi hôm đó mới là người xúc động vì anh ấy đã coi đó là món quà quý, một món quà mà thực ra bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể làm được.
Anh ấy thích chị nấu món gì nhất?
Thịt bò xào rồi đổ lên trên khoai tây rán. Nó không có gì đặc biệt nhưng là món ăn đầu tiên tôi làm cho anh ấy khi mới yêu nhau.
Tò mò một chút, anh ấy yêu chị vì tài nấu nướng của chị?
Không hẳn, phải nói chính xác là vì tôi muốn giữ anh ấy nên đã học thêm rất nhiều món ăn. Chứ thật ra anh ấy nấu ăn giỏi hơn tôi nhiều.
Thế thì chắc anh ấy mới là người hay gây bất ngờ cho chị bằng những món ăn ngon?
Thời gian biểu của doanh nhân không có lịch cụ thể, có khi anh ấy dành cả 24 giờ cho công việc, nhưng khi đã làm cho bộ máy quay theo guồng, anh ấy có thể dành cả 24 giờ cho gia đình.
Tôi thường phát khóc với những việc tưởng như thật đơn giản. Đó là những buổi tối muộn, phải tiếp nhiều đoàn khách đặc biệt đến ăn, mình cười với người ta, làm khách cảm thấy ngon miệng nhưng sau đó lại thấy nhớ bữa cơm gia đình, muốn về nhà ngay.
Rồi khi vào đến bếp, nhìn thấy ông chồng của mình đang lúi húi làm thức ăn, mấy đứa con đang dọn bát lên bàn, tôi thấy mình đúng là người phụ nữ rất may mắn!
Nghe chị nói, có cảm giác việc đóng cả 2 vai trò, doanh nhân thành đạt và người phụ nữ của gia đình, khá dễ dàng với chị?
Tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi cân bằng giữa hai vai trò đó, mà trong mỗi thời điểm, khó khăn lại khác nhau. Ví như năm 1991, khi mới tốt nghiệp đại học, tôi đã vào làm việc cho một công ty của Nhật vì hai mục đích: chứng minh cho chồng thấy là tôi không phải chỉ biết ngồi nhà chơi; và đi làm để học hỏi.
Hồi đó, có hôm 6 giờ tối mà tôi vẫn ngồi ở cơ quan. Lúc đó, khó khăn là mới lấy chồng thì không nên thể hiện là mình quá ham mê công việc. Nhưng sau khi có con, tôi thấy đối với người phụ nữ quan trọng nhất vẫn là gia đình, và lúc này thì việc cân bằng giữa hai bên mới thật là khó. Có những thời kỳ quyết định cho sự thành danh của nhà hàng, tôi sinh con được 3 tháng đã phải đi làm luôn.
Nhưng cuối cùng thì “cái bếp” vẫn thắng?
Không hiểu có phải vì mình là phụ nữ hay không mà tôi thấy mình suốt ngày ở trong bếp. Buổi trưa có chút thời gian: nấu bột cho con. Chiều tối khi cả gia đình sum họp: làm thức ăn. Buổi tối muộn, các con có nhu cầu ăn uống một món nào đó, tôi lại đã thấy mình đang trong bếp rồi.
Còn thời gian ở nhà hàng, tôi luôn thấy chân mình tự động vào khu bếp để chắc chắn về nhịp độ làm việc của đầu bếp. Chính vì nó mang nhiều ý nghĩa nên dù gia đình nhỏ của tôi chuyển nhà những 10 lần, nhưng lần nào tôi cũng mang theo chiếc bếp ga dù nó đã hơn 10 năm tuổi.
Và việc đầu tiên khi tôi chuyển nhà đến một nơi ở mới là bật cái bếp ga lên để đun một ấm nước. Người phương Tây quan niệm lửa thường mang theo may mắn, nhưng với tôi, ngọn lửa còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Ngọn lửa được bật lên để mang hơi ấm hạnh phúc.
Thùy Trinh |
Ảnh: Đức Long |