Nhạc sĩ Phạm Duy hẹn tôi ở tư gia. Mất hai tiếng đồng hồ lạc đường tôi mới tìm ra ngôi nhà của ông nằm trong khu phố khá yên tĩnh của quận 11. Trong lúc ngồi chờ, tôi được yết kiến không phải một, mà nhiều… bức tượng của ông. Rồi ông già 88 tuổi xuất hiện với mái tóc trắng như cước. Thấy cặp mắt quan sát của tôi, ông già đoán trước câu hỏi nên nói ngay: “Đó là tượng người ta tặng tôi, chứ tôi không khoe mẽ đến vậy”. Cuộc trò chuyện của chúng tôi đứt quãng nhiều lần, nhưng mỗi lần đứt quãng là một cánh cửa của Phạm Duy lại hé mở ra…
Yêu người tình, tôi không giấu vợ
"Vì Phạm Duy quá yêu cái tôi của mình, với sự phóng túng sẵn có trong tâm hồn, nên các sáng tác rất hay, rất nghệ thuật, mà không bị rào cản bởi những khuôn khổ, mục tiêu của thời đại". Đây là một trong rất nhiều nhận định về nhạc sĩ, nó có chính xác không?
Không phải phóng túng mà là cá tính. Người nghệ sĩ phải có cá tính. Tôi chọn cá tính của tôi, chứ không phải tôi yêu cái tôi. Vì cái tôi của tôi cũng không đáng yêu lắm đâu. Nhưng tôi yêu cá tính và chủ trương sống cá tính.
Cá tính của nhạc sĩ thể hiện ở đâu trong cuộc sống?
Tôi là người không giấu giếm cái gì, trong phạm vi chính trị hay nghệ thuật. Khi chiến tranh, tôi làm bài "Thu chiến trường", nhưng là thu hòa bình chứ không xưng tụng thu chiến tranh, người lính vỗ súng ngâm thơ chứ không phải ôm súng bắn giặc.
Hay cái thời của tôi, người nghệ sĩ bị xã hội khinh, bị gọi là cầm ca vô loài, vậy mà tôi dám bỏ tên Cẩn (tên gốc là Phạm Duy Cẩn), rồi bỏ nhà đi theo gánh hát, nghĩa là tôi không cần dư luận rồi, trong khi gia đình tôi là gia đình quyền quý, ông cụ tôi là nhà văn Phạm Duy Tốn có tiếng.
Mà hay lắm nhé, bố tôi là Tốn, anh tôi là Khiêm, là Nhường, tôi là Cẩn. Người ta hay nói nghệ sĩ bừa bãi, nhưng tôi cẩn thận lắm. Ví như ngày xưa nghệ sĩ mình thường hay bắt chước, hay uống rượu, hút thuốc, ra ngoài thì nói "một tấc đến trời", còn tôi gần 90 tuổi rồi, nhưng không uống một giọt rượu, không hút một điếu thuốc nào. Còn đàn bà ư? Ai chẳng mê, nhưng tôi hết rồi, 70 tuổi là nghỉ rồi!
Còn vấn đề "yêu mình" thì sao, thưa nhạc sĩ?
Tôi không chỉ yêu mình, mà tôi yêu đời, yêu người và yêu mình. Nó như kiềng ba chân, lúc nào cũng dựa trên ba điểm đó. Yêu đời không yêu mình không được, mà yêu mình không yêu người cũng không được.
Cũng giống như tôi rất yêu nghệ thuật, tôi cũng yêu vợ, nhưng không phải tôi yêu vợ mà bỏ nghệ thuật, và có lúc tôi phải có người tình chứ, nó như chân kiềng thứ ba. Tôi sống dựa trên ba nguyên tắc đó, và ba cái đó phải ngang nhau.
Tôi biết, nhiều người yêu người tình không dám nhận, còn tôi chẳng sợ, tôi cũng không giấu vợ. Tôi nói rằng, em là vợ, còn người tình phải có, có người tình mới sáng tác được.
Tôi làm hai bài hát cho vợ, chứ ông Văn Cao (cố nhạc sĩ Văn Cao) có làm bài nào khen bà Thúy Băng đâu. Chỉ có ông Vũ Ngọc Phan viết hồi ký khen vợ, còn tôi khen từ đầu chí cuối, tôi nói không có bà vợ đó thì không có tôi – nhạc sĩ. Lúc nào tôi cũng khen bà ấy.
Nhạc sĩ có nghĩ những bài hát khen vợ chẳng nghĩa lý gì so với sự ích kỷ của người đàn ông yêu vợ và yêu cả người tình?
Không, làm sao ích kỷ được. Quan niệm cuộc đời nhìn rõ lắm. Tôi nói cho bà (cách nhạc sĩ Phạm Duy gọi tôi – người viết) nghe, đến Diana, cô vợ của ông Hoàng bên Anh vẫn ngoại tình, chứ đừng nói chuyện ông ấy ngoại tình.
Con người là thế, chuyện đó thông thường quá, nhắc đến mọi người lại cho là mình khoe. Tôi không bị mặc cảm một tí nào cả. Ai nói chuyện đó đúng thì tốt, bảo chuyện đó không đúng cũng không sao.
Đó là quan niệm của người ta, còn quan niệm của tôi khác. Chứng cớ là tôi vẫn sống đến ngày hôm nay. Trong gia đình tôi không có cái bát, cái đĩa nào bị vỡ cả.
Bát đĩa không vỡ, có thể vì đức hy sinh của người phụ nữ quá lớn?
Tôi cũng hy sinh chứ. Tôi không hy sinh cho bà Hằng (bà Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy), thì tôi đã bỏ bà Hằng để lấy người tình của tôi.
Nhưng tôi không bỏ bà ấy được. Người phụ nữ chấp nhận những người tình, đó là cái hay. Còn cuộc đời chỉ có đồng thuận hay không đồng thuận thôi.
Có vẻ như người tình là những chương dài bất tận trong cuộc đời nhạc sĩ?
Nếu tôi chết đi, các con tôi sẽ kể lại cho nghe tôi có bao nhiêu cuộc tình. Các con tôi biết hết, vợ tôi cũng biết. Trước khi chết bà ấy còn nói với các con: "Chuyện của bố mày tao biết hết, tao để cho bố mày làm vì nghệ thuật".
Vậy làm sao nói tôi ích kỷ được, cái đó là sự đồng thuận với nhau. Gia đình tan nát do yêu người tình hơn vợ thì người vợ phải ghen thôi. Còn tôi, yêu người tình có khi chỉ yêu cái bóng thoảng qua, chứ chưa chắc đã chạm vào đôi chân của họ.
Liệu nhạc sĩ có "chay tịnh" được như thế không?
Tôi nói cho bà nghe, chưa ai sướng bằng tôi. Sướng ở cái nghĩa người ta lao tới, và không bao giờ quên được nhau. Đôi mắt bao giờ cũng còn đuôi, không bao giờ hận tình.
Chữ "hận" không tồn tại, kể cả khi "người tình bỏ ta đi"?
Gặp một người tình, tôi không nói sống sượng đâu, nhưng người ta cũng hiểu ngay: không phải ông này bỏ vợ theo mình đâu. Nhưng tính người ta phóng dật hơn tôi – chứ không phải phóng đãng nhé, vì phóng đãng, phóng túng là dở rồi.
Tôi nói phóng dật, hiểu theo nghĩa là người hết sức dễ dãi với cuộc đời, không bị đóng khung lại.
Trong các người tình của nhạc sĩ, có người tình lớn nào không?
Thôi. Đừng bắt tôi phải kể chuyện đời tư. Chắc chắn phải có rồi! Ai là người tình lớn của tôi nhiều người biết lắm, nhưng ở Việt Nam khó biết. Nhưng không nên nói vì hiện nay người đó còn sống, có chồng có con rồi.
Nhạc sĩ không cần nói tên, nhưng hãy nói về hình ảnh người tình đó đi!
Bây giờ bà muốn, tôi cho bà xem tập thơ bà ấy gửi cho tôi. Ngày sinh nhật của tôi bà ấy còn cắt tóc tặng tôi, tôi vẫn còn giữ. Nhìn ảnh, bà có thể ngất ngay vì bà ấy đẹp quá!
Nhạc sĩ cho cháu xem ảnh của bà ấy được không?
Bà có muốn xem không, tôi cho xem ngay. Nhưng đừng nói cho ai biết cả.
Và tôi theo bước Phạm Duy vào căn phòng riêng của ông. Có vẻ như tất cả tài liệu của người tình đều được ông để trong ba cái máy tính cá nhân cùng nối mạng với nhau.
Điều đầu tiên gây ấn tượng với tôi là Phạm Duy dùng máy tính rất chuyên nghiệp. Tôi thắc mắc ngay và ông nói: "Người ta gọi tôi là ông già hi-tech. Vì không những dùng máy tính giỏi, mà tôi còn biết dùng nó từ những năm 80. Ông mở máy, rồi vào rất nhiều thư mục khác, cuối cùng là một thư mục có tên "NGƯỜI TÌNH", thư mục này có vẻ là "tuyển tập" các người tình của ông.
Phạm Duy cho tôi xem bức thư và tấm bưu thiếp bên một mớ tóc hãy còn xanh. Tất cả đều được… dụng lại và lưu trong thư mục này.
Rồi tôi được xem bức ảnh của người phụ nữ ấy – người tình lớn của ông. Tôi không đến nỗi "ngất" như Phạm Duy “cảnh báo”, nhưng quả thực đó là hình ảnh của một cô gái trẻ (bây giờ tôi phải gọi bằng bà) rất đẹp với gương mặt cá tính, đặc biệt là đôi mắt rất to và cặp môi đầy đặn, biểu hiện cho sự gợi cảm.
Còn vóc dáng, phải nói ngay rằng, cô gái trẻ đương thời nào cũng mơ ước có được thân hình của người phụ nữ này. Tôi ngỏ ý xin Phạm Duy chụp lại một vài bức ảnh của giai nhân đó, nhưng ông không cho, nhất quyết không cho!
Vì sao nhạc sĩ lại tạo ra một thư mục về những người tình như vậy?
Câu trả lời sẽ thỏa chí tò mò của người đọc đấy, nhưng tôi không thích! Tôi nghĩ đó là chuyện riêng tư. Hiện nay nó vẫn là chuyện riêng tư, bởi vì tôi chưa chết, để khi tôi chết thì thoải mái tìm hiểu. Rồi các con tôi sẽ khai thác, sẽ biến nhà này thành nhà lưu niệm chăng?!
Nhạc sĩ có tư tưởng cũ quá?
Không. Chuyện này không khéo thành ra trò chơi. Chuyện của mình hết sức cao quý, nhưng quan niệm đối với người tình vẫn còn khắt khe lắm. Tôi về đây, người ta còn xúm lại "đánh" tôi về chuyện tôi có nhiều người tình. Họ còn đồn tôi lấy phụ nữ 20 tuổi nữa cơ.
Sao người ta không đồn nhạc sĩ có người tình 40 tuổi, mà cứ phải 20?
Thì thế nên tôi mới cải chính, tôi nói: quý vị nói người tình của tôi 20 tuổi là quý vị sai rồi, người tình của tôi mới 18 tuổi thôi. 20 tuổi đối với tôi già quá rồi. Nhưng đó là tôi nói cho vui, nói theo một nghĩa khác.
Hình như thời gian không thể đụng chạm đến cách yêu của nhạc sĩ, nhạc sĩ vẫn luôn thích những cô gái trẻ, kể cả khi nhạc sĩ đã già?
Phụ nữ ai cũng đáng quý như nhau. Nhưng dùng theo nghĩa văn chương, thì phụ nữ trẻ vẫn "thơm ngon" hơn. Và đàn ông, không chỉ riêng tôi, bao giờ cũng thích phụ nữ trẻ.
Càng già thì càng yêu người trẻ. Nói về phương diện y học, giữa hai người đàn bà, sẽ chọn người trẻ, vì người già là người thiếu âm. Nếu gặp người nữ cũng già như mình thì thành già quá!
Thưa nhạc sĩ, với khoảng cách tuổi tác liệu có tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn?
Tôi quan niệm tình yêu đẹp lắm. Người nam và người nữ yêu nhau mới có cuộc đời, còn nếu không yêu thì tuyệt giống từ lâu rồi. Không phải dân Việt Nam từ 24 triệu người lên gần 100 triệu như bây giờ. Tôi là người yêu sự sống, và với tôi, sinh ra cuộc đời này là người đàn bà, thành ra phải quý trọng.
Hãy biết mình già
Nhạc sĩ có nói mình “nghỉ yêu” năm 70 tuổi. Vậy là người đàn ông đào hoa vẫn không cãi được quy luật của đời người. Thưa nhạc sĩ, cái lúc 70 tuổi đó, ông có bị sốc không?
Không sốc gì cả, tôi thấy hết cả rồi, vì tôi học rộng, đi nhiều, chuyện nhảm nhí kia hết rồi, xong rồi. Trước đây, khi đang làm việc, một người đẹp đi qua, tôi có thể bỏ công việc chạy theo luôn.
Còn bây giờ thì thôi, không chạy theo nữa. Lúc bấy giờ là những băn khoăn về siêu hình nổi lên. Tại sao lại phải chết, tại sao có cái này, tại sao có cái kia, tại sao có ngôi sao…?
Nhạc sĩ băn khoăn về cái chết như thế nào?
Thay bằng câu trả lời, Phạm Duy cho tôi nghe nguyên một đĩa nhạc (xin lưu ý là đĩa nhạc này vẫn chưa xin phép phát hành ở Việt Nam) xoay quanh chủ đề đi vào cõi vĩnh hằng của con người.
Cả tôi và ông cùng nhâm nhi đĩa nhạc trong không gian thiền của buổi sáng tinh khôi. Dù là người sáng tác, nhưng Phạm Duy thưởng thức say sưa hơn cả tôi. Nghe xong đĩa nhạc, câu đầu tiên tôi hỏi Phạm Duy là:
Lúc này, nhạc sĩ có sợ chết không?
Tôi không sợ một chút nào cả. Trong đĩa này, có những bài tôi sáng tác 20 năm nay. Tôi nhìn thấy cuộc đời là thế rồi. Chết là cái đích cuối cùng của đời mình chứ không phải danh vọng tiền tài.
Nhiều người lúc chết không biết mình mang được cái gì đây, hay mình bỏ cái gì đây. Còn tôi không phải triệu phú, tôi không thấy gì quan trọng cả.
Cuộc đời nhạc sĩ cũng từng trải qua một cơn bạo bệnh, những tưởng đã bước một chân vào con đường vĩnh hằng?
Tôi phải mổ tim, phải thay hết huyết quản. 5 con đường để máu đi ra và đi vào tim tôi bị nghẹt hết, bác sĩ phải lấy gân ở dưới chân để nối lên trên tôi mới sống được. (Nói đến đây, nhạc sĩ Phạm Duy vén áo cho tôi xem các vết mổ chằng chịt ở ngực và một vết mổ dài ở chân). Người ta như thế 5 năm là chết, còn tôi được hơn 7 năm nay, vì tôi uống thuốc kỹ lắm.
Từ cõi chết trở về, tâm trạng của nhạc sĩ thế nào?
Buổi sáng hôm đó tôi thấy đau ngực, buổi chiều họ đã “đè” tôi ra để mổ. Tỉnh dậy, tôi phải tập đi một tháng. Còn tâm hồn thì tôi thấy rất sảng khoái, thấy mình khỏe, ăn được ngủ được. Còn trước kia tôi ăn không ngon ngủ không yên, thỉnh thoảng thổ huyết, mà mỗi lần như thế ra cả bát máu. Giờ thì hết rồi.
Bây giờ, nhạc sĩ muốn thọ thêm bao lâu nữa?
Thế này là thọ quá rồi. Còn muốn ư? Tôi muốn thọ thêm 200 năm nữa. Vì 100 năm đối với tôi vẫn còn ít quá. Tôi ham sống lắm, nhưng tôi không sợ chết. Tôi luôn bình tĩnh. Giá trị của tôi là: không có một ngày nào tuyệt vọng, dù tôi cũng khổ như người ta.
Cháu vẫn muốn quay về đề tài phụ nữ: bây giờ nhạc sĩ còn người tình không?
Đừng hỏi đời tư nữa!
Nhưng làm sao “đừng” trước một kho đầy ăm ắp những câu chuyện?
Tôi chỉ hé một chút bí mật, đó là đợi đến khi tôi chết, chứ lúc này tôi vẫn phải giữ đời tư.
Nhạc sĩ vẫn còn người tình?
Vẫn còn người tình. Nhưng không nói cho ai biết.
Nghĩa là nhạc sĩ vẫn không ngừng yêu phụ nữ?
Vẫn yêu. Trông thấy phụ nữ đẹp tôi vẫn chạy theo, chỉ chạy theo thôi nhưng không dám mở miệng. Người già như tôi vẫn biết yêu phụ nữ, cũng dám lắm, nhưng nhiều khi ngượng. Già rồi, thôi! Mà người Pháp cũng có câu: Hãy biết là mình già!
Dương Thúy |