Có một học giả không giỏi lắm, đã mạnh dạn tổng kết rằng, cuộc đời nhàn nhạt của một kẻ trượng phu bình thường đương nhiên gồm ba giai đoạn tu. Lúc bé thì tu ti, trưởng thành thì tu rượu, về già thì tu thân. Điều này lý giải tại sao đàn ông có tuổi thường vô cùng đạo mạo đứng đắn, hiếm hoi bọn mất dạy.
Có thể nói, chặng đường tu tập của tất thảy thì đại loại đều vất vả cồng kềnh, nhưng ở giai đoạn đầu đáng kể là quan trọng nhất. Các nhà nho thâm thúy chữ nghĩa nửa đùa nửa thật khẳng định: “Nhân chi sơ là sờ tí mẹ”.
Không phải ngẫu nhiên, nỗi nhớ tí mẹ ở tất tật đàn ông luôn là nỗi ám ảnh dằng dặc khôn nguôi, cho dù anh ta đã râu ria lòng thòng dài. Theo lý thuyết y học hiện đại, sữa mẹ tự nhiên thì không những chất lượng đã tuyệt cao mà bao bì còn tuyệt đẹp.
Ngày xưa, đàn ông có tiền khi về già mệt mỏi biếng ăn, con cháu dư dật báo hiếu bằng cách lặn lội thuê về một vú em. Cụ Thượng trong tiểu thuyết hiện thực phê phán “Tắt đèn” được dạy ở giáo trình văn trung học phổ thông là như vậy.
Diễn viên nữ vào vai cho lão Tàu lụ khụ bú tí ở phim “Áo lụa Hà Đông” cũng là vậy. Cái cảnh “tu ti” của phim đoạt giải Cánh diều vàng này vừa tố khổ lại vừa gợi cảm, có lẽ do nữ diễn viên vốn xuất thân chân dài người mẫu. Khi cho bú cô nửa ngồi nửa đứng, chẳng những làm ông chồng gù chân chất phát ghen, mà khán giả bẽn lẽn tinh tế cũng đâm phát tức.
Khoảng mươi năm gần đây, đàn ông càng đàng hoàng, càng độc lập thì càng khó kiếm người yêu, bất chấp anh ta đang sở hữu một lô cổ phiếu blue – chip, hoặc nền điện ảnh thời thượng Hàn Quốc đang tha thiết mời sang đóng phim.
Anh ta nông nổi tưởng tượng, với đàn bà anh ta phải là người che chở phải là người bao bọc. Anh ta nhầm. Tâm lý gia lỗi lạc người Áo Sigmund Freud (1856 – 1839) từng phân tích, phía sâu xa ẩn khuất trong vô thức của phụ nữ, luôn khát khao mang một thiên chức muốn được làm mẹ làm chị.
Đàn ông mà giống trẻ con (tất nhiên đừng cởi truồng) thường được các bà các cô rưng rưng cảm mến. Họ lương thiện nghĩ, đàn ông mà biết hờn biết dỗi, biết không chịu trách nhiệm trước bất cứ việc gì, bạ một tý là khóc đấy mới chính là hồn nhiên trong veo ngây thơ.
Các Sở Khanh thập thành biết vậy, nên khi lọc lõi lừa tình, rất hay dở chiêu nũng nịu cắn móng tay rồi thỉnh thoảng lại còn “tè” bậy.
Hơn hai ngàn năm trước, đại hiền triết Lão Tử thâm thúy viết “Thường đức bất ly, phục quy ư anh nhi” (chương 28 – Đạo đức kinh). Nhiều quân tử giữ mình tri túc vẫn hiểu là “Theo đức mà không lìa, nên trở về trẻ thơ”.
Đàn ông đã thật già dặn đau đớn, đã thật thăng trầm trải nghiệm, khi bắt buộc phải ứng xử với bao nhiêu bạc bẽo cuộc đời thì bao giờ cũng luôn giữ cái nhìn chân chất xanh non của mắt trẻ. Họ tung tăng nhưng không bầy đàn. Họ chơi vui nhưng không ồn ào. Bỡ ngỡ mà sâu sắc.
Thơ mà không ngây, ứng mà không chứa. Họ cầm tiền như trẻ con cầm lá. Họ xem quan tước như bọn trẻ xem truyện tranh. Họ chất phác trong suốt như tự nhiên. Họ làm bất cứ điều gì cũng không gượng gạo giả trá. Nhờ vậy, họ sống rất lâu và những lời bi bô của họ cùng thời gian bỗng thăng hoa trở thành đạo lý.
Tuy nhiên, những bậc “lão giả anh nhi” (có người không biết chữ Hán linh tinh mạo muội dịch, người già đóng giả con nít) cũng chưa hẳn là những người thoát tục. Bằng cớ là kha khá rất đông trong bọn họ, thỉnh thoảng lại lon ton chạy đi lấy vợ trẻ.
Nhiều người độc thân tưởng đây là chuyện dễ dàng nhưng thực ra đây là việc gian nan khó, bởi điều kiện đầu tiên để lấy được vợ trẻ là mình phải rất già. Trên tờ “Gia đình và xã hội” có một chuyên đề phơi-ơ-tông về các bậc “lão giả” này.
Họ là thi sĩ ví như là nhà thơ Bằng Việt. Họ là nhạc sĩ ví như quý ông Trọng Đài. Họ là diễn viên như danh hài Giang “còi”. Đặc biệt có lão họa sĩ Trịnh Cung đã thành công khi lấy được vợ thua mình tới vài chục tuổi.
Họa sĩ hồn hậu tâm sự, cô vợ trẻ cực kỳ hay ghen. Trịnh lão gia đúng là người đắc đạo đến cảnh giới vong niên. Độc giả rưng rưng xúc động khi xem ảnh minh họa bố con ông. Ông bố bảy chục tuổi bế ông con bảy tháng tuổi, khi cả hai cùng cười thì ông con trông già gấp mười mấy lần ông bố.
Nhiều đàn ông tử tế thường thích coi mình là đứa trẻ to xác. Đành rằng hay nhưng chưa chắc đã tuyệt vời. Văn hào người Nga Tônxtôi có một câu ngậm ngùi khi nói về Anđecxen, nhà văn Đan Mạch chuyên viết truyện cho thiếu nhi: “Ông ta rất cô đơn. Chính vì thế ông ta mới nói chuyện với bọn trẻ. Tuy làm như thế là lầm. Trẻ con không thương xót cái gì hết, chúng không biết thương” (Gorky bàn về văn học – tập 2).
Người ta đồn rằng, Tônxtôi đã già ngay khi ông đang học mẫu giáo, cũng có thể vì thế mà ông viết được “Chiến tranh và hòa bình”.
Nguyễn Việt Hà |