Cái tên “Hồng Phượng” từ lâu đã không còn xa lạ với những người quan tâm đến ngành tóc, nhất là khi chị là một trong hai người đại diện cho khu vực châu Á tham dự cuộc thi tạo mẫu tóc quốc tế Davines tại Amsterdam năm 2006.
Ấy vậy mà tôi đã trăn trở khá lâu mới có thể vẽ được chân dung của chị. Không phải choáng ngợp bởi thành công cũng như vẻ đẹp của một người phụ nữ đầy cá tính, mà bởi sự học của chị chẳng giống ai. Và câu chuyện của chúng tôi cũng bắt đầu bằng cái sự học ấy.
Có câu chuyện vui nói rằng câu đầu tiên mà 90% người nhận bằng tiến sĩ thốt lên là: “Cuối cùng cũng hết học” còn với một nhà tạo mẫu tóc như chị, bao giờ sự học kết thúc vậy?
Tôi nghĩ rằng sự học của tôi sẽ không kết thúc. Không thể nói tôi đã học đủ rồi! Tôi luôn tự nhủ, trong quá trình sống, mình luôn phải tự học hỏi, thu lượm, chắt lọc những kiến thức, hiểu biết bên ngoài để biến thành cái của mình.
Hơn nữa, học phải kết hợp nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là «hành”. Nếu anh không có sự rèn luyện thì không thể thành người được. Một người xuất sắc đến mấy cũng không thể không vượt qua sự tôi luyện.
Cuộc sống muôn màu và sinh động, không thể áp dụng khuôn mẫu, cứng nhắc tất cả những lý thuyết vào cuộc sống. Nhất là cuộc sống hiện đại luôn kích thích sự thay đổi.
Chính điều này lại khiến cho con người linh hoạt hơn để nắm bắt nó, để không bị rơi vào trạng thái nhàm chán. Nhàm chán, chán nản sẽ giết chết mọi thứ!
Với nghề tóc, tới tận giờ tôi vẫn phải học, qua chính công việc hằng ngày. Tôi làm việc chính là tôi đang học. Ví dụ, mỗi người khách đến với tôi đều có một cá tính, đặc điểm ngoại hình, chất liệu tóc… khác nhau.
Một ngày làm việc tôi có khoảng 20 – 30 khách hàng, vì vậy tôi cần khoảng 20 – 30 phương án giải quyết khác nhau để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Đó chẳng phải sự học hay sao?
Suốt thời gian qua, tại Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, khi có bất cứ event nào về tóc, tôi đều tham gia. Trong quá trình đó, tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều từ đồng nghiệp trong và ngoài nước.
Nhiều người khá ngạc nhiên khi có thời gian thấy chị xuất hiện trong lớp học luyện thi chứng chỉ kiểm toán quốc tế ACCA của ACT. Phải chăng chị muốn chuyển nghề?
Với tôi, bằng cấp hay chứng chỉ không phải điều quan trọng, mà vấn đề là mình học được điều gì, kiến thức đó giúp ích gì cho công việc và cuộc sống của mình. Vì thế tôi không đăng ký cả chương trình ACCA mà chỉ theo học một số buổi môn quản lý nhân sự thôi.
Hiện giờ, tôi không chỉ đơn thuần là người thợ, nhà tạo mẫu tóc mà đồng thời cũng là một người chủ Salon với 17 nhân viên. Chủ một Salon, chủ một thương hiệu nghĩa là tôi cần phải phát triển và duy trì nó.
Vì thế, bên cạnh làm giỏi nghề, tôi nghĩ cần phải có sự quản lý tốt. Tôi muốn khách hàng đến với tôi vừa có sản phẩm đẹp, vừa được hưởng dịch vụ tốt.
Nhưng học rồi, vào thực tế nhiều lúc cảm thấy tất cả lý thuyết đều bị bẻ gãy. Do đặc thù đối tượng quản lý không đồng nhất, điều kiện, hoàn cảnh, trình độ khác nhau, sản phẩm dịch vụ lại không hiện hữu…
Nhiều lúc tâm sự với các bạn, tôi có nói rằng sau 14 năm lập nghiệp, chưa bao giờ tôi thấy chán nghề. Nhưng có những thời điểm như rơi vào ngõ cụt, không có phương án giải quyết.
Tôi vẫn tự nhủ, nếu ta không đi tiếp con đường, nếu đứng lại một chỗ, người khác sẽ vượt qua và đến lúc nào đó thì khoảng cách đã quá xa. Như vậy thì ta vừa mất khách, lại vừa mất nghề.
Các cụ ta có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Học nghề, học quản lý… chị có thấy mình… quá tham lam không?
Cũng tham lam lắm, đó là điểm yếu của tôi. Hiện tại tôi vừa là người thợ, vừa là người quản lý. Mặc dù Salon của tôi cũng nhỏ nhỏ, xinh xinh thôi, nhưng để làm tốt được như ngày hôm nay cả về 2 chức năng, nó đã tiêu tốn của tôi cả tâm lực lẫn trí lực cùng toàn bộ thời gian tôi có.
Chính vì thế tôi luôn ngưỡng mộ những người phụ nữ thành đạt của chúng ta. Nhưng tôi muốn hiểu hơn để làm tốt hơn nữa. Khách vào cửa hàng tôi không bao giờ thấy tôi treo một cái bằng nào, dù có rất nhiều…
Không phải là tôi muốn tạo sự khác người mà tôi muốn được khách hàng công nhận. Phương châm của tôi là nếu có 100 khách hàng thì tôi muốn 100 người đều nhìn nhận, tôn trọng tôi là một người thợ giỏi có văn hóa.
Tôi áp dụng nguyên tắc này nhiều năm qua. Đến giờ mỗi khi xa Hà Nội là không thấy yên tâm bởi nhiều khách hàng đều muốn tôi tự tay cắt tóc cho họ, thậm chí khách hàng muốn tôi có mặt ngay cả khi họ làm những dịch vụ không cần sự có mặt của tôi. Bạn bè thì có người cũng than: Mày như thế là khổ, chẳng đi đâu được!
Vậy mà vẫn thấy chị “đi được» đấy thôi!
(Cười) Đi cũng là để học. Nếu chỉ ở đây, hài lòng với những gì mình có thì chẳng bao giờ tôi biết được thế giới bên ngoài đang sôi động thế nào. Tôi phải đi để nhìn xem ở bên ngoài người ta đang làm gì, và cũng là để khơi cảm hứng cho mình.
Với tôi, mỗi mái tóc cũng như một tác phẩm nghệ thuật, nên rất cần cảm xúc. Đi khỏi môi trường quen thuộc, khỏi sự nhàm chán, xúc cảm của tôi có thể rung lên bất ngờ từ một quán trà chiều trên phố, những mái nhà phủ đầy dây leo, hay từ hình ảnh một cô gái trẻ đang gọi điện thoại giữa dòng người chen lấn…
Người ta vẫn cho rằng, với nghề tóc nói riêng, thì chỉ cần có năng khiếu, rồi nghề sẽ tự dạy nghề?
Tất nhiên năng khiếu và niềm đam mê luôn là số một. Nhưng như vậy không có nghĩa làm nghề này không cần học hành bài bản. Tôi cho rằng việc đào tạo theo kiểu “tự làm tự học” sẽ làm hỏng tay nghề người thợ ngay từ những bước cơ bản đầu tiên.
Như ngày xưa, sau khi tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi chuyển sang làm tóc. Đầu tiên, chỉ vì sự đam mê và mưu sinh. Nhưng khi xác định rõ ràng về nghề nghiệp, tôi đã theo học nghề tại một số trường ở nước ngoài.
Những gì học được từ thời gian đó cùng với sự rèn luyện đã theo tôi tới tận ngày hôm nay. Tôi cũng đang ấp ủ dự định hợp tác trong một dự án mở trường đào tạo chuyên về tóc ở đây.
Một trường đào tạo chuyên nghề tóc chuyên nghiệp tại Việt Nam, có cần thiết và sớm quá không?
Tôi thì thấy là đã đến thời điểm thích hợp rồi đấy. Trước đây, quan niệm, cách nhìn của mọi người về nghề làm tóc rất khác nhau. Chúng tôi không được gọi là nhà thiết kế tóc hoặc tạo mẫu tóc như hiện nay.
Bây giờ, nghề nghiệp được đánh giá đúng hơn, thu nhập cũng tương ứng hơn, vì thế chẳng có cớ gì mà không đầu tư cho nó cả.
Đàn ông thường thích người phụ nữ thông minh, nhưng chưa chắc muốn lấy họ?
Tôi nghĩ rằng sống và làm việc với người thông minh hấp dẫn hơn nhiều! Người phụ nữ thông minh sẽ biết cách xử lý các tình huống, các mối quan hệ rất tốt. Tại sao lại chối bỏ những người phụ nữ như thế.
Người đàn ông có vợ thông minh là họ đang được hưởng sự thông minh đấy chứ. Người phụ nữ thông minh không chỉ biết kiếm tiền, mà còn biết kiếm tiền đến mức nào. Nhiều người nói tôi sướng, không phải đi làm vào cuối tuần, ngày lễ thì đóng cửa dài ngày.
Thật ra không đi làm nghĩa là tôi mất tiền đấy. Nhưng với tôi có hai đồng cũng chẳng giàu hơn, thiếu hai đồng cũng chẳng nghèo đi. Tôi muốn dành thời gian cho gia đình, cho các mối quan hệ xung quanh và bản thân tôi.
Đây có phải là điều chị học được từ những kinh nghiệm của người khác, hay là từ một biến cố nào trong cuộc sống?
Thực ra đã có khoảng thời gian tôi làm việc nhiều, stress nhiều. Lúc đó gia đình còn rất nghèo, tôi đã đặt rất nhiều mục tiêu cho cuộc sống. Nhưng sau một thời gian, tôi phát hiện mình mất cảm giác. Nhìn thấy cảnh đẹp không còn yêu nó, cầm một quyển truyện không đọc nổi. Tôi sợ và ghét cả chồng, cảm giác áp lực công việc luôn đeo đẳng.
Thời điểm ấy, tôi rất sợ, thấy sợ chính bản thân mình, không thể thương yêu một ai. Chị biết lúc đó tôi làm gì không? Tôi quay lại, không đặt ra bất cứ áp lực nào nữa!
Sau này ngẫm lại, thấy rằng tất cả đều tuân theo một quy luật, phải trải qua mới rút ra được. Mấy năm nay, tôi đã biết điều hòa cuộc sống, biết yêu và chăm chút cho mình một chút. Với tôi quan trọng là phải sống thiện. Mất cảm giác thật đáng sợ!
Chị có vẻ là người đa cảm?
Vốn dĩ đã là con người thì ai cũng có những hỷ – nộ – ái – ố thường tình. Tất cả, làm nên một cuộc sống sinh động và hấp dẫn. Tôi đặc biệt thích những gì đã trở thành quá khứ. Những lúc rảnh rỗi, vợ chồng tôi thường ngồi ôn lại chuyện xưa.
Chồng tôi hơn tôi 3 tuổi, cả hai cùng một mô-típ sống. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, ngày xưa sao ăn miếng thịt nó ngon như thế! Hai đứa đi trên chiếc Phượng Hoàng, rồi mơ ước sẽ đi xe 81, đến giờ tôi cũng đã có mọi thứ, mà hóa ra chẳng phải vì thế mà niềm vui nhân lên.
Lần sang Ý, tôi đến quảng trường rất rộng, góc này có người đánh guitar, góc kia là những nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển, mọi người đứng xung quanh thưởng thức rất say mê, bất chợt có đôi nam nữ hứng khởi ôm nhau nhảy. Lúc ấy như muốn thốt lên, sao cuộc sống lại đẹp và đáng yêu đến thế!
Thụy An |