Đến với nghệ thuật một cách tình cờ, để rồi, “khi không có nó (nghệ thuật) tôi như người luôn phải ngậm sâm để sống”, ở tuổi 26 Phan Ý Ly đã là đạo diễn của sân khấu thể nghiệm mang tên Nháp nổi đình nổi đám trong giới trẻ Hà Nội từ năm 2006, là cố vấn cho dự án Nghệ thuật vì sự phát triển của Quỹ Dân số thế giới.
Và bộ phim tài liệu “Thảo nguyên xanh tươi” ra mắt vào cuối tháng 10/2007 là kết quả của dự án “Cuộc đời của tôi – Cách nhìn của tôi” do Phan Ý Ly khởi xướng trước đó đã giành giải thưởng cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam do Bộ Giáo dục – Đào tạo và Ngân hàng thế giới tổ chức.
Nhưng quan trọng hơn, từ sân khấu Nháp, từ “Thảo nguyên xanh tươi”, từ cô gái Việt Nam đầu tiên học thạc sĩ tại Anh chuyên ngành “Nghệ thuật và Truyền thông trong công tác phát triển xã hội” (Theatre & Media for Development), người ta bắt đầu phải quan tâm đến một loại hình nghệ thuật của cộng đồng, thật sinh động, cởi mở và đầy sức sáng tạo.
Cuộc đời của tôi – Cách nhìn của tôi, đó cũng có thể được xem là “tuyên ngôn” của Phan Ý Ly về chính cuộc sống của mình và nghệ thuật của mình. Mạnh mẽ và đầy khát vọng, cô gái có vẻ đẹp “đặc Việt Nam” này đã dấn thân trên con đường khám phá và phiêu lưu khi mới 16 tuổi.
Khi đó, Ly học song song chương trình lớp 11 và 12 để kịp lên đường sang Ấn Độ theo học ngành Tâm lý, Xã hội và Kinh tế tại trường… dòng Mount Carmel College. Kết thúc 3 năm học tại đất nước nhiều bí ẩn văn hóa và nghệ thuật này khi mới 19 tuổi, Phan Ý Ly về nước lên thẳng Hà Giang làm việc trong chương trình của Liên Hợp Quốc với tư cách nhân viên xóa đói giảm nghèo.
Bước ngoặt đến với nghệ thuật của Phan Ý Ly bắt đầu khi cô tham gia dự án dùng sân khấu để… tuyên truyền cho sức khỏe sinh sản và giành được học bổng tại Anh về nghệ thuật trong công tác phát triển xã hội.
Không theo con đường dùng nghệ thuật để tuyên truyền cho các chủ trương, chính sách. Cũng không theo con đường làm nghệ thuật truyền thống trước đây – tác phẩm thể hiện cái nhìn của chính tác giả. Phan Ý Ly như một nhà xã hội học mà nghệ thuật chính là con đường và phương pháp để tìm hiểu tâm lý con người và các hiện tượng xã hội.
Điều kỳ diệu là chính từ nghệ thuật ấy, có những điều thẳm sâu, có những góc khuất bí ẩn nhất của con người được chia sẻ thật đơn giản và đi thẳng vào trái tim mỗi người.
Nháp trên sân khấu
“Khi viết nháp, ai cũng thoải mái, không hề có tâm lý e dè, sợ hãi. Vì thế những gì viết ra nháp, dù chưa hoàn chỉnh, bao giờ cũng là khởi đầu của những ý tưởng” – Phan Ý Ly giải thích về cái tên của sân khấu Nháp, nhóm sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội, gồm toàn những bạn trẻ thế hệ 8X.
Sân khấu Nháp ra mắt năm 2006 với “Oe oe”, một vở kịch không lời thoại, chỉ có hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, các động tác hình thể và kỹ thuật sân khấu, kể về quá trình hình thành tới lúc ra đời của một bào thai.
Cũng trong năm 2006, vở diễn thứ hai của sân khấu Nháp – vở “Nhìn” đã đi lưu diễn tại nhiều trường đại học ở Hà Nội và Tp.HCM. “Nhìn” kết hợp giữa sân khấu và điện ảnh, là câu chuyện về một chàng trai lang thang trên mạng tìm thú tiêu khiển, tình cờ làm quen với một cô gái trẻ, xinh đẹp và hấp dẫn. Câu chuyện diễn ra rất thú vị và hấp dẫn…
“Oe oe” phần 2 sẽ ra mắt trên sân khấu Nháp trong năm nay, khai thác sự ám ảnh của những đứa trẻ trước lời nói của cha mẹ về nguồn gốc của chúng.
Trên sân khấu Nháp đều là những tác phẩm sân khấu đa phương tiện, đặc biệt là những phương tiện của đời sống đương đại như internet, kỹ xảo điện ảnh, hiệu quả âm thanh v.v… nói như Phan Ý Ly, chúng mang hơi hướng “thời đại @” hấp dẫn giới trẻ, đối thoại với họ bằng chính những câu chuyện và những vấn đề của họ như vấn đề tình dục trên mạng, sống thử…
Từ "Một cuộc hành trình" đến bộ phim của trẻ em Bãi Giữa
Năm 2004, chuẩn bị kết thúc khóa học thạc sĩ tại Anh, Phan Ý Ly chọn làm bài tập tốt nghiệp tại xóm liều Kibera ở thành phố Nairobi thuộc đất nước Kenya, nơi tập trung chủ yếu của những người dân nghèo thất học, của nạn trộm cắp và HIV/AIDS.
Vượt qua tất cả những khó khăn, thậm chí nguy hiểm, cuối cùng Ly đã “đến được” với người dân Kibera theo ý nghĩa đúng nhất của từ này. Cô học nhảy Salsa, học thổ ngữ, tham gia các chương trình tình nguyện ở địa phương, hòa nhập với cuộc sống của người dân Kibera và tìm thấy những khao khát vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi được xem là tận đáy xã hội…
Bộ phim “Một cuộc hành trình” thực hiện về tất cả những điều đó đã đạt điểm cao nhất khóa học và cũng chính nó gợi mở cho Phan Ý Ly dự án trao chiếc máy quay phim vào tay những đứa trẻ nghèo ở Bãi Giữa sông Hồng để các em tự làm phim về chính cuộc sống của mình.
“Thảo nguyên xanh tươi” không phải là bộ phim về trẻ em, hay cho trẻ em xem, mà là bộ phim do trẻ em làm về vấn đề chúng muốn người khác quan tâm. Chúng được chọn chủ đề, tự quay, quyết định kịch bản, tự viết lời bình theo sự dẫn dắt bằng các câu hỏi, các trò chơi, các cuộc thảo luận do Phan Ý Ly hướng dẫn.
Xanh tươi như cuộc sống thực, bộ phim hướng người xem tới những góc khuất giản dị của những cuộc đời xung quanh mà bình thường họ không nhận ra. Cũng ở đó, những đứa trẻ làm phim được phát huy khả năng tự chủ, tự lập trong suy nghĩ, được nâng cao niềm tin vào sức mạnh bản thân để làm chủ cuộc sống, chúng được trưởng thành về suy nghĩ, về ý chí và về cả kỹ năng tư duy.
Hoàng Sơn |
Các tin liên quan
Nghệ thuật đương đại và 3 cô gái
Nguyễn Kim Hoàng: Đứa-bé-nhìn-thấy-lửa