Thiệu Ánh Dương: Đời vẫn còn chuyện cổ tích - Tạp chí Đẹp

Thiệu Ánh Dương: Đời vẫn còn chuyện cổ tích

Bộ Sưu Tập

Trước khi nhận lời phỏng vấn, Thiệu Ánh Dương đã được một nhà báo khác “cảnh báo” về tôi với những ngôn ngữ khá… quen thuộc. Thay bằng từ chối, Thiệu Ánh Dương đã đồng ý trả lời phỏng vấn, nhưng với khá nhiều “barie” đặt ra cho người hỏi, đặc biệt là “không nói chuyện hôn nhân đổ vỡ”. Có sao đâu! Vì bản thân một con người, đã có rất nhiều câu chuyện để nói, mà mỗi câu chuyện luôn mang những vui, buồn và trăn trở…

Một thời không tình, không tiền, không sự nghiệp

Đầu tiên, xin hỏi về hành trình đến và đi với điện ảnh của anh?

Hồi đó, tôi chưa học hết lớp 12, bố mẹ ao ước tôi trở thành kỹ sư, vì coi diễn viên không phải là một nghề vững vàng. Và gia đình tôi đã thất vọng hoàn toàn, vì tôi vẫn quyết tâm theo nghiệp diễn viên, lại bỏ học ngang chừng.

Đến khi vừa đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan phim, tiếng tăm nổi như cồn, thì tôi lại quyết định gạt bỏ tất cả danh tiếng để về với cuộc sống của một nhân viên, bắt đầu là làm việc văn phòng, lo trà nước.

Lúc này tôi xác định, mình cần phải tập trung vào chuyên môn, tạo dựng hình ảnh mới, đó là hình ảnh của một luật sư.

 Khách hàng đến với mình không phải vì hâm mộ tôi là diễn viên, mà việc người ta thuê là việc quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người ta.

Đây là chuyện nghiêm túc chứ không phải chốn giải trí, nên tôi muốn họ nhìn tôi dưới góc độ khác. Và tôi đã từ chối đóng phim dù trước đó là ước mơ của tôi.

Đến giờ, vẫn có thể coi đó là quyết định khôn ngoan của anh?

Vật chất quyết định ý thức. Trong một chừng mực nào đó, nghề diễn viên phải làm sao nuôi dưỡng được con người, từ thể xác đến tâm hồn, cảm xúc, để họ phát triển toàn diện.

Nhưng điện ảnh không đảm bảo được điều đó, cả vật chất, lẫn môi trường, để mình có tinh thần làm việc tốt. Không riêng tôi, mà diễn viên nổi tiếng trước đây đều thế.

 Hoặc khi đang làm phim họ kinh doanh nghề khác, hoặc làm MC, tấu hài, hoặc dựa vào gia đình, có ai sống dựa vào phim ảnh đâu. Khán giả yêu quý mình là điều đáng trân trọng.

Nhưng cuộc sống còn nhiều cái phải lo, gia đình, con cái, tương lai, chứ không chỉ sống bằng lòng yêu mến của mọi người. Tuổi trẻ cứ trôi đi, một năm họ cho mình 1 – 2 phim, suốt ngày cứ chờ đợi vai diễn thì làm sao chịu nổi.

Đã nhiều lần tôi nghe anh nói về ngày xưa của anh, cái chuỗi ngày mà anh bị ám ảnh bởi mình là một học sinh cá biệt, sức học không có gì nổi trội trong khi tôi thấy vẻ ngoài của anh khác hẳn, lúc nào (ngay cả lúc này) trông cũng hiền lành và rất trí thức?

Chính xác thì thời đó tôi là đứa trẻ nông nổi, nghịch ngợm, phá phách, ngu ngốc, kém cỏi về kiến thức. Tôi không biết mình là ai. Không tình, không tiền, không sự nghiệp… nói chung là không gì hết.

Tôi luôn nghĩ tôi là cục đất. Có giai đoạn tôi mất hoàn toàn phương hướng, sống vật và vật vờ, mờ mờ ảo ảo.

Anh có thể cụ thể hơn về những cái gọi là “nông nổi, nghịch ngợm, phá phách, ngu ngốc, kém cỏi về kiến thức”, và nguyên nhân của nó?

Khi còn đi học, tôi suýt bị đuổi ra khỏi lớp vì tội ngang bướng, cãi lộn. Nói là yêu nghề diễn viên, nhưng giai đoạn đó tôi có được đóng phim đâu, chẳng được ai hứa hẹn gì cả.

Gắn cái mác diễn viên Thiệu Ánh Dương, nhưng chẳng có phim nào. Ra đường người ta hỏi mày học điện ảnh, đã đóng phim nào chưa, tôi không dám trả lời vì xấu hổ.

Mà không được đóng phim cũng bởi cái mặt “non choẹt” của tôi. Lúc đó, bạn gái cũng chia tay tôi, vì suy cho cùng, tôi có tương lai gì đâu. Bố mẹ thì không ủng hộ lựa chọn của tôi, nên cùng lắm tôi được nuôi ăn uống, chấm hết!

Trong khi bạn bè nhìn tôi như thằng khùng. Tư tưởng khác người, phát biểu thái quá, đôi khi quá lý tưởng thành ra khùng. Nói chung, giai đoạn đó tôi chán lắm, mà bắt nguồn có lẽ là tính bốc đồng, bộp chộp, đặc biệt là sự thiếu hụt về kiến thức.

Điều gì đã thay đổi để anh trở thành một Thiệu Ánh Dương – diễn viên nổi tiếng và bây giờ là một luật sư tên tuổi?

Để làm được điều đó, ngày xưa, gần hai năm trời, ngày nào tôi cũng vào thư viện quốc gia, đến mức thầy cô nào cũng nhớ mặt. Tôi đọc rất nhiều sách, sách tâm lý học, triết học, Phật giáo, chính trị, kể cả… truyện cổ tích.

Tôi đọc để hiểu mình là ai, vì giai đoạn đó, tôi kém cỏi và không biết mình là ai, tư tưởng càng khủng hoảng hơn, khi mọi thứ quay lưng lại với mình.

Khi vào đại học Luật, tôi bắt đầu nghiên cứu thêm những ngành nghề liên quan đến xã hội, và nền tảng của tôi bắt đầu phát triển dần lên.

Nếu nói về sự nghiệp diễn viên, ngoài được nuôi ăn nuôi học, một lòng yêu nghề, nhan sắc, thanh xuân của tuổi trẻ, tôi gần như không có gì, cũng không có “bố tôi là”, “mẹ tôi là” như nhiều diễn viên cùng thời.

Đối với ngành luật, thì ngày đó, trong tay tôi chỉ có cái máy tính khoảng 3 triệu đồng, và tôi bắt đầu bằng một văn phòng nhỏ. Trước đó, tôi còn làm thuê cho một công ty luật.

Nhiệm vụ của tôi là trà nước, lau bàn ghế, ngồi nghe, đọc sách. Hết. Ngày tôi đạt được danh hiệu Diễn viên xuất sắc nhất, thì ngay ngày hôm sau tôi quay trở về lau bàn, trà nước, phục vụ, để mà học nghề.

Cuộc sống vẫn còn những phép màu

Những điều anh kể, suy cho cùng cũng là câu chuyện phổ biến, vì không thiếu những người ra đời không có bệ phóng nào, và mặc nhiên chúng ta hiểu, sự bắt đầu nào bao giờ chả khó khăn!

Cái tôi muốn nói ở đây là cuộc sống vẫn còn nhiều câu chuyện cổ tích, vẫn còn những phép màu, nếu như chúng ta sống chân tình và thiện tâm.

Chúng ta hãy sống tốt, có trước, có sau, có lịch sử, có tương lai, thì sẽ có quý nhân giúp đỡ mình. Chúng ta có thể viết những câu chuyện cổ tích giữa thời đại này chứ không phải ngày xửa ngày xưa nữa.

Trong nghề diễn viên, có những người giúp tôi rất nhiều, như đạo diễn Lê Hoàng hay một số diễn viên khác.

Khi tôi chán nản với nghề luật, có lúc định bỏ nghề vì thấy mình thực sự không thuộc về thế giới này, nó quá phức tạp, con người quá cứng rắn, và nó có những con đường, bề mặt thì phẳng lặng nhưng lại chứa những con sóng ngầm ở dưới.

Đôi khi có những thất bại, nhưng rồi tôi lại nhận được những lời khuyên chân thành nhất để có thể kiên định với nghề.

Ngay cả ngày hôm nay, cuộc sống của tôi vẫn giống một phép màu. Hẳn nhiều người biết cô Dương Thị Bạch Diệp (doanh nhân – PV). Tôi là luật sư cho cô ấy, ngoài ra còn có 10 luật sư ở thành phố này làm việc với cô ấy.

Cô Diệp xem tôi vừa là luật sư, vừa như con cháu trong gia đình, sẵn sàng giúp tôi cả về cơ sở vật chất. Tôi cảm thấy đó cũng là một câu chuyện cổ tích đến với cuộc đời mình. Nhưng có lẽ vì những câu chuyện cổ tích quá ít, nên người ta bắt đầu nghĩ sai về tôi!

Một luật sư trẻ, đẹp trai, có thân chủ là một quý bà giàu có, lại – như anh nói – giúp đỡ anh cả về cơ sở vật chất, thì dư luận cũng có quyền suy đoán?

Quyền tự do tư tưởng không ai cấm. Nhưng cái tôi muốn nói là tâm lý xã hội nào, vì sao lại dẫn đến tâm lý xã hội đó? Tôi dùng chữ tâm lý xã hội nhé. Tại sao cùng là một người phụ nữ, có người đàn ông nhìn thấy vẻ đẹp trong tâm hồn của cô ta, có người lại chỉ nhìn thấy ngực và mông?

Nó thuộc về tâm lý xã hội rồi. Một người đàn ông và một người đàn bà, người ta sẽ nghĩ ngay đến giới tính, hoặc là một sự trao đổi giữa tình và tiền.

Có thể do những câu chuyện cổ tích ít quá, cũng có thể do xã hội diễn ra nhiều hiện tượng xấu, nên người ta mới suy luận như vậy.

Tất cả những người đồn thổi, chưa ai gặp tôi trực tiếp, ác nghiệt hơn là chưa bao giờ biết tôi, chưa bao giờ gặp người phụ nữ đó, nhưng người ta đồn như thể là cô ấy nói như thế.

Một dạng nữa là buôn chuyện, mà người Bắc gọi là “buôn dưa lê, bán thảo quả”. Qua câu chuyện này tôi không phê phán dư luận, nhưng tôi tiếc cho vấn đề tâm lý xã hội này, tôi mong con người gặp nhau bằng tâm, đức, lòng kính trọng và người ta có thể giúp đỡ nhau vô tư, vượt lên trên vật chất.

Anh nói, có lần anh bị đồn là “kẻ đào mỏ”. Có phải là câu chuyện này không?

Không, mà là một câu chuyện khác. Tâm lý xã hội lại thế này: tôi yêu một người không đẹp, người ta không lý giải được, tại sao một diễn viên nổi tiếng, trẻ, đẹp như thế lại yêu một người như vậy, thế là người ta tin chắc chỉ có… đào mỏ thôi.

Họ không hiểu một điều, con người ta tri âm, tri kỷ, mà tôi lại là người va chạm với rất nhiều người đẹp. Tôi quan niệm, cái đẹp là của chung, đàn ông nào cũng muốn tán, và đến một ngày nào đó họ sẽ “đổ”.

Khi giao tiếp với một người, cho dù người đó đẹp, nhưng sau đó tôi không thể nói chuyện được. Nhưng có những người rất bình thường, tôi lại có thể nói chuyện suốt ngày đêm. T

hực sự, tôi không bị hấp dẫn bởi người đẹp, ngay lúc này đây, tôi cũng là người ăn chay trường. Khi ăn chay trường, tôi thấy tư tưởng nhẹ nhàng hơn nhiều. Hơn nữa, tôi coi như ăn chay để trả nợ đời cho nó xong đi!

Anh “nợ đời” những gì mà phải “trả”?

Nhiều chứ, sống là mình nợ bố, nợ mẹ, nợ những con người đã từng giúp đỡ mình.

Trịnh Công Sơn đã viết: “Dù đến, dù đi tôi cũng xin tạ ơn đời, tạ ơn người…”, cho dù là những người đến với mình trong giây lát, nói chuyện, an ủi, hoặc giúp đỡ mình. Cuộc đời tôi mang nặng nghĩa, tôi mang ơn rất nhiều người, nên tôi muốn trả nợ.

Xây dựng ngay cái mới trên cái vừa mới đổ nát thì không phải là tôi

Anh quan niệm thế nào là thành công? Và ngày hôm nay của anh có thể gọi là thành công?

Quan niệm của tôi đơn giản lắm: thành công là những cái mình mong muốn và đạt được. Mình mong muốn vừa, sẽ thành công vừa, nhưng đừng quá mong muốn để rồi trở thành thất bại.

Tôi đánh giá thành công của mình ở chỗ, khi 17, 18 tuổi, tôi mơ ước làm diễn viên. Kết quả là tôi đậu vào trường điện ảnh và có sự thành công trong nghề nghiệp. Khi nhận ra đã đến lúc mình phải ngưng, tôi mong ước trở thành một luật sư.

Hiện, tôi đang làm luật sư, và tôi làm được những vụ việc lớn. Về tài chính, tuy không có nhà nọ nhà kia, nhưng tôi có thể lo được cho những người thân của mình và bản thân mình.

Ngoài “những câu chuyện cổ tích” thì điều gì làm nên thành công của anh?

Tôi tin số phận tôi là điều bí ẩn, đến giờ vẫn là bí ẩn! Cái ngày hôm qua và ngày hôm nay của tôi khác nhau hoàn toàn, khác đến kỳ lạ.

Ngày xưa tôi là một thằng bé nghịch ngợm, nông nổi, phá phách, ngang ngược. Đến một ngày nào đó, con người tôi thay đổi, tôi đằm tính và trở thành người lãng mạn.

Từ sự lãng mạn của một diễn viên, bây giờ tôi còn là người ở góc độ khá lạnh lùng, còn rạch ròi nữa. Tôi cho mỗi con người vẫn có những điều bí ẩn về số phận, nhưng bên cạnh đó là sự nỗ lực của bản thân, đặc biệt là sự thiện tâm.

Thiện tâm là tư tưởng của mình thiện, chứ không chỉ làm việc thiện. Tôi cho cái tâm quan trọng hơn hành vi. Tôi chỉ cần ý nghĩ tốt, tư tưởng tốt. Chính vì tư tưởng đó, tôi vẫn tin có “bề trên”!

Khi thất bại người ta hay đổ cho số phận, khi thành công người ta lại nói do bản thân người ta. Anh công nhận mình thành công, nhưng đồng thời công nhận có sự tồn tại của “bề trên”?

Không, cả hai. Tôi không thiện, “bề trên” không giúp. Tôi là người tạo nên chính sự giúp đỡ, hỗ trợ, kể cả sự hỗ trợ của những người xung quanh mình. Bởi nếu tôi không tốt với mọi người thì không ai giúp tôi cả.

 Còn định nghĩa số phận là gì? Tôi sẽ nói số phận là một câu cửa miệng, nhưng thực ra số phận không phải bất biến, mà là khả biến.

“Đức năng thắng số”, đó là một câu của đạo Phật. Cứ nói số phận là cái gì đó cố định, như số xe, số khung, nhưng nó sẽ thay đổi nếu chúng ta làm điều tốt.

Anh tin vào “bề trên” và anh nói mình làm cái gì cũng thành công, nhưng thực tế thì cuộc hôn nhân của anh đã thất bại?

Hôn nhân với tôi là tốt đẹp, còn chuyện chấm dứt là xui rủi thôi.

Rất nhiều lần anh nói muốn hôn nhân hạnh phúc, cần lòng vị tha. Tại sao anh lại đề cao lòng vị tha, trong khi một cuộc hôn nhân hạnh phúc bao gồm rất nhiều yếu tố?

Hôn nhân hạnh phúc hay không hạnh phúc, tính sau. Trước nhất muốn hôn nhân tồn tại người ta phải biết điều căn bản là phải biết bỏ qua, đừng cố chấp. Người ta chia tay nhau cũng vì người ta cố chấp với nhau.

Còn vị tha cái gì, thì có hàng triệu cái vị tha. Quét nhà không sạch tức quá ly hôn cũng là thiếu vị tha!

Anh nói anh là người không vị tha. Anh có thể nói cụ thể về sự không vị tha của mình được không?

Không, chỉ cần biết vậy thôi.

Xin hỏi anh một câu cuối: anh còn ý định lập gia đình nữa không?

Thực sự tôi chưa biết. Chắc là có nhưng tôi chưa biết! Trước mắt tôi cần phải có thời gian, tôi còn nhiều điều phải bận tâm lắm.

Hôn nhân mang là lo hạnh phúc cho riêng mình, trong khi đó, những vấn đề của cái cũ tôi chưa giải quyết hết, tư tưởng chưa thoải mái.

Nếu tôi buồn mà gặp ai đó, hoặc đi vũ trường, đi chơi… có thể tạm tha thứ, nhưng bây giờ để xây dựng ngay một cái mới trên cái vừa mới đổ nát thì không phải là tôi. Tâm tư không thoải mái, nên tôi không hạnh phúc vì điều đó!

 Dương Thúy
Ảnh: Phạm Hoài Nam

 

Thực hiện: depweb

08/03/2008, 10:11