Làm gì khi bé bị bệnh?

Xem qua những tình huống dưới đây, có thể bạn sẽ nghĩ: “Quá đơn giản!”. Nhưng thực tế khi bé bị bệnh, các ông bố, bà mẹ thường cuống tới mức không còn nhớ phải xử lý ra sao, việc gì trước, việc gì sau. Và đôi khi, sự mất bình tĩnh ấy còn gây hại cho bé. Chính vì vậy, những lời khuyên của ThS-BS. NGUYỄN THỊ MỸ PHƯỢNG dưới đây được coi như Cẩm nang Vàng trong chăm sóc sức khỏe cho bé.

1. Bé bị sốt

– Gọi là sốt khi nhiệt độ cơ thể của bé lên cao hơn 37,5oC.

– Khi bé bị sốt trên 38,5oC cần cho bé uống thuốc hạ nhiệt, nhóm Acetaminophen, với liều lượng 10mg – 15mg cho mỗi kg cân nặng của bé.

+ Cởi bỏ bớt quần áo cho bé. Không nên ủ bé bằng mền hoặc mặc quá nhiều quần áo.

+ Lau mát hạ sốt cho bé bằng nước ấm. Không nên chà chanh, rượu, hoặc lau bằng nước đá lạnh.

+ Đưa bé đến khám bệnh tại cơ sở y tế.

2. Bé bị sốt cao, co giật

– Bình tĩnh đặt bé nằm xuống giường hoặc xuống đất, đưa đầu bé nghiêng về một bên để đờm dãi có thể chảy ra ngoài.

– Đưa vào miệng bé một vật đệm như: cán muỗng hoặc vú cao su, nhằm mục đích tránh cho bé không cắn vào lưỡi.

– Nếu bé co giật do sốt cao thì lập tức phải hạ nhiệt cho bé bằng nhét thuốc hạ nhiệt qua đường hậu môn với liều như trên.

– Lau mát, hạ sốt cho bé bằng nước ấm và đưa ngay bé đến cơ sở y tế gần nhất.

3. Bé bị tiêu chảy và ói mửa

– Gọi là tiêu chảy khi bé đi tiêu phân lỏng hơn 3 lần/ngày.

– Tiêu chảy, hay ói mửa sẽ làm cơ thể mất nhiều nước nên bé sẽ bị đói và khát. Vì vậy, cha mẹ vẫn cho bé bú và ăn thức ăn dễ tiêu như thường ngày.

– Khi bé bị ói mửa, đặt bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp để không bị sặc và tránh vật nôn ra rớt vào cuống phổi.

– Cần cho bé uống Oresol 1 gói pha với 1 lít nước chín và uống sau mỗi lần đi tiêu. Liều lượng uống theo chỉ dẫn của nhân viên y tế hoặc cũng có thể cho bé uống nước cháo muối nấu theo cách như sau.

* Cách nấu nước cháo muối: 1 nắm gạo, 1 nhúm muối ăn và hơn 1 lít nước, đun đến khi hạt gạo mềm và còn khoảng 1 lít nước cháo.

– Nếu sau 24 giờ, bé hết tiêu chảy hoặc ói mửa cho bé ăn uống lại như bình thường.

– Nếu bé bị tiêu chảy hoặc ói mửa nặng, kéo dài 2 ngày, hoặc bé sốt, hoặc phân có máu, cần đưa bé đến bác sĩ ngay.

4. Bé bị táo bón

– Gọi là táo bón khi bé không đi tiêu đều đặn 1 lần/ngày hoặc phân khô cứng như phân dê.

– Nên cho bé uống thêm nhiều nước sau mỗi lần bú bình hoặc sau khi ăn xong. Cho bé ăn thêm trái cây chín và rau cải nghiền nhỏ để cung cấp chất xơ cho bé. Nên bú sữa mẹ thay vì sữa bột. Thay đổi thức ăn mới, món ăn khác so với ngày thường.

– Tập thể thao cho bé hàng ngày bằng cách nắm 2 chân bé làm động tác đạp xe đạp. Hoặc massage nhẹ vùng bụng của bé theo chiều kim đồng hồ 3 – 4 lần/ngày để giúp bé đi cầu dễ dàng. Không nên bó tã chặt bụng bé.

– Tập cho bé thói quen đi vệ sinh hàng ngày theo thời gian đối với trẻ lớn.

– Không nên dùng thuốc thụt hậu môn cho bé mỗi ngày, vì sẽ tạo thói quen không tốt và gây hại cho bé.

5. Da bé bị nổi mẩn đỏ

– Da bé có thể bị nổi đỏ ở những kẽ da bị hăm và ngứa, khó chịu. Chỉ cần rửa sạch với nước mát, giữ cho khô ráo và cho mặc quần áo thoáng mát.

– Da nổi đỏ vì hăm tã thì cần rửa mông của bé với nước ấm, không dùng xà phòng, không mặc tã và quần trong 20 phút để giữ cho da khô và thoáng. Nhớ thay tã thường xuyên hơn.

– Đưa bé đi khám bác sĩ khi chỗ hăm đỏ bị nhiễm trùng, ngứa nhiều và đau đớn, lan khắp nơi, không giảm, hay bé bị sốt, mệt, không chịu ăn uống.

6. Bé bị té nặng

– Không nên bồng bé ngay lên mà phải để bé nằm ở vị trí té, xem xét bé bị thương ở đâu, xem cách bé khóc và tiếng khóc, cách thở, sờ nhẹ vào mình bé và hỏi xem bé bị đau ở chỗ nào? Kiểm tra xem đầu bé có bị thương không?

– Nếu bé không cử động được hoặc cử động yếu tay chân, có thể bé bị chấn thương ở xương sống hoặc tủy sống.

– Phải giữ thân mình bé thẳng và đặt bé trên một tấm ván phẳng và đưa bé đến bệnh viện ngay.

– Chú ý nếu bé bị gãy xương tay, chân thì phải bó nẹp cho bé khi di chuyển đến bệnh viện.

7. Bé bị thương chảy máu

– Chảy máu ít: Rửa sạch vết thương với nước sạch và xà phòng, lấy bông gòn đè lên vết thương và giữ một lúc để cầm máu, sau đó băng vết thương lại và đưa bé đến bệnh viện.

– Chảy máu nhiều: Lấy bông gòn sạch hoặc một miếng vải sạch đè lên vết thương để máu ngưng chảy (không nên dùng dây buộc chặt quanh cánh tay/chân để cầm máu vì có thể làm hư cánh tay/chân) và đưa bé đến bệnh viện ngay.

8. Bé bị bỏng do lửa, nước nóng

– Ngâm chỗ bị bỏng vào nước mát lạnh hoặc tưới nhẹ liên tục ít nhất 10 phút để làm giảm đau rát và rửa sạch vết thương.

– Không được đụng chạm hay chà vào vết bỏng, đừng làm bong lớp da ở vết bỏng ra và không đắp một vật gì khác vào vết bỏng.

– Nếu quần, áo dính vào vết bỏng phải ngâm luôn quần áo, cùng vết bỏng vào nước. Chỉ gỡ lớp vải ra khi nó không đụng chạm vào vết bỏng.

– Nếu bị bỏng nặng đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

9. Bé bị điện giật

– Cúp ngay điện và lấy một khúc gỗ hoặc cây gỗ kéo dây điện ra khỏi mình bé trước khi người lớn đụng tới mình bé.

– Đưa bé đến bệnh viện ngay, vì điện có thể gây nội thương cho bé mặc dù không có vết bỏng ngoài da.

10. Bé bị thú vật cắn

– Nếu có thể, bắt con thú bỏ vào chuồng, không giết con thú, để nhân viên y tế xét nghiệm xem con thú có bị bệnh gì không?

– Rửa sạch vết thương với nước sạch và xà bông, lấy bông gòn sạch đè lên vết thương để cầm máu, không nên đắp vật gì khác lên vết thương.

– Đưa bé đến bệnh viện để được chăm sóc và chích thuốc ngừa bệnh dại…

Ths, Bs Nguyễn Thị Mỹ Phượng
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Anh Vũ – Tp.HCM
 


From the same category