Diễn viên Thương Tín – không biết đến bao giờ mới trở lại thời hoàng kim? |
Giải Oscar 2008 vừa rồi, bước lên bục cao nhất ở hai hạng mục Nam, Nữ diễn viên chính là Daniel Day – Lewis (sinh năm 1957) và Marion Cotillard (1975). Độ tuổi của 20 diễn viên được đề cử là… 40, trong đó có hai người ngoài 80 tuổi, ba người ngoài 60 tuổi và chiếm phần lớn là ngoài 40 tuổi.
Điện ảnh Mỹ hiện đã quá già cỗi hay là biểu hiện của sự trường tồn? So sánh hơi khập khiễng để thấy ở Việt Nam bao lâu nay vẫn tồn tại một nghịch lý khó hiểu!
Nhìn ra thế giới thấy… buồn!
Ở những nước có nền điện ảnh phát triển từ trung bình khá trở lên, không có khái niệm diễn viên già, mà đơn giản chỉ gọi là diễn viên gạo cội.
Điện ảnh Mỹ chẳng hạn, số diễn viên gạo cội của họ – mà phần lớn trong số đó phải gọi là siêu sao – hùng hậu và đáng mơ ước của bất cứ đạo diễn nào trên thế giới.
Các diễn viên gạo cội không những là niềm tự hào của điện ảnh Mỹ mà còn là tượng đài của điện ảnh thế giới. Họ vẫn đóng phim đều đều, bận rộn quanh năm với nhiều dự án mà họ được toàn quyền lựa chọn vai diễn phù hợp với mình.
Điện ảnh Mỹ không bao giờ thiếu tài năng, nói đúng hơn là không bao giờ thiếu ngôi sao.
Nhưng đến giờ này, những ngôi sao trẻ trung xinh đẹp vẫn luôn phải lép vế – về cả sức cuốn hút lẫn tài năng – trước những: Robert De Niro (65 tuổi), Al Pacino (68), Jack Nicholson (71), Clint Eastwood (78), Dustin Hoffman (71), Michael Douglas (64), Kevin Costner (53 tuổi), Tom Hanks (52)…
Thậm chí Harrison Ford (66 tuổi) sắp tới đây vẫn tiếp tục là người hùng hành động của mùa hè 2008, trong siêu phẩm “Indiana Jones 4”.
Tom Cruise (46), Johnny Depp (45), Brad Pitt (45), George Clooney (47) – bốn cái tên đã xấp xỉ tuổi ngũ tuần – nhưng đang là những cỗ máy kiếm tiền khét tiếng nhất hiện nay của Hollywood, với tiền thù lao cho mỗi vai diễn trên 25 triệu USD!
Về phía nữ cũng không là ngoại lệ. Meryl Streep (59 tuổi) – với kỷ lục 14 lần đề cử Oscar – mà bất cứ vai diễn lớn nhỏ nào của bà cũng đáng xem.
Jodie Foster (46 tuổi) – một trong những diễn viên trí thức nhất của Hollywood – luôn luôn được ưu ái những vai diễn hay.
Sharon Stone (50), Kim Basinger (55) còn kỳ lạ hơn, tuổi đã ngoài ngũ tuần vẫn được giao những vai gợi tình bốc lửa mà khán giả không hề phản ứng!
Cũng tương tự như điện ảnh Mỹ, nước Anh cũng có nhiều ngôi sao trẻ trung và tài năng, nhưng chẳng ai sánh được với Michael Cain (75 tuổi), Sean Connery (78 tuổi), Anthony Hopkins (71 tuổi) về tầm ảnh hưởng và những vai diễn lớn giá trị.
Nước Pháp 20 năm trở lại đây chưa sản sinh được ngôi sao nào đủ sức làm quên được Alain Delon (73), Gerard Departdieu (60) Catherine Deneuve (65), Jean Paul Belmondo (75), Isabelle Adjani (53), Sophie Marceau (42), Juliette Binoche (44)…
Tuy giờ không còn tạo được ảnh hưởng quốc tế và nhận được những vai lớn như các đồng nghiệp Anh – Mỹ, nhưng tiếng tăm của họ vẫn không hề giảm sút.
Thống trị Điện ảnh Hong Kong và Hoa ngữ trong suốt 20 năm qua cho đến nay, là những ngôi sao đã trên dưới ngũ tuần: Lương Triều Vỹ (46), Lưu Đức Hoa (47), Trương Mạn Ngọc (44), Củng Lợi (43), Dương Tử Quỳnh (46), Thành Long (54), Lý Liên Kiệt (45), Châu Nhuận Phát (53), Châu Tinh Trì (46)…
Họ luôn được ưu ái những vai hay nhất trong những dự án lớn nhất. Bởi đơn giản những cái tên này chắc chắn đảm bảo doanh thu phòng vé.
Diễn viên là một dạng chất xám đặc biệt, khác với nhiều ngành nghề khác. Một đời người diễn viên có thể sống và hóa thân thành nhiều kiếp khác nhau.
Có hai đặc thù để tạo ra người diễn viên: một là được đào tạo bài bản, hai là có năng khiếu bẩm sinh, cả hai đều là vốn quý của xã hội.
Đào tạo được một diễn viên ra thành nghề đã quý, người có tài năng thiên phú lại càng quý hơn.
Có lẽ từ lâu đời trên thế giới đã đánh giá cao những khái niệm đó, nên tuổi thọ của đời diễn viên – đặc biệt ở các nước phát triển – được kéo dài khá lâu.
Không bao giờ thiếu những vai diễn lớn tuổi, thậm chí là vai chính cho các diễn viên gạo cội.
Tuổi càng lớn, họ càng được trân trọng và đánh giá cao, bởi những nhà làm phim quốc tế quan niệm: Không có tiền bạc nào mua nổi từng ấy năm vốn sống và kinh nghiệm mà các diễn viên gạo cội đã trải qua.
Làm sao ta có thể hình dung nổi, hai “cây cổ thụ” Henry Fonda (76 tuổi) và Katharine Hepburn (74 tuổi) lại cùng đoạt Oscar Nam, Nữ chính trong bộ phim lãng mạn “On Golden Pond” (Tình vàng son – năm 1981).
Trước đó – năm 1975 – diễn viên George Burns đã làm mọi người bất ngờ khi đoạt Oscar vai Nam phụ trong “The Sunshine Boy” (Cậu bé mặt trời mọc) lúc ông… 79 tuổi.
Đặc biệt hơn, bà Jessica Tandy đã đi vào lịch sử Oscar với tư cách là diễn viên lớn tuổi nhất đoạt giải Nữ diễn viên chính trong phim “Driving Miss Daisy” (Lái xe cho cô Daisy), khi bà… 80 tuổi!
Hay mới đây (2005), nhiều khán giả đã rơi lệ khi xem bộ phim cảm động về tình cha con “Thiên lý độc hành” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Mà nhân vật trung tâm – người cha – là diễn viên Nhật Bản gạo cội Ken Takakura năm nay đã… 77 tuổi!
Điện ảnh Việt thời bao cấp – vậy mà đẹp!
Daniel Day Lewis – Nam diễn viên chính xuất sắc nhất giải Oscar 2008 – trong phim "There Will Be Blood" |
Điện ảnh cách mạng Việt Nam dù trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và thiếu thốn nhất, nhưng cũng kịp đào tạo đến nơi đến chốn nhiều lứa diễn viên vẹn toàn cả thanh lẫn sắc: Trà Giang, Lâm Tới, Minh Đức, Tuệ Minh, Đức Hoàn…
Lớp kế cận cũng không hề kém cạnh về tài năng: Như Quỳnh, Thanh Quý, Bùi Cường, Phương Thanh, Đặng Lưu Việt Bảo, Thanh Tú, Minh Châu…
Nguồn diễn viên càng phong phú khi được bổ sung thêm khá nhiều tài năng từ kịch nói và ca múa nhạc nhảy qua điện ảnh như: Thế Anh, Lân Bích, Lê Khanh, Lê Vân, Lan Hương, Tất Bình, Quang Thái, Thanh Loan…
Tất cả những tài năng này đã tạo nên diện mạo của điện ảnh cách mạng Việt Nam và sống rất lâu trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả.
Ở miền Nam lúc ấy, tuy có rất nhiều hãng phim tư nhân, nhưng lại không có trường đào tạo diễn viên điện ảnh. Phim được sản xuất nhiều nhưng chủ yếu chỉ sử dụng diễn viên từ sân khấu chuyển sang hoặc từ các cuộc thi sắc đẹp và tài năng.
Nổi bật nhất lúc bấy giờ là: Kiều Chinh, Trần Quang, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, La Thoại Tân, và một gương mặt mới là Nguyễn Chánh Tín.
Khi nước nhà thống nhất, các diễn viên của miền Bắc và miền Nam được dịp hòa nhập, đã tạo cho điện ảnh Việt Nam một đội ngũ diễn viên hùng hậu, phong phú và đa dạng, mà không biết đến bao giờ mới trở lại được thời hoàng kim ấy.
Ngoài những diễn viên kể trên, ở miền Nam đã xuất hiện hàng loạt những cái tên đáng nhớ: Thương Tín, Bích Liên, Thúy An, Thúy Lan, Thanh Lan, Đơn Dương, Thùy Liên, Lý Huỳnh, Diễm My, Hà Xuyên, Hương Xuân…
Suốt một thời gian dài gần 10 năm sau thống nhất đất nước, họ đã khẳng định được vị trí vững chắc của mình trong lòng khán giả cả nước, bằng những vai diễn vượt qua sức ép của thời gian.
Khán giả xem phim lúc ấy hầu như chẳng bao giờ quan tâm đến tuổi tác của họ, mà chỉ biết đến nhân vật.
Vậy mà…!
Lãng phí chất xám… kiểu Việt!
Gần cuối thập niên 80, bộ phim “Phạm Công Cúc Hoa” ra đời với bộ đôi trẻ măng Lý Hùng – Diễm Hương, khi họ chỉ mới vừa đôi tám.
Bộ phim đã gây cơn sốt tại các phòng vé, đồng thời phát pháo lệnh cho một thời kỳ mới của điện ảnh Việt Nam – Phim Mì ăn liền!
Do ảnh hưởng rất lớn từ những phim bộ dài tập của Hong Kong với các thần tượng xinh đẹp trẻ trung, do đó dễ hiểu thị hiếu của khán giả Việt Nam lúc ấy cũng nhanh chóng quay cuồng với những gương mặt trẻ trong nước.
Marion Cotillard – Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất giải Oscar 2008 |
Chỉ trong chớp mắt, những diễn viên kỳ cựu đang ở độ tuổi chín mùi nhất của nghệ thuật diễn xuất (30 – 40), đã bị lãng quên lập tức và được thay thế bởi những gương mặt mười tám đôi mươi.
Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Thủy Tiên, Lê Tuấn Anh, Mộng Vân, Lê Công Tuấn Anh, Thu Hà và tiếp sau đó là Y Phụng, Thanh Mai, Nguyễn Huỳnh, Thiệu Ánh Dương, Hoàng Phúc… đã thay nhau tung hoành trên khắp màn ảnh cả nước.
Nghiệt ngã ở chỗ là những gương mặt kỳ cựu mới làm mưa làm gió chỉ cách đây một vài năm, vậy mà đã bị các nhà sản xuất, đạo diễn và khán giả lãng quên một cách nhanh chóng.
Trong suốt thời gian ngự trị của phim Mì ăn liền, họ không có nổi một vai phụ cho ra hồn. Cũng có nhiều gợi ý, nhưng lý do đưa ra thật lạnh lùng theo kiểu thị trường: Những cái tên đó không bán được vé!
Những diễn viên kỳ cựu buồn đến mức đã có người bỏ nghề chuyển sang kinh doanh. Ai không có khả năng kinh tế thì nhắm mắt nhận đại những vai không tên không tuổi để có tiền sống qua ngày.
Có trường hợp một diễn viên tên tuổi vẫn còn nặng nợ với nghề và muốn tiếp tục. Nhưng khi nhìn thấy vai diễn được giao hời hợt vớ vẩn, cách làm việc bừa bãi cẩu thả của đoàn phim, ông đã tự trọng ứa nước mắt từ chối!
Nhưng phim Mì ăn liền cũng chẳng tồn tại được lâu, và lần này sự nghiệt ngã còn ghê gớm hơn. Cú “đột tử” của phim Mì ăn liền đã đưa hàng loạt “ngôi sao” thị trường “về hưu non” chỉ sau một đêm. Mà phần lớn trong số họ vẫn còn rất trẻ, chưa ai quá tuổi 30!
Sức mạnh nào đã khiến những “ngôi sao” mới hôm qua còn kênh kiệu “hét” giá 30 triệu đồng cho 7 – 10 ngày quay, ngay hôm sau phải đối diện với sự thật trần trụi? Đó là phim truyền hình.
Với sức mạnh vô địch của phim truyền hình Việt Nam, là phổ biến rộng rãi và miễn phí đến số đông khán giả.
Chẳng có ai dại gì phải lệ thuộc vào một “ngôi sao” nào. Tất cả đều lao vào tìm những gương mặt mới mà chẳng ai đoái hoài đến những “ngôi sao” của một thời – mặc dù họ đã chịu “xuống giá”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những gương mặt mới đã làm khán giả quên hẳn họ. Sự ghẻ lạnh kéo dài đến nỗi, giờ đây hầu hết đã… bỏ nghề!
Điều nguy hiểm nhất hiện nay chính là tuổi thọ nghề nghiệp của diễn viên điện ảnh và truyền hình Việt Nam hiện càng lúc càng thấp, có thể sánh ngang với tuổi thọ của… các cầu thủ bóng đá! Nghĩa là 30 tuổi đã bị xem là “quá đát”, chuẩn bị về vườn!
Rất nhiều diễn viên chỉ mới ngoài 30 đã bắt đầu nhận được hàng loạt kịch bản đề nghị thủ vai… những ông bố bà mẹ!
Các làm phim hiện đã “trẻ hoá” quá mức phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam, khi chỉ giao những vai quan trọng cho các diễn viên trên dưới 20 tuổi.
Sao đến nông nỗi này?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tuổi thọ nghề nghiệp của diễn viên điện ảnh Việt Nam ngắn ngủi thuộc loại… nhất nhì thế giới!
Thị hiếu khán giả là một trong những nguyên nhân chính. Theo một cuộc thăm dò của những công ty nghiên cứu thị trường giải trí ở Việt Nam, phần lớn khán giả xem phim truyền hình bây giờ là giới trẻ.
95% khán giả đến rạp cũng là giới trẻ. Và tất nhiên, họ không muốn xem những suy nghĩ và hành động khác với lứa tuổi của mình.
Điều này dẫn đến các nhà làm phim buộc phải chiều theo thị hiếu khán giả nếu không muốn… phá sản!
Cũng chính vì thế mà từ lâu, các nhà biên kịch Việt Nam hầu như không có kịch bản nào dành cho lứa tuổi 40 – 50, lứa tuổi chín chắn và thành đạt.
Trong khi đó ở thị trường có rất nhiều tác phẩm văn học hấp dẫn mà câu chuyện trung tâm là lứa tuổi trung niên.
Cũng đã có nhiều nhà biên kịch cho ra đời những kịch bản rất hay, nhưng lại nằm mốc meo trên bàn của các nhà sản xuất vì không hợp thị hiếu.
Viết đề tài về giới trẻ để đáp ứng nhu cầu của thị trường chắc ăn hơn. Chính điều này đã dẫn đến việc chúng ta đã hoàn toàn mất hết lớp khán giả trung niên – những người cần thưởng thức những tác phẩm có ý nghĩa và sâu sắc.
Nhưng cũng không thể trách các nhà làm phim, bởi điện ảnh Việt Nam từ lâu đã yếu kém toàn diện, hàng năm chỉ còn thoi thóp sống bởi những bộ phim hướng đến thị trường của các nhà sản xuất phim tư nhân.
Một thị trường tiềm năng với 80 triệu dân mà hàng năm sản xuất không quá 10 phim nhựa, thì thử hỏi có ai dám làm phim “nghịch ý” với khán giả trẻ.
Phim truyền hình giờ cũng toàn những phim về giới trẻ. Những người ở độ tuổi trung niên muốn xem thể loại phim ở lứa tuổi của mình, chỉ còn cách xem phim truyền hình của Hàn Quốc, Hong Kong, Trung Quốc…
Còn một lý do nữa cũng khá quan trọng thuộc về các diễn viên. Đó là ý thức giữ gìn thanh sắc của mình trước kẻ thù thời gian.
Ở Việt Nam, hình ảnh thường thấy nhất của các diễn viên ngoài 30 tuổi đó là… phát tướng phát sợ! Lý Hùng, Lê Tuấn Anh… thần tượng một thời của nhiều cô gái, nhưng giờ nếu nhìn thấy hai thần tượng (mới 39 tuổi) ở ngoài đời chắc họ sẽ “hết hồn”!
Còn Nguyễn Chánh Tín – chàng diễn viên có ngoại hình lừng lẫy nhất nhì trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, mới đây đã làm một fan nữ suýt… xỉu khi nhìn thấy hình ảnh 2007 của “người hùng trong mơ” Nguyễn Thành Luân ngày nào!
Về khoản này chúng ta hoàn toàn thua xa đồng nghiệp của các nước – tuổi càng lớn họ càng quyến rũ hơn. Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Tom Cruise, Johnny Depp, Brad Pitt… là minh chứng rõ nét nhất.
Thậm chí George Clooney năm 2006 đã được tạp chí People bầu là “Người đàn ông Sexy nhất còn sống” khi anh đã 45 tuổi.
Harrison Ford cũng nhận được danh hiệu này năm 1998 khi ông 56 tuổi. “James Bond” Sean Connery còn đáng nể hơn, nhận danh hiệu này năm 1989 khi ông đã… 59 tuổi.
Trong bất cứ lĩnh vực nào, “trẻ hóa” là điều cần thiết. Nhưng “trẻ hóa” ồ ạt không theo bất cứ quy tắc nào như trong lĩnh vực diễn viên điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam hiện tại, thật sự là một bi kịch lớn về sự lãng phí tài năng.
Mà hình như bi kịch này vẫn như một chiếc xe không phanh đang lao xuống dốc!
Mộc Lâm |