“Bực mình quá”! Đó là một trong những câu mà người ta sử dụng nhiều nhất trong đời. Những người thường xuyên bực mình, không chỉ tàn phá bản thân mình, mà còn làm hỏng cả cuộc hôn nhân. Ai làm bạn bực mình? Bạn sẽ dễ dàng tìm ra ngay “thủ phạm”. Đó là một hoàn cảnh cụ thể, một người nào đó liên quan đến cuộc sống của bạn, mà trớ trêu thay lại thường là những người chung một mái nhà.
Mất năng lượng!
Tại Trung tâm Thành công & Hạnh phúc (27bis Mai Thị Lựu – Q.1, Tp.HCM), trong một buổi huấn luyện về kỹ năng “nạp năng lượng”, người huấn luyện yêu cầu các học viên viết ra 3 điều làm họ bực mình nhất.
Kết quả cho thấy, những học viên còn độc thân thường bực mình vì công việc không phù hợp với khả năng, vì sếp độc đoán, vì đồng nghiệp ganh tỵ… nhưng cũng phải công nhận rằng: cha mẹ, anh chị em… làm cho họ mệt mỏi, căng thẳng bởi những cuộc cãi vã vô lý, áp đặt…
Còn những học viên đã lập gia đình cũng dễ bực mình tại nơi làm việc, nhưng họ khẳng định người ngoài không thể làm họ bực mình “ổn định và bền vững” như… người nhà.
Đến 85% học viên đã có gia đình dành trọn 3 điều “làm bạn bực mình nhất” cho chồng (vợ), con cái và người thân… Với nhiều bà vợ, họ bực mình khi ông chồng “câm lặng”, “muốn đi lúc nào thì đi, muốn về lúc nào thì về”, “xả rác”, “mê game”, “đi nhậu bất ngờ”…
Còn các ông thì bực mình bà vợ “đi đâu cũng chuẩn bị quá lâu”, “nhắc chuyện cũ”, “càm ràm chuyện tiền bạc”… Con cái bướng bỉnh, lười học… chẳng những làm họ bực bội, mà còn thất vọng. Họ có thể kể ra vô số – chứ không chỉ 3 điều.
Những chia sẻ trong một buổi thảo luận về chủ đề “Vượt qua căng thẳng” tại Trung tâm Các giá trị cuộc sống (85 Phó Đức Chính – Q. Bình Thạnh, Tp.HCM) cũng mang lại kết quả tương tự.
Gần 100 người tham dự, và sau cuộc tranh luận, sau những bằng chứng sinh động, số đông hơn cũng đồng tình: môi trường gia đình dễ làm họ phát hỏa hơn môi trường cơ quan, xã hội.
Lý giải được đưa ra: “Với người ngoài, tôi chỉ làm việc, chứ không chung sống. Nếu ai đó trong cơ quan làm tôi quá bực mình, thì tôi sẽ nhờ cấp có chức năng giải quyết, hoặc tôi không tạo ra nhiều cơ hội “đụng chạm” đến anh ta.
Nếu sự việc trở nên phức tạp, tôi sẽ xin chuyển sang phòng, ban khác, hoặc chuyển chỗ làm việc. Hàng xóm cũng có thể làm tôi bực mình, lúc đó tôi có thể dàn xếp và quên đi.
Nhưng nếu bị người nhà “tra tấn”, tôi không thể di chuyển chỗ ở, không thể mặc kệ, và tôi cũng không biết làm sao. Tôi đã hết lòng lo cho gia đình, lẽ ra tôi phải hưởng được hạnh phúc chứ”.
Hóa ra, người ngoài không thể làm cho họ bực mình lâu, vì họ biết cách giải quyết hợp lý, vì tư duy “hơi sức đâu mà buồn trách người dưng”. Song với người nhà, họ lại dùng “chiêu” khác, tư duy khác.
Như anh Q.Phúc trong buổi thảo luận “Vượt qua căng thẳng” cho rằng: “Ra đường ồn ào, có la cũng đâu ai nghe, bực mình làm gì cho mệt. Nhưng về đến nhà, vợ mở tivi, con chạy nhảy ầm ĩ… là tôi nổi điên liền, bởi có ngay đối tượng để tôi trút: “Ở nhà sung sướng quá, có biết người đi làm vất vả lắm không?”.
Thế là anh đã dập tắt sự ồn ào do vợ con gây ra bằng cách gây ra một sự ồn ào lớn hơn. Đó là những lời la mắng, chỉ trích, quát nạt… của anh. Đến lúc không còn âm thanh nào, nhưng sự bực dọc trong anh vẫn còn kéo dài.
Chị T.Vân, một tiểu thương, không thể nào “bình thường thôi!” trước ông chồng. “Tôi nhờ ổng đi công chuyện gấp, vậy mà gặp bạn bè rủ rê nhậu là ổng đi luôn”.
Biết ông xã đã xỉn xỉn là buồn ngủ, vậy mà chị đã từng nói vào lỗ tai chồng cả tiếng đồng hồ, vì: “Tôi tức, tôi nói, ổng nghe hay không kệ ổng”.
Tất nhiên, đâu có lời nào ngọt ngào, toàn những lời cay đắng, chì chiết, kể khổ. Cơn bực mình kéo đến khiến chị ngủ không ngon giấc và ngày hôm sau buôn bán mệt mỏi, chán nản.
Lý do thứ hai để nhiều người dễ bực mình với người nhà, vì họ nghĩ mình đã hết lòng cho gia đình, đầu tư, chăm sóc, yêu thương… chồng (vợ) con, nên họ có quyền mong đợi chồng phải thế này, con như thế kia.
Họ muốn người thân của họ phải thay đổi khoản này, điều kia… Một ông chồng không như mong đợi rất dễ gây ra những tình huống làm bà vợ bực mình.
Y học đã đưa ra kết luận, trong số bệnh nhân mắc chứng nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, có đến 97% là do bực mình dẫn đến căng thẳng, trong đó trên 30% phải dùng thuốc ngủ.
Trong 8 nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, đã có 7 loại do tích lũy căng thẳng, chỉ có 1 là do di truyền. Bực mình cướp đi rất nhiều năng lượng của cơ thể. Trong lúc suy yếu tinh thần, họ lại vô tình “bơm”… thuốc độc vào người.
Đó là trường hợp các ông chồng giận vợ nên đi nhậu, nhiều bà vợ tức ông xã tìm một đồng minh để kể tội ông chồng, để được đồng cảm, song theo kiểu “thất tình nghe nhạc… thất tình” thì buồn lại càng buồn thêm!
Hướng giải quyết của trường phái “mặc kệ” có vẻ đỡ thê thảm hơn. Các ông chồng thường lao vào công việc để tránh “đòn” của vợ, còn các bà vợ hay giải sầu bằng cách chơi với con, đi gội đầu, massage, siêu thị… Nhưng bực mình chỉ tạm lắng xuống khi bị họ hướng sự chú ý vào việc khác.
Không đổ thừa!
Điều quan trọng hơn cả việc tìm ra lý do bực mình là truy cho ra đích danh kẻ “gây án”. Ai làm cho bạn bực mình? Sau những phút suy ngẫm, họ đã nhìn ra: chồng, vợ của họ tạo ra hoàn cảnh, tình huống có tác động, ảnh hưởng đến họ, nhưng chính họ mới là người tạo ra và chọn lựa cho mình loại cảm xúc nào để có được thái độ: bực bội, khó chịu, hay bình tĩnh, dịu dàng.
Người thân tạo ra trái pháo… nhưng họ mới chính là người châm ngòi. Câu nói đúng hơn là “Không ai có thể mang đến cho tôi sự bực mình, trừ khi tôi cho phép”.
Trước đau khổ của mình, người ta hay tìm cách đổ thừa cho người khác, cho hoàn cảnh, cho số phận… mà không bao giờ nhận ra phần trách nhiệm của chính mình.
Nhà thông thái người Ấn Độ Dadi Janki, từng đến Tp.HCM diễn thuyết về “Sức mạnh nội tâm”, đã khẳng định: “Đổ thừa là biểu hiện của sự thiếu trung thực. Trung thực – đầu tiên và nền tảng nhất là trung thực với chính mình”.
Chúng ta đang sống quá lâu với thói quen đổ lỗi, quy trách nhiệm cho người khác vì những điều xảy ra với bản thân.
Quen đến mức, chúng ta cảm thấy hụt hẫng, khó chịu khi không tìm ra kẻ… gây án. Khi cuộc hôn nhân không được như mong đợi, “mốt” của nhiều ông chồng, bà vợ là chỉ tay về phía người có lỗi: con cái, vợ chồng, cha mẹ hai bên, tình địch…
Có câu nói rằng “Nếu bạn chỉ một ngón tay đổ lỗi về phía người khác, thì bốn ngón còn lại sẽ chỉ về phía bạn”. Có nghĩa là, bạn mới chính là “nạn nhân” của lối suy nghĩ tiêu cực của chính bạn.
Nếu bạn chấp nhận mình là người tạo ra các suy nghĩ, cảm xúc, quyết định, hành động và hậu quả của những hành động ấy thì bạn là một người trung thực với bản thân.
Khi bạn sống với sự thật này, bạn không còn đổ thừa, chỉ trích người khác về tình trạng sống của mình, nghĩa là bạn không còn nghĩ: “Tôi bực mình và xử lý như thế là vì người này…” hoặc: “Tại vì người đó, mà mình cảm thấy khốn khổ, bất hạnh…”. Một kiểu đổ thừa phổ biến là: “Giá như mình không sống cùng với anh ấy (cô ấy), thì cuộc đời mình tốt đẹp biết mấy”.
Từ bỏ thói quen đổ thừa cũng là một thử thách của nhiều ông chồng, bà vợ. Thay vào đó bạn hãy thiết kế một “hệ thống tự động” tạo ra suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống.
Bởi vì bực mình khiến cho bạn bất lực, bó tay, nó không có tác dụng gì trong việc xây đắp mái ấm. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy bình tĩnh, bạn lại giải quyết được vấn đề.
Chị Thanh Tú, y tá của bệnh viện Ung bướu Tp.HCM, chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi không thích ông xã hút thuốc nhiều. Hồi mới yêu nhau, anh bảo lấy vợ, có con, anh sẽ cai thuốc, chuyện nhỏ mà.
Đến lúc sống chung, anh cứ lơ đi, nhà chật nên toàn mùi thuốc lá. Không chỉ sức khỏe của anh, mà của con nhỏ cũng bị đe dọa. Nhưng tôi không nghĩ anh là một kẻ thất hứa, liều lĩnh, thiếu hiểu biết, mà anh là người không chiến thắng được cảm giác “quyến rũ” của thuốc lá.
Cần phải có một hình ảnh mạnh mẽ hơn để tác động và giúp đỡ anh chuyển hóa cảm xúc và hành vi. Tôi dán hình con trai đang mếu máo trên bao thuốc lá, hộp quẹt của anh với dòng chữ: “Con thương ba, ba đừng bỏ con”. Cùng với những lời khuyên giải và khuyến khích của tôi, dần dần anh hạn chế hút thuốc.
Chính sự suy nghĩ tích cực đã giúp tôi vượt ra khỏi cảm giác bực mình, khó chịu để có được hướng giải quyết đầy tình cảm. Trong cuộc sống gia đình, tôi không thể ngăn chặn các tình huống xấu, nhưng chúng chỉ là những bài kiểm tra để tôi rèn luyện sự bình tĩnh, sáng suốt, chứ không thể cướp đi hạnh phúc của tôi”.
Phước Chung |