Các bà mẹ coi con là quý tử thường sống thay cho con, suy nghĩ thay cho con, nếu được họ có thể hít thở luôn cho con. Điều này, khiến cho họ yên tâm vì đã chứng tỏ được “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Vì thế mà những chàng trai ấy mãi mãi vẫn chỉ là những đứa trẻ to đầu. Và, làm vợ quý tử chẳng sung sướng chút nào bởi họ lại phải tiếp tục làm người bao bọc, cung phụng chồng theo cái cách mà mẹ chồng họ đã làm suốt hàng chục năm.
Dù ở thời hiện đại, phụ nữ lấy chồng cũng không hề từ chối ý định tìm một bờ vai làm chỗ tựa cuộc đời. Đối với nhiều cô gái, lập gia đình không biết đâu là bến trong, bến đục. Lấy chồng như một cuộc thí nghiệm “coi thử số phận mình ra sao”.
"Chồng chưa trưởng thành"
Lọt vào mắt xanh của một anh chàng sinh viên về từ Hàn Quốc, Hoàng Khanh ngỡ đời mình có sao may mắn phù trợ. Trước đó, anh cũng đã từng du học ở Canada. Một ông chồng, tiếng Anh cũng rành, tiếng Pháp cũng biết, lại bằng nọ cấp kia là của hiếm thời buổi này.
Song có điều, đã nhiều chữ, chuyên môn vững vàng, nhưng anh ta chưa chịu đi làm, bà mẹ sợ con đi chơi, nên lại xăng xái tìm một trường đại học quốc tế khác theo tinh thần “Học, học nữa, học mãi”. May sao ông con đã gần 30 tuổi, tuyên bố “không học nữa”, bà mẹ mừng quá, và gợi ý cho con chuyện lập gia đình. Thấy con gật đầu, bà lại càng phấn khởi.
Khanh quen với ông xã cô trong một buổi sinh nhật của người bạn thân. Cô bị chinh phục ngay bởi vẻ lịch lãm, sự sành điệu trong ăn mặc, giao tiếp của anh. Cô theo anh về nhà, ra mắt mẹ chồng. Bà hân hoan nói: “Mẹ trông cậy ở con. Tình yêu của con có thể làm con trai mẹ thay đổi”.
Lúc đó, cô không hiểu hết lời của mẹ chồng, chẳng biết mình phải làm gì, và thay đổi ông xã điều gì. Năm năm sau, cô mới biết rằng bà mẹ chỉ mong con lập gia đình để hết tính lông bông tập trung vào sự nghiệp.
Nhưng hôn nhân không làm nổi phép màu. Con trai bà vẫn lái xe đi chơi. Và cô con dâu là người phải hứng chịu mọi bực bội của bà mẹ chồng. Bà hay thở dài, chao chát nói với Khanh: “Con cũng chẳng giúp ích gì cho nó, vợ mà chẳng đủ sức giữ chân chồng. Ngược lại, từ khi lấy vợ, nó lại càng ham chơi hơn. Bây giờ, mẹ thật sự bó tay”.
Khanh cảm thấy hụt hẫng, lấy chồng quý tử, cô phải gánh lấy một nhiệm vụ quá nặng nề. Nhà chồng giàu, không để cho cô phải lo toan kinh tế gia đình, cũng chẳng phải hầu hạ chồng, hầu hạ cha mẹ chồng. Cô không đáp lại được kỳ vọng của gia đình chồng, điều đó khiến cho cô không tìm được hạnh phúc.
Đâu phải các quý tử đều con nhà giàu. Đầy nhà không giàu có nhưng vẫn đủ sức bảo bọc “cậu ấm”. Lấy chồng, một anh nhân viên lương ba cọc, ba đồng, nhưng Ngọc Quyên cũng hài lòng.
Cô không có điều kiện học hành nhiều, nhưng siêng năng làm lụng việc nhà và bà mẹ chồng rất vừa ý với cô con dâu ngoan ngoãn. Dù gia cảnh hai bên đều không khá giả, nhưng bà quyết định đám cưới không được sơ sài. Bà góa chồng, một mình nuôi con trai, nên bà lo chu toàn cho ngày vui của con. Quyên cảm thấy mình vô cùng may mắn.
Cô càng vui hơn, khi bà mẹ chồng hứa cắt cho vợ chồng một miếng đất nhỏ từ mảnh vườn của bà. Trước mắt, mấy mẹ con chung sống với nhau dưới một mái nhà. Ông xã cô đi làm bao nhiêu tiền về đưa cho mẹ, Quyên gánh hết phần cơm nước, nội trợ, còn bà mẹ lo buôn bán… nuôi cả con trai, lẫn con dâu.
Chung sống một thời gian, Quyên mới biết, ông xã cô nhà nghèo mà sang lắm. Đi làm chủ yếu “Vui là chính”, để gặp mặt người này, người kia, để có bạn bè rủ đi nhậu nhẹt, coi đá banh. Vì chẳng chịu học hành, nên anh ta chẳng leo được đến đâu, cũng chẳng có ý định tiến thủ.
Mang tiền về cho mẹ để anh ta có cớ “rút” tiền của mẹ đi chơi. Nhưng điều làm Quyên buồn là anh ta không bao giờ tự quyết định nổi một việc gì trong nhà. Ngay cả chuyện riêng tư giữa hai vợ chồng, anh cũng bảo “Em hỏi mẹ đi, anh không biết đâu”.
Sanh con vào năm nào, bao nhiêu đứa… bà mẹ chồng là người lên kế hoạch. Quyên chỉ biết nghe theo, vì cô cũng đang ở trong diện “mẹ chồng nuôi cơm”. Mâu thuẫn
Chính vì được cha mẹ quá ưu ái, luôn bênh vực, nên nhiều người đàn ông khi có gia đình riêng vẫn chỉ quen được hưởng thụ, chẳng bận tâm gì đến vai trò người chồng, người cha của mình, cũng không làm được việc gì ra hồn. Họ cũng là týp người rất dễ sa ngã và thiếu trách nhiệm |
giữa mẹ chồng con dâu phát sinh từ khi mảnh vườn của bà mẹ chồng có giá. Cô con dâu, yêu cầu mẹ chồng cho vợ chồng cô được xây nhà riêng, trên miếng đất bà đã hứa cho vợ chồng cô năm xưa. Hai đứa cháu nội của bà đã lớn, ngôi nhà trở nên chật chội.
Bà mẹ chồng chỉ hỏi nàng dâu: “Con hỏi ý chồng con chưa?”. Quả nhiên, ông chồng quý tử của cô chỉ làu bàu: “Ra riêng làm chi cho mệt. Ở chung có mẹ lo cả rồi, còn muốn gì nữa?”.
Đến bước liều, Quyên tuyên bố: “Mẹ cứ nuôi con mẹ, còn con ra riêng để nuôi con của con”. Hàng ngày, cô đi xin việc làm, ăn chay, đi chùa để cầu may, đi thăm mộ cha mẹ để khấn vái… Bà mẹ chồng lấy cớ đó để dạy con trai: “Vợ mày bị ai nhập rồi, bệnh thần kinh thì không chữa được. Con phải làm đơn xin ly hôn, mẹ sẽ nuôi hết cháu nội”.
Dù không ghét bỏ người vợ hiền lành, nhưng anh con trai quý tử, vì sợ mẹ giận, nên làm theo lời mẹ. Với anh, thiếu mẹ đáng sợ hơn thiếu vợ. Khốn khổ cho Quyên, ở lại nhà mẹ chồng thì bị bà mắng chửi “được voi, đòi tiên”, còn ra khỏi nhà thì biết dẫn con đi đâu.
Những lúc không chịu nổi bà mẹ chồng quá quắt, không thể nương tựa vào ông chồng “có cũng như không”, cô phải một mình về nhà anh chị tá túc. Bà mẹ chồng càng lấy cớ con dâu bỏ nhà đi, hối thúc con trai nộp đơn ly hôn.
Nuôi con trong nhà kính
Quý tử không có nghĩa là con nhà giàu, là con một, mà là từ chỉ chung cho con được ba mẹ cưng chiều, được hưởng mọi ưu tiên và tất nhiên mẹ của quý tử nào cũng muốn con trai phụ thuộc mãi mãi vào “bầu sữa” của mình.
Thay vì bảo vệ và phát triển mối quan hệ giữa cha mẹ con cái, họ lại tập trung bảo vệ con. Các bà mẹ sống thay cho con, suy nghĩ thay cho con, nếu được họ có thể hít thở luôn cho con. Điều này, khiến cho các bà mẹ yên tâm vì đã chứng tỏ được “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”.
Vì thế mà những chàng trai ấy mãi mãi vẫn chỉ là những đứa trẻ to đầu nuôi lâu năm mà vẫn chưa trưởng thành.
Vì luôn giữ vững tinh thần bảo vệ con, nên đối với các bà mẹ, gả vợ cho con, nghĩa là tìm một người phụ nữ đủ sức làm “vệ sĩ” cho con. Bởi thế, các cô gái lọt vào mắt xanh của các quý tử, đều được các bà mẹ chồng mong đợi, trao gởi niềm hy vọng.
Các ông chồng quý tử có thể thừa tiền bạc, của cải, nhưng họ lại thiếu… trách nhiệm đối với vợ con và tệ hơn là thiếu trách nhiệm với cả bản thân. Các ông không hiểu và không cần giá trị của gia đình. Sống trong sự bao bọc của mẹ, hoặc của vợ, họ tự đánh mất bản thân, lệ thuộc vào người thân.
Chị Lâm Thụy, một tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, đã quá ngán ngẩm ông chồng “vô tư”, nhưng chị không nỡ “bỏ mặc ông ta”. Bởi trước khi hấp hối, bà mẹ chồng đã ráng trăn trối với con dâu: “Con phải hứa lo cho chồng con, thì mẹ mới an tâm nhắm mắt. Má biết, nó làm khổ con nhiều, nhưng con hãy vì má mà tha thứ cho nó. Có kiếp sau, má sẽ trả nợ cho con”.
Lời dặn dò của một người mẹ khiến chị phải ráng “tư duy tích cực” để tiếp tục chịu đựng ông chồng “như ông vua trong nhà”. Nỗi khổ lớn nhất của chị là con cái, sợ cha la mắng, nhưng không hề yêu quý, kính trọng cha. Sống bên cạnh các ông chồng quý tử, các bà vợ cảm thấy như mình có thêm một “cậu con trai lớn” để phải ru thêm những lời ru buồn.
Ngày nay, các quý tử xuất hiện ngày càng nhiều. Trong nhiều gia đình, đám trẻ toàn là “cành vàng lá ngọc” của cha mẹ. Nuôi dạy con đang là một thách thức lớn của những người làm cha mẹ. Ai cũng muốn con mình là quý tử, là “báu vật” của đời, nhưng rõ ràng trong thực tế những quý tử “có lớn, mà không có khôn” trở thành gánh nặng của gia đình.
Các bà mẹ cưng con trai luôn có một nghịch lý, muốn con mình thành đạt, hạnh phúc nhưng không muốn con tự lập, muốn con lập gia đình, nhưng lại không muốn con dành tình thương cho vợ, muốn con thành người đàn ông, nhưng lại không muốn con lìa xa vòng tay của mẹ.
Nhận diện chồng quý tử
1. Quý tử con nhà giàu
Được hưởng cuộc sống nhung lụa từ bé, những quý tử này chưa bao giờ biết thiếu thốn. Thói quen tiêu tiền của cha mẹ ăn sâu vào máu, sau này khi đi làm anh ta thấy không cần phải tiến thủ vì bất cứ lý do gì. Và khi trở thành một người chồng, người cha, anh ta vẫn có thói quen hưởng thụ. Nếu bạn lấy “quý tử” dạng này, đừng bao giờ mong anh ta chia sẻ, gánh vác khó khăn kinh tế với bạn nhé!
2. Quý tử nhà con một
Những ông chồng ở vị trí độc đinh từ bé đã trở thành cái rốán của vũ trụ, được chiều chuộng, chăm bẵm, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Khi có gia đình rồi, họ vẫn được cha mẹ coi như còn bé bỏng, cần được chăm sóc, bảo vệ. Chính vì vậy, họ coi chuyện mình được cha mẹ, vợ con chăm sóc là đương nhiên, còn chuyện chia sẻ, chăm sóc người khác mới là chuyện không tưởngå. Những quý tử lớn lên được bao bọc cả về suy nghĩ, hành động, khiến cho khi trưởng thành họ không tự quyết định được việc gì ra hồn. Nếu lấy “quý tử” này thì bạn hãy xác định phải tiếp tục chăm bẵm chồng và đừng mơ điều ngược lại!
3. Quý tử sinh ra trong gia đình có tư tưởng trọng nam, khinh nữ
Ở những gia đình này, mẹ chồng thường bị ảnh hưởng nặng bởi định kiến bất công về giới. Những người đàn ông trong nhà, từ bố chồng đến chồng, em trai chồng, hầu như không bao giờ đụng tay vào việc gì trong nhà. Tất cả đều một tay mẹ chồng, hoặc những người con gái trong nhà cáng đáng. Mọi mệnh lệnh của họ đều được đáp ứng. Đến cả những gì ngon nhất, tốt đẹp nhất cũng dành cho những người đàn ông.
Những người đàn ông tự coi mình đương nhiên được hưởng những quyền lợi, ưu ái, còn phụ nữ phải là người chịu thiệt thòi. Họ chỉ biết nhận mà không biết cho, không biết chia sẻ. Nếu bạn làm vợ quý tử dạng này, hãy chuẩn bị tinh thần nhận lệnh của chồng và thực hiện. Đừng chờ đợi anh ta thực hiện lệnh của mình vì bạn sẽ phải sống trong cảnh chồng chúa vợ tôi.
Phước Chung |