Showbiz Việt 2OO7 – Vẫn chỉ ”show” chưa thể ”biz”

Được ghép bởi “show” (biểu diễn) và “biz” (tức business – kinh doanh),  showbiz (tổ chức biểu diễn ca nhạc) chính là sự kết hợp vàng của ca nhạc – loại hình giải trí phổ thông nhất, đại chúng nhất, với cỗ máy kiếm tiền sinh lợi nhuận. Trên thế giới, showbiz được xếp vào 1 trong 10 ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.

Từ nay đến trung tuần tháng 1/2008 tức là trước Tết Âm lịch, theo đúng quy luật hằng năm, showbiz Việt sẽ tăng tốc dữ dội: 29/11 liveshow “Lam xưa” tại Nhà hát Hòa Bình, Tp.HCM, 20/12 liveshow “Làn sóng xanh 10 năm” tại CLB Lan Anh, 31/12 liveshow Đàm Vĩnh Hưng tại SVĐ Quân khu 7, 10/1/2008: biểu diễn và trao giải Mai vàng tại Nhà hát Hòa Bình, 3, 4, 5 và 6/1/2008 “Duyên dáng Việt Nam 19” sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình.

Và nếu không có gì thay đổi, sẽ có thêm một liveshow dạng serie “hoành tráng” tương tự “Duyên dáng Việt Nam” mang thương hiệu của một tập đoàn kinh doanh đang khá đình đám trên thị trường, sẽ ra mắt trong tháng 12… Bằng ấy show, nhưng nói tới chuyện “biz” thì ngay chính những người trong cuộc cũng đành bó tay trước câu trả lời.

Chuyện đương nhiên của showbiz nhưng hiện tại vẫn là “giấc mơ tuyệt vời” ở Việt Nam!

Sau cơn mơ và liều thuốc thử

Showbiz Việt đã có một giấc mơ đẹp trước ngày 10/3/2007. Sự xuất hiện ngắn ngủi nhưng rất hào hứng của “hoàng tử pop châu Á” Bi-Rain trong một show quảng bá thương hiệu trước đó, sức nóng của đêm diễn MTV với một ban nhạc xứ Hàn lấy tên Việt để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công thị trường, cũng như cuộc “Vút bay” của “công chúa pop Việt” Mỹ Tâm trong một dự án hợp tác ở Hàn Quốc… Nhưng rồi mọi sự đã tan thành mây khói.

Thất bại về doanh thu của hai nhà tổ chức Việt – Hàn (công ty D&D và Enter One) trong hai đêm Bi-Rain “Coming to Vietnam” (10 & 11/3 năm nay) có lẽ là cú ngã ngựa đau đớn nhất của giới showbiz Việt năm 2007.

Đau vì một công nghệ tổ chức biểu diễn thể hiện sự chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn và đẳng cấp khu vực (tất nhiên là phần lớn trong số này nhập khẩu từ Hàn Quốc) nhưng lại quá “khập khiễng” với thị trường tiêu thụ (người bỏ tiền mua vé), kết quả là đến Bi-Rain cũng không tài nào hiểu nổi vì sao chuyến dừng chân Việt Nam trong tour diễn châu Á hoành tráng của anh lại thảm bại doanh thu đến thế (nghe nói khoản thua lỗ lên tới cả triệu USD, các nhà tổ chức phải thanh toán dần dần theo kiểu “trả nợ góp”).

Đau vì hàng loạt các show tầm khu vực khác được rập rình lên kế hoạch ngay trong năm 2007, sau cú “dội nước lạnh” này lập tức “co” ngay. Ban nhạc xứ Hàn tên Việt một đi không quay trở lại, kế hoạch “tấn công thị trường Việt Nam” của họ cũng bốc hơi theo.

Mỹ Tâm “vút bay” trên đất Việt, còn việc phát hành một phiên bản khác trên đất Hàn để thăm dò thị trường, giờ này cũng chưa thấy có hồi âm. Không có thị trường, không thể có show, nguyên tắc của showbiz chuyên nghiệp là như vậy.

Show nội trong năm 2007 cũng bắt đầu có chuyện hủy show vì doanh thu không an toàn. Không ít lời bàn ra tán vào khi ngôi sao gạo cội của thị trường ca nhạc 10 năm qua, Lam Trường, quyết định hủy show “Chuyện hôm qua” tại Hà Nội, sau hai show không thành công về doanh thu tại Tp.HCM và Singapore, nhất là show tại Tp.HCM cách show bạc triệu (USD) của Bi-Rain không lâu.

 Một cú sốc khá nặng đối với ca sĩ, vì đây là liveshow xuyên Việt đầu tiên của anh, và Lam Trường trước nay làm show nào thắng show ấy không cần viện tới tài trợ. Nhưng là cái quyết định tỉnh táo của nhà sản xuất (không ai khác chính là gia đình ca sĩ) trước khi lún sâu vào thua lỗ nếu cứ tiếp tục “cố đấm ăn xôi”. Hai đêm diễn tại nhà thi đấu Quân khu 7 là liều thuốc thử quá đủ để đo đạc lại thị phần của ngôi sao này tại thời điểm hiện tại. Làm nữa, sẽ là quá phiêu lưu.

Việc hủy show ngay trước ngày diễn của Sỹ Luân cũng chấm dứt sớm cuộc phiêu lưu có phần vội vã của chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác ca khúc tuổi teen. Tuy chưa chính thức quảng bá rồi hủy như show Sỹ Luân, nhưng những tuyên bố chắc như đinh đóng cột của Hiền Thục về liveshow, rồi cuối cùng cũng như cột đã đóng đinh – là hủy bỏ show này để “dành tiền cho con” – có thể hiểu nôm na là làm liveshow tốn tiền quá và phí tiền quá (bởi chắc chắn sẽ không thu hồi được vốn).

Cũng được chờ đợi như liveshow Hiền Thục là liveshow Hồ Ngọc Hà – cô ca sĩ xinh đẹp đã có bước tiến dài trên thị trường lẫn thang bậc cát sê. Theo dự tính hé lộ trước đây, lẽ ra liveshow này đã phải trình làng vào khoảng tháng 2, tháng 3 năm nay, nhưng hiện tại mọi chuyện vẫn còn đang trên bàn thương thảo.

Mọi kế hoạch đều trở nên rụt rè hơn sau những cú ngã đau của các đồng nghiệp. Sê-ri ca nhạc “Nối vòng Việt Nam” của công ty Ánh Việt, mở hàng bằng sự trở về lần đầu tiên của Khánh Hà (kèm thêm ông anh Tuấn Ngọc) không thu về được như dự kiến (dù đã hủy bỏ hai show tại Đà Nẵng và Nha Trang vì doanh thu không đảm bảo, nhưng ở Hà Nội khán giả mua vé cũng chỉ lấp đầy được 1/3 khán phòng của Trung tâm Hội nghị quốc gia).

Bởi vậy có “Nối vòng Việt Nam 2” hay không còn phải chờ đợi. “Lam xưa” chỉ lên chương trình diễn tại Hà Nội, còn “Lam xưa” ở Tp.HCM là nhờ sự ngẫu hứng bất ngờ của các nhà tài trợ và “nữ hoàng nhạc nhẹ Việt Nam”, “diva số 1” cũng chỉ biết hy vọng qua “Lam xưa” mà tìm được nhà tài trợ cho liveshow Thanh Lam – 20 năm ca hát dự kiến tổ chức vào năm 2008. Và mô hình showbiz mini từ Tuấn Ngọc tại thính phòng khách sạn Sofitel đến Lệ Thu, Cao Minh tại thính phòng Nhạc viện Tp.HCM cũng đang là bài thử thận trọng của công ty Bạn yêu nhạc với một hình thức kinh doanh mới.

Vẫn chưa thể “biz”

Được xem là thành công cả tiền lẫn tiếng trong làng showbiz năm qua là “Thương hoài ngàn năm” của Đàm Vĩnh Hưng, tổ chức biểu diễn tại rạp Quốc Thanh, chỉ có 300 vé bán. Sắp tới đây “quý ông của nhạc Việt” sẽ làm tiếp “liveshow hoành tráng” dành cho giới trẻ như đã hứa.

Liệu “Ngày không em” của Đàm Vĩnh Hưng, quy tụ tới hơn 20 nam ca sĩ sáng giá trong cả nước, diễn ra tại SVĐ Quân khu 7 (Tp.HCM) đúng vào “ngày cùng tháng tận” – ngày 31/12/2007 sẽ tiếp tục “biz”, xua tan sự u ám doanh thu trên bầu trời showbiz Việt 2007?

Có thể. Bởi Đàm Vĩnh Hưng vẫn đang là một cái tên sáng giá nhất trên thị trường ca nhạc (có thể độ “hot” còn nhỉnh hơn cả Mỹ Tâm nữa). Hơn nữa, Đàm Vĩnh Hưng là một ca sĩ của “show” (với nhiều trò diễn ngẫu hứng luôn gây tò mò cho đám đông khán giả nghiêng về giải trí của showbiz) và liveshow của Hưng luôn được làm đúng với tinh thần của show – nghĩa là có rất nhiều trò diễn để xem, chứ không phải theo hướng của một số ca sĩ hiện nay “chú trọng tới phần nghe”. Và lần này cũng vậy, “đạo diễn nhiều trò” Huỳnh Phúc Điền sẽ là người dàn dựng “Ngày không em”.

Nhưng đó là Mr. Đàm “biz” chứ showbiz Việt “biz” thì khó ai có thể đưa ra được câu trả lời vào lúc này, nhất là những show lớn, quy mô show càng lớn càng dễ lún sâu vào vòng “danh nổi tiền chìm” khi sự náo nhiệt bề mặt của đời sống âm nhạc không giấu được thực tế chúng ta chưa hề có một thị trường âm nhạc tương xứng với công nghệ tổ chức biểu diễn!

Hãy nhìn lại “trường hợp của Bi” hồi đầu năm nay ở SVĐ Quân khu 7, thực ra cũng chẳng khác mấy tình cảnh của nhóm The Moffats mấy năm trước ở sân Tao Đàn. Công nghệ tổ chức của Bi-Rain hơn hẳn hồi tổ chức The Moffats, nhưng lớp khán giả chính của những show này – khán giả tuổi teen, vẫn không thay đổi, vẫn là những khán giả xin tiền bố mẹ để mua vé chứ không phải giới tuổi teen ở Nhật, ở Hàn, ở Singapore tự lập làm thêm kiếm tiền ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để có thể bỏ tiền túi bay sang Việt Nam theo thần tượng. Hãy nhìn lại một thị trường ca nhạc đang chủ yếu xài “hàng miễn phí”, “hàng khuyến mại” của các nhà tài trợ và các hội nghị khách hàng.

 Cũng chính “hàng khuyến mãi” đã góp phần chủ lực đẩy giá thành của các show lên cao chất ngất, để tới khi trở về “hàng bán” thì giá bán khiến người mua chóng mặt, giá bán không tương xứng với chất lượng thực sự và mặt bằng kinh tế chung của công chúng. Và một thực tế chỉ có ở Việt Nam: ca sĩ không thể sống được bằng việc ra album và làm liveshow, ngược lại, ca sĩ phải “cày” hàng đêm để “nuôi” album và liveshow.

“Showbiz Việt không thể đốt cháy giai đoạn” – Việt Tú, đạo diễn hai “liveshow hụt” của năm 2007 (liveshow Hiền Thục và liveshow Hồ Ngọc Hà) khẳng định. Công nghệ tân tiến có thể nhập khẩu nhanh chóng, nếu không phải hàng “xịn” từ Mỹ, Nhật, Hàn, thì cũng có thể xài hàng nhái Trung Quốc.

Thị trường thì không thể nhập khẩu, nhưng nó có thể được tạo nên, được mở rộng bởi sự đa dạng của hàng hóa, bởi chất lượng của hàng hóa, bởi giá cả hợp lý và bởi cả sự điều hành của những người quản lý thị trường (tất nhiên hàng hóa của chúng ta ở đây là âm nhạc và các show diễn rồi).

 Thủy Phạm

 


From the same category