John Gray, một nhà văn, nhà tâm lý của Mỹ, nổi tiếng với tác phẩm “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”. Ngay khi xuất hiện, cuốn sách đã được bạn đọc đón nhận nhiệt liệt, và được đồng nghiệp của ông coi là dạng kinh điển của tâm lý vợ chồng. Rất nhiều bà vợ đồng tình với John, nên đăng ký “tua” tham quan “sao Hỏa”. Trong hành trình dài đến suốt đời đó, họ phát hiện chồng của họ còn hay tạm trú dài hạn ở sao… nặng sạo! Dường như không “xạo” thì họ không phải là đàn ông!?
Những bản cáo trạng
Đối với không ít chị vợ, nguồn tư liệu “Anh chồng nói dối” luôn được cập nhật, bổ sung mỗi ngày. Đó là đề tài luôn “hot”. Rất ít các chị dám mạnh mẽ tuyên bố: “Ông xã tôi không hề nói dối”.
Một trong những câu nói phổ biến mà các chị hay than với chuyên viên tư vấn là: “Em không thể nào tin nổi ông xã em”.
Qua câu chuyện dài dòng của chị Quỳnh Dung, một nhân viên ngành may mặc, có thể hình dung ra một “kịch bản” đầy kịch tính: “Một anh chồng ngồi quán cà phê với bạn gái, nhận được điện thoại của vợ, bèn chạy tuốt ra đường, mở máy: “Anh đang chạy xe ngoài đường, về cơ quan, anh sẽ gọi lại”.
Tưởng là yên thân, ai dè chị vợ tinh quái yêu cầu: “Anh đang ở ngoài đường hả, nhấn còi cho em nghe thử coi”. Trời đất! còi đâu mà kêu, không lẽ chặn người đang chạy xe lại, để xin nhấn còi.
Vậy là tối hôm đó, chị vợ chào đón anh chồng trở về nhà với bộ mặt lạnh lùng. Chị đưa ra hàng loạt các câu hỏi và những câu trả lời của chồng đều bị chị cho là… thiếu trung thực.”
Thời hiện đại, cái điện thoại di động là kẻ thù “cơ bản và lâu dài” của các bà vợ, bởi nó là công cụ đồng lõa, hỗ trợ đắc lực cho các ông chồng trong việc nói dối vợ. Mà cũng vì thế, mà hầu như các chị không thể bỏ qua cái điện thoại di động của chồng.
Những lúc các ông tắm, ngủ… là “thời điểm thuận lợi” để các chị tranh thủ kiểm tra nội dung tin nhắn. “Cái khó ló cái khôn”, tình thế buộc các ông phải sáng tạo.
Sau vài tiếng đồng hồ làm ngoài giờ, anh Trần Mai, một kỹ sư hóa chất, sử dụng số
Hằng ngày, các chị thu nhận không ít lời nói dối từ đồng nghiệp, hàng xóm, người bán hàng, lời quảng cáo… nhưng không ai có thể làm tổn thương các chị bằng ông xã. |
tiền mà bà xã “biết đâu mà quản lý” để mua một cái sim mới, rồi phân phát số máy mới cho các đối tượng hay gởi trao với ông những tin nhắn có nội dung nhạy cảm, táo bạo.
Chị vợ tha hồ, lục lọi các dòng tin nhắn trong máy cũ, tất nhiên toàn là tin… sạch, mặc sức mà yên tâm. Nhưng đàn ông không có năng khiếu giấu hàng… cấm, nên chị vợ tình cờ tìm thấy các bằng chứng… vàng!
Tới lúc đó, chị mới biết quan điểm của ông xã: “Vẫn thề chung thủy với vợ cho tới khi bị… phát hiện”.
Chuyện anh chồng ngoại tình không “ghê gớm” bằng sự kiện anh nói dối chị hàng bao nhiêu năm, miệng mồm lúc nào cũng ca điệp khúc “Anh chỉ có mình em”.
Qua bảng cáo trạng của các chị vợ, giới tâm lý đã xếp ra những mẫu câu nói dối của các đức lang quân, mà các chị cảm thấy… đáng ghét nhất.
Loại phổ biến, hay xảy ra: “Say đâu mà say, anh mới uống có mấy ly, anh chỉ buồn ngủ thôi!”.
Đây cũng là câu nói dối rất dễ bị phát hiện, nhưng các anh vẫn… leo lẻo, và làm cho các chị càng khẳng định “Đàn ông luôn nói dối”. Song các anh thà mang tiếng nói dối còn hơn là bị đánh giá khả năng nhậu quá yếu!
Loại thứ hai, nghiêm trọng hơn, có nguy cơ làm tan vỡ hạnh phúc, và làm các chị vợ không thể tin được: “Anh không có quan hệ gì với cô ta cả, chỉ là bạn bè bình thường thôi, anh chỉ muốn giúp đỡ cô ấy…”
Nhiều chị vợ quyết tâm bắt quả tang, không chỉ vì ghen mà để anh chồng hết… xạo.
Tại sao các chị nhất định không tin chồng? Vì các ông hay từ chối thẳng thừng khi các chị đề nghị được gặp bạn gái “không có gì” của các ông.
Có không ít chị vợ đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức để có những bằng chứng, mà ông xã hết đường chối cãi, song khi bị vợ ép đến sát chân tường, các anh lại càng nói dối đến cùng: “Anh không hề yêu cô ta, anh vẫn thuộc về gia đình.”
Lời nói dối kiểu này xuất phát từ động cơ: nói thật chẳng có lợi gì, chỉ làm tan cửa, nát nhà.
Hằng ngày, các chị thu nhận không ít lời nói dối từ đồng nghiệp, hàng xóm, người bán hàng, lời quảng cáo… nhưng không ai có thể làm tổn thương các chị bằng ông xã.
Bởi vợ chồng là mối quan hệ thân mật nhất, gần gũi nhất. Đối với các chị, lời nói dối của các anh chồng như một hệ thống bảo vệ bản thân.
Với các cô gái khác, các ông nói dối để tăng thêm phần hay ho, lãng mạn. Và khi biết “tình địch” bị lừa, các chị vợ cũng nổi cơn thịnh nộ không kém: “Sao anh dám nói với nó anh chưa có gia đình” hoặc “Anh nói là anh cô đơn, không có hạnh phúc sao?”.
Trực giác phụ nữ
Không hẳn phụ nữ vì hay mắc tật nói nhiều mà “ruột để ngoài da”, không ít người cũng biết nói dối.
Nhưng trong phạm vi gia đình, nội dung nói dối của các chị vợ và các anh chồng rất khác nhau. Mục đích của các chị chủ yếu là để làm đẹp lòng chồng con, còn cao điểm nói dối của các anh chồng là vì… ham chơi, có bồ, về nhà trễ thì luôn có sẵn lý do: xe hỏng, kẹt xe, họp đột xuất…
Đàn ông lại dễ bị bắt quả tang hơn, dễ “giấu đầu lòi đuôi” hơn nên “nói dối” được gắn với giới tính của quý ông. Phụ nữ có trí nhớ tốt hơn đàn ông, một khi đã nói dối, họ nhớ rất dai những lời mình bịa ra.
Giới y khoa cho biết, phần não được sử dụng để lưu trữ, lục tìm trong trí nhớ và ngôn ngữ, chứa nhiều bộ phận tiếp nhận hocmôn sinh dục nữ, nên nó phát triển ở phái nữ hơn phái nam, làm cho phụ nữ có khả năng nhớ nhiều, nhớ dai, nhớ từng chi tiết.
Các ông nói dối, lại quên nhanh những gì mình… xạo, nổ. Điều này thật bất lợi cho các ông, vì các chị chỉ cần hỏi lại đến lần thứ ba là có ngay ít nhất hai câu trả lời khác nhau.
Dù chưa đến mức phải xử lý gấp, các chị cũng sẽ cất kỹ những lời nói xạo này, để… lôi ra tính sổ với các ông trong những cuộc tranh cãi.
Allan Pease, nhà tâm lý chuyên về ngôn ngữ cơ thể, diễn giả nổi tiếng của Mỹ, nhiệt tình giúp đỡ các chị, bằng cách liệt kê ra 10 dấu hiệu cho thấy một anh chồng đang che đậy sự thật: Giật cơ mặt, tránh nhìn mắt người nghe, hai con ngươi gần nhau, vòng tay hoặc chân, giấu tay, cười không hở môi, cười quá mức, nói nhanh, nói lắp, gật đầu khi nói không.
Các nhà khoa học về não cũng hào hứng “nghiên cứu” người nói dối. Có khoảng 70% người cao giọng khi nói dối. Một phát hiện khác cho thấy, khi nói dối, hóa chất catechin tiết ra, làm cho các mô trong mũi sưng lên, và tất nhiên là người nói phải cọ quẹt lên mặt, mũi cho đỡ… ngứa.
Phụ nữ không hoàn toàn “phó thác” vào giới khoa học để lật tẩy kẻ nói dối. Họ còn “bửu bối” khác đáng tin hơn: Đó là trực giác, linh tính phụ nữ.
Trong hàng ngũ đàn ông có vợ, nhiều người ngậm ngùi nhận ra: “Chỉ có những ông dại mới nói dối vợ. Chẳng qua, bà xã không thèm tố giác”.
Nhưng đến khi các chị chán nghe nói dối, “thèm” nghe sự thật, thì hạnh phúc gia đình không phụ thuộc vào việc các ông nói dối, mà tùy vào cách xử lý của các chị.
Đừng ép cho ông xã phải… xì sự thật ra! Đó là lời can ngăn đầu tiên của giới tâm lý. Nếu các bạn thật sự muốn sống chung với một công dân đến từ sao… nặng, và muốn biết sự thật, hãy thử tiếp nhận lời tư vấn của nhà tâm lý nổi tiếng người Mỹ Freud Sigmund:
Giao tiếp theo cách lắng nghe suy nghĩ của chồng thay vì nghe lời nói. Giả vờ như không nghe rõ hoặc không hiểu anh ta nói gì, hãy cho anh ta một mình, để anh ta có thời gian sắp xếp lại ngôn từ và thông báo thông tin chính xác.
Đừng bao giờ tỏ ra bất bình, cắt ngang lời anh ta. Thái độ tiêu cực, kém kiềm chế sẽ làm bạn mất cơ hội nghe sự thật. Đừng hấp tấp buộc tội: “Anh nói dối hay lắm” “Thôi! Tôi biết hết rồi…"
Sử dụng kiểu phỏng vấn mềm mỏng: “Anh về nhà trễ vì đồng hồ hỏng à? Anh đã chỉnh lại chưa?”, hoặc “Anh không thân thiết với cô ta, mà sao lại hay gọi cho cô ta? Điều đó sẽ khiến cô ấy hiểu nhầm…”
Chiêu cuối cùng: Phớt lờ lời nói dối của ông xã và tuyên bố “Chúng ta sẽ không thể để việc tệ hại này xảy ra nữa”.
Nếu được bà xã “tha bổng”, không “truy sát”, các ông còn “ngán” hơn và chính các ông sẽ tự nguyện “cai nghiện”, tự cắt giảm đi những lời nói dối.
Hằng ngày, các chị thu nhận không ít lời nói dối từ đồng nghiệp, hàng xóm, người bán hàng, lời quảng cáo… nhưng không ai có thể làm tổn thương các chị bằng ông xã.
Phước Chung |
Các tin liên quan