Nguyễn Kim Hoàng: Đứa bé nhìn thấy lửa

Himiko tiếng Nhật có nghĩa là “Đứa bé nhìn thấy lửa”. Nhưng Himiko đối với rất đông bạn trẻ và dân mỹ thuật ở Tp.HCM còn có một nghĩa khác, dễ hiểu hơn: Himiko là một trong mười quán cà phê lạ nhất Sài Gòn theo bình chọn của trang web thienduongcaphe.com, cũng là quán cà phê nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Tp.HCM.

Tại đây, trong hai năm kể từ khi bắt đầu mở cửa vào tháng 11/2005, đã tổ chức được 13 sự kiện nghệ thuật, bao gồm triển lãm và trao đổi nghệ thuật, giới thiệu nghệ sỹ và các cuộc nói chuyện của nghệ sỹ cùng các sự kiện mang tính hành động xã hội, tiêu biểu là triển lãm “Gathering on October” của nghệ sỹ Nhật Bản Shinobu, cuộc nói chuyện Video Art của nghệ sỹ Kelly Le Lan Phuong, cuộc trao đổi của nghệ sỹ phim tài liệu Trung Hoa Wu Wenguang với các nghệ sỹ trẻ Tp.HCM… Mà tất cả các hoạt động này đều “tự thân vận động”, không có tài trợ như hầu hết những hoạt động mỹ thuật đương đại diễn ra thời gian qua.

Người sáng lập, điều hành không gian nghệ thuật này là Nguyễn Kim Hoàng, mà bạn bè quen miệng gọi Hoàng Himiko, hay Himiko Nguyễn – nick của Hoàng trên blog.

Tốt nghiệp khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Tp.HCM năm 2005 nhưng từ năm học thứ hai Hoàng đã lang thang đi xem các triển lãm ở Sài Gòn. Cô nhìn thấy một viễn cảnh đáng buồn đang chờ đợi mình và bạn bè cùng lứa: rất ít phòng tranh chấp nhận giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ mới ra trường do ít có khả năng thương mại.

Đành chấp nhận chờ đợi những cuộc triển lãm do Hội Mỹ thuật, Vụ Mỹ thuật tổ chức vài năm, 5 năm một lần và cứ sau mỗi triển lãm là nghệ sĩ lại chở tranh, tượng về chất đống ở nhà.

Nhưng cô cũng nhìn thấy một ngọn lửa nhỏ: người Việt Nam chưa có thói quen đến bảo tàng nghệ thuật, lại càng ngại bước chân vào các gallery nếu không có ý định mua tranh, nhưng người Việt, nhất là giới trẻ, có xu hướng thích đi cà phê.

Thế là quán cà phê nghệ thuật Himiko được treo biển, với mặt bằng đi mượn, nội thất tự thiết kế, tác phẩm của chính chủ nhân và bạn bè, với mong muốn ban đầu: “Tác phẩm được nhìn, được xem là tốt rồi!”.

Không gian Himiko đã vượt quá mong muốn ban đầu của Hoàng. Giờ đây đó là điểm đến không thể thiếu được của nhiều bạn trẻ yêu thích nghệ thuật đương đại ở Tp.HCM, của các nghệ sĩ, các nhà giám tuyển (curator) khi đến Tp.HCM tìm hiểu đời sống của nghệ thuật đương đại ở đây, và cũng là địa chỉ tin cậy của nhiều sinh viên mỹ thuật mới ra trường.

Himiko được xem là mở đường cho xu hướng gắn kết mỹ thuật đương đại với cộng đồng trẻ theo kiểu “cà phê cà pháo” rất Việt Nam này ở Tp.HCM, hiện nay đã có thêm cà phê nghệ thuật Titan trên đường Đinh Tiên Hoàng…

Himiko cũng đã đưa Hoàng đi xa hơn trong thế giới nghệ thuật đương đại. Trong vai trò một nghệ sĩ điêu khắc, Kim Hoàng từng đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) Triển lãm truyền thống sinh viên điêu khắc năm 2004. Tháng 6/2007 Hoàng bày triển lãm chân dung điêu khắc “Đối thoại” với người bạn Trần Tuấn Nghĩa tại không gian Himiko.
Trong vai trò một nghệ sỹ đa phương tiện, Hoàng cũng có một số triển lãm riêng về sắp đặt và nhiếp ảnh, như “Tôi nhìn thấy” (I See) hay “Gần nữa” (Closer), được mời chính thức trong vai trò nghệ sỹ trình diễn Việt Nam tại liên hoan trình diễn quốc tế giữa các nghệ sỹ châu Á và Trung/Nam Mỹ do NIPAF tổ chức, từ 15/7 đến 2/8 năm 2006 tại 4 thành phố của Nhật Bản là Tokyo, Nagoya, Nagano và Kumagaya.

Gần đây nhất là 3 tháng dự Trại sáng tác quốc tế tại Cheong ju, Hàn Quốc, trong đó Hoàng tham gia ba cuộc triển lãm, một hội chợ nghệ thuật và một buổi trình diễn nghệ thuật đường phố.

Dù là điêu khắc, nhiếp ảnh hay trình diễn (art performance), tác phẩm của Hoàng bao giờ cũng đầy tình cảm, nữ tính – phần người ta ít thấy ở cô gái có bề ngoài mạnh mẽ này.

Hiện tại còn đang đi ở nhờ một nơi, tác phẩm gửi nhờ một nẻo, trong túi chỉ còn dư 8 triệu đồng sau 2 năm “bán cà phê nghệ thuật”, nhưng câu chuyện của Hoàng quanh đi quẩn lại vẫn là Himiko và những dự án nghệ thuật.

Sau khi phải tổ chức “sinh nhật Himiko” ngoài đường vì mặt bằng mượn phải trả lại, đầu năm 2008 này Himiko đã tìm được nơi an cư mới: 15B cư xá Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Bình Thạnh, và cũng bắt đầu ngay với triển lãm “Thế giới đa nguyên” – tác phẩm mới của Hoàng, một cái nhìn nhân bản về giới tính, nằm trong loạt triển lãm của dự án “Marathon nghệ thuật” (Art Marathon) do Như Huy làm giám tuyển.

Ước mong của Hoàng là Himiko mới kinh doanh cà phê khả quan hơn và tìm kiếm được nhà tài trợ để nơi đây có thể tổ chức triển lãm “free” cho tất cả các nghệ sĩ trẻ.

 Vân Hạc

 

 

 

 Các tin liên quan

Nghệ thuật đương đại và 3 cô gái
Phan Ý Ly: Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi


From the same category