Sức khỏe đàn ông - Tạp chí Đẹp

Sức khỏe đàn ông

Làm Đẹp

Rửa mặt thì lâu, gội đầu thì chóng

Hói – chiếc “đầu trọc lông lốc bình vôi” – thật khó cho người gặp lần đầu đoán tuổi, hay ít ra cũng bắt người ta cộng thêm từ 10 tuổi nữa đổ lên. Vả lại, chiếc đầu hói mấy khi làm người ta “đẹp chai” lên, vì chả cứ phụ nữ mà nam giới thì câu “cái răng cái tóc là gôæc con người” vẫn cứ đúng.

Trong lứa tuổi 20, khoảng 20% các chàng trai bị hói ở các mức độ khác nhau. Lớn tuổi lên, sự suy nghĩ, lo toan, từng trải cũng làm tóc rụng dần, đến lứa tuổi 50 thì đúng một nửa số đàn ông đã rơi vào trạng thái “rửa mặt thì lâu gội đầu thì chóng” rồi.

Chục năm sau nữa, tham gia Hội người cao tuổi, cái ngoại hình đặc trưng đã là “bụng to, trán hói, ăn nói khề khà…”. Chú ý là 20% các bà các cô cũng hói, nhưng họ đau khổ mà ngụy trang khéo léo bằng tóc giả. Vậy mà “Hói học” chẳng được mấy người quan tâm.

Vừa đây có một nhà nghiên cứu Mỹ là Kevin McElwee đã làm một luận án tiến sĩ về một quy trình công nghệ mang lại mái tóc cho những người bị hói và khẳng định chỉ một thập kỷ sau, các thao tác sẽ đơn giản đến mức nó có thể thực hiện tại bất cứ Viện thẩm mỹ nào, và “ai không muốn hói thì sẽ không bị hói nữa”, trừ các vị giáo sư đạo mạo cứ nghĩ “cái đầu hói tạo nên một vị trí thức”.

Kenvin McElwee 34 tuổi, tóc rất dày vốn là một nhà sinh học và miễn dịch học, có một bằng tiến sĩ rồi, nhưng tình nguyện chuyển sang làm một “nhà hói học”. Ông đã phát hiện ra nguyên nhân rụng tóc.

Đó là hai loại tế bào CD4 và CD8. CD4 gây rụng tóc lác đác, không tập trung vào vùng nào và CD4, làm rụng tóc có hệ thống.

 Kevin McElwee đang tìm ra những loại thuốc ức chế hoạt động của hai loại tế bào này. Trước mắt, ông hoàn thành quy trình cấy ghép tóc của mình đã.

Theo quy trình của Mc Elwee, người ta lấy một số nang tóc (hair follicle), phần “sống” của một sợi tóc, nằm ở chân tóc, trong lớp da đầu làm “hạt giống” để nhân ra. Từ đó, tiến hành “nhân giống” trong phòng thí nghiệm rồi sau đó cấy vào da đầu.

 Chúng sẽ phân bào, tạo ra những nang mới, mọc lên những sợi tóc mới, cộng lại thành bộ tóc mới. “Nhân giống” nang tóc thuộc “bí mật sản xuất” của Mc Elwee.

Theo ông chỉ cần bạn còn 10 sợi tóc là có thể tạo ra hàng vạn nang tóc, mọc thành hàng vạn sợi tóc, và tiến tới một số lượng không hạn chế.

Một tin vui khác cho người hói là: một nhà khoa học Bỉ, là Willemsen, Trường ĐH Vrije Universiteit Brussel cũng vừa tuyên bố thành công trong việc chữa hói bằng… thôi miên.

 Ông cho rằng hói là một bệnh tự miễn dịch, xuất hiện do nhiều yếu tố khác nhau, trong số đó có stress và các sang chấn tâm lý. Do vậy, tìm cách chữa từ nguyên nhân thần kinh.

 Ông đã điều trị cho 21 bệnh nhân, mà số tóc bị rụng là trên 30%, không thể chữa được bằng mọi thứ thuốc hiện có. Việc trị liệu tiến hành một lần trong ba tuần trên một thiết bị làm người ta có cảm giác ánh nắng xói vào đầu.

Sau ba tuần, cả 21 người đều khỏi. 12 người có 72% diện tích da đầu mọc tóc, 9 người còn lại hết hói hoàn toàn. Họ trẻ lại đến nỗi người thân còn không nhận ra. Đã thế, hiệu ứng phụ lại rất tốt. Những tâm lý tiêu cực biến mất khi tóc mọc dài ra. Tâm lý sợ hãi, dễ nổi nóng và hằn thù giảm hẳn.

Theo GS Willemsen, nguyên nhân làm mọc tóc là phương pháp thôi miên kết hợp với thiết bị đã đẩy mạnh sự tuần hoàn máu trên da đầu, đồng thời có sự thay đổi nào đó trên hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, chính nhà phát minh lại là người bi quan. Ông cho rằng phương pháp thôi miên chỉ là liệu pháp phụ, không định lượng được các tiêu chí, do vậy, không phải thầy thuốc nào cũng chữa được hói.

     Theo News-Medical.net và Pravda.ru

Ăn cá no lâu

Khi mời nàng đi ăn và các chàng không biết phải ăn gì để có thể giữ phom mà không phải chọn những món rau củ quả, hãy nghĩ đến món cá!

Những nhà nghiên cứu tại Thụy Điển đã phát hiện ra rằng những người dùng cá trong bữa trưa có nhu cầu tiêu thụ số calo ít hơn 11% trong bữa tối so với những người dùng thịt bò trong bữa trưa.

Điều thú vị là cả hai loại thịt này đều chứa cùng một lượng calo, protein, chất béo và hydrát cácbon. Theo các nhà nghiên cứu thì loại protein (chất đạm) có trong thịt cá mất nhiều thời gian để tiêu hóa hơn protein trong thịt bò và thịt gà.

Chính vì vậy, khi bạn dùng bữa trưa, hãy chọn món cá để no lâu hơn và có thể giúp bạn kiềm chế được bản thân trong bữa tối.

Stress gây “hảo ngọt”

Theo những nhà nghiên cứu tại trường Đại học Montclair State ở New Jersey, stress sẽ khiến cho bạn thèm của ngọt hơn mức bình thường.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành theo dõi hành vi của hai nhóm người – stress và không stress, sau khi đưa cho họ bốn loại thức ăn: khoai tây "chip", đậu phộng, nho và kẹo ngọt. Kết quả thu được cho thấy lượng "tiêu thụ" khoai tây "chip" và đậu phộng của cả hai nhóm là giống nhau.

Nhưng ở nhóm stress, lượng "tiêu thụ" nho ít hơn 4 lần và lượng "tiêu thụ" kẹo ngọt lại nhiều hơn gấp 5 lần so với nhóm không stress. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, đường trong các loại kẹo ngọt sẽ làm sản sinh ra serotonin – một chất gây hưng phấn, trong não của bạn.

Tuy nhiên, sau khi nhóm stress nạp vào một lượng lớn kẹo ngọt như vậy thì sự hưng phấn mà serotonin đem tới cũng không kéo dài được lâu.

Để giảm stress, bạn nên dành thời gian tập thể dục ít nhất 2 giờ đồng hồ trong một tuần – khoảng 17 phút mỗi ngày – sẽ giảm thiểu được 61% nguy cơ bị stress so với những người lười vận động.

 Theo MH

 

 

Thực hiện: depweb

14/09/2007, 11:36