Với các gia đình hiện đại, đa số trường hợp nếu chỉ một người đi làm sẽ không đủ cáng đáng, nên cả hai cùng đi làm 8 tiếng như nhau, nhưng công việc nhà thì hầu như phụ nữ vẫn làm hết.
Ai đó quả đúng khi nói rằng “Làm phụ nữ thật khó”.
Cứ đến giờ ăn trưa, chị Ngọc Anh, 27 tuổi, nhân viên kinh doanh một công ty nhà nước lại gọi điện khắp lượt bạn bè để tìm người ăn trưa cùng.
Công ty chị ở khá xa trung tâm, và để có được cái hẹn đó, đôi khi phải mất cả tiếng đồng hồ cho việc đi lại.
Thế nhưng trừ ngày mưa bão hay nắng đổ lửa, còn lại chị đều đặn ra khỏi cơ quan vào lúc 11 giờ 30, đơn giản để tránh phải rửa bát.
Đương nhiên, việc rửa bát với chị hay bất cứ đại diện phái nữ nào trong cơ quan không phải việc quá khó khăn hay nặng nhọc.
Nhưng cái cảm giác sau khi ăn xong, ngày nào cũng như ngày nào, các đồng nghiệp nam điềm nhiên xỉa răng uống nước trà, còn chị em phụ nữ thay nhau xúng xính váy áo lúi húi bên vòi nước thật chẳng dễ chịu chút nào.
Tôi đã từng có những cuộc tranh cãi không dứt với những người bạn nam giới của mình với đề tài duy nhất: “Nam giới có nên rửa bát hay không?”.
Nhưng anh bạn tôi thường nói rằng, phụ nữ hãy cứ là phụ nữ đi, như vậy là quá tuyệt rồi, cần gì cứ phải làm những việc đàn ông làm, rồi bắt cả đàn ông cũng thay đổi theo. Thậm chí có người còn nói: Rửa bát? Được thôi, vậy bảo cô ấy dắt xe máy cho tôi đi.
Hãy tưởng tượng một thế giới mà ở đó, cùng một công việc có 3 mức độ đãi ngộ giảm dần: người có kinh nghiệm; người mới học việc; và phụ nữ.
Hãy tưởng tượng thế giới mà ở đó, bạn bị thôi việc ngay khi bạn thông báo mình đã có thai, và chẳng có tổ chức nào đứng ra bảo vệ bạn.
Hãy tưởng tượng khi cần thuê nhà, bạn phải đưa chồng đi cùng bởi người ta không cho phép phụ nữ thay mặt chồng ký kết hợp đồng giao dịch…
Có những bà mẹ sau thời gian nghỉ sinh con, khi quyết định trở lại làm việc đã chỉ nhận được một lời “xin lỗi, chúng tôi không cần nữa”. Bởi người ta cho rằng những người phụ nữ ấy làm việc kém hiệu quả hơn đàn ông…
Nếu so hiện tại với quá khứ, có vẻ một thế giới khác hoàn toàn đã mở ra trước mắt phụ nữ. Ngày nay, những người phụ nữ độ tuổi 25-35 đã được làm việc trong một điều kiện khác hoàn toàn với thời của bà và mẹ mình.
Dường như “công cuộc tranh đấu” của phụ nữ đã tiến được những bước tiến dài. Nếu trước đây, phụ nữ chỉ thu nhập bằng 65% so với đồng nghiệp nam, thì nay con số này đã tăng lên 81%.
Đội ngũ nữ nhân viên tiến vào công sở đã đông đảo hơn bao giờ hết, và trên báo chí ngập tràn những câu chuyện về phụ nữ thành đạt khiến không chỉ phái nữ mà cả nam giới cũng phải ngưỡng mộ.
Tất nhiên, tất cả những thành quả đó, thu nhập cao hơn, sự thành đạt, thăng tiến và nổi tiếng… không phải là động lực chính thúc đẩy phụ nữ lao vào thế giới công sở.
Nếu những người đàn ông cảm nhận được sự hứng thú thế nào khi hoàn thành công việc, thì phụ nữ cũng vậy. Hơn thế nữa, khi bước chân ra khỏi cửa ngôi nhà, cả một thế giới khác mở ra đối với họ.
Kể từ khi luật bình đẳng giới và luật lao động chính thức ra đời, phụ nữ đã có thể đường hoàng bước ra khỏi nhà với bộ đồ công sở.
Nhưng có thật một viễn cảnh thiên đường đã mở ra với phụ nữ? Có quyền là một chuyện, nhưng có được hưởng quyền lợi hay không lại là chuyện khác.
Sự thật, sẽ là trái luật nếu buộc thôi việc phụ nữ kết hôn hay có thai, nhưng rất nhiều nơi “lách luật” bằng cách buộc phụ nữ cam kết không sinh con trong thời gian 2-3 năm đầu làm việc, và bị thôi việc, hoặc nghỉ không lương, khi mang thai.
Bên cạnh đó, đáng buồn là ở nhiều cơ quan, càng nhiều phụ nữ tham gia vào công việc, thì mức lương trung bình càng giảm xuống.
Chuyện những-người-phụ-nữ-nghìn-đô không phải không có, nhưng sở dĩ những câu chuyện ấy được chú ý như vậy bởi đó chỉ là thiểu số, những trường hợp quá đặc biệt.
Phụ nữ đi làm dù mục đích cao nhất không hẳn là để kiếm tiền, nhưng rõ ràng họ đã làm việc thực sự để xứng đáng với số tiền nhận được vào cuối tháng.
Họ kiếm được nhiều tiền hơn, làm việc nhiều hơn so với những thế hệ trước, nhưng việc gì đợi họ ở nhà? Vẫn là chừng ấy, nhà cửa, con cái, cơm nước… Về mặt này dường như sự thay đổi chẳng đáng là bao.
Với các gia đình hiện đại, đa số trường hợp nếu chỉ một người đi làm sẽ không đủ cáng đáng, nên cả hai cùng đi làm 8 tiếng như nhau, nhưng công việc nhà thì hầu như phụ nữ vẫn làm hết.
Bởi thế, người ta tính ra rằng trung bình nam giới có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn phụ nữ những 14 giờ.
Quay trở lại câu chuyện với anh bạn tôi, anh nói sẵn sàng giúp đỡ khi vợ ốm đau, nhưng bình thường thì “ai nên làm việc người đó”.
Vậy phải chăng thay vì có tất cả, phụ nữ sẽ phải làm tất cả – Đó là kết quả mà họ đạt được sau chừng ấy năm “tranh đấu”.
Tôi quên không hỏi chị Ngọc Anh, rằng ngày 8-3 năm ngoái, ai là người rửa hết số bát đĩa của bữa liên hoan mừng ngày Quốc tế Phụ nữ ấy?
Vũ Thủy |