Yêu sếp thì ấm mình

Lần cuối cùng bạn bắt tay sếp là khi nào? Và hỏi thật, đời bạn đã bắt tay sếp bao nhiêu lần? Có lẽ chỉ là lần bạn vô tình gặp sếp đi với bồ ở nhà hàng. Lúc ấy cái bắt tay của sếp đầy tính miễn cưỡng để ngầm nhắc bạn đừng có mà bép xép. Số lần bắt tay thì có lẽ quá ít để mà cho rằng đó là một cử chỉ có thật trên đời.
 
 Thử ở địa vị sếp xem, bắt tay ai chứ lại đi bắt tay gã nhân viên quèn? Chả có cơn cớ gì. Nhưng ngoài cái bắt tay ra, chúng ta đã bày tỏ tình cảm với sếp bằng cách nào đây?
 
 Đã qua rồi cái thời các sếp là những kẻ chuyên quyền, hách dịch, áp đặt quan điểm của mình lên khối nhân viên còn lại. Sếp văn phòng thời nay là những cá tính thức thời, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và lời hứa thì nghe khả thi hơn. Song có thực hiện hay không, hình như xưa nay vẫn thế, không ai dám chắc.
 
 Với phận nhân viên như chúng ta, các sếp luôn là một vấn đề nếu không phải chính yếu trong những chuyện gắn bó với công việc thì cũng là một giá trị đại diện cho công ty. Xét cho cùng, mọi ban bệ hành chính hay luật lệ công ty lằng nhằng không bằng một sếp. Sếp và công ty, hai mặt của một tấm danh thiếp.
 
 Sếp sẽ là minh quân khi công ty này đã đáp ứng nguyện vọng của bạn và là đối tượng bị bạn muốn chỉ trích nhiều nhất khi công ty ngược đãi bạn.
 
 Các sếp cũng không phải kẻ quan liêu ăn trên ngồi trốc mà không biết đến những phản ứng đó. Sếp thời nay toàn dân du học khắp nơi, kiến thức thiên hạ có hai bồ thì họ cũng phải có một bồ, MBA hay bằng quản trị ở một trường bạn chỉ nghe tên đã hãi.
 
 Họ thông minh đã đành, họ lại có hình thức nữa, điều này là một nỗi phiền muộn cho các nữ nhân viên khi sếp đã có gia đình rồi. Theo cái nhìn của bạn về một con người hoàn hảo thì sếp là một minh chứng: sếp nào cũng lịch lãm, quần áo tinh hàng hiệu, xe đời mới… lại biết đồng cảm với nhân viên.
 
 Thời nay, các sếp ít cáu hơn ngày xưa thì phải, các sếp vẫn chả giương cao ngọn cờ “văn hóa công ty”, mỗi nhân viên là một thành viên đóng góp vào tập thể đấy thôi! Và với suy diễn của bạn, gặp bao điều khó chịu, bao trở ngại đến thế mà sếp vẫn “cool”, tức là họ chả có cách nào ngoài cách phải nuốt hận vào trong.
 
 Sếp lúc này giống như MC truyền hình, cho dù người chơi dốt hay chương trình trục trặc, lên hình vẫn cứ tươi. Hết rồi thời sếp úi xùi, nhân viên đến lấm lét nhìn mặt sếp đang u ám mà thì thà thì thào đêm qua sếp cãi nhau với vợ, sáng nay bà lao công đến gặp sếp đang đánh răng ở… phòng vệ sinh.
 
 Quan hệ giữa sếp và nhân viên theo xu thế của các chương trình đào tạo quản lý càng ngày càng được tiêu chuẩn hóa. Bây giờ bạn đừng hòng mơ lại cái thời bỗ bã, cái không khí hơi làng xã kia, nơi những chú Tư bác Bảy vẫn chỉ đạo cứ thế mà làm rồi công việc bạn cũng hoàn thành như dự định.
 
 Bạn gần như bị đặt vào một cuộc chạy đua với sếp. Sếp là toàn năng, sếp là hoàn hảo, sếp là cự phách, và từ khi bạn bắt tay với sếp lần đầu tiên khi được tuyển vào làm, bạn thành kẻ chạy trên đường marathon cùng với sếp đến đứt hơi.
 
 Trong thâm tâm những dân văn phòng mà lòng trung thành có nhiều, sếp là tiêu chuẩn. Khi ta mới vào làm, ta hướng đến mục tiêu “phải làm được như sếp”. Khi ta đã mệt vì chạy đường trường với sếp, ta nghĩ “hãy chỉ cần làm theo sếp bảo mà thôi”.
 
 Có phải là khi bạn phụ trách một dây chuyền thôi nhé, bạn đã rất bực bội khi nghe nhân viên dưới quyền nhem nhẻm trả lời: “Giám đốc bảo thế ạ”. Trách họ mà làm gì, sếp với họ là một hàn thử biểu, là trọng tài phân xử và nhiều khi sếp muốn là Chúa muốn.
 
 Khi chúng ta còn thần tượng sếp, với những ấn tượng huy hoàng mà sếp tạo ra (một lòng thờ sếp kính cha thì hơi quá, nhưng ở cơ quan ai là người ký lương cho bạn?), chúng ta đem lòng yêu sếp là chuyện rất hiển nhiên.
 
 Nó không chỉ là sự hàm ơn mà còn là một ý thức rất rõ về sự an toàn của mình. Sếp là một lá chắn bảo hộ hoặc một nơi bạn trông vào đó để làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Bạn cũng tự dưng nảy ra tâm lý muốn bảo vệ thần tượng, cho dù sếp cũng đầy cái khiến bạn bất bình, nhưng đi ra ngoài, bạn cũng giống như những bà vợ, “xấu chàng hổ ai”, nói xấu sếp thì mình thiệt.
 
 Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh viễn, bạn có nói xấu thì người ta vẫn thấy con sư tử bị thương vẫn là con sư tử chứ không hóa thành con lừa đội lốt như bạn ra sức tuyên truyền. Kết quả là bạn dựng nên một tấm ảnh của sếp như là đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary vẫn ngọt ngào ca ngợi Bill Clinton cho dù Monica Lewinski còn sống sờ sờ ra đấy.
 
 Lẽ dĩ nhiên, khi bạn phải đứng về phía sếp, điều ấy có nghĩa là bạn sẽ đối đầu với những sếp khác hoặc ngay với những cấp dưới trong cơ quan. Chuyện bè phái cũng xưa như là chuyện chiến tranh nóng chiến tranh lạnh, sếp ắt không thể hô một tiếng mà toàn dân văn phòng rầm rập tuân theo.
 
 Các sếp phó, hay những người quan trọng số 2, số 3 trong công ty hoàn toàn có thể can thiệp vào những đường hướng của sếp trưởng và nghĩa là công ty có thể ngày mai sẽ khác. Vậy bạn, con muỗi trong công ty, sẽ ra sao khi những trâu bò này va quệt sừng mỏ với nhau?
 
 Trong trường hợp này, bạn khó mà vô tình rũ áo vô can. Nếu bạn trung thành, bạn ắt phải lên tiếng bảo vệ người cầm lái của bạn. Còn không, thì tình yêu bạn dành cho sếp để đâu rồi? Hay lúc này, bạn sẽ thấy: "Ờ, đúng thật, sếp sai quá đi, thủ cựu và tệ hại" như hôm nay gió đông chuyển hướng gió lào.
 
 Đến đây, chúng ta ngộ ra cái tình yêu dành cho sếp ấy hóa ra cũng giống như cử chỉ bắt tay, xã giao và hờ hững. Rồi bạn bỗng thấy xung quanh, ai cũng thế hết, cứ mười người thì đến chín mang một nỗi hận về sếp. Như thể bạn đã bị tình yêu kia làm cho mù lòa bấy lâu nay. Bạn đã yêu như thế nào mà ra nông nỗi ấy nhỉ?
 
 Yêu sếp là một lẽ tự nhiên, khi bạn thấy đó là một cá tính thú vị và hấp dẫn. Cái truyền thuyết về lực hút giữa sếp phong trần hấp dẫn với thư ký chân dài thông minh được thêu dệt chỉ cho thấy một khía cạnh rất hẹp của mối tình này.
 
 Yêu sếp cũng không chỉ có nịnh bợ, dĩ nhiên chẳng cứ sếp mà đến chúng ta cũng còn thích được khen. Định nghĩa tình yêu, có lẽ đầy đủ nên gói lại trong ý nghĩa mềm dẻo, khi đầy khi vơi, phải biết đón ý mà lựa chiều thể hiện.
 
 Nếu yêu mà đã dễ, thì các nhà tâm lý với hàng nghìn trang sách tư vấn đã không có đất để tồn tại. Yêu sếp là kết quả của một quá trình tương tác chứ không phải là thứ sét đánh kiểu nhìn thấy nhau đã mê. Quan hệ với sếp là một cuộc chung sống để khẳng định giá trị của bạn. Sếp cũng như một vị giám khảo, tư cách của ta lắm khi phụ thuộc vào sự chấm điểm của vị này.
 
 Cái đích của dự án chưa chắc phải là bộn tiền thu về mà phải thể hiện được mong muốn, ý tưởng và giá trị của sếp trong đó. Biết bao nhân viên phải ra đi trong khi đang ăn nên làm ra đấy thôi, đơn giản là sếp muốn họ dù quý khách hàng đến mấy cũng không thể cao hơn tình cảm dành cho sếp.
 
 Đây thực sự là một quan hệ tế nhị, bạn thử soi mà xem, hôm nay khi thực hiện kế hoạch, bạn đã khéo léo gài câu "theo sự chỉ đạo của anh Trương giám đốc, chúng ta đã đạt được mục tiêu" bao nhiêu lần?
 
 Để nói xấu đồng nghiệp thì còn khó, chứ nói xấu sếp thì dễ vô cùng. Đơn giản là vì chúng ta kỳ vọng họ mang lại cho đời ta một cuộc sống ổn định, một sự đảm bảo lâu dài cho tương lai, nghĩa là như một người đang yêu đặt cược tình yêu vào sếp.
 
 Một khi như vậy, nhân viên chúng ta đương nhiên mang một mối bận tâm có màu sắc chiếm hữu, và phản ứng của chúng ta là muốn được đền đáp. Chúng ta có khác gì một đám vợ bé đầy hờn ghen khi ông chồng chung – sếp này tỏ ra thiên vị một kẻ nhất định hay luôn thi hành chính sách nụ cười mị dân cho tất cả.
 
 Bạn cần sự đặc biệt cho bạn cơ! Ôi chao, cái quan hệ như thế, cắt nghĩa đến tận cùng là một sự yêu đến vong thân. Đâu rồi cá tính và sự khẳng định độc lập của bạn?
 
 Nhưng rồi có độc lập, có dửng dưng mà đứng ngoài cuộc yêu chung ấy, chúng ta như những cung nữ dẫu có oán hàng nghìn khúc ngâm vẫn mơ ngày xe dê của minh quân ghé đến xơi bó cỏ của mình.
 
 Chúng ta phải nuôi cái tình yêu ấy, thắp một ngọn đèn chờ cái ngày đó, trừ khi bạn nhất định li dị vĩnh viễn với lang quân – sếp. Khi đó bạn sẽ khâu vá trái tim viên chức của mình, đặng một ngày đặt vào một tình yêu tương tự ở một nơi đầy hứa hẹn.
 
 Sếp ở đó sẽ lại là người khiến bạn nhiều phen thót tim, lắm ca choáng váng và đôi lúc muốn nổi loạn. Tình yêu thực ở đời cũng chỉ xoay vần quanh những trạng thái đó mà thôi.
 
 Chúng ta đều biết tình yêu bao giờ cũng tác động từ hai phía, nghĩa là ta có yêu sếp thì sếp cũng mới yêu lại ta. Cho dù ta có thầm thương trộm nhớ đi chăng nữa, cái sự yêu quý đó ắt có ngày minh chúa nhận ra, dẫu có chậm. Chứ nếu mà ghét, thì họ nhanh ngửi thấy lắm.
 
 Bởi vì yêu là một lẽ dĩ nhiên, một phẩm chất mang tính trung thành của dân văn phòng nên các sếp mặc nhiên quên phứt đi, chỉ đến khi cái cục ghét nó lồi lên trên mắt, trên thái độ của nhân viên thì lúc ấy bệnh đã ăn sâu vào đến tủy.
 
 Xét về mối hận không được đền đáp của nhân viên văn phòng chúng ta, có khác gì mối hận tình như phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc, đều chỉ vì không được đền đáp? Yêu mà hóa ghét thì dễ hơn là đã ghét như thế, yêu lại làm sao đây, thưa các sếp?
 

 Nguyễn Trương Quý

  
 

?  


Đỗ Tố Quyên – Nhân viên thiết kế Công Ty Wella Việt Nam


Nguyến Tuấn Long – Nhân viên kinh doanh Công ty Ngôi Sao Việt Nam 

Theo bạn, có nhất thiết phải bắt buộc "yêu" sếp không?

Không. Tôi tự đi lên bằng đôi chân của mình. Tại sao phải “bắt buộc” “yêu” lấy sếp khi mình không quá tệ?

 Nếu "yêu" theo kiểu bằng mọi cách lấy lòng sếp thì không nên. Nhưng trước tiên nếu mới đặt chân vào một công ty tôi sẽ ghi dấu ấn để sếp biết đến sự tồn tại của tôi.

 Dưới trướng các sếp không đứng chung chiến hào làm thế nào để “yêu” được cả bấy nhiêu sếp?

Tìm chiến hào an toàn nhất cho mình để tránh lửa đạn. Nếu cứ chạy theo để "yêu" từng sếp, tôi e không đủ sức.

Không yêu ai cả. Nếu các sếp không đồng quan điểm thì công việc không phát triển được. Trong trường hợp này tôi sẽ bỏ việc.

 Nên “yêu” sếp to hay chỉ cần “yêu” sếp ngay sát trên đầu mình là đủ?

 Sếp nhỏ có khi còn quan trọng hơn sếp to, vì đó là người phụ trách trực tiếp đánh giá năng lực của mình, mình có thể phát triển được không cũng chính là nhờ vào sự đánh giá đó.

Cũng tùy. Nếu công ty lớn kiểu như "group" thì sếp ở hàng vĩ mô. Trường hợp này nên gần gũi "sếp" nhỏ thôi. Dĩ nhiên, nếu có điều kiện nên "yêu" tất cả các sếp.

 
Với sếp khó "cưa", làm thế nào để tiếp cận?

  Với sếp công việc là trên hết, nên chắc chắn sẽ không cần những thợ cưa bằng "mồm".

 Tìm khe hở của sếp chăng? Tôi cũng từng ở dưới trướng một sếp có trái tim băng giá, băng chỉ tan khi tôi ghi điểm bằng công việc.

Đã bao giờ bạn "bắt" mình phải yêu sếp để tồn tại?

Tôi không bao giờ “bắt” mình làm điều đó. Đó không phải là cách duy nhất để tồn tại.

 Nếu nói không thì là nói dối. Tôi luôn muốn công việc của mình được phát triển, có cơ hội thăng tiến. Muốn "đường đi" của mình suôn sẻ thì sếp chính là người mở đường cho mình cộng với năng lực của chính bản thân.

 Làm việc ở môi trường mà ở đó ai cũng "yêu" sếp, dù sếp bạn hơi " chuối" – bạn có "bắt" mình phải yêu sếp theo phong trào?

 Tôi không sống cô lập. Nhưng nếu sếp “chuối” có lẽ mình cũng nên “chuối” một chút để thích nghi với môi trường… Biết đâu sếp "chuối" còn công việc không "chuối" thì sao?

Tùy thuộc vào vị trí của tôi, nếu tôi cảm thấy vị trí đó rất tốt, sếp đã tuyển tôi là tin vào năng lực của tôi thì ban đầu cứ "yêu" sếp đã. Tôi làm việc tốt có khi sếp lại "yêu" tôi thì sao?

 Ngược lại, bạn đến một công ty mới, tất cả nhân viên ở đó đều chống đối sếp, bạn sẽ…

Im lặng, bình tĩnh, vừa làm vừa tìm hiểu sự thật, "thức lâu mới biết đêm dài", sau đó tùy từng hoàn cảnh mà có cách ứng phó. 

Trong công việc, nếu tôi có cùng quan điểm với sếp, tôi sẽ đứng về phía sếp.

 Bạn và một đồng nghiệp khác cùng “yêu” sếp với một “tình yêu” như nhau, nhưng sếp lại cưng đồng nghiệp kia hơn…

Kiểm điểm lại bản thân. Cũng có thể tôi còn điều gì sếp không vừa ý chăng, sau đó áp dụng chiến thuật "mưa dầm thấm lâu". Nếu sếp là người biết nhìn nhận năng lực của nhân viên chắc chắn sếp sẽ "để mắt" tới tôi.

Có khi cách "yêu" của mình vụng quá!

 Bạn có nghĩ là "yêu" sếp, sếp sẽ "yêu" lại không?

 
Có thể. Tôi "yêu" sếp bằng hành động, bằng công việc thật hằng ngày lẽ nào sếp không "tính công"?

 Có thể có hoặc không, ở mặt này "tình yêu với sếp" giống tình yêu lứa đôi. Có thể tôi yêu đơn phương, có thể sếp là người kín tiếng. Cũng có những sếp không ưa nịnh, không đề cao những nhân viên lấy lòng sếp mọi lúc mọi nơi thì có "yêu" mấy sếp cũng không để mắt.

 Bạn đã bao giờ muốn làm cái gì đó cho bỏ tức sếp?

 Những lúc "sếp" hứa lèo, đưa ra nhiều chiến lược để tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tốt hơn nhưng là chỉ nói chứ không thấy thực hiện. Cũng vì thế mà tôi đã từ bỏ một công việc với mức lương hấp dẫn mà tôi là trưởng phòng được sếp rất tin cậy.

Chỉ ở mức độ tránh mặt thôi.

 Nếu không bằng lòng với sếp về công việc nên trao đổi thẳng thắn với sếp hay nuốt cục hận vào trong để dĩ hòa vi quý?

 Nếu được trao đổi thì còn gì bằng, nhưng dân thiết kế không khéo mồm. Cũng tùy xem sếp có rộng lòng đón nhận sự trao đổi đó hay không. Nhiều khi không nói ra được hết suy nghĩ, cục tức dồn lên mặt, ức chế không làm được việc. Mà nói ra sếp không hiểu ý càng ức chế hơn. Tốt nhất là hai bên chịu khó lắng nghe ý kiến của nhau.

 Không ai muốn giữ cục tức trong lòng cả, vì như thế sẽ stress lắm. Tôi luôn mong muốn sếp hãy cởi mở để trao đổi thẳng thắn với nhân viên những khúc mắc trong công việc, không nên áp đặt một cách cứng nhắc, sẽ không đạt được hiệu quả trong công việc – khi đó tôi có làm việc thì cũng không thoải mái vì còn ấm ức. Mà sếp thì cũng có thể vẫn giận tôi mà không khách quan đánh giá công việc chăng?


From the same category