Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, được đào tạo tại Trường Đại học Chambre Syndicale de la couture Paris danh tiếng, và là một trong những gương mặt quen thuộc với Vietnam Collection Granprix.
Trong DFS 6 lần này, Đỗ Mạnh Cường sẽ tham gia với BST mang tên Lonely (Cô đơn). Cuộc trò chuyện dưới đây diễn ra trong thời gian Cường tranh thủ về nước để chuẩn bị cho DFS 6 “Urban Inspiration”.
45 bộ quần áo dành riêng cho DFS có gì đặc biệt và bằng những chất liệu gì?
Với những trang phục nam, tôi sẽ có những bộ quần áo mặc cho đời thường, và mặc trên sàn diễn. Còn riêng với trang phục nữ, là trang phục mùa đông, nên sẽ xuất hiện nhiều vest, măng tô, áo quần chất liệu len, dạ…
Đó là những trang phục đơn giản cho nữ bằng cách làm của riêng tôi, phôæi lại chất liệu, xử lý đường cắt… Nói chung, đó là những bộ đồ nữ tính nhưng rất mạnh mẽ. Đó là ý đồ của tôi. Điều đặc biệt, trang phục của tôi làm hầu như không sử dụng hạt đính cườm mà tập trung ở những điểm nhấn, kẻ sọc trên nền đen, hoặc những đường xếp ly dốc.
Có phải anh muốn gây sốc không, khi để những người mẫu nam mặc… váy?
Không. Nếu nói sốc, thì hoàn toàn không. Khi tôi đưa hình ảnh người con trai mặc váy như vậy, người ta sẽ nghĩ: Ôi đàn bà quá. Nhưng khi anh mặc vào, họ sẽ thấy anh rất đàn ông. Đó không phải váy dành cho phụ nữ.
Ở nước ngoài, tôi thấy nhiều người đàn ông mặc váy như Scotlen, Thailand, Philippines và nhất là những người da đen. Trông họ mặc rất đẹp và nam tính. Vậy tại sao ta không thử thay đổi, nhất là khi trang phục nam đã quá nhàm chán, đơn điệu và bao lâu nay không thay đổi nên tôi muốn làm khác đi.
Tôi hoàn toàn không có ý gây sốc cho ai cả. Tôi không nghĩ tôi đi học ở nước ngoài, mang sự lai căng về, tôi chỉ nghĩ thời trang là văn hóa, và ta phải học hỏi rất nhiều. Người làm thời trang cũng phải hiểu văn hóa ở khắp nơi.
Quần áo của chúng ta mặc đây, cũng là sự pha trộn, “lai” cả đấy chứ! Tôi thấy thích, và cho nó là đẹp, thì tôi làm.
Điều gì đã khiến anh lấy chủ đề và tên cho bộ sưu tập nữ là Lonely (cô đơn)?
Vâng. Alone, đó là những cảm xúc tràn ngập trong tôi. Và nó cũng là niềm cảm hứng chủ đạo xuyên suốt bộ sưu tập của tôi. Tôi muốn diễn tả sự cô đơn, và biết khi người ta cô đơn, buồn phiền, người ta có thể làm nhiều sự điên rồ không biết trước được.
Ngay với bộ sưu tập dành cho phái nữ lần này, tôi muốn những người mẫu khoác lên trên người những trang phục của tôi, nữ tính, mà mạnh mẽ.
Có thể, khi phụ nữ làm việc, không ai biết nỗi cô đơn đang bị kìm nén, nhưng khi trở về nhà, người phụ nữ nếu bị nhấn sâu vào nỗi buồn sẽ dẫn đến trầm cảm, và tôi muốn họ mạnh mẽ vượt qua, họ phải khoác sau cái nữ tính mỏng manh yếu đuối ấy là một sự khao khát sống mãnh liệt. Hoặc, cũng có thể khoác trên cái mạnh mẽ ấy, lại là một tâm hồn rất… con gái!
Một điều lạ là Cường khẳng định sẽ không có từ sexy trong bộ sưu tập của mình?
Ở đồ của nữ, không sexy, mà ngược lại, trang phục của tôi rất kín đáo, nó cũng sẽ có bộ hở lưng, nhưng nói chung, nó kín. Tôi không thích đồ sexy, mà thích đồ gợi cảm, và tôi rất có hứng kết hợp quần áo.
Nó phải tạo phong cách riêng. Đối với tôi, không phải cứ hở hang mới là sexy, tôi thích sự kín đáo mà vẫn gợi cảm. Tuy nhiên, nói vậy chứ cũng đừng tưởng tượng đồ của tôi thiết kế toàn kín cổng cao tường cả, mà điểm nhấn, thường chỉ là một đường xẻ đúng chỗ, một đường lượn, ôm lấy đường cong trên thân thể cô gái, một điều gì đó toát ra rất tự nhiên.
Đó chính là sự gợi cảm quyến rũ chứ không phải hở thật nhiều, trần trụi thật nhiều, và mệnh danh sexy đã là đẹp.
Và theo Cường, sự gặp gỡ tương đồng giữa kiến trúc và thời trang, đặc biệt trên các bộ trang phục là gì?
Đó là những vẻ đẹp của kiến trúc, những đường nét, hình khối mà đôi khi kiến trúc muốn nhấn mạnh đến, và trong thời trang, đó là những đường nét tạo hình, tất cả đều phục vụ cho con người và tăng thêm vẻ đẹp cuộc sống.
Sự tương đồng giữa kiến trúc và thời trang rất dễ được nhận thấy, như những khối vuông, đường xếp, những lát cắt. Tôi rất thích chủ đề của DFS 6.
Việc học hành ở một trường đào tạo về nhà thiết kế thời trang danh tiếng như vậy, Cường đã thu hoạch được gì?
Trước tiên, xin kể lại chuyện hồi xưa, đó là tôi cực kỳ thích làm viết báo viết văn, chính vì vậy mà đã thi mấy lần khoa báo chí mà toàn trượt. Rồi cuối cùng, tôi thi một lúc 3 trường, và chỉ đỗ hai trường liên quan đến Mỹ thuật.
Thôi, thế là duyên phận rồi. Tôi học khoa Gốm tại trường Mỹ thuật công nghiệp một năm, rồi đi du học khoa thời trang tại Paris, Pháp.
Nhưng nghe nói, việc học thời trang là do Cường nghe theo lời mẹ chứ hoàn toàn không phải sở thích?
Đúng là tôi nghe theo lời mẹ tôi, nhưng cũng một phần do tôi rất hợp với mẹ. Mẹ tôi hiện đang ở Mỹ, cũng làm việc liên quan tới làm đẹp, mà hồi nhỏ, tôi đã rất thích và hay để ý tới việc làm đẹp của mẹ tôi.
Sau này, mẹ tôi cũng muốn tôi học thời trang, cho dù trước đó, như tôi đã nói, ý định của tôi hoàn toàn không chọn cho mình con đường theo thời trang. Rồi một lần được xem chương trình thời trang do hãng Dior trình diễn, tôi đã bị đánh gục. Từ nay, chắc thiết kế thời trang sẽ là nghiệp của tôi!
Thực sự, tôi thấy Cường rất cô đơn, cô đơn trên khuôn mặt, trên giọng nói, trong cả bộ sưu tập của Cường nữa?
Cái sự cô đơn này, một phần là do môi trường công việc ở bên nước ngoài rất khắt khe, ngày đi học từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, và mỗi ngày mất 2 tiếng đi tàu, chuyển ga…
Tối mịt về đến nhà, một thân một mình tự nấu cơm, ăn xong tắm giặt rồi làm bài. Có khi làm bài đến sáng. Suốt mấy năm du học, tôi đều như vậy. Hàng ngày, mình phải đối mặt với cuộc sống cô đơn như vậy, rất nhiều… và nó chính là cảm xúc để tôi thực hiện bộ sưu tập này.
Với tôi, thời trang là quần áo, và nó thể hiện cách suy nghĩ, cách sống của người ta, nó thể hiện cái tôi của mỗi cá nhân. Tôi muốn diễn tả sự cô đơn kết hợp từ cách trang điểm, cách phối trang phục, cách diễn của người mẫu. Khi tôi cô đơn, tôi thường hay lôi quần áo ra tự mặc, tự diễn.
Ngày xưa, tôi ăn mặc kỳ quái, đôi khi, choàng một cái ga giường. Nói chung, tôi điên rồ, và không giống ai hết. Giờ đây, tôi dần thay đổi, chín chắn và trưởng thành lên nhiều.
Tôi có thể thấy rõ điều đó trên trang phục Cường đang mặc và đó phải chăng là lý do mà Cường để 45 bộ trang phục trong bộ sưu tập của mình là màu đen?
Vâng. Màu đen, là màu cô đơn nhất. Theo tôi nghĩ, khi cô đơn, người ta tìm đến bóng tối nhiều hơn, nên tôi chọn màu đen. Nếu bạn làm một bộ đen để đẹp, thì rất dễ, nhưng 45 bộ đen để đẹp, và ấn tượng, thì rất khó.
Điều này đòi hỏi sự khắt khe, tránh sự lặp lại, tôi không biết thế nào, nhưng tôi rất muốn tạo ra cái gì đó mới mẻ chỉ với một màu đen. Bộ sưu tập này nó nói lên cá tính của tôi, như những gì tôi đã trải qua hàng ngày.
Cường thích nhà thiết kế thời trang trong nước nào nhất, và đã có định hướng gì cho tương lai chưa?
Tôi thích Công Trí. Ngay từ đầu, anh đã tìm được phong cách cho mình rồi. Tôi vẫn đang đi tìm cho mình một phong cách riêng. Theo tôi, một nhà thiết kế giỏi là nhà thiết kế làm rất nhiều mới tìm được hướng cho người ta.
Quần áo cũng chỉ là quần áo. Người nào việc ấy, tất nhiên là có những cái đồ của tôi ko có gì là mới, tôi muốn tạo cho những người nào mặc quần áo do tôi tạo mẫu có một phong cách riêng.
Sau này, tôi nghĩ mình không có tham vọng làm cái gì quá lớn, nhưng mong được làm những gì tôi thích, tạo được thương hiệu cho riêng mình và phục vụ cho công chúng, được người tiêu dùng chấp nhận. Tôi không thích làm việc cho một đối tượng nào nhất định, mà muốn tự do, cho tất cả!
Codet |