Tết ở quê mình bao giờ cũng đẹp
(Bùi B.Dung – Sinh viên – Ba Lan)
Tết nơi xứ người cũng có bánh chưng, dưa hành, giò thủ, cũng có xôi, có oản, có hương vòng. Đêm ba mươi cũng có mâm cơm tất niên, có mâm ngũ quả. Và giao thừa, còn được ngửi mùi khói thuốc pháo thơm thơm. Tết nơi xứ người chẳng thiếu thứ gì, nhưng vẫn làm người xa xứ thẫn thờ nhớ tới Tết ở quê nhà.
Với tôi, Tết ở quê mình bao giờ cũng thật đẹp! Đẹp, bởi chẳng ở nơi đâu có tiếng chuông đặc biệt như phủ Tây Hồ vào đêm giao thừa, bởi không phải nơi nào cũng có lộc xuân như ở đền Ngọc Sơn, bởi chỉ ở nhà tôi mới được rửa mặt bằng nước lá mùi do mẹ tôi nấu vào sáng ngày mùng một, và cũng chẳng có mâm cơm tất niên nào đầm ấm như khi ta ngồi bên người thân vào chiều tối ba mươi.
Với tôi, chiều ba mươi Tết – thời khắc chuyển giao, năm cũ sắp qua năm mới sắp đến, cũng giống như mình vừa viết hết một chương sách và đang chuẩn bị khai bút ở chương tiếp theo vậy – luôn đặc biệt. Lúc này, ai cũng hối hả, cố làm nốt những phần việc của năm cũ, riêng anh em tôi lại thường rủ nhau đi dạo loanh quanh khắp phố, khắp phường. Khi đó, Hà Nội vừa hối hả mà lại rất đỗi thanh bình. Đường phố thưa bóng người nhưng không hiu quạnh, có thể cảm nhận rất rõ sự ấm cúng và sum họp ở mọi góc phố, mọi nẻo đường.
Tết đối với tôi càng ngày càng nhạt nhẽo
(Nguyễn Mạnh Hùng – Họa sĩ – Mỹ)
Sự nhạt nhẽo là do con người, chính con người tạo nên cái Tết hay hoặc cái Tết dở, còn thời khắc của thiên nhiên thì vẫn vậy. Nhớ lại ba mươi cái Tết tôi đã hưởng cho tới nay, tất cả đều ở Hà Nội, mỗi cái Tết đều có sự thay đổi.
Khi còn bé, Tết thật thiêng liêng và là niềm mong đợi của bao đứa trẻ. Tôi vẫn nhớ như in cái Tết nào đốt pháo ở đâu, trông nồi bánh chưng như thế nào. Tết nào được thức khuya và Tết nào vẫn bị mắng như ngày thường. Tết nào đi chơi những đâu, Tết nào nhiều tiền mừng tuổi, Tết nào buồn…
Lớn lên, Tết nhạt đi cùng khói pháo, nhạt đi cùng chương trình truyền hình, nhạt đi vì tôi chỉ còn thấy Tết là dịp gửi xe rất đắt, là dịp ăn mãi một loại thức ăn và uống mãi một loại rượu, là dịp thanh niên tụ tập đánh bạc công khai ngoài đường…
Trước Tết, khổ vì tắc đường, khổ vì mua đào, mua quất, mua sắm dồn dập cuối năm. Ai nợ nần thì cũng khổ vì trả nợ mà ai cho vay cũng khổ vì phải đi đòi… Mọi sự trước Tết dồn dập để rồi sau Tết lại quay về với tắc đường, với tai nạn, ai nợ nần tiếp tục nợ nần, ai cho vay tiếp tục cho vay… Khổ sở như thế thì Tết để mà làm gì?
Vài năm trở lại đây tôi không có Tết, Tết chẳng qua là thời điểm mà tôi giật mình nhớ ra, một năm nữa đã trôi qua. Ngoài việc chúc Tết họ hàng nội, ngoại ra, tôi thường ngủ dậy thật muộn, đến bữa thì ăn, có khi lại làm việc như ngày thường. Năm nay, tôi không ở nhà, lần đầu tiên ở một nơi khác rất xa xôi trong dịp Tết, tôi muốn xem mình sẽ thế nào khi hoàn toàn không có Tết.
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?
(Trademark, Mỹ)
Sắp Tết, tôi lại nhớ về những đêm giao thừa cũ, những mùa xuân xa xưa. Thuở còn là cậu bé, đêm ba mươi, tôi không tài nào chợp mắt được, lòng nô nức mong sao trời chóng sáng để được mặc quần áo mới, đứng trước bàn thờ khói hương nghi ngút cúng lạy tổ tiên, cầu xin học hành tấn tới, được nhiều tiền mừng tuổi.
Rồi khi biết thế nào là nỗi rộn ràng vì tình yêu, đã có một đêm 30, tôi đưa người yêu đi đón giao thừa, lên chùa hái lộc. Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan. Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?
Cái Tết tha hương đầu tiên của anh em tôi, không bánh tét, không bánh chưng, không hạt dưa hạt sen, không kẹo mứt bánh in, không phong bì lì xì, không pháo nổ đì đoàng, không mai vàng, không bạn bè, không người thân. Chỉ có nỗi nhớ thương vô tận, lòng tràn đầy hoài niệm về những mùa xuân đã mất.
Em trai tôi dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất và cũng loay hoay nấu một nồi xôi đậu xanh (nhão nhoẹt), một nồi chè đậu xanh đánh (bị khê), một đĩa bún tàu xào với đậu hũ chiên (khô khốc). Mọi thứ đã dọn sẵn lên trên cái bàn cũ xì, xiêu vẹo, trầy trụa nhặt từ lề đường về.
Tôi tan ca khuya, về đến nhà thì đã quá nửa đêm. Thắp nhang đèn lên bàn thờ tổ tiên xong, hai anh em ngồi thu lu trên bộ salon cọt kẹt nhà thờ cho. Trong bóng tối, chúng tôi lặng yên, chẳng biết nói gì với nhau. Bất chợt, em tôi bảo: “Chẳng biết bố mẹ với tụi nhỏ giờ đang làm gì? Em nhớ nhà quá. Em nhớ mẹ!”, và bắt đầu sụt sịt. Rồi hai anh em, chẳng ai bảo ai cùng oà lên khóc…
Tết – ngày vui qua mau
(Đặng Thiều Quang – kiến trúc sư, nhà văn)
Ngày còn là một cậu bé, một trong những điều được tôi mong chờ nhất chính là ngày Tết, như thể suốt 364 ngày tôi sống chỉ để chờ đợi cho đến cái ngày 30 Tết có đêm giao thừa ấy! Và rồi, nó cũng đến, với tiếng pháo râm ran khắp nơi. Mùi thuốc pháo sao mà thật dễ chịu, mùi những nén hương thơm ấm cúng, và thường thì mưa phùn lắc rắc bay.
Thú thực là tôi không có niềm vui nào hơn được đốt pháo lai rai suốt những ngày Tết. Những bánh pháo tép xanh đỏ tím vàng bé tí rẻ tiền, tháo ra đốt lẻ. Một que hương làm mồi lửa, vài bánh pháo tép, có thể là một ít bánh kẹo hay hạt hướng dương trong túi áo nữa cũng đủ làm bọn trẻ con hạnh phúc.
Những ngày giáp Tết, trẻ con cũng phụ giúp gia đình rửa lá dong để gói bánh chưng, vo gạo, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ… Vì người lớn bận bịu, căng thẳng nên trẻ con rất hay phải hứng chịu những lời mắng mỏ quở trách, thậm chí là ăn đòn. Nhưng kể từ đêm giao thừa, những chịu đựng vất vả, những đợi chờ cả năm đều được đền bù xứng đáng. Mọi chuyện cũ được xí xóa.
Tôi không thể quên cái cảm giác sung sướng khi suốt những ngày Tết được tự do ăn uống ngủ nghê, chơi bời hoàn toàn theo ý thích, vì người lớn cũng tự cho phép mình buông thả như vậy. Nhưng ngay trong những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi ấy, đôi khi tôi chợt bất giác thở dài nghĩ đến cái lúc phải quay trở lại với ngày thường.
Ngay khi thời khắc giao thừa điểm, tôi lại bắt đầu chờ đợi giao thừa năm sau, tôi chờ đợi trong suốt 365 ngày sẽ tới. Bằng cách đó, như thể tôi biến cuộc đời mình thành những ngày vui nối tiếp nhau. Mà ngày vui thì, bạn biết đấy, bao giờ cũng qua mau.
Tết là khởi đầu cho những dự định mới
(Lê Quý Dương – đạo diễn – Việt kiều Úc)
Tôi đã từng trải qua những cái Tết không có người thân bên cạnh, nơi xứ người. Ai xa nhà trong những ngày Tết cũng đều nhớ nhà da diết. Vì thế, cũng thật dễ hiểu tại sao tuy bận rộn nhưng tôi và nhiều người khác vẫn chịu khó lái xe vài giờ đồng hồ chỉ để mua một ít bánh mứt, giò chả, bánh chưng…
Sự kết nối duy nhất giữa tôi và gia đình là những cuộc điện thoại xuyên đại dương. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm, tôi đã không thể chúc Tết bố mẹ đúng thời điểm giao thừa vì nghẽn mạng. Cái cảm giác như ngồi trên đống than lúc ấy, tôi không bao giờ quên được.
Trở về Việt Nam, Tết là khoảng thời gian tôi ở cạnh mẹ nhiều nhất. Thật không gì vui bằng được đưa mẹ đi sắm Tết, quét dọn bàn thờ, quây quần bên mâm cơm và trò chuyện với mẹ những ngày cuối năm cũng như đầu Xuân.
Tôi quan niệm, thời khắc giao thừa rất quan trọng đối với một năm, ba ngày Xuân là khởi đầu cho những dự định mới. Do vậy, để lấy đà cho năm mới, tôi thường viết điều tâm đắc nhất mà mình đã làm được trong năm qua và lên kế hoạch công việc cho năm mới.
Tết trong mắt ai
(Nguyễn Thanh Lâm – Giám đốc công ty VietEuro)
Ngày còn bé, ai cũng háo hức chờ Tết đến. Nhiều nhà được sơn quét lại và cũng mặc áo mới như người. Mỗi đứa bé đều hồi hộp chờ Tết. Đúng là ăn Tết, vì nhà ai cũng mua sẵn ít nhiều bánh tét, bánh chưng, trái cây “dừa-đủ-xài”, và bao nhiêu món ăn ngày Tết: nào là thịt mỡ, dưa hành, củ kiệu, nào là thịt đông, nào là canh khổ qua nhồi thịt, tré miền Trung, giò lụa, chả quế miền Bắc và biết bao trái cây ngọt ngào miền Nam trên mâm ngũ quả. Chưa kể đến bia, rượu, nước ngọt đủ loại và kẹo bánh xanh xanh đỏ đỏ, thật là hấp dẫn đối với những đứa con nít như chúng tôi.
Khi tôi lớn lên, bước vào ngưỡng cửa đại học của trời Tây, những đôi mắt của bạn bè tôi là người dân tộc Bana, Giarai, Êđê trên phố núi Pleiku vẫn dõi theo tôi trong từng trang sách, gợi tôi nhớ đến những món nợ tinh thần với bao người nghèo khổ, và kéo tôi về với quê hương, dù quê hương chẳng phải lúc nào cũng là chùm khế ngọt.
Tết cũng có cái vị đắng, nhưng vị đắng đó là nguồn sản sinh ra những dòng suối ngọt ngào của tình người, mà có khi, đến cuối đời tôi mới hiểu nhiều hơn.
Nỗi nhớ Tết thấm thía biết bao, khi xuân về ở Berlin hay Paris, hay ở một chân trời góc bể nào đó mà xung quanh mình không có một cành mai hay một cành đào. Đào Nhật Bản đẹp lộng lẫy như thế, đẹp đến nỗi cả nước Nhật được nghỉ một ngày để đi ngắm hoa.
Nhưng hoa ấy cũng không thể thay thế một sắc hoa ngày Tết nào của quê mẹ Việt Nam. Lũ du học sinh chúng tôi đi tìm những cành Forsythia trông rất giống mai vàng, đem về chưng trong phòng hay nơi tụ tập anh em lại hát hò, ăn Tết kiểu du mục giang hồ và lũ con gái thường dễ nhớ nhà, khóc trước, và lũ con trai cũng khóc theo.
Bản hợp xuớng không nhiều thanh âm ấy vẫn gợi nhớ biết bao kỷ niệm, nuôi dưỡng biết bao tình cảm và vẫn âm vang trong lòng giữa đêm tĩnh mịch ngỡ như vô tâm của xứ người.
Không biết ai đó tìm mua được ít lá dong và nếp. Thế là cả bọn chui vào rừng nấu bánh chưng, bánh tét. Chỉ mươi phút sau, khi khói tỏa ra từ củi còn ướt hơi tuyết mùa đông tỏa ra, cảnh sát đã chạy xe đến.
Rồi tất cả ồ à thú vị khi biết rằng giờ đây, tuy mới 6 giờ chiều, nhưng theo lịch mặt trăng của quê chúng tôi đang là giao thừa. Tết âm lịch thiêng liêng như chiều Noel, như những ngày lễ trọng chỉ dành cho gia đình.
Ngọc Ái |