Năm 2007, Charlie Trực Nguyễn là cái tên gây ấn tượng mạnh nhất trong làng điện ảnh Việt với bộ phim “Dòng máu anh hùng” (DMAH). Với phong cách làm phim chuyên nghiệp đúng tiêu chuẩn quốc tế, bộ phim này hoàn toàn đủ tự tin chinh phục khán giả ở bên ngoài biên giới Việt Nam.
Suốt một năm qua, Charlie Trực Nguyễn đã mang DMAH đến nhiều LHP, chợ phim quốc tế, nhận được rất nhiều lời đánh giá tích cực và những hợp đồng mua bán bản quyền phát hành. Nhiều nhà sản xuất cũng đã mời anh thương thảo một vài dự án tiếp theo, trong đó có anh em nhà sản xuất nổi tiếng Weinstein của Mỹ.
Nếu thời điểm này năm trước, hỏi Charlie Trực Nguyễn là ai, hầu như ít ai biết, nhưng bây giờ, sau thành công của “Dòng máu anh hùng” (DMAH) thì cái tên anh đã trở nên nổi tiếng trong làng điện ảnh. Tạo dựng được cái tên, ngay từ bộ phim truyện đầu tay. Anh có bất ngờ về điều này không?
Trước DMAH tôi có thực hiện hai bộ phim khác nhưng không phát hành ở VN. Tôi lăn lóc với điện ảnh hơn mười năm rồi chứ không phải “làm phát ăn ngay” như bạn nghĩ đâu. Ở một góc độ nào đó, tôi cũng hơi bất ngờ về những thành quả mà DMAH đạt được. Nói chung là bản thân mình vẫn chưa hài lòng một số vấn đề. Thôi thì lấy đó làm kinh nghiệm và bài học cho phim sau.
Anh có tham vọng phổ biến cái tên mình rộng hơn nữa không? Như ra ngoài biên giới Việt, ở châu Á, thậm chí là cả ở châu Âu và Hollywood?
Nếu được như vậy thì thật là sung sướng. Tuy nhiên khi làm phim tôi không suy nghĩ đến chuyện này. Mình làm chỉ vì mê đắm điện ảnh và cảm thấy bất hạnh nếu không được làm. Còn chuyện gì sau đó thì kệ nó. Nhưng mê làm phim không đồng nghĩa là có dự án nào tôi cũng đâm đầu vào làm.
DMAH đã lấy đi của anh những gì và đem lại cho anh những gì?
Nó lấy đi rất nhiều sức khỏe và hơn hai năm trời cực nhọc của rất nhiều anh em chứ không chỉ riêng tôi. Nhưng điều mà nó mang lại thì vô giá. Kể không hết và tôi kể cũng không nổi đâu. Tóm lại là qua phim này, chúng tôi được hiểu rõ về bản thân mình nhiều hơn vì nó buộc anh em phải đối mặt với nỗi sợ hãi và những khuyết điểm của chính mình. Chỉ có chúng tôi trong cuộc mới thấu hiểu được điều này.
Sau thành công lớn ở thị trường Việt Nam (phim ăn khách nhất, sự khen ngợi của báo chí và giới phê bình, những giải thưởng điện ảnh…), DMAH còn tạo được dấu ấn nào nữa ở bên ngoài?
Suốt năm nay chúng tôi đã đi dự nhiều LHP trên thế giới. Nói chung ở nơi đâu DMAH cũng được hoan nghênh và khen thưởng. Ở Pháp, phim cũng được giải báo chí tại LHP Lyon Asian mặc dù phim mình… chống Pháp! Gần đây nhất là LHP Kim Mã ở Đài Loan, nhiều người đã tỏ vẻ rất ngạc nhiên rằng VN mình có thể làm được phim võ thuật như vậy.
Về mặt phát hành thì Công ty Weinstein của Mỹ đã mua bản quyền cho những lãnh thổ dùng tiếng Anh, dự định phát hành đầu năm sau. Các nước còn lại sẽ do Công ty Lightning Entertainment phát hành.
Sau một số bộ phim gây được dấu ấn tại các LHP Quốc tế, một số đạo diễn Việt Nam đã có những dự án mang tầm quốc tế, như hai dự án gần đây của Trần Anh Hùng (với bộ phim “I come with the rain” có kinh phí 18 triệu USD và dàn sao nổi tiếng đa quốc tịch) và Timothy Linh Bùi (với bộ phim “Powder blue” có nhiều sao của Hollywood tham gia). Anh thì sao? Đã có lời mời nào từ các nhà sản xuất của Mỹ và Âu châu đến với anh chưa?
Sau DMAH tôi may mắn được vài nhà sản xuất của Mỹ để ý đến. Tôi đã có một vài cuộc tiếp xúc với nhà sản xuất Harvey Weinstein và dự một vài buổi tiệc của hãng phim Weinstein. Nhưng sự việc vẫn còn đang trong vòng thảo luận. Hiện tại còn hơi sớm để chia sẻ với mọi người về chuyện này.
Gần đây, đã xuất hiện một lớp đạo diễn gốc Việt với những thành tích ban đầu đáng tự hào. Phim của họ đang tạo nên một làn sóng nho nhỏ tại các LHP quốc tế. Họ cũng hỗ trợ nhau trong quá trình làm phim. Ví dụ như phim người này đạo diễn thì người kia đứng vai trò sản xuất, hoặc biên kịch… Anh nhận định như thế nào về các tín hiệu này? Liệu có thể tạo thành một làn sóng những đạo diễn Việt trong làng phim quốc tế?
Đối với chúng tôi, cơ hội được làm một bộ phim rất là khó, nếu không muốn nói là hiếm hoi vô cùng. Tôi quen biết khá nhiều người muốn làm mà vẫn chưa có cơ hội. Tất nhiên nơi nào ít cơ hội, thì nơi ấy cũng ít có sự thành công. Vì vậy nếu hỗ trợ nhau, thì mình dễ thành công hơn, và càng thành công thì chúng ta sẽ có càng nhiều cơ hội.
Với những đạo diễn không có cơ hội học hỏi ở những nền điện ảnh lớn trên thế giới, kinh phí sản xuất thấp, theo anh, họ có cơ hội để hội nhập với điện ảnh khu vực và thế giới không?
Tất nhiên thiếu điều kiện mình sẽ gặp khó khăn hơn, nhưng việc này không có nghĩa là mình không có cơ hội. Tôi nghĩ vấn đề này tùy thuộc vào khả năng của đạo diễn và những người cộng tác nhiều hơn. Trên thế giới có nhiều người làm rất siêu mà có học từ trường lớp đâu.
Tuy nhiên khi nói đến thị trường quốc tế, đôi lúc làm phim hay thôi vẫn chưa đủ. Tôi đã được xem nhiều phim cực hay ở các LHP nhưng vẫn không kiếm được nhà phát hành ở nước ngoài. Thường những bộ phim mang tính “toàn cầu” sẽ dễ “quốc tế hóa” hơn là những phim nặng về truyền thống. Hollywood hiểu rõ điều này nhất và gần như lấy đó làm quy tắc sản xuất phim.
Anh nghỉ ngơi cũng được một năm rồi, chắc đang hào hứng cho những dự án tiếp theo?
Dự án kế tiếp của Chánh Phương là “Lửa Phật”. Tôi sẽ tham gia trong vai trò đồng sản xuất với các em tôi. Đây là một bộ phim hành động rất hấp dẫn. Đạo diễn và biên kịch là anh Dustin Nguyễn, sẽ bấm máy trong năm 2008. Còn dự án riêng của tôi thì vẫn còn đang thảo luận như đã nói ở trên.
Anh muốn tiếp tục về VN làm phim hay phát triển những dự án mang tính quốc tế?
Nếu tôi được chủ động thì sẽ chọn quê hương mình thôi.
Lâm Lê |
Các tin liên quan
Điện ảnh Việt & 3 người đàn ông
Johnny Trí Nguyễn: Không muốn rút lui