Trong những lúc “trà dư tửu hậu”, cánh mày râu đã có vợ, hay phổ biến cho nhau kinh nghiệm “nhím” bớt tiền của… mình, để xài riêng. Có một nhiếp ảnh gia bỏ tiền vào hũ đựng phim, bề ngoài dán dòng chữ “phim chưa tráng”, nên vợ ông có tìm thấy cũng phải để lại chỗ cũ. Bạn bè tấm tắc ngợi khen “sáng kiến” của ông.
Thế nhưng bây giờ, đối với nhiều anh chồng, kỹ năng lập quỹ đen như là chuyện… ngày xưa. Bởi các anh hiên ngang và công khai sở hữu tài khoản của mình và người giữ tiền cho họ thường là các cô gái… ở ngân hàng.
Ngoài tầm kiểm soát?
Tại các Tòa án Thành phố, khó khăn về mặt tài chính là một trong những nguyên nhân gây xung đột gia đình, song ngay trong những gia đình khá giả cũng khó bình yên khi tiền bạc không rõ ràng.
Tòa án Quận 10 đang hòa giải vụ ly hôn của một cặp vợ chồng trẻ. Sự việc có vẻ đơn giản. Đứa con gái còn nhỏ, anh chồng đồng ý giao cho vợ trông nom. Về tài sản, cũng chẳng có gì tranh chấp, bởi họ đang ở nhà thuê.
Trước khi cưới nhau, mỗi bên đều có tài khoản riêng, lãnh lương qua ngân hàng. Khi chung sống, cả hai đều đồng tình, không nhập chung nguồn thu nhập, chỉ góp ra những khoản chi chung cho gia đình.
Vì chị vợ là con gái út, cha mẹ lại đang sống với anh trai khá giả, nên cô không phải gánh nhiệm vụ nuôi cha mẹ; còn anh chồng là con trai trưởng, cha mẹ sống ở quê, các em còn đi học, nên trong khoản chi chung của vợ chồng có một số tiền kha khá gửi về cho gia đình chồng.
Sau những tính toán cụ thể, chị vợ cảm thấy hơi “thiệt thòi” cho cha mẹ mình, nhưng vẫn vui vì “tuy không công bằng, nhưng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mỗi bên”, chị lại được tiếng là dâu thảo.
Đứa con ra đời, đòi hỏi nhiều khoản chi chung, hút cạn số tiền trong tài khoản của vợ, trong khi phần đóng góp của ông xã “vẫn như cũ”.
Chị buồn lòng vì ông xã không biết hy sinh, vẫn duy trì những khoản chi riêng cho bản thân như hút thuốc, đi nhậu với bạn bè… Cho đến khi chị vợ tình cờ phát hiện tờ hóa đơn rút một khoản tiền mặt khá lớn. Chị cố giữ bình tĩnh chờ ông nói ra lý do.
Theo nguyên tắc, khi quyết định chi tiêu việc gì cho gia đình, vợ chồng thường bàn bạc với nhau, rồi chi từ quỹ chung. Sự im lặng của anh chồng cho thấy khoản chi này của anh chắc chắn đã dùng vào chuyện riêng.
Sự chịu đựng của bà xã vỡ tung khi nhìn thấy tờ giấy rút tiền lần thứ ba của ông xã. Chị tuôn ra hết mọi bực tức, kìm hãm bấy lâu, kết luận rằng anh là kẻ ích kỷ, đối xử với vợ như người dưng… Rồi kết luận: “Thôi thì mạnh ai nấy sống, đường ai nấy đi, khỏi ai phiền ai”.
Tại buổi hòa giải, anh chồng chống chế: “Ngoài vợ con, tôi còn nhiều mối quan hệ khác, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn… Tôi không báo cáo với bà xã, vì chuyện chi cho các mối quan hệ này là chuyện nhỏ. Nhưng vợ tôi không hiểu, coi như tôi là một kẻ vô tư, thiếu trách nhiệm với gia đình”. Đến buổi hòa giải tiếp theo, chị vợ vẫn chán nản, không mong muốn đoàn tụ.
Giữ tình hay giữ tiền?
Tuy không phức tạp và dễ gây “đụng chạm” như vấn đề con riêng, song tài khoản riêng cũng làm nhiều người nhức đầu.
Theo bà Nguyễn Thị Thương, giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình và ly hôn Tp.HCM, các bà vợ vẫn còn rất quen với nhiệm vụ giữ tiền, coi như một nét “truyền thống” của nhiều gia đình Việt Nam.
Dân gian có câu: “Chồng như cái giỏ, vợ như cái hom”. Có thể hiểu là anh chồng đi làm, nộp hết lương cho bà xã, khi cần mua sắm sẽ đề xuất và chờ vợ “duyệt”. Điều này tăng thêm “uy lực” của các bà chủ đối với chồng con.
Phần lớn các chị rất tự tin vào tài quản lý tài sản gia đình, không để lọt đồng nào. Trong lĩnh vực này, họ kế thừa nhiều kinh nghiệm từ bà, mẹ… những người đàn bà nắm giữ “tay hòm chìa khóa” như một lẽ đương nhiên.
Song, bây giờ nhiều anh chồng muốn giữ lại thu nhập của mình rất dễ tìm ra lý do, thời cuộc lại ủng hộ và tạo điều kiện cho các anh. Các anh vịn vào cách chi trả thẳng vào tài khoản của cơ quan và chẳng có chị vợ nào tin rằng, ông sẽ rút hết tiền giao cho vợ.
Vậy là trong nhiều gia đình, vợ chồng đều có tài khoản riêng, chuyện bình thường đối với văn hóa hôn nhân ở phương Tây, lại là cái mới ở xứ ta. Chưa thành thói quen, tập quán, nên cái mới gặp nhiều gian nan. Nhiều người phụ nữ cứ bứt rứt, coi như không giữ hết tiền của chồng, chưa phải là… bà xã của anh ta.
Thế nhưng về cơ bản, thủ phạm gây ra mâu thuẫn vợ chồng không phải là tài khoản riêng của anh chồng. Qua việc “khám và điều trị” cho nhiều người vợ, bà Thương nhận ra chính sự nghi ngờ, tự ái khiến cho các chị âu lo.
Nếu như các chị tin rằng các anh giữ tài khoản riêng, cũng tiêu xài kỹ như… mình, luôn đặt gia đình ở vị trí ưu tiên số 1, thì gia đình sẽ bình yên. Thế nhưng, các chị vợ không đủ vô tư, họ nghĩ các ông dễ bị yếu lòng, không đủ lý trí khi chi tiền, không có mục đích, dễ bị kẻ khác lợi dụng…
Quan điểm của bà xã không những không thuyết phục các anh chồng giao nộp tài khoản, mà còn khiến cho họ nổi cáu, cảm thấy bị xúc phạm, coi thường.
Một lý do khác, là giữa hai vợ chồng không có sự bàn bạc trao đổi thông tin thường xuyên, nên sau khi ông chồng đóng một khoản tiền cho gia đình xong, coi như đã hoàn tất nghĩa vụ, người vợ không hề biết đến các khoản chi khác của chồng. Đó là điều làm bà có suy nghĩ “mạnh ai, nấy xài”.
Nếu như các khoản chi, dù là trong tài khoản riêng, vợ chồng đều biết, đều thông báo với nhau, nhất là các anh chồng minh bạch trong các báo cáo tài chính, thì chị vợ an tâm hơn trong cảm giác “nhất vợ, nhì trời”.
Cũng qua tư vấn, chuyên viên Nguyễn Thu Hiên cho rằng việc các chị đấu tranh để giữ chìa khóa “két sắt” rất đáng được chia sẻ, cảm thông, vì có hiện tượng trong số các anh chồng lắm tiền, không ít người “dính” vào “tệ nạn” nhậu nhẹt, bài bạc, bồ bịch…
Bởi thế, sự chấp nhận của chị vợ để chồng có tài khoản riêng, phần nhiều dựa vào lối sống lành mạnh hay “yếu ớt” của các anh!
Nhận thức luôn đi sau thực tế, rồi sẽ đến lúc, theo xu hướng thời đại, các chị vợ sẽ thôi không thắc mắc về tài khoản riêng của chồng, về những con số cũng như cách anh ta tiêu xài. Song, vấn đề quan trọng trong mọi thời đại hôn nhân, là vợ chồng nên biết cách giữ “tình”, chứ không phải tìm cách giữ “tiền”. Một khi tình nghĩa vợ chồng đã mất, thì ai giữ tiền cũng chẳng đáng quan tâm.
Trường Sơn |