Ngọc Đại: “Này tôi nhẫn nại rất điên...” - Tạp chí Đẹp

Ngọc Đại: “Này tôi nhẫn nại rất điên…”

Sống

Không biết với hàm ý gì, nhưng người ta thường nói: “Lập ngôn theo kiểu Ngọc Đại!”. Còn gã luôn luôn cười, ngay cả lúc mệt mỏi hay đang bực tức điều gì vẫn thấy gã toét ra cười “hê hê…” rất hồn nhiên. Gã cười dù thiên hạ gọi gã là đồ điên khùng, cứ quáng quàng, gấp gáp để đi trước thiên hạ, làm những chuyện khác đời. Thiên hạ tưởng gã khùng này không biết nhẫn, nhưng hóa ra gã cũng nhẫn nại lắm, nhẫn nại trong cái sự điên của chính gã

Người ta nói Ngọc Đại là gã điên, điên thế không hiểu gã có “nhẫn”?

Tôi thấy những từ đó thật tuyệt! Điên, khùng, dở… dù là gì đi chăng nữa thì thiên hạ cũng đã công nhận rằng tôi khác tất cả họ từ tiếng nói, cách lập ngôn rất… Ngọc Đại và chẳng lẫn với ai.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy bực mình, mà luôn vui vì điều đó. Còn nhẫn ư, Ngọc Đại biết nhẫn còn hơn những gì thiên hạ tưởng đấy!

Ngọc Đại mà lại biết nhẫn hơn người khác? Điều này hơi lạ đấy!

Tôi là người quá mới, quá hiện đại, nhưng cũng lại rất Việt Nam. Không phải ở cái khoản hút thuốc lào, uống trà đá đâu nhé, mà là cách sống.

Các cụ ngày xưa có hèn đâu, họ chưa bao giờ đắn đo quá lâu rằng nên hy sinh hay không. Nhẫn nại thì phải biết chịu đựng, tuy nhiên, chịu đựng đến một mức nào đó sẽ phải bùng nổ, nếu không thì nên đặt tên là hèn hạ.

Người ta luôn luôn phải nhắc lại những điều như: “nhẫn nại có thể ôm cả thế giới”, “nhẫn là từ bi” để mà răn dạy nhau hãy kiên nhẫn hơn nữa, hãy tha thứ và tha thứ nhiều hơn nữa.

Con người thật là tàn bạo và quái gở, tại sao cứ phải ép mình nhẫn nại khi không thích. Với tôi nhẫn nại đi cùng với niềm đam mê là một điệp khúc rất đẹp. Đây là điều khác biệt của tôi với thiên hạ.

Nhưng chưa bao giờ thấy anh “nhịn” để mà yên ổn chơi nhạc?

Nhịn nhiều chứ, nhưng chỉ nhịn khi thiên hạ chèn ép mình thôi, chứ chưa bao giờ chịu nhịn những nốt nhạc của tôi.

Như đợt Sao Mai Điểm Hẹn vừa rồi, tôi bảo Hà Linh là bài “Tiếc nuối” cô ấy hát rất hay, nhưng chưa đúng thời điểm, đừng tung ra vội, thế mà cô ấy vẫn chọn. Rồi vào đến Nha Trang, vừa hát mấy câu, người ta bắt dừng.

Tôi biết thừa lý do. Nếu là tôi hồi năm 2000 thì đã làm ầm ĩ vụ này lên, nhưng giờ tôi không để bụng nữa. Tôi cho là họ chưa hiểu, hoặc có hiểu nhưng quá ấu trĩ nên vẫn cứ làm.

Đấy, tôi chỉ nhẫn khoản đấy thôi, còn nhạc của Ngọc Đại thì không bao giờ nhân nhượng được, nó vẫn cứ trúc trắc, gập ghềnh không dễ thỏa mãn cái gu nhạc dễ dãi của người Việt Nam.

Xem ra Ngọc Đại đã “nhẫn” hơn rất nhiều, có thiệt lắm không?

Người đầu tiên chơi “nghệ thuật sắp đặt” là tôi. Cuộc chơi đấy kéo dài 12 đêm ở Nhà Hát Lớn, có những ngày 3 buổi diễn, tiền quá nhiều. Người tiên phong phát triển thể loại nhạc nhẹ cũng là tôi.

Ông bầu “xộp” nhất những năm 90 cũng là tôi. Dân trong nghề biết tôi là ai, họ nói: Ngọc Đại là người quá… oách.

Thế nhưng bao chương trình, bao dự định, bao lời hứa… rồi như mây khói… Tất cả như thể một phép thử cho lòng kiên nhẫn của tôi!

 

Ừ thì cứ cho rằng anh luôn đi đầu trong bất kỳ cuộc chơi nào, nhưng rốt cuộc thì lại gây đầy tai tiếng, trong khi địa vị chỉ là zero, chắc là do anh chưa đủ độ của sự nhẫn… nhịn rồi?

Ồ, biết thế nào cho đủ. Tôi cũng muốn được đa số công chúng biết đến lắm, nhưng có lẽ duyên chưa đủ. Mà chính người ta cũng chưa đủ nhẫn nại để nghe nhạc của tôi.

 Đa số mọi người đều muốn nằm im trong cảm giác an toàn, nên họ khó chấp nhận những gì quá mới.

 Nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên… thì không thể chê được, nhưng cũng đừng vì nó hay mà khép cửa lòng trước bất cứ thứ gì khác. Hãy có một thái độ mở khi thưởng thức, bởi vì nghệ thuật luôn luôn mới.

Ngọc Đại chơi với lớp trẻ rất nhiều, theo anh, những người trẻ trong giới nghệ thuật thời nay thế nào?

Tôi tin vào lớp trẻ, vì họ trong sáng, còn đầy đam mê với cuộc sống. Nhưng an phận và quá dễ dãi với chính bản thân mình là cái tôi không chịu được ở họ. Có lần tôi đọc phát biểu của Nguyễn Vĩnh Tiến, đại ý: Tôi viết nhạc không theo quy luật nào.

Nghe mà ngạc nhiên, như thể cậu ta viết một cái gì đấy mà cả thế giới này chưa biết. Còn Lê Minh Sơn, luôn khẳng định: Viết phải máu chảy da vàng, nhưng khi viết lại quá nhạt, tôi không nghe nổi, dù khi mới vào nghề, Sơn học ở tôi nhiều lắm.

Nhưng họ vẫn được nhiều người ưa thích, vì tiệm cận quá gần với quần chúng. Nhạc sĩ trẻ nói thì như thánh phán, làm thì ít, lại không chịu vận động, tư duy cổ lỗ, nhai đi nhai lại mãi những gì lớp trước đi đến mòn gót giầy.

Nếu nói nhạc sĩ có “gu” mới, ngang với thời họ đang sống chắc chỉ có Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Sơn X….

Đó là về nghệ thuật, thế tóm lại, Ngọc Đại “nhẫn” với điều gì nhất?

Chắc là đàn bà. Tôi chưa bao giờ bỏ ai cả, chỉ có họ tự biến mất mà thôi. Đối với tôi, đàn bà là rắn độc. Có vẻ nực cười, nhưng tôi mong manh lắm. Đổ vỡ và tôi khóc!

Thế còn vợ anh, cô ấy là người nước ngoài, nhưng làm vợ một người đàn ông như anh, cô ấy có “nhẫn” giống như phụ nữ Việt Nam không?

Có! Còn trên cả sự nhẫn nại! Và tôi chẳng thể nói gì ngoài việc công nhận điều này. Nhiều khi cô ấy không hiểu tôi, không hiểu những việc tôi làm, nhưng vẫn kiên trì. Khi ca sĩ Linh Dung tới đưa cho vợ tôi đĩa thu mới nhất của tôi, cô ấy đã khóc vì biết tôi làm quá oách!

 Lương Nguyên
Ảnh: Huson

 

 

Thực hiện: depweb

08/09/2007, 11:45