Trí tuệ mang dấu âm

Điểm lại, những thiên tài kiệt xuất thế giới trước nay, đa phần là nam giới. Vậy phải chăng trí tuệ nhân loại chỉ mang dấu dương?

Ví đây đổi phận làm trai được…

Cái thời xa xưa – thời phong kiến trọng nam khinh nữ – ở phương Đông, các cụ ông coi thường cụ bà ghê gớm lắm. Sách viết rằng “Nữ nhân nan hóa”, nghĩa nôm na là “Đàn bà là giống khó dạy”, đã là loại chỉ để người ta “dạy” rồi, mà còn… dốt.

Lại lườm nguýt: “Cái ngữ đái không qua được ngọn cỏ, làm ăn được gì!”. Ô hay, cái chuyện bài tiết do cơ thể được các bà mụ “nặn” ra như vậy, nên “thế thì phải thế”, đâu liên quan đến việc phát triển trí tuệ.

Trong lịch sử Việt Nam thiếu gì các bậc nữ lưu xuất chúng. Về võ, có Bà Trưng, Bà Triệu làm nên sự nghiệp lẫy lừng, đô đốc Bùi Thị Xuân đã bao lần làm quân Gia Long khiếp vía…

Về văn, có Bà huyện Thanh Quan, bà Đoàn Thị Điểm, “cô” Hồ Xuân Hương, học giỏi bằng mấy con trai, bụng đầy bồ chữ, được lưu danh trong văn học sử.

Nhưng theo luật lệ, giỏi giang mấy cũng vẫn bị cấm đến trường thi “múa bút” để tỏ rõ tài năng, đua tranh cùng các sĩ tử, đừng nói là sau này ra hoạt động xã hội, đóng góp với đời. Đành ngậm ngùi ao ước “ví đây đổi phận làm trai được”…

Câu chuyện dân gian “Nữ tú tài” – có lẽ tác giả khuyết danh ấy là nữ – thể hiện khát vọng được bình đẳng trong sự học hành.

Chuyện kể rằng, một cô gái con quan Tham tướng họ Văn tên là Phi Nga “đã hay nghệ ngựa lại rành nghề cung” ở mức độ “trượng phu mấy kẻ địch cùng kém xa”. Thế nhưng muốn có sự nghiệp như ai, buộc phải thay tên đổi họ, đóng vai một gã mày râu “Quần chân áo chít, cài khuy/Giả hình làm đấng nam nhi học hành”.

Đến khi thi đỗ tú tài, cô được vào triều thi đình – để giật mảnh bằng tiến sĩ – thì nỗi sợ “ngồi nhầm chỗ” nổi lên, cô không dám tiếp tục trò “giả danh” ấy nữa.

Mà cứ gì phương Đông, phương Tây cũng thế. Kovalevskaia – nữ tiến sĩ Toán học đầu tiên của thế giới – cũng không được nhận vào dạy trường Đại học ở Nga.

 Hiện nay, phụ nữ chiếm tỷ lệ 61% những người có trình độ cao đẳng, 34% những người có trình độ đại học, 30% những người có trình độ thạc sĩ, 21% những người có trình độ tiến sĩ và 4% những người là tiến sĩ khoa học. (Theo Th.s Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Hải Hà – Học viện Hành chính Quốc gia)

Nhà nữ bác học Marie Curie hai lần được giải Nobel danh giá nhất hành tinh – một trường hợp vô cùng hiếm hoi – lại trầy trật mãi mà vẫn chẳng được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học Pháp.

Có kể lại đôi điều mới thấy được cái “sướng” của phụ nữ ngày nay.

 Nữ và nam – có gì khác biệt?

Khi Thượng đế đã sinh ra hai phe, thì tất nhiên phải có nhiều khác biệt. Từ khác biệt ở nhiễm sắc thể, khác biệt ở sự sản sinh hocmon giới tính, đưa đến khác biệt trong quá trình lớn lên của bào thai, của cơ thể khi ra đời.

Các hocmon từ não và các tuyến tiết ra, hòa vào máu mang theo những thông điệp chỉ huy tất cả sự phát triển cơ thể, làm sự khác biệt ngày càng gia tăng, đưa đến khác biệt về tâm lý, về tư duy, về những khả năng liên quan đến giới.

Nếu chỉ đề cập đến sự khác nhau về trí tuệ mà thôi, thì cứ tạm “lờ” những gì chẳng giống nhau khác, để nói riêng về sự khác nhau ở bộ não, vì ai cũng biết, não gắn liền với các hoạt động tinh thần. Vậy não của hai giới khác nhau những gì và điều gì làm nên sự khác nhau đó?

Thuở hồng hoang, khi trong quần thể đã hình thành các gia đình, đàn ông sức vóc vạm vỡ hơn phải vào rừng rình mò săn chim, bẫy thú để kiếm ăn. Đàn bà sống quây quần trong hang động, chăm lo con cái và làm nhiều việc cùng một lúc, cố gắng quan hệ tốt với hàng xóm láng giềng.

Cứ thế truyền đời, bộ não của họ (chỉ huy các việc làm) dần dần khác biệt. Ở nam giới, nó phát triển khả năng về không gian và tính tập trung cao độ để làm một việc gì đó, còn ở phụ nữ lại phát triển khả năng giao tiếp và làm nhiều việc đồng thời. Chính vì thế phụ nữ nói nhiều và nói giỏi hơn đàn ông.

Theo thống kê, người đàn bà liến thoắng đến 6.800 từ trong một ngày, trong khi đàn ông có giỏi lắm cũng chỉ 2.700 từ. Họ dễ lạc đường hơn đàn ông. Họ giải quyết các vấn đề bằng cảm tính và tranh cãi, trong khi người đàn ông ngồi suy nghĩ, cân nhắc. Họ tổ chức việc nhà chu đáo hơn và nhanh gọn hơn.

Một chương trình truyền hình trực tiếp ở Anh có cuộc thi giữa sáu người đàn ông và sáu người phụ nữ trong 6 phút làm đồng thời các công việc như rửa tách chén, pha cà phê, nướng bánh, dọn bàn, nhắn tin trên điện thoại, gấp quần áo… thì trong sáu ông, năm ông thua cuộc, chỉ một ông đảm bảo được thời gian nhưng vẫn thua về tốc độ…

Thời đi học thường những “áo dài” mạnh về ngoại ngữ, các môn học thuộc lòng trong khi những “đầu đinh” lại khoái toán và những môn tự nhiên. Lớn lên, họ cũng chọn nghề một cách khác nhau, không kể những nghề đòi hỏi thể lực.

Ví dụ nghề phi công, với trình độ tự động hóa ngày nay, chỉ việc ngồi bấm nút, chẳng đòi hỏi mạnh về cơ bắp song chưa đến 1% phi công là nữ. Điều đó chứng tỏ nam giới “yêu” không gian hơn và do sự chi phối của hocmon giới tính testosteron, họ thích mạo hiểm và những tình huống căng thẳng.

Chẳng thế, rất hiếm gã đàn ông không phải là tín đồ của môn bóng đá sôi động trong khi chẳng mấy đại diện phái nữ yêu lăn yêu lóc trái banh tròn, nhất là khi các cầu thủ… không đẹp trai.

Cụ thể, ai thông minh hơn?

Những điều khác biệt nói trên là do cấu tạo của bộ não và sự điều khiển của các hocmon. Về trọng lượng và thể tích, não phụ nữ thua não đàn ông khoảng 9 – 10%. Cũng dễ hiểu vì bộ phận nào chẳng tương ứng với toàn thân.

Tuy nhiên, nếu quả là trọng lượng não là yếu tố quyết định sự thông minh thì đầu

 Tiến sĩ đầu tiên của Đại Việt chính là một người phụ nữ – bà Nguyễn Thị Duệ. Năm 20 tuổi bà đã cải trang thành con trai, lấy tên là Nguyễn Du, lều chõng đi thi (khoa thi năm Giáp Ngọ 1594) và trở thành tiến sĩ thủ khoa. Sau khi biết chuyện, Nguyễn Thị Duệ không những không bị khép tội mà còn được vua Mạc Kính Cung mời vào cung dạy các phi tần, rồi sau kết duyên với vua, trở thành phi.

của vĩ nhân của thế kỷ 20 là Einstein phải to bao nhiêu mới tương xứng với trí tuệ của ông? Uyên bác như nhà bác học Pasteur mà nửa bán cầu não bị teo, chỉ một nửa hoạt động.

Vả chăng, người ta vẫn thường bảo “to đầu mà dại” đấy thôi. Cho nên, kích thước bộ não hầu như chẳng liên quan với trí thông minh. Bộ não được cấu tạo như thế nào mới là điều quan trọng.

Não gồm hai bán cầu phải và trái, đối xứng nhau, là “ảnh trong gương” của nhau nhưng có chức năng khác nhau. Bán cầu phải phối hợp cảm xúc, ghi nhận hình ảnh và thưởng thức nghệ thuật.

 Nó giúp nắm bắt những sự kiện do giác quan mang lại, góp phần làm nảy sinh các cảm xúc.

Bán cầu trái nhận thức thế giới, kiểm soát cách nói, đọc, viết và tính toán. Ở nam giới, bán cầu này lớn hơn ở nữ. Hai bán cầu tách biệt nhau bằng một rãnh dọc của não và nối với nhau bằng “thể chai” (corpus callosum), để bán cầu này biết bán cầu kia làm việc gì.

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng số lượng dây thần kinh trong “thể chai” của phụ nữ cao hơn nam giới từ 10 đến 30%.

Sự vượt trội ấy giúp hai bán cầu của phụ nữ liên hệ với nhau chặt chẽ, họ cảm nhận tốt hơn mọi cảm giác và mở rộng ý thức về ngoại giới, trong khi cầu nối giữa hai bán cầu não ở nam giới nhỏ hơn, bán cầu não phải tương đối bị cô lập, nhờ thế họ gạt bỏ được những thứ “linh tinh” và làm việc tập trung hơn.

Tuy nhiên, những phát hiện ấy chỉ chứng minh những điều người ta đã từng biết về điểm mạnh và yếu ở hai giới, đồng thời cũng gợi ý để tận dụng “thế mạnh” của mình trong việc chọn việc làm gì cho có lợi nhất. Nó chưa chỉ ra ai thông minh hơn ai.

Việc đánh giá chỉ số thông minh sẽ lượng hóa băn khoăn này. Kết quả: Đo trên hàng vạn người, mọi thời đại, mọi lứa tuổi, nam và nữ thông minh gần như ngang nhau.

Thực ra chỉ số IQ trung bình của phụ nữ kém chút ít (từ 3 đến 4 điểm, có thể vì cách xác định đã hơi nghiêng về chức năng của bán cầu não trái vốn là sở trường của đàn ông).

Trong môi trường đòi hỏi sáng tạo cao của các sinh viên thuộc ĐH hàng đầu thế giới là Harvard (dành cho những thanh niên xuất sắc nhất), chỉ số IQ của các nữ sinh viên thua kém các bạn nam của mình từ 3,4 đến 4 điểm. Trong mọi thí nghiệm, nữ luôn trội hơn nam về khả năng diễn đạt và trí nhớ.

Với sự chênh lệch như thế, người ta coi là không đáng kể. Có điều là chỉ số IQ ở nữ giới khá đồng đều, trong khi ở nam, khoảng chênh lệch khá lớn, giá trị cực đại rất cao và giá trị cực tiểu rất thấp.

Đến đây, sẽ có người vặn lại, tại sao trong các nhà khoa học đỉnh cao, những trí tuệ hiếm hoi với các phát minh mang tính đột phá mở đường cho hàng loạt phát minh khác, được thừa nhận qua giải Nobel mà không ai nghi ngờ về tính khách quan của nó, tỷ lệ phụ nữ chỉ ở một con số khiêm tốn – 4,3% (nghĩa là chỉ có 38 nữ trong tổng số 789 người được giải tính đến năm 2006).

Tỷ lệ này ở Hóa học là 2% (3 trong số 149 giải), Vật lý – 1,1% (2 trong số 178 giải), Y học – 3,8% (7 trong số 185 giải), Kinh tế – 0% (chưa có phụ nữ nào trong số 58 giải). Về văn học con số này lớn hơn – 9,7% (10 trong số 103 giải).

Trả lời câu hỏi này, lại phải nói đến phần còn lại của thế giới.

Người ta thường nói: “Đằng sau một người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng của người đàn bà”. Và ngược lại cũng hoàn toàn đúng: “Đằng sau một người đàn bà thành đạt (trong bất cứ lĩnh vực gì, trong đó có sự thành đạt trong các lĩnh vực hoạt động trí tuệ) không bao giờ thiếu bóng dáng của một người đàn ông”.

Người đàn ông ấy là người đầy thông cảm, biết tạo ra sự hài hòa, điều chỉnh mọi mối quan hệ, mà nhiều khi cần đến cả sự hy sinh.

Nói về hiện tượng phụ nữ làm khoa học, một tác giả viết: “Một người phụ nữ thành đạt trong khoa học có giá bằng hai người đàn ông thành đạt trong khoa học, chẳng khác một người đàn ông đảm đang giỏi việc gia đình có giá bằng hai người phụ nữ đảm đang giỏi việc gia đình”. Ý nói để làm được những việc đó thành công, họ đều phải vượt những rào cản không nhỏ.
 

 Tuấn Hà

 

 


From the same category