“Với tôi mọi thứ có đó rồi mất đó” - Tạp chí Đẹp

“Với tôi mọi thứ có đó rồi mất đó”

Bộ Sưu Tập

Cuối năm 2005: Giới sản xuất phim truyền hình Việt Nam với những “đại gia” như TFS, Lasta, M&T Pictures “choáng váng” trước cái bắt tay của hãng phim mới toe Gia đình Việt (Vifa) với “ông kẹ” của làng truyền hình và giải trí Hàn Quốc – tập đoàn CJ Entertainment. Choáng váng luôn trước kế hoạch đầu tư 2.5 triệu USD, sản xuất 700 – 800 tập phim/năm, mở hàng bằng bộ phim dài tập nhất của truyền hình Việt Nam “Mùi ngò gai”, 100 tập.

Năm 2006: 36 tập “Mùi ngò gai” hoàn thành phải “nằm kho” vì không có sóng, gây xôn xao dư luận về cạnh tranh giờ vàng và xếp hàng đặt chỗ của các đại gia.
Tháng 12/2006 “Mùi ngò gai” chính thức phát sóng, thu hút số lượng quảng cáo kỷ lục.

Tháng 5/2007: “Mùi ngò gai” ngưng phát sóng khi còn “treo” 28 tập phim. Hợp tác giữa Vifa và CJ Media Việt Nam đổ vỡ. Phim trường ngoại cảnh 20.000m2 bị lấy lại. Nhà sản xuất nợ lương, nhiều nhân viên bỏ qua chỗ khác. Tin đồn người lãnh đạo Vifa cầm cố hết nhà cửa.

Tháng 9/2007: Vị thế ban đầu của Vifa trong cuộc hợp tác với CJ xoay chiều 180o. Vifa hoàn toàn độc lập tiếp tục sản xuất phim truyêçn hình với hai dự án phim khác – “Đam mê” (45 tập) với đạo diễn Đinh Đức Liêm và “Chỗ chỉ có một người” (30 tập) với đạo diễn Trương Dũng. Và tiếp tục làm tiếp 28 tập còn lại của “Mùi ngò gai”.

Bây giờ là lúc CJ Media nói đến chuyện liên doanh thì Vifa chủ động đề nghị “từ từ rồi tính”. Từ “nợ như chúa Chổm”, lao đao như lá tre mỏng giữa dòng xoáy của cơn bão cạnh tranh sản xuất phim truyền hình trở thành một thương hiệu có giá trị thu hút vốn đầu tư đáng nể trong làng truyền hình Việt Nam.

Người chèo lái “con thuyền lá” ấy làm ngạc nhiên người đối diện bởi chị mang vẻ phúc hậu của “người phụ nữ gia đình”, “người phụ nữ căn bếp” hơn là người phụ nữ của thương trường, lại là một thương trường đặc biệt – thương trường nghệ thuật: Huỳnh Thanh Diệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó giám đốc điều hành Hãng phim Vifa.

Khi chỉ còn một vài khó khăn, tôi sợ không vượt qua được

Sở dĩ phải có một lời giới thiệu dài dòng và hơi chi tiết về sự “ba chìm bảy nổi” của dự án phim “Mùi ngò gai” cũng như của hãng phim tư nhân Vifa trong 2 năm qua để bạn đọc ít nhiều thấy được toàn cảnh ngổn ngang, nghiệp dư (nên) đầy bất trắc của phim truyền hình Việt Nam thời kỳ xã hội hóa, giờ vàng hóa thời gian qua.

 “Đại gia” M&T Pictures (“con đẻ” của tập đoàn quảng cáo Đất Việt) từng “xấc bấc xang bang” ngay khi triển khai dự án phim thứ hai (phim “Ghen” phải dừng giữa chừng, đổi ê-kíp). Hãng phim H.K của “đại gia quay phim” Trinh Hoan (em trai đạo diễn Vinh Sơn) với những dự án chuyên nghiệp lớn lao như độc quyền diễn viên, mở lớp đào tạo biên kịch với chuyên gia mời từ Hàn Quốc… giờ cũng “say good-bye” vì chịu không nổi thua lỗ và cực khổ khi làm phim truyền hình.

Vậy nên khi “Mùi ngò gai” lao đao, ai cũng nghĩ phen này “bà Diệu chết”. Nhưng “Mùi ngò gai”, Vifa và “bà Diệu” đã sống, hơn thế, bắt đầu có thương hiệu, các nhà đầu tư bắt đầu nhảy vào ào ào.

Gặp Huỳnh Thanh Diệu khi cả ba dự án làm phim mới của Vifa đang triển khai, trong đó hai dự án do công ty cổ phần Truyền thông – Điện ảnh Sài Gòn đầu tư, dự án “Mùi ngò gai” phần 3 do Công ty Quảng cáo World Star đầu tư, đều đã có kế hoạch phát sóng, thế mà trên gương mặt chị vẫn chưa thấy ánh sáng của niềm vui và sự nhẹ nhõm.

 Chị bảo: “Mọi thứ đối với tôi có đó rồi mất đó, liên tục như thế trong suốt hai năm. Như cái phim trường ngoại cảnh của Vifa vậy. Tôi thuê mặt bằng của Trường Sân khấu Điện ảnh làm phim trường.

Trước hôm bấm máy, Phước Sang bảo: Đầu tư thế này thì tiếc quá, phải có đất của tôi… Tôi nghĩ, đợi có đất của mình thì khó quá, thuê mặt bằng 5 – 6 năm dỡ cũng được. Không ngờ chỉ một năm là mất. Khu đất này nghe đâu có “vấn đề”, khi có thanh tra, trường gọi dỡ ngay.

Cực quá, nhiều lúc nghĩ trong những lộn xộn đó mình được gì? Nhưng rồi lại thấy mọi cái có thể mất nhưng kinh nghiệm làm việc không mất. Nói kinh nghiệm nghe có vẻ lớn quá, nhưng cụ thể là mình tích lũy được rất nhiều, từ những chuyện nhỏ nhất của việc làm phim. Mất tiền, phim trường dựng lên có thể mất, nhưng cái tôi được nhiều nhất chính là kinh nghiệm”

Bây giờ thì chị đang “có”, Vifa đang “có” đấy thôi. Như đánh giá của nhiều người trong nghề, Vifa đang có cái mà nhiều hãng phim rất muốn, đó là thương hiệu của chất lượng, ở một mức độ nào đó, phim thu hút đông người xem, thu hút quảng cáo. Chị và Vifa đã qua cơn sóng gió và bây giờ có thể ổn định phát triển.

Tại thời điểm này tôi không lạc quan mặc dù tiền nợ đã lấy lại được rồi, đã có người đầu tư rồi. Mọi người trong hãng phim vui nhưng mình không thấy vui, lạ thế. Lúc mọi người bi quan cho mình thì mình lạc quan, hơi lãng mạn chút, mình tin vào đối tác, tin phim mình làm tốt sẽ có người ủng hộ. Tất nhiên ở đời nhiều chuyện tốt sờ sờ mà vẫn gặp rủi ro.

Trước nay tôi thấy mình được ưu ái, ít bị rủi ro, nên không sợ rủi ro, ngay khi ai nấy kêu Vifa điếc không sợ súng. Nhưng bây giờ, khi mà có hay không có CJ tôi cũng có thể sản xuất vài trăm giờ phim/ năm thì lại thấy buồn.

Vì sao vậy?

Ở LHTH hồi đầu năm, Bích Hạnh bên BHD bảo: Phim Hàn Quốc phải mất nhiều năm được bảo hộ mới được như bây giờ, còn các nhà làm phim tư nhân của mình không có gì bảo hộ hết, nên cái gì cũng không vững, cả kinh doanh lẫn nghề nghiệp.

Hiện nay Đài HTV chỉ ký giờ phát sóng với Lasta, Đất Việt và TFS, còn lại tất cả các hãng khác chỉ ký chung, không ký giờ cụ thể. 

Trong lĩnh vực phim truyền hình sức mua – khán giả – khách hàng đã có, sức làm – tức những người làm nghề cũng có, nhưng “chợ” không ổn. Quyền lợi của nhà sản xuất hiện nay không tỷ lệ thuận với quyền lợi của Đài truyền hình.

Phim hấp dẫn, số người xem tăng nhưng lợi nhuận của nhà sản xuất thì đứng yên vì giá phim đặt ra trước khi phim chiếu rồi. Đầu tư cho 1 tập phim của một vài hãng phim nhà nước ở phía Nam (Hãng phim truyền hình Tp.HCM) chẳng hạn là 120 triệu đồng nhưng thực chất phải trị giá từ 200 triệu đến 220 triệu đồng vì không phải khấu hao máy móc, mặt bằng, không phải trả lương nhân viên, cán bộ quản lý.

Còn với hãng tư nhân, tất tật tiền thuê mặt bằng, điện nước… đều được tính vào tiền sản xuất. Có những gì đó rủi ro đang nằm ngoài tầm tay của các nhà sản xuất và nhà sản xuất tư nhân nào cũng khổ!

 Đã vậy, phim thì có phim được phim chưa, tay nào chẳng ngón ngắn ngón dài. Chỉ câçn có phim không được thì ai cũng cho phép ca thán “tư nhân” như là tư nhân cái gì cũng dở vậy.

Lúc trước nhiều khó khăn hơn nhưng không phải khó khăn thực chất. Khi chỉ còn một vài khó khăn, tôi nghĩ đó là khó khăn thực chất, có khi mình lại không vượt qua được.

Tôi luôn vẽ vòng tròn… méo

Vào thời điểm này, làm “gia công” cho các “đại gia” có sóng, có tiền đầu tư, có sẵn quảng cáo, vậy có hơn không, thưa chị?

Đầu năm nay, khi FPT có dự án sản xuất phim truyền hình, tôi và họ cũng thử làm quen nhưng không xong. Anh Phong (anh Võ Thanh Phong, Giám đốc Vifa, người bạn đời của chị) cũng chỉ muốn Vifa làm gia công thôi, cho ổn định. Nhưng rồi cuối cùng lại quay về làm cái mình muốn làm.

Nếu vẽ đúng vòng tròn thì chắc, mình lại luôn vẽ méo, nhưng nếu gạt phần méo đi thì có khi đấy lại là phần lời. Tôi thích làm gì phải quy mô. Năm nay thì cũng hơi liều, cùng lúc chạy ba đoàn phim.

Mong muốn của tôi là lúc nào mình cũng song song chạy hai đoàn phim, đến lúc nào đó trung bình sản xuất một ngày một tập phim… chắc là vui lắm… đó là tôi ước gì… chớ đường còn xa.

Nghe nói chị thường quyết mọi thứ bằng trực giác, thích vẽ vòng tròn méo. Và để được như vậy chị đã phải đánh đổi những gì? Có khi nào gặp nguy cơ?

Nguy cơ lớn nhất là khi CJ đổi người đại diện tại Việt Nam bất ngờ, giữa lúc “Mùi ngò gai” mới thực hiện được tập 72 mà Vifa chỉ nhận được từ CJ Media 1/4 số chi phí, còn lại là đi vay. Đây là giai đoạn cực kỳ đen tối với tôi. May mà những người mới đêæn từ CJ đã tôn trọng những nguyên tắc cũ, nên Vifa qua được khúc đen tối nhất về tài chính.

Đâu là sự khác biệt giữa một nhà báo, một Phó giám đốc Hãng phim Truyền hình Tp.HCM và bà Chủ tịch HĐQT Vifa hôm nay (Huỳnh Thanh Diệu từng là phóng viên báo Tuổi trẻ Tp.HCM trước khi là Phó giám đốc Hãng phim Truyền hình Tp.HCM)?

Khác chứ. Bây giờ mình quyết gì là quyết ngay. Bây giờ không hết khó khăn nhưng mình biết cách làm cho mình hết khó khăn. Trước thì không biết mình khó khăn đâu! Bây giờ thì nhiều nhu cầu lắm.

 Phải chi có xe Mercedes, có nhà thiệt đẹp. Bây giờ thì chắc chắn sẽ cất được nhà, xe xịn rồi cũng sẽ tậu được. Nhưng bao giờ tôi cũng luôn thích làm cái gì đó của mình.

Quyết đoán như vậy, xem ra chị mới là người “cầm cờ” tại Vifa chứ không phải là anh, dù trên danh nghĩa anh Phong là giám đốc Vifa? Hồi anh chị còn ở Hãng phim Truyền hình Tp.HCM cũng vậy?

Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Hồi còn ở Đài, anh Phong đã làm chủ nhiệm phim. Hồi ấy chúng tôi mượn bạn bè tiền mua xe cho đoàn làm phim mướn, kiếm mỗi tháng vài triệu, thế là có tin “chồng Phó giám đốc đưa xe vào cho đoàn làm phim mướn”.

Mặc dù tiêçn cho mướn xe môéi tháng bằng nhuận bút một bài báo tôi viêæt cho Tuôèi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị… Và ai cũng có thêè cho các đoàn phim mướn xe, nhưng nhiêçu người không thèm cho vì giá quá bèo… Thế mà đến tôi thì…
 
Đấy cũng là một trong những lý do khiến tôi ra đi khỏi TFS. Nếu chỉ có mình tôi chắc tôi cũng không đi đâu, nhưng thấy ở lại sẽ làm khổ cho chồng. Có thời gian anh Phong bỏ đi nuôi dê…

Ở Vifa, anh Phong ít nói nhưng là người lo điều hành sản xuất. Tôi chỉ điều hành quan hệ thôi. Có những điều tôi giấu anh Phong, tự làm, thì đều luôn cán mức nguy hiểm… mới thấy anh Phong chắc chắn hơn cái bệnh “khùng” của tôi nhiều.

Có bao giờ chị cảm thấy mình đánh mất điều gì đó khi lao vào công việc hãng phim như hiện nay, như là viết chẳng hạn, nhiều người đã quên mất có một cây bút Huỳnh Thanh Diệu…

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình chia tay cái này để làm cái khác, bỏ thời gian cho cái này để mất cái kia, mà chỉ đơn giản như là đến giờ nấu cơm thì phải đi nấu cơm. Đài truyền hình Vĩnh Long đang đặt viết một chương trình khoa giáo dành cho những bà mẹ sinh con đầu lòng, tôi muốn phát triển tiếp thành một chương trình sitcom về gia đình.

Tôi âm thầm tìm ra đối tượng mới của mình. Tôi trân trọng những khoản ngắn ấy và tôi viết bằng một thái độ nghiêm túc… và tôi vâén cùng các bạn sinh viên đang làm thêm ở công ty tôi làm công việc biên kịch, biên tập. Tôi làm hằng ngày, làm bằng cả sự tích lũy của nghề báo và những năm ở đài truyền hình cộng lại…

Chỉ có một thứ tôi đánh mất, là thời gian thư giãn. Một người làm giỏi là người điều hành được bộ máy làm việc ngay cả khi họ đi vắng. Tôi còn “làm ăn nhỏ, nên hầu như chẳng có thời gian để đi chơi, để bù khú bạn bè như trước.

Con học ở Singapore cũng chỉ sang thăm được một lần. Tôi luôn bận rộn, vội vã. Đó là vì mình chưa giỏi mà thôi. Cả hai chúng tôi đều bắt đầu mọi thứ của mình quá muộn, mà thời gian ngắn quá, nếu không vội thì sợ không làm được!

 Thủy Phạm

 

 

Thực hiện: depweb

07/11/2007, 09:58