Đi làm, điều muôn thuở khiến dân văn phòng lo ngại là gì? Chắc không phải tai nạn lao động, vì nghề văn phòng là nghề an toàn nhất trên đời. Nhìn quanh một lúc, hóa ra chúng ta ngại nhau. Quan hệ đồng nghiệp từ trước đến giờ có những khía cạnh ngoại giao như lớp đường phủ trên chiếc bánh văn phòng. Còn nhân của nó, ăn vào mới biết mùi vị thực sự.
Về mặt lý thuyết, làm việc theo nhóm hay tinh thần tập thể là điều các nhà tuyển dụng đòi hỏi ở các ứng viên xin việc.
Chúng ta gắn với nhau trên nền tảng kết ước công việc, để hòa hợp với nhau, tính cách của chúng ta phải xếp thứ yếu so với trật tự chung.
Dẫu khó lòng đòi hỏi đồng nghiệp yêu thương nhau như tứ hải giai huynh đệ, nhưng cũng dễ tạo ra bối cảnh thân mật cùng chia sẻ thú vui thể thao bóng đá hay mua sắm, hay những việc có tính hỗ trợ nhau trong đời sống.
Ấy vậy mà một ngày xấu trời, đồng nghiệp của ta phản đối bản đề xuất của ta. Dù đã dày dạn kinh nghiệm nhưng ta vẫn choáng váng như thấy lá phiếu phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với tiến trình tiêu hủy vũ khí hạt nhân.
Đồng minh hay kẻ thù? Ngay lập tức, với sự giận dữ của mình, ta vạch ngay chiến tuyến giữa ta và “địch”.
Chưa hết, đồng nghiệp xấu bụng còn ngang nhiên hoặc lén lút hạ bệ ta đằng sau lưng, và dĩ nhiên người được hướng đến chính là các sếp, những người mà ta đã dày công vun đắp quan hệ cũng như gây ảnh hưởng tốt đẹp bấy lâu nay.
Cái hành vi kỳ đà cản mũi này thấy nó quen lắm. Nó dường như nhan nhản khắp nơi. Câu chuyện nào mà chồng hay vợ kể về cơ quan trong bữa cơm tối cũng phải có ít nhất một vài thông tin về đồng nghiệp không hợp cạ hoặc tự nhiên “cái thằng khốn nạn ấy chuyên trị phá đám”, làm cho miếng ngon đang ăn bỗng đầy sạn.
Bất hợp tác ấy là còn nhẹ, lắm khi ta còn phải uất ức vì một đồng nghiệp xấu chơi hủy hoại cả niêu cơm tương lai nữa. Nào có ai bắt phải yêu nhau đâu, nhưng làm thế nào mà người ta lại ghét ta đến mức cứ nhè ta mà phá hoại thế nhỉ?
Đầu tiên, ta tự rà soát lại hành trạng của mình thời gian qua. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, gắng khách quan mà suy xét thì ta cũng thấy vô số điều ta đã sai.
Sai từ cách ta hớn hở với thành công trong công việc mà không biết nín nhịn, sai ở chỗ vui vẻ quá đáng trong khi chỉ tiêu của đồng nghiệp giảm sút, sai đến nỗi mờ mắt không thấy có người từ chỗ không có mâu thuẫn gì với ta đâm nhìn ta mà thấy ghét muốn xúc đất đổ đi.
Ta đâm buồn nản với việc cứ phải hãm cái sự sung sướng lại, hóa ra phút bùng nổ của ta lại là điểm khởi đầu cho một loạt những hành vi phá hoại của người cùng làm với ta. Ta biết tin ai bây giờ?
Trong cuộc sống đầy tính cạnh tranh, ngay chốn văn phòng bề ngoài lờ đờ vô hại nhưng cũng dễ là nơi có mầm độc của thói ganh ghét và đố kỵ. Chúng ta chỉ muốn dứt điểm công việc nhưng lại gặp những ách tắc từ một vị kế toán không chịu giải ngân, hay một anh giám sát kỹ thuật nhận định chưa đạt khiến sếp bắt cả đám làm lại.
Họ cũng chưa hẳn đã làm sai nguyên tắc, nhưng ta nóng mặt lắm rồi. Ta ghét gã đó vì thấy “nó cứ nhơn nhơn ra”. Hay cô gái kia bị các chị lâu năm bực dọc nỗi “đưa chuyện tối ngày, buôn dưa lê xuyên văn phòng”. Có gì ẩn chứa sau thái độ không đáng mến của họ – những kẻ bị ta coi là đồ “thọc gậy bánh xe”?
Đầu tiên thì ta phải chấp nhận sự thật là ta không phải mẹ Teresa để ai cũng yêu. Nếu mà chân ta dài, thể nào ta cũng bị đặt vào tâm điểm chú ý: “Con bé này có làm được việc gì không?”
Nếu ta chẳng xinh đẹp: “Cá sấu công viên Thủ Lệ mới mất một con hôm qua đấy”. Nếu ta hoàn thành công việc và được sếp tuyên dương trước toàn thể công ty: “Ơ hay, bọn mình sắp phải câæp tráp đi học người tiên tiến rồi đây”.
Nhưng đó là những cách cạnh khóe nặng tính báo động hơn là tấn công vỗ mặt. Có những cách ngáng trở đáng sợ hơn mà không mất lời nói xấu nào. Họp nhóm, ta đưa ra ý tưởng.
Rồi một hôm ý tưởng ấy lột xác dưới tên một chủ nhân khác, đồng nghiệp thản nhiên chấp nhận giải pháp mới mà quên ngay người đề xuất ban đầu. Người ta không còn lạ chuyện sắp được đề bạt thì phải giữ gìn kiêng khem, bất thình lình có lá đơn tố cáo… mà mọi lá đơn tố cáo ở cơ quan dĩ nhiên là của đồng nghiệp.
Ta tức lồi mắt nhưng ai cũng biết văn phòng không hề là nơi chỉ có hoa thơm và nắng hồng. Cuộc đời còn có cả những cạnh tranh và đâm thọc sau lưng, chứ không phải có cả những nụ hôn như lời bài hát nọ.
Ta tức họ, nhưng ta không ngạc nhiên đến mức “không thể ngờ được”. Bởi vì ta phần nào cũng chia sẻ cái logic tâm lý của những người đố kỵ. Ban đầu, có thể họ cũng cư xử tử tế, cũng một vừa hai phải.
Song những thất bại hay là những trục trặc công việc làm trỗi dậy trong họ một cảm thức thù hận, và đối tượng để họ trút vào chính là những kẻ đang hơn hớn vì thành công như ta.
Có thể họ gây hại cho ta chưa chắc để có được một lợi ích rõ ràng nào, chủ yếu là làm việc gần nhau phát sinh mâu thuẫn. Trên thế thượng phong của mình, bạn lại dễ dàng không để ý những mầm mống ấy hoặc cho là mình cây ngay không sợ chết đứng.
Nhưng bạn cũng rành ruột họ như ruột mình, bụng dạ dân văn phòng thế nào, bạn cũng sẽ nhếch mép mà nghĩ “mày chơi tao thì tao chơi lại”.
Hằng ngày, các cán bộ văn phòng cùng làm, cùng ăn trưa, thậm chí cùng đi mua sắm giải trí này nọ, thậm chí vẫn ôm chầm lấy nhau cùng chia sẻ niềm vui chiến thắng của đội bóng cơ quan.
Nhìn vào, không ai biết có một cuộc chiến tranh ngầm đang xảy ra. Ngây thơ, cả tin bị dẹp đi. Lòng đa nghi, sự láu cá lên ngôi. Đối thủ không bao giờ thua hoàn toàn, và dường như tính xấu nằm ở một góc khuất nào đó, chỉ chờ cơ hội là được đánh thức.
Chấp nhận thực tế là chuyện trắc trở về quan hệ đồng nghiệp nằm trong hệ thống rủi ro, ta cũng không nên sa vào cái bẫy ganh ghét. Xét cho cùng, đấm người ta một quả thì mình cũng nhận lại một cú đáp trả.
Có thể cú đáp trả không xảy ra ngay, mà sẽ nện vào mặt ta lúc khác, lúc ta đang sơ hở và không đề phòng gì. Cuộc sống văn phòng hóa ra cũng không mấy lạ lùng so với chốn vỉa hè, nơi mỗi con người tranh nhau một chỗ đứng dưới mặt trời.
Song chuyện đấu nhau ở văn phòng có gì đặc biệt hơn là ở nó có kiểu cách đặc biệt dưới cái vỏ "lịch sự" của văn phòng máy lạnh. Không chơi nhau kiểu chợ búa, mà có khi là sát thủ giấu mặt nên lại đau hơn.
Đâm, chọc, thọc, nghéo… dường như là đặc sản của văn phòng. Lắm khi chúng ta lại nhấm nháp sự ngoằn ngoèo hóc hiểm ấy như một thú vui hơi kỳ quái. Chúng ta hận nhau và chơi nhau như những màn kịch melo rất ý nhị. Chúng ta cười với nhau, nói những câu càng ngọt song lại gắng ném một thông điệp đe dọa phía sau đó.
Cuộc sống văn phòng lúc này có gì giống trò giải đố ô chữ, chắp nối các dữ kiện hàng ngang hàng dọc để rút ra chìa khóa. Có mâu thuẫn là có đấu tranh, vấn đề là ta xử sự ra sao, chơi lại bằng cấp độ hay lấy nhu thắng cương, tỉnh táo lui về mà hoàn thiện võ của mình.
Chất lượng công việc và uy tín của ta nằm ở kết quả cuối cùng ta trưng ra, đó cũng mới là điều ta được ghi nhận.
Không bao giờ hết được chuyện không vừa ý ở cơ quan, bởi bản chất công việc đã tạo ra sự cạnh tranh, và mỗi chúng ta thấy quyền lợi nằm trong sự cạnh tranh đó.
Chúng ta cần một chút cạnh tranh để tiến hóa, song không có sếp nào quy định cạnh tranh theo cách nào mới là hợp lệ.
Chúng ta có thể bớt được thói xấu kiểu làng xã ghét nhau nhà có con gà mới ăn không đánh tiếng cho hàng xóm biết, up-to-date hơn thì nay là chuyện cái laptop 3000 đôla của nó trông thật chướng mắt, chúng ta nín nhịn cái cảm xúc đó bằng cách lấy công việc và nguyên tắc làm trọng.
Thường thì khi có mâu thuẫn công việc, ta dễ đồng hóa cá tính con người và lối sống của nhau vào với sự mâu thuẫn ấy. Ghét ai ghét cả đường đi, ta mang nỗi bực dọc vì bị tay đồng nghiệp thụi quả đau điếng trong dự án mà quy kết cho cái lối sống thác loạn của hắn: sa đọa đến mức đi hát karaoke hai lần một tuần, khốn nạn đến mức lăng nhăng với cả tá con gái cơ quan, bần tiện đến mức chưa bao giờ khao anh em được bữa nhậu nào…
Những đặc tính “tày trời” đó, tỉnh táo mà nhớ lại thì hóa ra cũng là của ta. Quan hệ công sở cho đến văn phòng giống gameshow hay đấu trường là do ta đặt mình vào tư thế người đá bóng hay kẻ cầm dao. Một khi ta đã dùng phương tiện gì, ắt đối phương cũng đáp trả bằng phương tiện ấy thôi mà.
Nguyễn Trương Quý |