DFS6 - Henri Hubert “Tôi muốn đi và đem đến...” - Tạp chí Đẹp

DFS6 – Henri Hubert “Tôi muốn đi và đem đến…”

Bộ Sưu Tập

Chàng trai mặc sơ-mi phanh ngực phóng khoáng, cao lớn, hoang dã như một chú báo hoang mạc – Henri Hubert – Giám đốc sáng tạo (Creative Director) của Creative Group nhìn trẻ trung pha chút láu cá, lẫn chút ngơ ngác trong ánh mắt.

Đến khi giọng nói trầm, thầm thì như nuốt vào trong cất lên, mới thấy được người đàn ông 42 tuổi đang hiện diện, không phải qua lối phát âm tiếng Anh giọng Pháp khó nghe, mà qua những suy nghĩ và chia sẻ của một người đã đi nhiều, thấy nhiều, làm nhiều và cho đi nhiều…

 

 Tôi kiếm những thứ khác

Tôi gọi anh là gì đây, cựu người mẫu hay một trong những chức danh “hoành tráng” khác – Giám đốc nghệ thuật (Art Director), Giám đốc sáng tạo (Creative Director)…?

Tôi làm người mẫu từ năm 14 tuổi, sau đó lần lượt trải qua vị trí Booking Director (người sắp xếp lịch diễn), Fashion Consultant (cố vấn thời trang), Fashion Show Organizator (tổ chức trình diễn thời trang) ở một số công ty tại Pháp và Ý.

Còn hiện tại, tôi là Creative Director kiêm Art Director của Creative Group. Nhưng anh cứ gọi tôi là Henri, thế là tiện nhất.

Đang yên ổn tại Milano, Paris – những kinh đô thời trang của thế giới, sao anh lại từ bỏ tất cả để qua Việt Nam làm lại từ đầu?

Năm năm trước, một cô bạn nhờ tôi qua Việt Nam giúp mở một công ty về thời trang. Vừa đến đây, tôi đã thấy cô bạn ấy khó mà thành công vì môi trường chưa phù hợp.

Quả thực, sau này cô ấy bỏ ý định mở công ty, còn tôi, lúc đầu chỉ muốn ở lại nghỉ ngơi, vui chơi và làm thử một ít việc.

 

Tự nhủ 3 tháng sau sẽ đi, thế rồi cứ lần lữa mãi, gặp người này người kia, thích cái này cái kia ở đây, lại muốn làm điều này điều kia, bây giờ đã mấy mươi lần cái “3 tháng” rồi mà vẫn nguyên xi ở Việt Nam, lại mở ra B.H Studio (hợp tác với người mẫu Bảo Hòa) hiện phát triển thành Creative Group đến nay đã được 2 năm 2 tháng.

Chắc là công ty phát triển mạnh, thu nhập tốt nên anh mới chấp nhận ở lại?

Tôi kể cho anh nghe một chuyện rất buồn cười, khoảng một tháng trước, ngân hàng của tôi ở Pháp gửi e-mail hỏi bao giờ thì tôi hết kỳ nghỉ ở Việt Nam. Họ thấy tôi cứ rút tiền mãi mà không bỏ vào đồng nào cả nên sốt ruột hỏi thăm đấy.

Tôi rút tiền thường xuyên, không nhiều, để chi tiêu thêm những khi thu nhập ở Việt Nam không đủ. Chứ công ty còn non trẻ lắm, có phát triển hơn trước đấy, nhưng làm không thua lỗ là may.

Tôi mở công ty không phải vì tiền, đối với tôi, Việt Nam không phải là chỗ kiếm tiền, tôi kiếm những thứ khác hay hơn.
Mà nói thực, có lẽ tôi nghiện đất nước của anh mất rồi, con người, ẩm thực, khí hậu khiến tôi khó mà dứt ra được, không biết tương lai thế nào, hiện tại, tôi thấy mình vẫn đang ở đây thôi.

 Kể anh thêm một chuyện nữa, thời tôi còn nhỏ, bảo mẫu của tôi là một phụ nữ người Việt đấy. Bà đã nấu món Việt cho tôi ăn, ru tôi ngủ, hát cho tôi nghe, nên thật dễ hiểu khi tôi quyến luyến Việt Nam đến thế.

Anh nói kiếm những thứ khác ở đây, là gì vậy?

Khi tôi thông báo với bố rằng sẽ qua Việt Nam sinh sống một thời gian, ông chỉ gật đầu và nói: “Đi đi, và hãy đem đến đấy một điều gì đó”. Tôi hỏi lại: “Đem cái gì?”, ông trả lời: “Đến đó con sẽ biết!”.

Bây giờ thì tôi đã biết, tôi muốn làm những việc có ý nghĩa, sáng tạo những vẻ đẹp, cống hiến hết khả năng của mình. Không cần phải nổi tiếng hay được nhớ đến, quan trọng là đem được một điều gì đấy cho mọi người. Tôi tìm kiếm ý nghĩa trong công việc của mình.

 

Phong cách của tôi

Năm năm trước qua Việt Nam, anh hẳn là bất ngờ, thậm chí sốc trước sự lạc hậu về mọi mặt, và dĩ nhiên về thời trang ở đây – so với Pháp và Ý?

Ồ không, tôi không ngạc nhiên gì đâu! Tôi từng làm việc ở Nam Phi và Bỉ, nền công nghiệp thời trang của họ lúc bấy giờ cũng không hơn Việt Nam là bao. Thời trang phát triển theo kinh tế mà, khi bạn còn nghèo, dĩ nhiên bạn phải chú trọng đến cái ăn hơn cái mặc.

Nhưng mọi sự bây giờ đã khác, người Việt ngày càng có “gu” trong trang phục, các nhà thiết kế thời trang xuất hiện ngày càng nhiều và rất sáng tạo, xu hướng hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, những nhãn hiệu thời trang quốc tế cũng ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Thay đổi diễn ra ngày một đấy!

Hội nhập về thời trang nói riêng và nghệ thuật nói chung cũng có khi biểu hiện bằng sự sao chép!

Sao chép là một phần của quá trình phát triển. Bạn cần học hỏi, thậm chí bắt chước, tôi không e ngại việc ấy, với điều kiện, cuối cùng, từ những cái cũ, cái sao chép, bạn sáng tạo ra cái mới mang phong cách riêng của mình.

Mỗi lần ra Hà Nội, tôi thường đi xem triển lãm ở các gallery, thấy rất hay, rất mới lạ. Việt Nam đang sở hữu những nghệ sỹ trẻ thật sự tài năng và sáng tạo, vấn đề là các bạn cần phải giao lưu về văn hóa với quốc tế nhiều hơn nữa, học hỏi cái mới bên cạnh việc giữ gìn và làm đẹp thêm những thành tựu cũ.

 Tôi hay nghe nhạc Việt, xem phim Việt, rất khó để so sánh, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích âm nhạc trước kia, phim ảnh trước kia hơn là những sản phẩm bây giờ. Có lẽ mọi thứ thay đổi quá nhanh, quá đột ngột, cần một thời gian nhất định để chúng đi vào guồng.

Dường như anh là người mở đầu xu hướng người nước ngoài hoạt động nhiếp ảnh, xây dựng phong cách, chỉ đạo nghệ thuật ở Việt Nam và đã tạo dựng được tiếng tăm. Sau anh, rất nhiều nghệ sỹ quốc tế đã đến làm việc ở đây. Trong “chiếc chăn” thời trang – nhiếp ảnh còn bó hẹp này, anh có cảm thấy chật chội khi bị cạnh tranh?

Tôi thấy không sao cả, với thời trang và nhiếp ảnh, càng cạnh tranh càng phát triển nhiều phong cách, đòi hỏi người nghệ sỹ phải luôn vận động, tìm tòi cái mới.

Tuy nhiên, có những người sang Việt Nam đem theo những cái đã cũ mà họ đã làm ở những nơi khác, lật tờ tạp chí ra thấy trang này, trang kia giống những tạp chí nước ngoài như khuôn, rất chán. Tôi mong họ đem lại những điều mới mẻ hơn cho Việt Nam.

Sáng tạo không hề đơn giản. Để tìm ý tưởng cho cái mới, tôi phải hòa mình vào đời sống của người dân Việt, ra ngoài đường hít bụi, nghe, xem, ngửi, ăn, sống cùng họ, cảm nhận những điều họ cảm nhận. Đối với tôi, sáng tạo là điều bắt buộc trong mỗi sản phẩm.

 Khách hàng của Creative Group có người bắt ép tôi phải chiều theo ý họ, tôi thẳng thừng từ chối. Tôi làm ra sản phẩm như vậy, thích thì mua, không thì thôi. Hiện tại, tôi làm cho mình hơn là kiếm tiền, nếu kinh doanh không tốt, tôi sẽ đóng công ty để làm việc khác.

Có thể nói anh đã xây dựng được một phong cách riêng về nhiếp ảnh. Tuy nhiên, có vẻ như phong cách của anh  monotone (đơn điệu), nhìn thì đẹp đấy, nhưng màu sắc, dáng vẻ, biểu cảm của người mẫu cô nào cũng giống nhau!

Tôi không thấy thế! Có lẽ vì anh chưa xem nhiều hình của tôi. Anh xem thử mấy catalogue này, đa dạng đấy chứ! Nhìn cô nào rõ ràng cô ấy, mà vẫn là phong cách của tôi.

Điều quan trọng đầu tiên đối với sản phẩm của tôi là trong hình, người mẫu phải thật xinh đẹp và có cá tính dù ở ngoài, cô ấy có xấu và nhạt nhẽo đi chăng nữa. Vẻ đẹp cá tính ấy biểu hiện từ ánh mắt, bờ môi, cánh tay, đôi vai… cả thân người toát lên một tính cách mạnh mẽ.

Vậy, phong cách của anh là…?

Tôi sở trường mảng tạo hình dựa trên cấu trúc hình thể con người, rõ ràng, sạch, hiện đại và thời trang.

Ở Đẹp Fashion Show năm ngoái, chủ đề “Thời trang và ánh sáng”, anh dàn dựng tròn trịa, nhưng có cảm giác chưa thể hiện rõ chủ đề lắm. Năm nay, một lần nữa anh đảm nhiệm vai trò đạo diễn Đẹp Fashion Show, sẽ như thế nào đây?

Tôi không hài lòng mấy về chương trình năm ngoái. Ý tưởng rất nhiều, nhưng vì kỹ thuật điều chỉnh ánh sáng không tốt nên kết quả chưa được như ý. Còn năm nay, anh chờ xem nhé! Sẽ đặc biệt hơn, ấn tượng hơn và chắc chắn kỹ thuật sẽ tốt hơn.

 

Tôi yêu cá tính mạnh

Ai cũng biết anh và Bảo Hòa yêu nhau đã lâu, thắm thiết đến tận bây giờ. Anh kể chuyện tình yêu hai người tôi nghe với!

(Lúng túng) À…, ừ…, Bảo Hòa đang nhìn trộm và cười chọc tôi ngoài cửa kìa. Vừa mới nhắc đến đã xuất hiện ngay. Thôi anh đặt câu hỏi đi, tôi chẳng biết kể gì cả.

Điều gì ở cô ấy chinh phục được một người hẳn đã trải qua không ít sắc đẹp như anh?

Ừm, cô ấy thông minh, cá tính mạnh, không bao giờ phàn nàn ngại khó, làm việc hăng say, và đẹp nữa. Trên hết, tôi thấy ở cô ấy tố chất của một người có tương lai.

Vì vậy mà anh đã giúp Bảo Hòa gia nhập thành công làng thời trang quốc tế?

Tôi chẳng giúp gì ngoại trừ việc hướng dẫn cô ấy một số kiến thức để trở thành một người mẫu chuyên nghiệp mang tầm quốc tế, truyền cho cô ấy lòng tự tin về bản thân, khát khao thành công và biết nắm bắt cơ hội chứ không ngồi một chỗ mà chờ.

Còn lại, tự cô ấy vận động, tiếp xúc và thành công đấy chứ. Thời trang quốc tế là một nền công nghiệp khắc nghiệt, không có chỗ cho những thành công bắt nguồn từ lời giới thiệu hay sự giúp đỡ nếu bạn không có khả năng thực sự.

Hãy tưởng tượng khi Bảo Hòa qua Mỹ, mọi người nhìn khinh khỉnh, ồ người Việt à, thấp thế, chán thế; nếu Bảo Hòa không chứng minh được năng lực của mình và đem lại tiền cho công ty chủ quản, cô ấy đã bị đào thải từ lâu.

Sau này, BB Minh Thúy thành công cũng từ anh?

Tôi và Minh Thúy chỉ cộng tác với nhau trong một thời gian ngắn. Tôi hướng dẫn cho cô ấy chút ít về nghề nghiệp vì thấy Thúy cũng là người có tiềm năng và khát vọng vươn lên trong nghề. Còn thành công của Thúy, cũng như Hòa, là do cô ấy tự thân vận động.

Dù sao, anh cũng là người có đôi mắt xanh, nhạy bén phát hiện tài năng. “Mát tay” như vậy, sao anh không mở trường huấn luyện người mẫu?

Nói thật, ở Việt Nam hiện nay, theo tôi, chỉ có khoảng 4, 5 gương mặt nữ đủ tiêu chuẩn trở thành người mẫu quốc tế. Chưa nói đến vẻ đẹp hình thể, người mẫu Việt còn thiếu cá tính, thiếu khát vọng thành công.

Có những cô đến nhờ tôi giúp đấy, nhưng họ không đủ mạnh về tính cách, không biết thay đổi, vươn lên, không hiểu rõ chính bản thân họ muốn gì. Như vậy, hỏi làm sao tôi có cảm hứng đào tạo?!

Sống và làm việc ở Việt Nam, yêu một người con gái Việt, anh có định trở thành một người đàn ông Việt, nghĩa là ngừng phiêu lưu để lập gia đình với người anh yêu, sinh con, có một cuộc sống êm đềm bình thường?

Tôi nghe mà thấy… sợ! Thật sự bây giờ tôi chưa nghĩ gì xa xôi cả, chỉ biết sống đến đâu hay đến đấy. Hiện tại tôi đang ở đây, làm việc, vui sống, yêu đời, cảm thấy tự do thoải mái, thế là đủ, tương lai vợ con ư, tính sau đi.

Còn rất nhiều chuyện phải làm, có thể đã đến lúc tôi bắt đầu một điều gì đấy mới mẻ hơn, sáng tạo hơn chẳng hạn!

 Hải Thủy (thực hiện)
Model: Henri – Ca sĩ Hồ Ngọc Hà
Photographer: Thiên Hùng

 

 

Thực hiện: depweb

21/12/2007, 11:10