"Giải diễn viên xuất sắc nhất LHP 14 |
“LHP Việt Nam là sinh hoạt nghề nghiệp lớn. Nó có luật chơi riêng” (phát biểu của ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh-VNN). Và cũng bởi cái “luật chơi riêng” ấy mà gần 4 thập niên qua, với 14 LHP quốc gia định kỳ diễn ra 3 năm một lần, LHP Việt Nam vẫn “chơi một mình”, “một mình một chiếu”. Nhưng đã đến lúc điện ảnh Việt Nam, LHP Việt Nam không thể chơi một mình trên chiếu của mình được nữa!
Chiếu chung không có ta
Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội giữa những ngày chiến tranh ác liệt của năm 1970. So với nhiều LHP khác trong khu vực châu Á, LHP Việt Nam có thâm niên cũng vào loại… lão làng (LHP Hong Kong bắt đầu tổ chức từ năm 1977, LHP Busan – Hàn Quốc mới tổ chức từ năm 1996 trong khi LHP Bangkok – Thái Lan mới từ năm 1998…).
Tính tới nay, chúng ta đã tổ chức được 14 kỳ LHP, lần lượt trên nhiều tỉnh thành, gắn với những dấu mốc và lý do khác nhau.
Thế nhưng hiện tại “từ điển” Wikipedia khi liệt kê danh sách các LHP quốc gia và quốc tế của khu vực châu Á lại chẳng có dòng nào về LHP Việt Nam (trong khi LHP Campuchia – Cambofest năm 2007 lần đầu tiên tổ chức thì lại có tên, có thông tin đàng hoàng!).
Trách Wikipedia thiếu thông tin? Hay phải tự trách mình khi chính công chúng Việt Nam cũng như người trong nghề điện ảnh ở Việt Nam hiện cũng không có điều kiện để tiếp cận thông tin chính thức về LHP?
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và giải "Bông Sen Vàng" |
Một LHP có thâm niên gần 40 năm nhưng không hề có một website riêng. Để lấp lỗ hổng này, trong dịp LHP 14 các “cư dân mạng” yêu điện ảnh đã phải tự lập ra trang web http://bongsenvang.yxine.com để cập nhật thông tin.
“Nghĩa cử” của các bạn trẻ này không mảy may tác động đến Ban tổ chức vì tới LHP 15 tình trạng tương tự vẫn tiếp diễn!
Mà ngay cả khi Wikipedia cập nhật thông tin về LHP Việt Nam có lẽ họ cũng rối beng lên vì những cái “luật”, “lệ” riêng của LHP Việt Nam, đơn cử chỉ riêng cột “địa điểm tổ chức” (City) LHP Việt Nam sẽ là LHP tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau nhất. Và không chỉ có vậy…
Đến hẹn là đi và câu chuyện lệ làng
Từ lâu xu hướng chung của các LHP thế giới là LHP gắn liền với những thành phố trung tâm chính trị, kinh tế hoặc văn hóa du lịch của quốc gia đó: LHP Berlin (Đức), LHP Moscow (Nga), LHP Venice (Ý), Toronto (Canada), Cannes (Pháp), LHP Thượng Hải (Trung Quốc)…
Ngay cả lễ trao giải thưởng hàng năm của Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ, Oscar cũng chỉ diễn ra duy nhất ở Nhà hát Kodak tại thành phố Los Angeles.
Sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, những năm trước đây việc LHP Việt Nam phải “đi lại” giữa hai đầu đất nước, phải làm nhiệm vụ chính trị nhiều hơn nhiệm vụ chuyên môn là điều dễ hiểu.
Nhưng sẽ là khó hiểu khi giờ đây điện ảnh Việt Nam đã nhiều năm hội nhập với các LHP khu vực và thế giới (với kha khá các giải thưởng, kể cả việc tham dự giải Oscar) thì LHP quốc gia lại có phần mở rộng biên độ “đi lại” nhiều hơn đến các tỉnh thành, đặc biệt gần đây nó có vẻ muốn “từ chối” hẳn hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM.
Minh Thư, Thanh Thúy – hai ngôi sao của LHP 14 |
Định kỳ 3 năm 1 lần, “đến hẹn”, LHP Việt Nam lại “khăn gói lên đường”, để mỗi địa phương được “hưởng” một tí. LHP diễn ra tại địa phương nào thì địa phương ấy vui như hội trong… mấy ngày liên hoan, hết liên hoan ai lại về nhà nấy, không có con số cụ thể nào cho thấy điện ảnh và chiếu bóng của Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Vinh, Buôn Ma Thuột có chuyển biến sau LHP!
Ngược lại, người ta chỉ thấy sự trang trọng, sự chuyên nghiệp, tầm vóc quốc gia LHP cần phải có, cần phải xây dựng ngày càng mờ nhạt.
Nghe đạo diễn Phạm Việt Thanh, người chịu trách nhiệm đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc LHP 14 tổ chức tại Buôn Ma Thuột năm 2004 nói mà… thương: “Lễ được làm ngoài trời. Nếu không làm được ngoài trời thì gần như bên trong sẽ bị vỡ vì người dân Buôn Ma Thuột đến rất đông…
Lễ khai mạc lại gặp một tai nạn là trời mưa. Các ông già sợ ốm, chạy vào trú mưa khiến mọi người chạy theo ào ào.
Theo kịch bản là các địa phương ra đón khách, mời rượu, múa chào mừng, chào cờ rồi lại ra uống rượu – một kịch bản rất dễ vui nhưng những người tham gia thiếu tính kỷ luật, bỏ đi giao lưu hoặc làm việc gì đó nên kịch bản bị vỡ..
.
Ý định ban đầu muốn có thật nhiều người tham dự để LHP sôi động hơn, vui hơn. Nhưng có nghệ sĩ phải đi đóng phim, có người phải đi chạy sô, có người lại không có kinh phí đi dự LHP.
Nhốn nháo các đoàn làm phim tham dự LHP |
Hơn thế nữa chỗ ngồi thì chật hẹp, mọi người xô đẩy nhau không ai ngồi đúng vị trí cũng như thứ tự… Tất cả những điều đó làm cho mọi việc cứ rối tung lên”. (VNN) Quá thương chứ không phải chỉ là thương!
Thương đạo diễn và thương… Chẳng trách một đạo diễn điện ảnh buồn bã nhận xét: "Cả tầm ảnh hưởng lẫn công tác tổ chức, LHP quốc gia của ta hiện nay còn chưa bằng một chương trình ca nhạc được truyền hình trực tiếp".
Nói đến xu hướng chung của các LHP thế giới còn phải nói tới tính khu vực hóa, quốc tế hóa: hầu hết các nước LHP đều gắn mác “quốc tế” – International – LHP quốc tế. Hoặc nếu không, họ duy trì song song hai LHP: LHP quốc gia và LHP quốc tế như trường hợp LHP Jakarta (Indonesia), lưu ý rằng trường hợp này rất hiếm.
Vì khả năng giao lưu, trao đổi, thương mại của điện ảnh rất lớn (chẳng phải thị trường chiếu bóng Việt Nam đang bạt ngàn phim nhập và phim Việt Nam đang tìm mọi con đường để phát hành ngoài biên giới Việt đó sao?) nên LHP chính là một cơ hội, một cánh cửa quan trọng của hội nhập.
Thật ra trước đây, sự kiện Ngày điện ảnh Việt Nam (được xem như LHP miền Nam Việt Nam trước năm 1975) đã từng được “Á châu hóa”.
Trong danh sách các phái đoàn điện ảnh châu Á tham dự sự kiện này năm 1973 tại Sài Gòn có đoàn điện ảnh Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Nam Dương (tức Indonesia), Đại Hàn (Hàn Quốc), Lào, Thái Lan, Phi Luật Tân (Philippines), Tân Gia Ba (Singapore), Mã Lai Á (Malaysia), Cam Bốt (Campuchia) với rất nhiều nhà sản xuất và các tài tử.
Một thời gian dài LHP Việt Nam “khép cửa”, không có sự tham gia của các đồng nghiệp khu vực và thế giới cả ở vị trí khách mời, phim dự thi lẫn giám khảo.
Năm nay, nhiều người đã khấp khởi mừng khi nghe phong thanh LHP Việt Nam lần thứ 15 mời thêm người nước ngoài vào thành phần ban giám khảo. Nhưng giờ cuối chuyện này đã không xảy ra, theo như lý giải của ông Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, là “điều lệ qui định thế…”.
Về khách mời quốc tế, hiện tại chưa có thông tin cụ thể, nhưng việc không có một phim nước ngoài nào tham dự (kể cả ở hạng mục chiếu giới thiệu chứ không nói tới hạng mục dự thi) cũng đồng nghĩa với việc các đạo diễn và diễn viên ngôi sao nước ngoài không có cơ hội có mặt.
Đã muộn để… tới lúc
Không còn sớm sủa gì để nói tới việc cần phải thay đổi, nâng cấp việc tổ chức LHP Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp và hội nhập, mà vấn đề chính là thay đổi tư duy.
Mọi thứ luật, lệ đều do con người đặt ra và con người phải thay đổi nó khi luật và lệ không còn phù hợp với thực tế cuộc sống. Đã tới lúc LHP Việt Nam bước vào “chiếu chung” của điện ảnh khu vực và thế giới!
Bài: Hoàng Hà – Thủy Phạm |