“Dòng máu anh hùng” của các quý ông, nó không phải là dạng vật chất gì đó mang tính thuần nhất. Chả thế mà bia miệng ngàn năm để lại rằng, anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân, căn nguyên chính là bởi, hòa trong cái “máu anh hùng” rất đỗi đáng tự hào ấy, còn len lỏi một dòng chảy “phi chính thống” khác, còn gọi là “dòng máu… trăng hoa”.
Trong hệ mặt trời, sao Mộc là vì tinh tú sáng nhất, có tên là Jupiter, phỏng theo tên của vị thần uy quyền nhất, thần của các vị thần trên đỉnh Olympus, đó chính là Zeus (nghe quen tai là Dớt).
Nàng Hera (Hêra) là phu nhân của đấng tối cao, nhưng cũng phải bao phen “ôm sầu gặm tủi” vì cái thói lãng tử, thích “trêu hoa ghẹo nguyệt” của Zeus.
Theo thần thoại Hy Lạp kể lại thì, mặc dù đã có mấy “mặt con” với Hera, nhưng các cuộc phiêu lưu tình ái của Zeus không vì thế mà kém thi vị: thần “đi lại” với nữ thần Leto (Lêtô), sinh ra nữ thần trinh bạch và nam thần ánh sáng (Apollo); say sưa với nữ thần Metis (Mêtix), sinh ra nữ thần trí tuệ Athéna (Athêna); vụng trộm với nữ thần Déméter (Đêmêter), sinh ra nàng Perséphone (Perxephôn)…
Thiên hạ còn đồn đại, nam thần Eros (Êrôx) nhỏ bé với đôi cánh và vai cung chuyên đi bắn những mũi tên tình ái, chính là kết quả của cuộc tình giữa Zeus và nữ thần sắc đẹp Aphrodite (Aphrôđitơ, còn được gọi là Venus).
Dông dài câu chuyện thần thoại đã “xưa thật là xưa”, là để an ủi các quý ông “trót” mang trong mình dòng máu trăng hoa, vì dẫu gì chăng nữa, thì mình cũng trăng hoa một cách… có tiền lệ (giống như ông đốc tờ Trực Ngôn khéo an ủi bà Phó Đoan trót “hư hỏng” với “thằng Xuân của chúng ta” theo một cách “có tính chất khoa học” – xem “Số Đỏ”).
Đến thần thánh uy nghiêm như Zeus, còn nhiều phen phải khốn đốn vì mũi tên của thần tình ái Eros, nữa là người trần mắt thịt… như ta! Chưa nói, “trăng” và “hoa” là hai phạm trù rất… đẹp đẽ, đã đi vào thi ca, vậy nên có ghép chúng lại với nhau, dồn trong xi-lanh, tiêm vào “dòng máu anh hùng”, thì cũng đâu có gì là xấu xa. Chỉ xin lưu ý: Không dùng chung bơm kim tiêm!
Thông thường thì máu trăng hoa luôn ở “thể bị động”, tức là khi chưa có dáng liễu, bóng nguyệt nào lượn lờ trước mắt, thì đàn ông trăng hoa cũng “chính chuyên”… như ai.
Khốn nỗi, xã hội thì ngày càng phát triển theo hướng “Âu hóa”, mà cái lý thuyết của ông Týp-Phờ-Nờ (TYPN, vẫn “Số Đỏ”) thì lại càng phổ biến trong giới chị em: quần áo không cốt để che đậy (!?); thế nên đàn ông trăng hoa mới “khổ”. Máu trăng hoa vì thế mà phát thành bệnh.
Thế rồi, có kẻ tung thì ắt có người hứng, phản ứng kết hợp giữa “trăng hoa” và “nhẹ dạ” (hoặc “lả lơi”), cho ra kết tủa là “ngoại tình”. Tại anh, tại ả, tại cả hai ta.
Nói vậy để biết rằng, trong suốt quá trình “trăng hoa” nảy mầm, cho đến khi phát bệnh, thì cần chia làm hai giai đoạn: trăng hoa thuần túy thì cũng chỉ đến mức “đầu mày cuối mắt”; còn trăng hoa lâm sàng thì đã… chí nguy.
Hầu hết đàn ông (tự biết hoặc không biết) đang ở trong giai đoạn 1, tức là giai đoạn biết “nhận diện và chiêm ngưỡng” tới cái đẹp; và như vậy thì, không “trăng hoa thuần túy” mới thực là nguy.
Hạo Nhiên |