Roi quất có khiến ngựa vùng lên? Một cuốn sách vừa ra đời đã được dự đoán là “bom tấn cho các cuộc tranh luận”. Người viết tự nhận mình là “vệ sinh viên” của “Công ty vệ sinh môi trường văn chương” với cái tạng “không hợp phê bình lối phất trần phủi bụi”. Nếu phải chọn một hiện tượng của làng văn năm qua, khó có thể bỏ qua “Bàn phím và cây búa”, sách phê bình văn học, NXB Văn học ấn hành tháng 10/2007 và cây bút phê bình – lý luận Nguyễn Hòa.
Và đây là cái nhìn sắc lẻm, trực diện của anh về văn chương Việt Nam năm 2007.
Nếu định tính văn chương năm 2007 từ góc nhìn của các giải thưởng vốn được công bố khá sớm thì tôi có thể nói ngay rằng năm qua văn chương nước Việt như đang bị… “mất mùa”, cho dù Hội Nhà văn Việt Nam vẫn trao giải thưởng cho “Hạt mưa rơi bao lâu” (tiểu thuyết – Đoàn Minh Phượng) và “Khúc hát trái tim” (thơ của Mattie – Hữu Việt dịch); Hội Nhà văn Hà Nội vẫn trao giải thưởng cho “Utopi một miếng để đời” (tiểu thuyết – Vũ Bão), “Gửi VB” (thơ – Phan Thị Vàng Anh) và “Biên niên ký chim vặn dây cót” (tiểu thuyết của Murakami – T.T.C.Đăng dịch) Hội Nhà văn Tp.HCM vẫn trao tặng thưởng cho “Trong bóng người xưa” (Thơ – Lê Thiếu Nhơn) và “Mỹ nhân ngư” (tập truyện ngắn của Liên Trinh).
Sự “khiêm tốn” một cách bất ngờ của các giải thưởng đưa lại hai khả năng: hoặc là các ban giám khảo đã đánh giá chặt chẽ hơn, hoặc là sáng tác văn chương còn quá nghèo nàn?
Đã từng hy vọng, từng trông đợi về một năm khởi sắc của văn chương khi thấy đó đây le lói một hai dấu hiệu khả tín, vậy rồi hy vọng như vơi mỏng dần, đến mức có lần – với tư cách một người quan tâm tới văn chương, tôi đã tự hỏi: Rồi đây, văn chương sẽ đi về đâu?
Vâng, có thể ai đó sẽ mỉm cười và bảo: “Lo bò trắng răng”, hoặc: “Không có bạn văn chương vẫn đi về phía trước, đâu cần tới nỗi lo lắng của một người”… Biết vậy, nhưng…
Văn chương năm 2007 mở đầu bằng một sự vụ theo tôi là đáng xấu hổ của sinh hoạt văn chương nước nhà, ấy là khi nhà thơ Phan Huyền Thư đã “đạo văn” của người khác và ngang nhiên trưng bày giữa sân nhà Thái học ở Văn Miếu.
Vậy là Ngày Hội thơ năm 2007 – một sinh hoạt văn hóa lành mạnh được Hội Nhà văn cố gắng gây dựng trở thành một mỹ tục của ngày xuân, đã ít nhiều bị hoen ố vì cái sự thiếu trong sáng của một người.
Vậy nên, khi nghĩ đến những người “đạo văn”, tôi vẫn muốn đặt ra câu hỏi rằng: khi người ta có gan “đạo văn” để trưng bày giữa thanh thiên bạch nhật trước bàn dân thiên hạ, thì người ta còn có gan làm những việc gì khác nữa đây?
Nổi lên trên bề mặt của báo chí, “sân chơi” văn chương năm qua dường như chủ yếu là dành cho màn trình diễn của các cây bút trẻ. Họ tuyên ngôn, họ ra sách riêng, họ góp mặt trong cuốn sách có tên là “Vũ điệu thân gầy” – một cái tên làm gợi nhớ tới ca khúc “La Compasita” đã được Phạm Duy dịch thành… “Vũ nữ thân gầy”.
Nếu chỉ là ngẫu nhiên, tôi không dám lạm bàn, còn nếu là sự mô phỏng thì việc làm này đã bộc lộ cả tình trạng nông cạn, lười nhác của hoạt động tư duy. Nhưng điều tôi muốn nói là dự cảm về một vài tác giả có mặt trong cuốn sách.
Có lẽ đã ấp ủ hy vọng sẽ nhận được những lời tán thưởng, nên khi bị đánh giá theo đúng nghĩa của phê bình thì họ “nhảy cẫng lên” và blog trở thành diễn đàn giúp họ phản công người đã chê bai họ.
Viết văn để được nổi danh, viết văn để được ca ngợi, viết văn bằng cách loanh quanh khai thác các đề tài “ăn quẩn cối xay” với vũ trường, với bar, với rượu Tây, với mấy mối tình hoang dã cùng thế giới nội tâm luôn luôn phải gồng lên để dằn vặt một cách ngây ngô… và các động thái tương tự như thế, theo tôi, chẳng bao giờ có thể giúp tác giả đi xa, có chăng chỉ là sự ra đời nhiều hơn của các “trò lố”!
Thiết nghĩ, PR và sự háo danh đã làm hại họ. Những lời ca ngợi, những lời tán dương của vài ba cây bút chuyên nghề PR có thể giúp vào sự bán sách, song đồng thời lại mang tới “ảo giác” về tài năng.
Liệu ai đó có biết ngày nay, thông tin trên báo chí đa số là thông tin luôn cần được thay thế, điều đó làm cho các “ngôi sao” văn chương dễ rơi vào tình trạng nhất thời, hữu hạn.
Nhưng văn chương có giá trị phải là văn chương có khả năng sống được với thời gian, được công chúng tìm đọc không chỉ để thỏa mãn trí tò mòâ. Lại nghĩ, người tỉnh táo phải là người nhận chân được tình trạng, để từ đó đi xa hơn.
Nói đến PR văn chương trong năm 2007, không thể không nhắc tới “chiến dịch” lăng-xê cuốn tiểu thuyết “Đức Phật, nàng Savitri và tôi” của Hồ Anh Thái. Vẫn mấy cây bút thường khi vẫn cùng xúm xít mỗi khi Hồ Anh Thái có tác phẩm mới xuất bản, vẫn các bản tụng ca thường được đưa ra.
Người ta viết mà dường như chưa bao giờ tự vấn rằng, người đọc sẽ nghĩ gì? Người ta cố đưa cuốn tiểu thuyết vào hàng “số zach” với các thành tựu tư tưởng – nghệ thuật – văn hóa mà xem ra còn lâu nó mới đạt được.
Và thật buồn cười, khi người ta nhận xét vì Hồ Anh Thái đã đọc “vô vàn cuốn sách” về Phật giáo mới viết được một cuốn tiểu thuyết như thế. Tới khi nhà phê bình Phạm Xuân Thạch tiến hành soi chiếu cuốn sách một cách thật sự riết róng với bài “Hồ Anh Thái có sợ giải thiêng?” thì hầu như tất cả đều giữ thái độ im lặng, riêng cây bút Thi Hà thì phản ứng rất dữ dội qua bài “Xin đừng ảo tưởng và định kiến!”.
Bài viết này, sau khi post lên website Thegioisach lại thấy đăng tải trên báo Người đại biểu nhân dân – nơi anh trai nhà văn Hồ Anh Thái là Tổng Biên tập. Liệu có điều gì để nói thêm nữa không!?
Nhìn vào diện mạo văn chương năm 2007, sẽ thấy có một hiện tượng lạ là các cuốn sách được quảng bá rùm beng thường chỉ “hot” được vài tuần (kể cả sách dịch) và chúng liên tục thay thế nhau tạo ra các cơn sốt “đoản mệnh”.
Và nếu những “Chuyện tình một đêm” (Chi Xuyên), “Cô đơn trên mạng” (Janusz L.Wisniewski), “Lần đầu bên nhau” (Thái Trí Hằng), “Chuyện tình New York” (HaKin)… trong đó có mấy cuốn được viết trên blog rồi in thành sách, chủ yếu giống như câu chuyện diễm tình của thời hiện đại thì “Phóng viên mồ côi” (Mạc Can), “Tớ là Dâu” (Joseph Ruelle)… lại hấp dẫn sự tò mò nhiều hơn là thành công về tư tưởng – nghệ thuật.
Một thị trường sách giải trí đã hình thành, nên không có điều gì đáng trách khi quả thật trong xã hội đã và đang có một kiểu loại nhu cầu giải trí như vậy, ngoại trừ hiện tượng một vài cây bút phê bình như muốn gạt sang một bên ý nghĩa giải trí hoặc “đầu cơ” tên tuổi của mình vào hoạt động PR.
Xét đến cùng, bằng việc làm ấy, họ đã vô tình (hay cố ý?) lừa dối người đọc. Và tôi nghĩ không ngẫu nhiên, chủ nhân của blog Đông A đã viết: “Một khi tờ báo bị mất giá trị hay người viết bị mất giá trị thì chẳng cần phải bận tâm làm gì nữa. Một sản phẩm có thể được quảng cáo.
Đấy là chuyện bình thường. Nhưng người đọc cần biết đấy là thông tin quảng cáo, chứ không phải là thông tin của chuyên gia đánh giá khách quan.
Chuyên gia đánh giá có thể được tài trợ, nhưng cũng cần minh bạch và sòng phẳng với người tiêu dùng… Đó là đạo đức nghề nghiệp”, tôi tán thành với ý kiến này và xin lỗi tác giả vì đã tôi đã dẫn ra ở đây.
Riêng với lĩnh vực lý luận – phê bình, trong bối cảnh các công trình nghiên cứu khá công phu, đồ sộ, nhiều khám phá mới như công trình “Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX” do PGS TS Trần Ngọc Vương chủ biên, “Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa” của PGS TS Trần Nho Thìn, hay cuốn sách “Trường phái hình thức Nga” của PGS TS Huỳnh Như Phương… đang trở thành vài ba tác phẩm hiếm hoi, thì năm qua, sự manh mún và cẩu thả của nghiên cứu – lý luận – phê bình lại bộc lộ ngày càng rõ nét, trong đó có thể coi cuộc tranh luận xung quanh “phát hiện” động trời về sự ra đời của thơ tự do ở Việt Nam của tác giả Dương Văn Khoa trên báo Văn nghệ số Tết là ví dụ điển hình.
Thiển cận, hời hợt và bảo thủ – chỉ có thể nhận xét như vậy về mấy bài viết và thái độ tranh luận của Dương Văn Khoa. Tuy nhiên, qua cuộc tranh luận, lại thấy xuất hiện các tác giả nghiên cứu văn học rất nghiêm túc và tuổi đời còn rất trẻ, như Phạm Văn Ánh chẳng hạn.
Ấy nhưng, cuộc tranh luận này lại hầu như chưa có ý nghĩa tham vấn cho nhiều người viết khác, và người ta vẫn tiếp tục tung ra những sản phẩm kỳ dị kiểu như “Chỉ tại các nhà phê bình” (Nguyễn Hiếu – báo Người Hà Nội), “Bắt mạch văn trẻ” (Bùi Việt Thắng – báo An ninh Thủ đô)…
Rồi người ta tập hợp mấy khóa luận tốt nghiệp đại học để làm nên cuốn sách có tên gọi là “Thế giới nghệ thuật Tạ Duy Anh” – một cuốn sách tôi đã nhận xét tại một buổi giới thiệu sách của Hội đồng Anh tại Hà Nội rằng đó là “nỗi xấu hổ của giới nghiên cứu văn học trong năm 2007”.
Không chỉ thế, người ta còn cho xuất bản các cuốn sách nghiên cứu khá kỳ lạ kiểu như “Tam diện tùy bút” của Trần Thanh Hà, trong đó, tác giả khẳng định ở Việt Nam có ba “bậc thầy” về tùy bút là các vị Nguyễn Tuân, Nguyễn Ngọc Lan và… Đỗ Lai Thúy!… Nghĩa là từ đấy có thể đặt ra một câu hỏi rằng: Cuộc khủng hoảng của lý luận – phê bình có phải đang ngày càng thêm trầm kha?
Một năm văn học, có lẽ cũng chỉ là một thời đoạn rất ngắn ngủi so với tiến trình của một nền văn học. Nhưng theo tôi, nếu coi mỗi ngôi nhà đều được làm nên từ từng viên gạch thì mỗi viên gạch đều có ý nghĩa của nó, và với một năm văn học cũng vậy, nó sẽ có giá trị riêng của nếu được làm từ “viên gạch” loại một.
Tôi vẫn mong văn học có nhiều “viên gạch” tốt để “ngôi nhà” văn học được xây cất cho ra một ngôi nhà. Bởi vậy tôi muốn làm công việc OTK mấy “viên gạch” mà tôi thấy là xoàng xĩnh.
Vâng, nếu văn học của năm 2007 vừa trôi qua có bị quy chiếu một cách riết róng thì âu cũng là một phương cách giúp vào việc nhận chân các giá trị và bày tỏ hy vọng để nền văn học tốt hơn lên mà thôi.
Nguyễn Hòa |