Có thể nói, chưa bao giờ người phụ nữ lại chiếm một vai trò quan trọng như hiện nay. Thế giới hiện đang có không dưới mười phụ nữ là nguyên thủ quốc gia, ngoài ra việc bổ nhiệm phụ nữ vào vị trí bộ trưởng, giám đốc các tập đoàn xuyên quốc gia cũng không còn là chuyện lạ.
Ở Việt Nam cũng vậy, chúng ta cũng có những phó chủ tịch nước, bộ trưởng, tướng lĩnh là phụ nữ và tất nhiên nhiều vị trí cao khác cũng được tin tưởng trao cho những người phụ nữ.
Nhưng nhìn tổng thể, liệu có thể nói phụ nữ Việt Nam đang có chỗ đứng đúng như họ có thể có?
Xã hội đang phát triển hàng ngày, hàng giờ kéo theo những đổi thay quan trọng về lối sống, quan niệm, cách ứng xử, nhưng vẫn còn nhiều điều phải bàn về vai trò của phụ nữ Việt Nam hiện nay trong xã hội.
Quan niệm về “thiên chức của người phụ nữ” vẫn còn cứng nhắc: rằng người phụ nữ phải là người làm việc nội trợ, rằng phục vụ chồng con và thậm chí là cả gia đình chồng là chuyện đương nhiên, rằng chuyện học hành, thăng tiến trong xã hội là có thể đợi được (nhưng đến bao giờ thì không ai biết!).
Sức ép của những quan niệm cổ hủ về thế nào là một người vợ tốt, về tình dục, chung thủy… vẫn tiếp tục đè nặng lên người phụ nữ. Xã hội chưa thực sự bình quyền và cởi mở.
Đơn cử việc hút thuốc hoặc uống rượu. Đây vốn là chuyện chẳng đáng được cổ vũ nhưng đó là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, vậy nên nam hay nữ làm điều đó, về nguyên tắc không có gì khác nhau.
Tuy vậy, ở ta, cứ hễ nhìn thấy phụ nữ hút thuốc hoặc uống rượu là đa số dư luận đều cho đó là hư hỏng, đua đòi. Đây là một sự phân biệt không công bằng.
Hoặc như, ở nông thôn, khi chỉ có khả năng cho một, hoặc hai con đến trường, con gái bao giờ cũng phải ở nhà, không có cơ hội học tập, mở mang kiến thức.
Đa phần phụ nữ nắm giữ những vị trí quan trọng đều phải cố gắng gấp hai, gấp ba đàn ông ở vị trí tương tự và nhìn chung họ chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp. Vậy đâu là những trở lực?
Trở lực thứ nhất đến chính từ người phụ nữ, dù nhiều người có học thức cao, du lịch nhiều, sống theo nhiều giá trị và tiện nghi của phương Tây nhưng đến một lúc nào đó, đa phần họ đều lùi bước, buông xuôi trước sức nặng của cái vẫn được gọi là “thiên chức” của người phụ nữ, cùng lắm nhiều người chỉ “chịu” được cho đến lúc có con.
Câu nói cửa miệng của nhiều người là “ôi dào, tôi/ chị/ em là phụ nữ ấy mà, cũng chỉ cố đến thế thôi”. Có nhiều phụ nữ chấp nhận việc một mình đảm đương bếp núc, đi chợ, làm việc nhà, chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình là chuyện “đương nhiên”.
Chính đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm người chồng coi đó là chuyện đương nhiên và từ chối san sẻ gánh nặng công việc gia đình.
Trở lực chính thứ hai chính là quan niệm lạc hậu và ích kỷ của nhiều người chồng, người yêu đã khiến người phụ nữ phải lựa chọn hy sinh sự phát triển của cá nhân để tập trung vào gia đình, bằng lòng với những gì mình có.
“Phụ nữ học cao hơn chồng mà làm gì” hoặc những quan niệm như “không nên lấy người phụ nữ thông minh hoặc thành đạt hơn mình” góp phần tích cực làm đàn ông xa lánh những người phụ nữ học cao, thành đạt hoặc làm nản lòng những phụ nữ muốn thăng hoa trong sự nghiệp hoặc học vấn.
Những quan niệm cổ hủ, hà khắc như đã nói ở phần đầu là trở lực thứ ba kìm hãm ghê gớm sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.
Thêm vào đó phong trào nữ quyền, vì nhiều lý do, không phát triển ở Việt Nam và chưa tạo được sự chú ý thực sự của xã hội. Cộng với việc không có nhiều nhân vật nổi tiếng, trí thức, nghệ sỹ công khai ủng hộ và dành nhiều công sức cho việc này, dư luận nói chung rất thờ ơ với nữ quyền hoặc coi đó là chuyện ở nước ngoài mà thôi.
Tuy nhiên mọi việc đã và đang thay đổi nhanh chóng, càng ngày càng nhanh: sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ của truyền hình, báo chí đặc biệt là internet, thế giới trở nên “phẳng” đẩy mọi chuyện biến đổi với tốc độ gấp nhiều lần trước kia.
Ví dụ đơn giản là mốt mặc quần lửng, quần bó sát gối xuất hiện năm 2006 ở Pháp thì 2007 và 2008 đã có mặt khắp nơi ở Việt Nam. Ở các thành phố lớn, chuyện nam nữ thanh niên hôn nhau ngoài đường cũng không còn là “hi hữu”.
“Sống thử” tuy đang không được xã hội thừa nhận, hoan nghênh nhưng đã trở thành một thực tế không thể phủ nhận. Quan niệm về hôn nhân, tình dục đã có nhiều cởi mở đặc biệt trong giới 8X, 9X những người chiếm tỷ trọng lớn trong dân số, cởi mở, năng động và sẽ là lực lượng chính của xã hội ngày mai.
Lối sống công nghiệp gấp gáp làm người ta ít có thời gian “soi mói” vào chuyện của người khác mà tập trung vào những chủ đề thực chất hơn.
Những nhận định trên không thể đúng trong mọi trường hợp, mọi nơi, mọi lúc trên đất nước Việt Nam nhưng chắc chắn đó là một xu hướng phát triển tất yếu trong xã hội Việt Nam ngày mai.
Những thành tựu của xã hội phương Tây có được hiện nay chính là thành quả của những đấu tranh của phong trào nữ quyền kéo dài từ cả thế kỷ trước. Nhìn vào lịch sử phát triển của nước ta, nhận định này không phải không có cơ sở.
Việt Nam vốn có truyền thống tôn trọng phụ nữ, điều này được thể hiện rất rõ qua tín ngưỡng thờ mẫu tồn tại qua hàng thế kỷ, qua ngôn ngữ thường ngày (lệnh ông không bằng cồng bà).
Người Việt cũng không câu nệ lãnh đạo có phải là phụ nữ hay không nên mới có việc toàn dân theo Hai Bà Trưng, theo Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, nhiếp chính Ỷ Lan… Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở châu Á công nhận nam nữ bình quyền, công nhận quyền bầu cử của phụ nữ (năm 1946).
Chương trình phát triển của quốc gia và các chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hợp quốc đều có những biện pháp cụ thể chú trọng tới sự phát triển của người phụ nữ. Vai trò của phụ nữ Việt Nam chắc chắn sẽ được nâng cao trong một tương lai gần.
Nguyễn Đình Thành – Dịch giả, |