Gặp Lê Tiến Đạt tại La Place cafe, thấy một khuôn mặt cá tính, và một bộ râu đặc trưng của dân… nghệ. Hẳn ít người biết Lê Tiến Đạt (vocal của ban nhạc Gạt Tàn Đầy với chất giọng khàn) hoang dã trong bài “Đám Cưới Chuột” hóa ra trước kia đã từng là một bartender, quản lý của Met’ Pub nổi tiếng của Hà Nội.
Hỏi Đạt sau này, anh có định mở một quầy bar với những ly cocktail quyến rũ không? Đạt lắc đầu: “Tôi chưa nghĩ đến chuyện này. Mặc dù đó đã từng là mơ ước trong nhiều năm của tôi!”
Lê Tiến Đạt là một người từng lăn lộn với nhiều nghề, thậm chí đến giờ người ta không biết gọi anh thế nào cho chính xác: Ca sỹ? Bartender? Nhà báo? Hay…? Điều gì khiến anh vẫn còn “lưu luyến” với cocktail?
Tôi vẫn còn nhớ, hồi đó, năm tôi 18 tuổi, cũng vì điều kiện, tôi học tại chức tiếng Anh và quyết định thi vào làm nhà hàng ở Metropole nhưng vì trẻ quá, nên không được nhận.
Sau đó một thời gian, qua mấy lần phỏng vấn cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài, tôi được nhận vào đó làm. Sau khi làm ở Met’Pub mấy năm, tôi dự tính chuyển chỗ làm, nhưng rồi suy nghĩ kỹ, lúc đó, các em tôi còn nhỏ, nên tôi muốn để khi nào các em tôi ổn định, trưởng thành, tôi mới “nhảy” sang chỗ khác.
Và sau đó, tôi cũng lăn lộn qua các công việc, dây dưa chút ít với âm nhạc với các bạn thời sinh viên nên tham gia vào ban nhạc Gạt Tàn Đầy, chạm ngõ với nghề báo.
Sau gần 8 năm gắn bó với công việc thì thực sự tôi cảm thấy khó khăn khi phải chia tay với nghề bartender nhưng mặt khác tôi vẫn muốn mình được làm những công việc liên quan đến báo chí. Chính vì vậy tôi tìm đến giải pháp là kết hợp cả hai.
Xin hỏi về những tháng ngày làm việc của anh ở Met’Pub, anh thấy công việc dịch vụ có vất vả không nhưng bù vào đó, anh được cái gì?
Ai cũng có mục tiêu của mình. Tôi cũng thế. Mục tiêu của tôi hồi đó là nếu không theo học đại học (tiếng Nga) thì tôi sẽ đi kiếm tiền bằng cách đi làm. Tôi học hỏi được nhiều thứ ở đó.
Người ta cho tôi đi học tiếng Anh, môi trường tiếp xúc giao tiếp khiến tôi phải nói tiếng Anh nhiều. Những gì ở trường đại học không dạy, thì ở đây, người ta dạy.
Từ cách ứng xử, làm việc nghiêm túc, đúng giờ đến những luật đơn giản như không được đeo đồ trang sức cầu kỳ, không được xức nước hoa có mùi quá mạnh, đầu tóc phải gọn gàng, cách rửa ly cốc cho đúng cách…
Sau này, tôi làm quản lý, nên được học cả kỹ năng tổ chức họp, lên kế hoạch, và
nhiều thứ khác. Quá trình làm bartender, làm quản lý ở đó, tôi học được sự nhẫn nại.
Tôi thích đọc sách, và tìm mọi cách để có những cuốn sách dạy về cocktail. Và điều lý thú là sau này, có rất nhiều người bạn nước ngoài khi quay lại Việt Nam đã tìm gặp tôi và tặng cho tôi những cuốn sách về cocktail.
Quay trở lại với cocktail, nếu đặt ly cocktail giữa những loại đồ uống khác, anh đánh giá nó thế nào?
Cocktail cần phải uống ngay sau khi pha chế chứ không thể để lâu như những loại rượu đóng chai. Nó cũng thể hiện khả năng sáng tạo của những người tạo ra nó. Cocktail thường có nhiều màu sắc hơn những loại đồ uống khác…
Tóm lại, là tôi thấy một ly cocktail rất khác với những loại đồ uống thông thường. Nó hơi giống với thời trang nhưng sức sống thì lâu hơn nhiều.
Anh đã lấy câu slogan: "Cocktail – Uống cả nền văn hóa", liệu có phải là quá sức không, khi coi cocktail như biểu tượng cả nền văn hóa?
Bản thân một đồ uống sẽ không có ý nghĩa gì, nếu như nó không có ý nghĩa văn hóa. Uống trà, cà phê, trà chén vỉa hè… đều có cách uống, và cách uống, đó cũng là nghệ thuật sống.
Nếu có hiểu biết về nó, người ta sẽ coi đó là một sản phẩm văn hóa, và bao hàm văn hóa trong đó. Nó mang đặc tính mix (pha trộn, hòa trộn). Cocktail là một sản phẩm của nền văn hóa Mỹ, nhưng khi du nhập vào các nước khác nhau trên thế giới, nó được tiếp nhận rất cởi mở.
Hơn nữa, tạm không nói đến tính lịch sử và những câu chuyện sau mỗi ly cocktail. Dưới góc nhìn cá nhân, tôi thấy cách tiếp thị văn hóa tốt nhất là qua con đường ẩm thực.
Có thể nhiều người không đồng ý nhưng tôi thích cảm nhận về một vùng đất nào đó qua các món ăn, thức uống trước khi bàn đến những vấn đề to tát hơn. Hơn nữa, nếu nhiều người đã coi pha chế và thưởng thức cocktail là một thứ nghệ thuật thì chẳng có lý gì cocktail không thể là một đại diện văn hóa cho một vùng nào đó.
Thành phần không thể thiếu trong cocktail là rượu, nhưng theo anh, sự khác biệt trong cách sử dụng rượu ở cocktail là gì? Chúng ta có cần phải e ngại về vấn đề rượu trong cocktail hay không?
Tuy lượng cồn trong cocktail thường nhẹ hơn rượu nguyên chất nhưng rượu ở đâu thì cũng vẫn cần e ngại chứ. Chẳng thế mà cho dù trong trang cocktail.com.vn, mặc dù có non nửa là những loại cocktail không cồn (mocktail) nhưng tôi vẫn phải yêu cầu người xem xác định rõ là họ hơn 18 tuổi mới có thể truy cập. Tất nhiên là khó triệt để nhưng đó cũng là một cách nhắc nhở mọi người uống có ý thức.
Cũng như trà, có cách thưởng ngoạn của trà, còn tôi thường nghĩ tới cocktail như một thứ đồ uống lãng mạn, và người ta chọn nó, theo ý nghĩa của cái tên cocktail, tâm trạng, và khung cảnh quán lúc đó, anh nghĩ sao về điều này?
Đúng vậy, không chỉ riêng với cocktail, mà với các đồ uống khác, việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn là ai và suy nghĩ thế nào thôi.
Có người mỗi lần đến quán lại gọi một loại mới, có người luôn uống đúng một loại cocktail nào đó. Điều này đôi khi là thói quen, sở thích, và cũng có thể do tâm trạng.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy phụ nữ thích tìm sự lãng mạn hơn nam giới dẫu rằng, cocktail không cần thiết phải gắn với hình ảnh một cô gái nào đó mới hấp dẫn.
Tôi luôn thấy những người vào quán và gọi một ly cocktail là những người lịch lãm, vui vẻ và có gu thưởng thức.
Nghe nói, anh đã "đào tạo" vợ mình trở thành người giúp anh trong công việc chăm sóc trang web về cocktail?
Thực ra, để nuôi được trang đó cũng khá tốn. Đa phần bài vở trong đó, là những bài báo tôi viết trên báo chí, góp nhặt lại, hơn nữa, thời gian này, tôi đang rất bận, nên chưa triển khai được nhiều.
Vợ tôi học du lịch và trước kia cũng đã từng làm cùng cơ quan với tôi. Nói là đào tạo thì không đúng mà thực tế tôi chỉ tìm cách để vợ tôi không quên đi những kiến thức đã có mà thôi.
Hiện tại, vợ tôi và anh Phi Kỳ Nam (một trong thành viên sáng lập website này) đang chịu trách nhiệm chính cho hoạt động của toàn bộ web.
Có một câu nói rất quen thuộc: hãy nhìn đời qua ly cocktail, là một người đã từng làm bartender, cảm giác của anh về câu nói trên như thế nào, theo góc nhìn cuộc sống của anh?
Vâng. Phải nói rằng, chính vào những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, tôi đã nghĩ đến câu nói ấy. Không phải để tự an ủi, mà còn là để đi tìm những mảng màu còn thiếu để pha một ly cocktail thật đẹp, thật hợp ý mình!
Codet |