Tô lại đời mình

Khi đi làm một thời gian, điều mệt mỏi nhất là một ngày đẹp trời, bạn thấy… mệt mỏi thực sự với công việc đang làm. Bạn chán phải dậy đúng giờ, đóng bộ công sở ngay ngắn và mặt mày căng thẳng để đối phó xem kế hoạch hôm nay, tuần này, sẽ phải giải quyết sự vụ gì. Bạn đã ngán ngẩm cảnh chạy tới chạy lui tìm chỗ để xe hay chen chúc ở cửa thang máy chờ đến lượt trong khi giờ làm đã điểm.

Bạn đã phát ốm khi ngồi thừ mặt ra trước suất cơm buổi trưa và nghĩ xem kiếm đâu ra hai cái ghế nữa để ghép thành chỗ ngả lưng trong một tiếng sau đó.

 Bạn đã muốn điên đầu vì cả tầng nhà có một khu vệ sinh bé tí mà lúc nào cũng đã có người trong đó mất rồi. Tuy nhiên, đó là chuyện nhỏ. Ai cũng thế cả, gì mà đã phải kêu?

Nhưng bạn đã cãi nhau lần thứ 36 với phòng hành chính vì trừ lương vào những ngày bạn đi muộn hay nghỉ đột xuất; trong khi đó, theo bạn, tiến độ vẫn đảm bảo.

Bạn đã gửi dăm cái mail kêu ca khiếu nại lên sếp về chuyện chuyên môn. Bạn đã rất cáu khi đề án của mình không được ủng hộ để triển khai. Bạn thấy mọi sự dường như không còn trơn tru như hồi trước. Đến đây chuyện không còn nhỏ nữa.

Như thế, có thể khẳng định chắc chắn là bạn đã muốn thôi việc lắm rồi. Nhưng bạn chẳng phải là người đầu tiên nhìn ra cái kết quả ấy.

 Người trực tiếp quản lý bạn, đồng nghiệp xung quanh bạn chỉ cần thấy bạn bị nhắc nhở đến vài lần, hoặc thấy bạn gần đây bất mãn nhiều hơn, là cái khả năng chia tay đã gần thành hiện thực: “Dạo này tao thấy mày có vẻ không tập trung lắm?”

Vậy là trước khi có một thông báo đầy lịch sự với những dòng như “Công ty rất cảm ơn những đóng góp của anh/chị thời gian qua… Mong rằng chúng ta sẽ có cơ hội tiếp tục cộng tác trong tương lai”, thì bạn đã phải tiến hành chuẩn bị trước, để giành phần thắng vào phút chót.

 Nhưng mà khổ nỗi, phút chia ly này còn thắng được cái gì trừ cái lòng tự ái được thoả mãn? Thực ra hiếm khi căng thẳng như phim Mỹ khi bỏ việc, bạn thét vào mặt sếp về một chuyện vớ vẩn nào đó, ông ta lạnh lùng thở hắt ra hoặc đỏ mặt gầm lên: “you’re fired!”

 Tôi đã chứng kiến hầu như mọi cuộc chia ly nơi văn phòng đều rất êm ái. Sẽ là một cuộc nói chuyện khá ấm cúng giữa sếp với người ra đi, mà đến lúc này mới hay “hoá ra em ở gần nhà anh” chẳng hạn.

Sếp sẽ gửi một bức thư điện tử cho khắp cơ quan với những lời chúc như chưa hề có cuộc chia ly. Mọi người trong văn phòng ngỡ ngàng khi thấy anh bạn đồng nghiệp im tiếng hàng ngày hôm nay vui vẻ đi khắp các bàn bắt tay lần đầu tiên và cũng có thể là lần cuối cùng trong đời với mình.

Sẽ là nỗi ghen tỵ kinh khủng của những kẻ ở lại nếu biết người ra đi kiếm được chỗ làm tốt hơn, nhiều cái hấp dẫn đáng ngờ (nghe đâu lương của nó 1000 đô cơ đấy). Mà chỗ mới nào chẳng tốt hơn cơ chứ!

Người ra đi cũng chỉ muốn ngoái lại để khoe một khởi đầu mới, nhưng phải là một khởi đầu khiến người đó có thể kiêu hãnh mà khẳng định mình đã đúng.

Nếu không thành công thì chẳng hoá ra thừa nhận sự thật là mình đã không đủ năng lực mà còn dám chê chỗ cũ à? Hoặc ta sẽ có chút thoả mãn khi gặp lại đồng nghiệp cũ cũng đang bất mãn với cơ quan: “Đấy, thấy chưa. Tớ đi sớm là sáng suốt”.

 Những hờn giận, nghe ngóng, hay tò mò chẳng khác nào một người đã chia tay bồ cũ nhưng vẫn ghen bóng ghen gió với cố nhân.

Thì đấy, mỗi ngày sống với nhau ít nhất 8 tiếng, mấy năm trời, nay dứt áo ra đi, đâu dễ quên ngay cái thói ăn quà vặt rả rích như mưa dầm với nhau hay mùi nước hoa nhức mũi cơ quan dùng để át mùi tài liệu mốc. 

Thế nhưng sau khi bạn tay cắp mấy cái cặp tài liệu cá nhân, đĩnh đạc bước ra ngoài trời, hít lấy không khí thiên nhiên tươi mát, mặt kiêu hãnh đi trong gió lạnh, thì cũng là lúc thông tin về bạn bắt đầu biến mất dần trong cái hộp sặc sụa mùi máy lạnh kia.

Ai mà nhớ bạn mãi được trừ khi bạn là người sáng lập hoặc tên bạn là tên công ty. Và nếu coi công ty là một người tình, thì bạn – kẻ ra đi và biết bao người khác cũng sẽ đi, chỉ là người yêu qua đường, là một trong số từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…

Năm 2000 hàng loạt công ty dotcom phá sản trong khi tuổi đời rất trẻ. Những kẻ làm

 Ba mươi tuổi đi xin việc khác với hăm ba tuổi, vừa có gì giống người hai lần đò tìm bến mới, vừa như một kẻ lang thang cơ nhỡ cần nơi nương tựa. Thời buổi người khôn của khó, không dễ để có người quen giới thiệu hoặc được dùng cái từ rất an toàn còn sót lại của thời bao cấp là “chuyển ngành” thì ta phải chấp nhận hình thức thi đấu thông thường: tuyển người.

việc ở đó có cơ hội chia tay công ty trên tư thế “đau một lần rồi thôi”, dù sao chúa chết trạng mới băng hà, cũng là thoả lòng đôi ta cùng đứt gánh.

Chứ tức nhất là, mình ra đi lang thang cơ nhỡ, công việc mới chưa ra đâu vào đâu mà cái đám đồng nghiệp cũ cứ ăn nên làm ra như thể mình đi mang theo vận xui của họ vậy!

Coi như bạn xóa ván cờ, làm lại từ đầu. Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay. Vậy hãy cùng mở to mắt và giơ tay ra cùng đánh giá lại vấn đề dẫn đến hiện thực hôm nay.

Trước hết, sau khi đã hết cái men ngây ngất của ánh sáng tự do đưa tới, bạn phải đối diện với vấn đề: bạn bỏ việc cũ chỉ vì bạn thấy chán và muốn thay đổi. Chứ thật ra bạn không hẳn đã muốn tự do!

Tôi biết bạn rõ lắm mà, như mọi anh viên chức khác, làm sao mà sử dụng cho hết hai tiếng tự do, nó thực ra quá xa xỉ và nếu dùng chỉ như là thứ gia vị nêm nếm cho thêm phần cảm giác mà thôi.

Nó là con cá gỗ treo trên đầu bạn để chép miệng vài lần cho thèm vị mặn chứ không có xơi được! Vừa cởi ra được sợi dây trói này, bạn đã thèm một cái thắt lưng an toàn khác cột chặt vào một cái ghế ở đâu đó.

Cho nên hãy bình tâm mà chấp nhận một chỗ làm mới chỉ khác chỗ cũ về địa điểm. Như tôi, cơ quan mới nằm bên kia đường đối diện cơ quan cũ! Hai nơi đều dùng bàn Xuân Hoà, màn hình LG và điều hoà hiệu Panasonic lạnh phát sốt.

Hãy cắn răng mà chờ cho qua cơn trầm uất vì chưa hội nhập được với đám đồng nghiệp thích bắt nạt ma mới. Hãy đợi đến khi thấy có thể ngủ trưa mà ngáy được trên ghế cơ quan. Khi đó bạn đã là người đằng mình rồi!

Tất nhiên, bạn chuyển chỗ làm việc còn vì tiền. Hoặc nếu lương không cao thì bạn cũng có những miếng mồi như: chức vụ tương lai, thu nhập bổng lộc đâu đó, hệ thống cơ quan nhà nước nhiều đặc quyền,… rất mờ mịt hoặc rõ ràng cụ thể như ở chỗ mới có một cô cực xinh, cực hot!

Hoặc có người chạy trốn khỏi cơ quan chỉ vì một lí do cực lãng mạn: chạy trốn một tình yêu. Cô thư kí chạy trốn một quan hệ với sếp chẳng đi đến đâu. Thường thì hồng nhan bỏ việc gây xôn xao hơn một anh trai già.

Như một minh tinh cỡ Greta Garbo rời bỏ màn bạc lúc trên đỉnh cao, người đẹp văn phòng ra đi là không chỉ sếp buồn, cánh mày râu thấy trời phụ lòng người, mà cả các chị em cũng thấy từ nay mình không còn được ghen tị. Mấy bà béo chúng mình với nhau, có gì để người ta ghen cơ chứ?

Còn bạn, không tình yêu, không nhan sắc, bạn cần thực tế hơn. Bạn đi vào thời điểm nào? Đừng đi trước kỳ xét tăng lương hay là phát thưởng. Đừng đi nếu bạn sắp chuẩn bị dành tiền du lịch dài ngày. Đừng đi nếu bạn chưa có đủ những thứ cần thiết để điền vào CV (lý lịch xin việc).

 Nhưng mà chờ đến khi nào thì mới đủ tiền hay CV đủ đẹp cơ chứ? Mà bao nhiêu thì là đủ? Nếu chờ đủ hẵng đi, thì câu trả lời là không bao giờ. Tính toán làm chi mấy thứ lợi ích cỏn con ấy. Bạn lo đến một thứ khác, đòi hỏi nỗ lực và hi vọng lớn hơn. Bạn đi xin việc mới.

Ba mươi tuổi đi xin việc khác với hăm ba tuổi, vừa có gì giống người hai lần đò tìm bến mới, vừa như một kẻ lang thang cơ nhỡ cần nơi nương tựa. Thời buổi người khôn của khó, không dễ để có người quen giới thiệu hoặc được dùng cái từ rất an toàn còn sót lại của thời bao cấp là “chuyển ngành” thì ta phải chấp nhận hình thức thi đấu thông thường: tuyển người.

Người đi tìm việc mới phải cày nát các trang thông tin tuyển dụng, nghe ngóng các kênh thông tin với rađa mở hết cỡ. Dù đã có bề dày thành tích với bằng cấp đầy mình, bạn vẫn hồi hộp chuẩn bị.

Thật không thể nói cho hết cảnh ganh đua không kém thi đại học, bởi mỗi ứng viên ở đây đã là những người dày dạn kinh nghiệm, hoặc cũng cố gắng tự tin để lấy điểm với nhà tuyển trạch. Cảm giác của người đi xin việc là sao mà khó lường được bụng dạ người phỏng vấn.

Ngày đi thi đã đến… Nếu không giới thiệu, dễ tưởng là một buổi trình diễn thời trang công sở. Tôi từng đi thi tuyển họa sĩ đồ họa, thấy trong đám ứng viên có người mặc cả một bộ complê hoặc váy mini-jupe rất trịnh trọng.

 Nhưng ngồi vẽ làm sao mà thắt cà vạt cài kín cổ hay khép chân dài đi guốc cao gót mãi cho được! Mỗi người cố gắng phô ra một ngoại hình dễ coi nhất, một phong thái tốt nhất theo ý họ.

Tôi đâm hoảng, hình như thời nay tuyển họa sĩ cũng cần hình thức thì phải. Nhưng mà hình thức cũng phải dính dáng đến sáng tạo như thế nào chứ?

Tôi coi thường cái anh chàng complê màu lông chuột đeo cà vạt chấm sọc kia, chả toát lên tinh thần nghệ sĩ gì cả (phen này mày rớt đầu nước với cái bộ dạng thời trang viên chức như thế). Còn cái tay tóc dài thả gió lê thê kia, mặc quần túi hộp, áo phông Hard Rock, mới là đối thủ đáng gờm. Trông nghệ sĩ lắm.

Công cuộc tô lại đời mình không có đơn giản được như việc sơn lại căn nhà. Bạn thi thố tốt, trả lời trôi chảy, cái khó lại nằm ở chỗ bôi trát lấp liếm những khoản nhem nhuốc chưa hoàn thiện của mình.

 Nhưng cũng không khó bằng cái câu mà bạn ghét nhất: “Tại sao em lại bỏ công ty cũ? Vì sao em lại thi vào đây?” Cứ như thể nhà tuyển dụng chưa từng biết thế nào là tiền polymer vậy!

Khi ba mươi tuổi, khi có mười năm thâm niên, đời bạn chẳng còn là trang giấy trắng nhưng là lúc bạn cấu trúc lại những trang kinh nghiệm cũ. Biết đâu với con mắt xanh của nhà tuyển dụng, họ sẽ đưa bạn cất cánh. Bạn mơ màng nghĩ đến viễn cảnh ấy và hoàn thành bài thi tuyển tốt nhất của đời bạn.

Tôi cũng hăm hở thể hiện tài năng như thí sinh thi người đẹp khoe cơ bắp. Rồi tôi cũng hào hứng chờ đợi kết quả tuyển dụng y như thế. Tôi tự tin lắm, nghĩ mình phải đầu bảng.

Thế nhưng đời không biết chữ ngờ, cái màu hồng vẫn chưa tô lên trang đời mới sau đó của tôi. Chỉ vì tuổi tôi nằm trong tứ hành xung Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Sếp ở đó tuổi Hợi, cầm tinh cái con vật hiền lành chỉ biết ăn no ngủ kĩ, vậy mà lại gây rắc rối cho tôi.

 Và nghe đâu, người trúng tuyển là một cô hăm lăm tuổi mặc mini-jupe. Dù sao như thế tôi thấy cũng đỡ khó chịu hơn là cái gã complê màu lông chuột kia, chất nghệ kém hẳn so với váy ngắn mà có óc sáng tạo hơn.

Cuộc sống dân văn phòng chúng ta, làm gì cũng hiện lên hai chữ “công việc”. Rời việc ra, chúng ta như người vô giá trị. Đâm ra nói “yêu công việc” chưa chắc đã phản ánh trung thực lòng ta, mà thực tế là ta buộc phải chọn con đường gắn chặt với nó.

Chúng ta được nhận diện ở chốn văn phòng là nhờ màu sắc công việc ta làm. Giá trị của ta nằm cả ở đấy, nên ta cố gắng tô tô trát trát đời mình là điều cũng phải. Giai nhân với danh tướng từ xưa, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu, thì dân văn phòng có bao giờ để thiên hạ thấy mình mất tư cách văn phòng!

 Trương Quý

 

 


From the same category