Cánh diều vàng-Cuộc chơi cuối cùng? - Tạp chí Đẹp

Cánh diều vàng-Cuộc chơi cuối cùng?

MIX & MATCH

 

 Cảnh trong phim: Em muốn là người nổi tiếng

8 bộ phim của 4 nhà sản xuất sẽ tranh giải Cánh diều vàng 2007 – Giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam trao cho những bộ phim sản xuất trong năm 2007, diễn ra trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình (Tp.HCM) tối ngày 9/3 này.

Được xem như một “Oscar Việt Nam” song cận tới Lễ trao giải, hầu như không cây bút nào có đủ khả năng dự đoán người chiến thắng, đơn giản vì hầu hết phim dự thi là những phim… chưa ra mắt khán giả!

Dù Ban tổ chức đã tìm cách xoay chiều đổi hướng, đưa Lễ trao giải Cánh diều vàng du Nam, song sự lèo tèo của các phim dự thi, sự “tẩy chay” của toàn bộ các nhà sản xuất phim tư nhân khiến Cánh diều vàng thật khó mà… bay!

Nếu tính tất cả những bộ phim truyện được đưa vào mạng lưới phổ biến từ ngày 1/1/2007 đến 31/12/2007 (tức là phù hợp với quy chế dự thi giải Cánh diều vàng của Ban tổ chức) thì điện ảnh Việt Nam xuất xưởng được 12 bộ phim truyện, trong đó có 7 bộ do hãng phim tư nhân sản xuất và 5 bộ của hãng phim nhà nước.

Thế nhưng hầu hết phim tư nhân đều “đứng ngoài” để “phim nhà nước” tự “chơi” với nhau.

Trong 8 phim dự thi thực chất chỉ có 5 phim đủ tiêu chuẩn theo tiêu chí “được sản xuất, phát hành và thẩm duyệt tính từ đầu năm 2007” (chỉ 3 phim tư nhân có khả năng sẽ tham gia sau khi ngày khóa sổ đăng ký dự thi liên tục được Ban tổ chức nới lỏng).

Nhìn vào danh sách này, có thể thấy rõ giải thưởng Cánh diều vàng đã hoàn toàn mất “thiêng” với các hãng phim tư nhân, cũng đồng nghĩa với đại chúng.

Chính xác hơn, cả Cánh diều vàng và Bông sen vàng (giải thưởng cao nhất của LHP quốc gia, tổ chức 3 năm một lần) từ lâu đã được coi chỉ là cuộc chơi hay dịp “trả nợ ân nghĩa” giữa những người làm nghệ thuật ăn lương.
 
Tuy mấy mùa giải gần đây các giải thưởng đã được coi là khá mở rộng và gần gũi hơn với tiêu chí đại chúng, thế nhưng chuyện giải thưởng cao nhất vẫn rơi vào những bộ phim mà chỉ những người làm ra chúng thấy hay vẫn tiếp tục diễn ra.

Đã kéo dài quá lâu cảnh các hãng cứ nhận tiền tài trợ và làm phim theo chỉ tiêu rồi mặc số phận những “đứa con” của mình thế nào thì ra.

Cũng đã chán chê những bộ phim được làm ra chỉ xuất hiện trong khâu kiểm duyệt, rồi vào ngày “đẹp trời” những người làm phim xuất hiện nhận giải mà không ai thấy được sản phẩm của họ.
 

 

 Cảnh trong phim Vũ điệu tử thần

Cũng như trong Lễ trao giải Cánh diều vàng 2006 và LHP 15 vừa rồi, với sự lên ngôi của “Dòng máu anh hùng” và “Áo lụa Hà Đông”, khán giả đã mừng thầm rằng vai trò của họ với điện ảnh đã thay đổi, rằng những nhà làm phim “hàn lâm” đã không còn dè bỉu thị hiếu của họ, rằng họ đã có cơ hội “tha thứ” cho những nhà làm phim khi phớt lờ họ trong việc chọn lựa và định đoạt kế hoạch sản xuất cũng như những quan điểm nghệ thuật trong suốt mấy chục năm qua, nếu giải thưởng cao nhất không được trao cho “Hà Nội, Hà Nội”, một bộ phim chẳng mấy ai quan tâm.

Ngay chính bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, với tư cách lúc đó là Trưởng Ban giám khảo Cánh diều vàng 2006 cũng nhận xét: “Nếu Can Đình Đình không tham gia đóng phim này, tôi nghĩ Hà Nội, Hà Nội sẽ không có gì nổi bật”. Một kịch bản đáng thất vọng cũng giống như tất cả các kỳ trao giải thưởng điện ảnh trước.

Vậy nên, công chúng quan tâm làm gì khi giải thưởng luôn là những phim họ không quan tâm, không biết và không được xem?

Hay nói đúng hơn họ quan tâm làm gì khi cả quá trình làm phim và trao giải chỉ là những trò chia chác của mấy “bậc thầy” nghệ thuật kẻ cả kiểu: “Phim của tôi có ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt, không phải ai cũng cảm nhận được!”.

Và đương nhiên, giải thưởng không “thiêng” với công chúng cũng đồng nghĩa với việc không “thiêng” với các hãng phim tư nhân.

Thế nên dù Lễ trao giải đã được chuyển từ “sân khách” về “sân nhà” Tp.HCM, nơi tập trung của hầu hết các hãng phim tư nhân và Việt kiều, họ gần như không buồn quan tâm.

Phải thôi! Họ tha thiết gì khi phim gửi đi chỉ để trở thành đề tài dè bỉu cho các bậc “đàn anh” kẻ cả, có được nhận giải cũng chẳng ăn khách hơn, thậm chí còn bị mổ xẻ, soi mói thậm tệ hơn.

“Áo lụa Hà Đông” được coi là bài học “tày liếp” để các hãng tư nhân ngần ngại khi

 Những phim dự tranh
Cánh diều vàng 2007
 
(Tính tới ngày khóa sổ)
• Hoài Vũ trắng (Hãng phim truyện I)
• Chớp mắt cùng số phận (Hãng phim truyện I)
• Rừng đen (Hãng phim truyện Việt Nam)
• Vũ điệu tử thần (Hãng phim truyện Việt Nam)
• Trái tim bé bỏng (Hãng phim truyện Việt Nam)
• Em muốn là người nổi tiếng (Hãng phim Hội Điện ảnh)
• Giá mua một thượng đế (Hãng phim Giải Phóng)
• Trăng nơi đáy giếng (Hãng phim Giải Phóng)
 
Những phim từ chối dự tranh Cánh diều vàng 2007
• Ngôi nhà bí ẩn & Suối oan hồn (Hãng phim Chánh Tín)
• Chim cú và se sẻ (Hãng phim Chánh Phương)
• Mười (Hãng phim Phước Sang hợp tác Hàn Quốc)
• Phát tài (Hãng phim Phước Sang)

quyết định gửi phim tham dự.

Trước khi Lễ trao giải Cánh diều vàng 2006 diễn ra, “Áo lụa Hà Đông” đang nổi đình đám tại các rạp chiếu và được giới truyền thông ca ngợi.

Nhưng ngay sau khi nó “được” đặt bên “Hà Nội, Hà Nội” cùng nhận Cánh diều vàng 2006, “Áo lụa Hà Đông” đột ngột xuống giá thảm hại trước những nhận xét sát phạt “thẳng tay” của những người không ủng hộ.

Ngay giải thưởng gây tranh cãi của nó cũng làm bùng lên đợt sóng dư luận nhiều chiều, đến nỗi nhà sản xuất Phước Sang bức xúc: “Tôi sẵn sàng trả lại giải thưởng!”.

Thế nên, sẽ chẳng có gì lạ khi các hãng phim tư nhân không mặn mà tham gia Cánh diều vàng năm nay.

Thậm chí theo lời dự đoán khá bi quan của một nhà biên kịch, rất có thể 2007 sẽ là năm khép lại giải thưởng Cánh diều vàng vì tương lai sẽ không còn phim dự thi!

Lý do: Trong khoảng 2 năm tới nhà nước sẽ thắt chặt vốn đầu tư cho điện ảnh. Các hãng sẽ phải tự xoay xở tìm kiếm đầu tư và thu hồi vốn. Khả năng sẽ không còn phim “kén khách” nào ra đời là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Những dự án được tài trợ đang triển khai như “Trung úy, đừng đốt trong đó đã có lửa!” và phim “Lý Công Uẩn” kéo dài đến năm 2010 có thể sẽ là những dự án phim “kén khách” cuối cùng.

Tất nhiên là trừ khi Ban tổ chức giải thưởng Cánh diều vàng dám nhìn thẳng vào thực chất của vấn đề để làm một cuộc cách mạng giải thưởng điện ảnh, chứ không phải loanh quanh thay đổi địa điểm hoặc kịch bản lễ trao giải.

Mới đây, tại buổi họp báo về Lễ trao giải Cánh diều vàng 2007, người phát ngôn của sự kiện này vẫn còn đề nghị báo giới phải “thay đổi nhận thức” về sự kiện này vì “Đây chỉ là một hoạt động chuyên môn thường kỳ, không nên “làm rộn” hay quá trông đợi ở nó!”.

Nhớ nhé, không nên quá trông đợi!

 Hoàng Đan

 

 

Thực hiện: depweb

12/03/2008, 17:18