Việt Nga – Người “bị” mê nhiếp ảnh

Từng tung hoành với các “mega brand” (thương hiệu mạnh) như Armani, Polo… để có cảm giác mà chị miêu tả là “cảm giác chiến thắng của kẻ đã chinh phục được rừng già Amazon hiểm hóc; cảm giác vinh quang của một kẻ chỉ võ vẽ biết bơi đã bị quăng ra đại dương và cuối cùng đã sống, đã không bị chết chìm”. Cuối cùng, đang là “Bussiness Unit Manager” của Lancôme và dòng sản phẩm cao cấp của L’Oreal ở Việt Nam, chị quyết định dừng lại để "quẳng gánh lo đi mà vui sống"… Và việc đầu tiên chị muốn làm là chu du một chuyến lên Tây Tạng, một mình với chiếc máy ảnh.

Khi cầm chiếc máy ảnh trên tay, chị cảm nhận về bản thân mình thế nào?

Free mind and free spirit. Tức là thỏa sức sáng tạo, để tâm hồn bay bổng, không còn bị gò ép trong khuôn khổ nữa.

Vậy thì một cây cọ vẽ chẳng hạn, cũng có thể mang lại cho chị cảm giác ấy?

Bạn nói không sai đâu. Cách đây 7 năm, tôi từng đi học vẽ ở Đại học Mỹ thuật. Thật ra tôi có hứng thú với môn vẽ từ hồi còn học phổ thông và đã có ý định thi vào ngành mỹ thuật, nhưng lúc đó ba mẹ định hướng và khuyên tôi nên theo ngành kinh tế, vì nó có thể là một nghề nuôi sống mình tới hết đời.

Tới khi đi làm, tôi nghĩ đã đến lúc thực hiện ước mơ của mình, vậy là tôi đăng ký một lớp học vẽ. Có điều đi làm về mệt mỏi, không còn sức để theo lớp nữa. Nghĩ mãi, tôi quyết định chuyển qua chụp hình.

Nghe như một sự "đưa đẩy"?

Về mặt nào đó thì như vậy. Nhưng khác hội họa, với nhiếp ảnh, tôi có thể tìm kiếm, học hỏi trên mạng, chủ động được thời gian chứ không bó buộc như học vẽ.

Có thể hiểu rằng với chị, nhiếp ảnh như một hình thức khác của hội họa, nói đơn giản là vẽ bằng ống kính?

Đúng thế.

Chị nói mình chơi ảnh nghiệp dư nhưng hình như các thành viên kỳ cựu của nhóm nhiếp ảnh Tp.HCM đều biết chị?

Tôi tham gia box nhiếp ảnh ở diễn đàn TTVN từ những ngày đầu với nick Marketing Master vì khi đó tôi đang là mod của box marketing. Hình như tôi là thành viên nữ đầu tiên của nhóm.

Lần đầu offline chỉ có khoảng 7 người mà chỉ mình tôi là nữ. Bây giờ thì thành viên nữ không phải “của hiếm” nữa rồi. Tôi cũng hay tham gia giao lưu với mọi người, trao đổi về máy móc, đam mê…

Nhưng sau này nhóm chuyển sang vnphoto, rồi số thành viên lên quá đông, tới hơn 10.000 người, tôi không tham gia sinh hoạt và cũng không thể biết hết mọi người được nữa.

Chị thấy mình là một thành viên hay một kẻ dạo chơi?

Khi nhóm nhiếp ảnh mới thành lập, tôi là một thành viên thực sự. Nhưng sau này lại thành kẻ dạo chơi.

Chị đã bao giờ triển lãm hay giới thiệu với công chúng những bức hình của mình chưa?

 

Tới lúc này thì chưa. Lúc còn làm ở L’Oreal, một bà sếp bên Paris sau khi xem những bức ảnh đen trắng tôi chụp ở Đà Lạt đã khuyên tôi nên mở một cuộc triển lãm ở Paris.

Nhưng ngày đó bị cuốn vào công việc, không còn thời gian nghĩ tới nữa. Bây giờ rảnh rỗi rồi, có thể tôi sẽ tổ chức triển lãm ở Đức, quê hương của chồng tôi.

Tôi muốn chọn những kiến trúc Việt Nam có dấu ấn thời thuộc địa Pháp cho cuộc triển lãm đầu tiên đó.

Vậy là chị sẽ làm một chuyến du hành Hà Nội cho triển lãm này?

Không, tôi sẽ lên Đà Lạt. Với tôi, Đà Lạt có vẻ mong manh, mềm mại hơn.

Theo chị, sự khác nhau giữa một người bấm máy đơn thuần, và một người đam mê nhiếp ảnh là gì?

Chụp hình thôi chưa đủ, người ta còn phải truyền tải được suy nghĩ, nhận xét của mình về những nơi đã đi qua. Đằng sau mỗi bức ảnh là cả một nền văn hóa, hay là sự chuyển mình của đất nước.

Hình của chị chụp rất nữ tính, màu sắc, những con côn trùng, những món ăn… Chị thể hiện những gì trong đó?

Qua món ăn, tôi muốn thể hiện văn hóa của những nơi tôi đã đi qua. Ví dụ đến Ý, vùng Tuscan, ai cũng nói phải ăn “T-bone steak”, tôi vác máy đi chụp T-bone steak ở nhà hàng nổi tiếng nhất Florence. Sau đó tôi tìm thêm thông tin để hiểu tại sao món ăn đó lại trở nên nổi tiếng như vậy.

Còn thế giới của những con côn trùng lại đầy màu sắc bí ẩn, mà bình thường ít ai phát hiện ra. Như con bọ rùa, lúc nào cũng có 7 chấm đen trên cơ thể, nhưng không con nào giống con nào ở những chấm đen đó.

Tôi rất thích những buổi sáng sớm, trời nắng trong, cầm ống macro trong tay, và lăn lê, chui lủi vào các bụi hoa để tìm ra các loại côn trùng khác nhau, khám phá thế giới đầy bí ẩn của nó.

Nhiếp ảnh có phải là nơi giúp chị giải tỏa căng thẳng mà công việc mang tới?

Nhiều người thường chọn một môn giải trí để giảm căng thẳng. Tôi thì khác. Những lúc căng thẳng, tôi thường tìm sự chia sẻ ở người bạn đời. Còn khi đi nghỉ, chụp hình thì đầu óc phải thật sự nhẹ nhàng, trống rỗng. Nhưng nhiếp ảnh giúp tôi rất nhiều trong công việc.

Khi nói đến mỹ phẩm thì câu cửa miệng là “sense of beauty”, tức là phải có khiếu thẩm mỹ và khái niệm về cái đẹp. Nhiếp ảnh đã giúp tôi phát triển một chút “sense of beauty”.

Khi nhìn một mẫu quảng cáo, một mẫu thiết kế, tôi có thể chỉ ra cần thay đổi ra sao để phù hợp với thương hiệu.

Một vị trí tốt, một người chồng, một cô con gái, và một chiếc máy ảnh, chị có thấy mình có quá nhiều thứ để quan tâm? Chị phân chia thời gian ra sao?

Tôi không thể phân chia được. Khi có một vị trí tốt trong công việc, thì cô con gái Viviane của tôi lại bị thiệt thòi nhất. Nhiều khi buổi sáng Viviane đi học thì tôi chưa ngủ dậy, khi đi làm về thì Viviane đã lên giường ngủ.

 Hai mẹ con ở chung nhà mà nhiều lúc 4 ngày không gặp nhau. Tôi chỉ còn cách bù đắp vào những dịp nghỉ lễ, cả nhà đi nghỉ, lúc đó là khoảng thời gian dành cho gia đình và thú vui chụp ảnh.

Có vẻ như với chị, công việc được ưu tiên?

Tùy thời điểm thôi. Như lúc này, tôi quyết định nghỉ việc cũng vì vậy. Cách đây một năm, công việc được ưu tiên vì lúc đó tôi đã cam kết sẽ xây dựng cho thương hiệu của tập đoàn thành số một ở Việt Nam, nên phải làm việc liên tục để giữ cam kết của mình.

Sau một năm đó, tôi lại hứa với con gái và chồng là dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nên tôi chấm dứt vị trí mà nhiều người mơ ước.

Nhưng rồi chị lại đang có những dự tính khác cho việc kinh doanh. Liệu có phải chị tự mâu thuẫn với chính mình?

Không đâu. Vào thời điểm này, gia đình vẫn là số một. Tôi dồn tâm huyết cho việc kinh doanh nhưng dự định chỉ thực hiện ở quy mô vừa hoặc nhỏ và kết hợp cùng vài người bạn.

Sẽ không còn cảnh về nhà lúc 10 giờ đêm, cơ thể và tâm trí rã rời nữa.

Chị từng thực hiện cho nhãn hiệu mình phụ trách một phim quảng cáo mà kịch bản có cảnh một cô gái đánh bi-da trong quán bar, và nhạc nền là bài "I will survive" của Gloria Gaynor. Rất nhiều người nhận xét đoạn phim đó giống chị quá. Cụ thể là “giống” ở điểm gì?

Là phong cách sống, cá tính, và có thể là cả con người nữa. Có thể bạn sẽ gặp tôi đánh bi-da cùng chồng ở Vasco Bar chẳng hạn.

Thử tưởng tượng, nếu lấy một người chồng khác, chị có thể có điều kiện rong ruổi với chiếc máy ảnh như hiện nay không?

Tôi nghĩ, khi quyết định kết hôn, tức là lấy người sẽ theo mình đến suốt cuộc đời, nên phải chọn người thật sự yêu thương mình. Yêu tức là hy sinh, biết chấp nhận, là phải phù hợp với nhau về quan điểm sống, cách sống, như những mảnh ghép khớp nhau để tạo thành một gia đình hoàn thiện.

 Có một điều thú vị là bố chồng tôi cũng rất mê nhiếp ảnh. Khi còn trẻ, ông đã đạt được vài giải thưởng về nhiếp ảnh dành cho người không chuyên, trong đó có tấm hình ông chụp ba người con.

Rồi khi lớn lên, chồng tôi cũng thừa hưởng điều đó – trở thành một doanh nhân mê nhiếp ảnh. Có lần tôi được chiêm ngưỡng bộ đồ nghề hoành tráng của chồng, ham quá, thế là bắt đầu cuộc “chạy đua vũ trang” với chồng về thiết bị.

Gia đình – Sự nghiệp – Niềm đam mê, theo chị làm sao để cân bằng giữa những mối quan hệ đó?

Rất khó để có thể tìm được điểm cân bằng trong cuộc sống, giữa gia đình, sự nghiệp và niềm đam mê. Tùy vào thời điểm, mình phải biết ưu tiên cái gì, đâu là điểm dừng ở mỗi cuộc đua và thoát khỏi nó.

Tôi may mắn vì gia đình và niềm đam mê nhiếp ảnh luôn đồng hành cùng nhau, chứ không phải hai thái cực đối lập.

Hình như cô con gái 6 tuổi của chị cũng có một cái máy ảnh riêng?

Cháu cũng có một cái máy ảnh kiểu du lịch đơn giản (point and shoot), nhưng vẫn khoái dùng máy Nikon của mẹ. Mỗi khi đi chơi, cháu đều ôm máy ảnh và bắt bố mẹ làm người mẫu.

Tôi cũng không biết cháu có ý thích chụp ảnh từ bao giờ. Có lẽ cháu muốn theo hình ảnh của mẹ.

Người ta thường nói không ai có cuộc sống trọn vẹn, nhưng dường như chị đang có đầy đủ những gì mà người khác mơ ước. Chị có lo sợ những gì mình có chỉ là mong manh?

Tôi không nghĩ nó mong manh, vì tôi hoàn toàn tin tưởng là mình có đủ bản lĩnh để hiểu chuyện mình đang làm và kiểm soát được cuộc sống.

Tôi biết cách làm cho cuộc sống của mình không phải là những đường thẳng đơn điệu, mà là những đường cong lên xuống, cuộc sống của tôi như một đồ thị hình sin vậy.

 Vũ Thủy

 


From the same category