Chát với Huỳnh Phúc Điền - Tạp chí Đẹp

Chát với Huỳnh Phúc Điền

Bộ Sưu Tập

8/11/2007, kết quả xét nghiệm: ung thư gan! Đó là một ngày đen tối của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền.

Định giấu nhưng không được, chỉ vài ngày sau, cả giới nhạc và báo chí đều xôn xao bàn tán về cái tin dữ đó. Ai cũng xót thương, tiếc nuối và lo lắng cho Huỳnh Phúc Điền.

Tôi gặp Huỳnh Phúc Điền một ngày trước khi anh sang Singapore làm xạ trị với ý nghĩ, chắc lúc này Huỳnh Phúc Điền sa sút và chán nản lắm.

Nhưng tôi đã nhầm, Huỳnh Phúc Điền có sút 5kg thật, còn lại, tinh thần anh lạc quan đến không ngờ!

Trước cái “án tử hình” còn treo lơ lửng đâu đó, đôi mắt đầy khát vọng, Huỳnh Phúc Điền nói: “Người ta nói chỉ kéo dài được thời gian sống. Tôi đang định kéo dài thời gian sống, mà kéo dài hơn bình thường thì sao?”.

Những người khỏe mạnh, chắc khó mà hiểu được tâm trạng của người đang mang trong mình những tế bào ung thư, nên trước khi gặp Huỳnh Phúc Điền, tôi – một người chẳng biết gì về blog – đã tỉ mẩn đọc từng dòng trong blog của Huỳnh Phúc Điền, với mong muốn hiểu được phần nào tâm trạng của anh.

Và, trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với Huỳnh Phúc Điền, tôi xin đăng lại một entry từ blog của anh. Một entry mà tôi cho là rất đúng với suy nghĩ và mong muốn của Huỳnh Phúc Điền lúc này:

“Mongol film & Tôi”

Một bộ phim được quảng cáo nhiều trên những trailer ở các rạp trong và ngoài nước. Một nhân vật lịch sử mà tôi vô cùng yêu thích. Một đại đế của nửa thế giới đầu thế kỷ 12: Thành Cát Tư Hãn.

Trong đêm trao giải Oscar, Mongol là một trong năm phim nước ngoài hay nhất được đề cử. Tò mò, chờ đợi, tôi tìm cho bằng được tác phẩm điện ảnh này, xem bằng một thái độ chờ đợi nhất.

Quả là cách đặt vấn đề, cách nhìn nhận lại nhân vật lịch sử của một vị vua đánh chiếm gần hết thế giới thời kỳ đó thật độc đáo và đầy tính nhân văn.

Xem phim, có một câu nói khiến tôi vô cùng thích thú, ít ra là đối với tôi trong hoàn cảnh hiện tại này.

Trác Mộc Hợp, một trong hai thủ lĩnh dũng mãnh nhất Trung Nguyên thời bấy giờ, sau khi bại trận, hỏi Thiết Mộc Chân rằng: "Người Mông Cổ ai cũng sợ sấm sét cả, nhưng với người anh em thì không. Tại sao người anh em không biết sợ sấm sét?" – Thiết Mộc Chân trả lời: "Bởi vì ta không còn nơi để trốn".

Và, chính vì điều này, quân lính của Thiết Mộc Chân thấy vị tướng của mình quá dũng mãnh, dám đương đầu, sừng sững giữa trời đất, trước hàng ngàn người đang rạp người xuống đất, co ro, trốn tránh.

Họ xem Thiết Mộc Chân như là thần thánh. Quân lính tin vào tướng quân của họ, khiến Thiết Mộc Chân chiến thắng.

Phim ảnh ít nhiều tác động đến cuộc sống con người, trong đó có tôi. Câu nói của Thiết Mộc Chân như liều thuốc tiêm vào tôi trong lúc này.

Rõ rồi… Cancer nó như những tia sét thế, nhưng giữa trời đất bao la của vùng trung nguyên rộng lớn thì lấy đâu ra chốn trú thân. Chi bằng hãy chấp nhận nó, nhận diện, đối mặt với chính nó để mà tồn tại.
 
Còn với Phương Tây thì sao? Người ta thường hỏi những kẻ yếu đuối rằng: "Anh có biết vì sao chó cắn người không? Vì nó thích sự sợ hãi và bỏ chạy của loài người" .

Trong im lặng của chính bản thân mình. Tôi tự hỏi và mong cho cuộc chiến này sớm kết thúc để tôi là người chiến thắng như Thành Cát Tư Hãn từng làm trong những lúc khó khăn nhất”.

Phải dám tưởng tượng những chuyện xấu xa nhất

Đọc blog này của anh, tôi thấy phim ảnh và cuộc sống, quá khứ và hiện tại, chiến trận và… bệnh viện đã gặp nhau, nhưng tôi cũng xin hỏi cụ thể hơn: "Bởi vì ta không còn nơi để trốn" – câu nói của nhân vật lịch sử đó đã “tiêm” vào anh như thế nào?

Lính của Thiết Mộc Chân chỉ có một, lính của giặc tới mười, đánh đâu có lại, tưởng Thiết Mộc Chân thua chắc. Tôi cũng giống vậy thôi. Vì tới giờ phút này, y học không dứt khoát tiêu diệt được tế bào ung thư.

Nhưng biết đâu mình lấy chính mình chống lại nó thì sao? Cũng rất nhiều trường hợp chữa bệnh bằng tâm lý đã chiến thắng, tại sao mình không áp dụng. Khi tôi chữa bệnh ở Singapore, các bác sĩ cũng khuyên phải hợp tác.

Bản thân mình cũng phải hợp tác, chứ không thể nào chỉ có y học giúp 100% được. Anh Phú Quang có khuyên tôi một câu rất hay: một người bị thương tật nằm liệt giường, đùng một cái tòa nhà bị cháy, tự nhiên thấy người đó bước ra khỏi tòa nhà, dù họ đang ở lầu mười mấy.

Nghĩa là người ta đang còn năng lượng dự trữ trong người mà người ta không biết. Tới lúc gặp sự cố mới đem nó ra xài. Vậy thì tốt hơn tôi lấy ra xài trước. Tôi nghĩ vậy.

Vậy mà tôi đã thiển cận nghĩ, trong hoàn cảnh này, khó lời khuyên nào có thể làm anh quên đi những gì mà anh đang phải đối diện!

Tôi đâu đến mức tiêu cực như vậy. Anh em Phú Quý, chủ nhà hàng Sinh Đôi hài lắm. Hôm tiễn tôi đi Singapore chữa bệnh, họ chúc tôi: Bây giờ lên máy bay ngồi ghế bình thường nghe, khi trở về nhớ tháo ba cái ghế trong máy bay ra, giống như đóng cái thùng cho tôi, đại loại vậy.

Mà tôi thích kiểu đó, nghĩa là mình phải vượt qua, phải dám tưởng tượng những chuyện xấu xa nhất, còn hơn cứ tô màu hồng lên cho thật đẹp. Sự bông đùa đó tự nhiên khiến tôi thấy không có gì phải căng thẳng cả.

Không biết có phải do cuộc đời mình như vậy không, mà tôi luôn thích những hình ảnh bị dồn vào ngõ cụt, rồi người ta xoay ngược lại trở thành người chiến thắng.

Hàn Tín là một trường hợp của thời Hán Cao Tổ của Trung Quốc. Khi quân đội bị giặc đuổi sát bờ sông, ông Hàn Tín nghĩ ra kế sách cho toàn bộ lính quay lưng lại bờ sông để đánh giặc.

Khi quay lưng như thế, tâm lý của quân lính chỉ có đánh thôi, nếu không, quân tràn xuống lùa toàn bộ xuống sông cũng đủ chết.

Nhờ tâm lý đó mà quân của Hàn Tín đã chiến thắng. Nên không có lý do gì mà tôi không thích câu nói của Thành Cát Tư Hãn.

Chúng ta hãy đặt những câu chuyện lịch sử sang một bên, để cùng nói về cái của ngày – hôm – nay. Tôi thấy không ít người bỏ cuộc khi gặp tình huống khó khăn, còn anh đã dũng cảm đương đầu với một tinh thần rất lạc quan. Điểm tựa nào cho anh có được tinh thần đó?

Thực sự mà nói, trong lúc về nhà, hay lúc nằm trong bệnh viện, giai đoạn mệt mỏi, cảm thấy chán chường, tôi thường nghĩ về nhà, nghĩ về hai đứa nhỏ.

Tôi hay tưởng tượng tới cảnh thanh bình, được đi chơi, đi du lịch với con, được sống trong tòa nhà ở trên cao, mỗi lần mở cửa ra thấy nắng, thấy sông, thấy thành phố.

Tôi có một căn hộ, đã sắp tới ngày được bàn giao, tôi nghĩ mình sẽ cố gắng vượt qua để có ngày sống ở căn hộ đó với không khí thanh bình, với những đứa nhỏ của tôi.

Nó đơn giản vậy đó. Nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua, để mau khỏe, còn dẫn mấy đứa nhóc đi chơi nữa.

Tôi thích đi chơi với gia đình lắm, mình chỉ đi chơi với mấy đứa nhỏ bây giờ, còn mai mốt nó lớn, đi chơi với bạn bè, chứ đi với mình làm gì. Nên mình phải biết tranh thủ.
 
Ngoài những đứa trẻ, anh còn mục tiêu nào nữa không?

Công việc của tôi làm quanh năm suốt tháng, nên mục tiêu nhỏ lắm. Tôi có một mục tiêu, đang định viết lên blog, xem mọi người có trùng suy nghĩ với mình không, nếu trùng họ sẽ vào viết chung, và đó sẽ là một câu chuyện để tôi làm phim.

Trước tôi cũng muốn làm phim nhựa, nhưng có nhiều điều không thuận lợi. Mình thấy trục trặc nhiều quá, nên mệt mỏi, mà nó cũng không đáng phải quyết tâm làm tới cùng. Cái gì cũng có giá của nó.

Khi mình không thực sự quyết tâm với nó, thì nó cũng không đến với mình. Tôi chẳng tiếc nuối gì. Hồi mới ra trường, cũng có người mời tôi làm đạo diễn.

 May là tôi không nhận lời, chứ làm phim từ thời kỳ đó, với tay nghề đó, chắc tôi đi luôn rồi.

“Ngày dài” và “Ngày đen tối”

Có một khái niệm trên blog của anh được lặp lại nhiều lần, đó là khái niệm “ngày dài”. Vậy là một người bận rộn, được mệnh danh “ông trùm của live show” ngày hôm nay đang phải trải qua những “ngày dài”?

Nó dài thực sự, nhất là với một người năng động như tôi. Một ngày của tôi bây giờ là sáng sớm ngủ dậy check mail, viết blog, chờ đến giờ đi khám bệnh, ăn uống… khỏe một chút thì shopping.

Vậy nó không dài sao được? Trước tôi lên kế hoạch đi học tiếng Anh, nhưng chắc tôi cũng không đủ sức để học.

Vì xạ trị mấy ngày đầu mệt lắm, vào học sẽ không tập trung, nên chuyện đi học đành gác qua một bên. Mà ngày dài thì mình nhớ nhà, nhớ hai đứa nhóc, nhớ bạn.

Vừa rồi, tôi về đến sân bay, bạn bè ra đón, xe vừa dừng tới hẻm, cất vali là kéo nhau đi cà phê, đi ăn, rồi về gặp mấy đứa nhỏ liền.

Trước tôi cũng có thời gian đi nước ngoài rất dài, nhưng thường mình có kế hoạch cụ thể, còn bây giờ kế hoạch người khác đưa cho mình, nên cảm thấy nặng nề lắm.

Không lẽ trong chuỗi “ngày dài” đó không tồn tại những “ngày đen tối” trong suy nghĩ của anh – người đang phải đối diện với một căn bệnh nan y?

Ồ, có chứ. Lúc tôi nhận xét nghiệm là “đen tối” ngay lập tức. Tôi gặp bác sĩ có tên tuổi để nói chuyện. Bác sĩ động viên tinh thần là chính. Tôi hỏi có nên đi nước ngoài không? Bác sĩ nói Việt Nam là tốt rồi, đi nước ngoài làm chi cho tốn kém, cũng chẳng giải quyết được gì.

Nghe vậy tôi bi quan lắm. Đến khi vào bệnh viện, mấy cô y tá còn nói anh cố gắng như thế nào để vượt qua, chứ ở đây người ta đi về hết. Có nghĩa là họ trở về vĩnh viễn! Mà khối u của tôi to lắm. Bệnh viện ở Singapore tính khối u đó thuộc về bậc nhất.

Trong đầu tôi chỉ còn một ý nghĩ đen tối. Về nhà, tôi nghĩ phải sắp xếp công việc của gia đình, cái gì trước, cái gì sau, phải sắp xếp cái nào ra cái nào, rõ ràng hết.

Nhưng một bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy khuyên tôi sang Singapore. Bác sĩ nói có thể cứu kịp tình thế, đừng có bi quan với nó.

Chuyến bay đó đã chấm dứt “ngày đen tối” của anh?

Thực ra, lúc tôi sung mãn, tự tin nhất là giai đoạn lên bàn mổ. Đến độ tôi ra phòng hồi sức, bác sĩ vô thăm nói: “Mày rất tự tin”. Nhưng tới ngày thứ 12, chuẩn bị xuất viện, thấy mình khỏe, bác sĩ mới bắt đầu nói chuyện.

Bác sĩ nói, theo dự kiến cắt có hai tiếng, nhưng cuối cùng cắt tới năm tiếng. Vì khối u của tôi to quá, rất nguy hiểm, nhưng vẫn cắt không hết, bởi còn cái gân đi ngang, mà cái gân đó không cắt được, vì nó là mạch máu, mà u nằm trong động mạch đó. Bây giờ chỉ còn cách xạ trị.

Nghe tới đó, tôi như bị sụp xuống lại. Tôi tưởng cắt là hết luôn, không ngờ khối u không hết, giống như cắt cho vui vậy! Lúc đó tôi chán nản kinh khủng, thấy cuộc đời u ám.

Nhưng về tới đây, gia đình, bạn bè, anh em động viên. Mọi người tới thăm, thấy ai cũng vui cười hồ hởi. Rồi bạn bè qua Singapore thăm, anh em cười giỡn rất vui vẻ. Nhờ những cái vui đó mà tinh thần tôi khác hẳn.

Tôi không có bị cảm giác cô đơn, lạc lõng, và nghĩ sẽ vượt qua được. Quan trọng mỗi lần uống thuốc, tôi tưởng tượng tế bào ung thư bị tiêu diệt đi, mà người ta nói tưởng tượng cũng giống như một cách để chữa bệnh, nên tôi áp dụng giải pháp đó.
 
Đến thời điểm này, bác sĩ có cho anh một kết luận cụ thể nào không, hay vẫn là mình có bệnh thì cứ chữa?

Chưa có cụ thể. Họ có phác đồ, gồm mổ, xạ trị, bơm thuốc (trong chuyên môn, đại loại là chống di căn). Tôi nghĩ cũng khả quan.

Vì đích thân bác sĩ viết cho tôi một lá thư, nói sau khi xạ trị xong, cho họ đưa tin này lên báo của Singapore, như quảng bá về cách chữa trị bệnh ung thư để cho mọi người hiểu được bệnh ung thư có thể chữa được. Bác sĩ rất tự tin về ca này của ông ấy.

Giai đoạn này bà xã của anh có vai trò như thế nào?

Cô ấy có vai trò quan trọng vô cùng, mặc dù chưa bao giờ được nhắc đến! Được cái tinh thần của vợ tôi rất tự tin. Cô ấy còn nghĩ chỉ cần xạ trị là tôi vượt qua, nên cũng truyền lửa cho tôi.

Đặc biệt, cả nhà tôi không có ai bi quan cả. Ba tôi vô thăm nói: “Thấy mặt mũi con vậy ba nghĩ chắc không có chuyện gì đâu, sớm chữa xong để về nhà nghỉ”. Chính thái độ của mọi người càng làm tôi lạc quan hơn.

Tôi sẽ trở lại vào tháng 6

Sau khi chữa bệnh, công việc đầu tiên của anh là gì?

Tôi sẽ trở lại vào tháng 6! Tôi có kế hoạch rồi. Giữa tháng 4 tôi xạ trị xong, nhưng tôi để tới tháng 6 mới làm lại. Tôi sẽ không nói trước kế hoạch của mình, vì ông bà nói “nói trước bước không qua” mà.

(Sau cuộc phỏng vấn, Huỳnh Phúc Điền đã hé lộ cho tôi về kế hoạch của mình. Đây sẽ là một chương trình rất đặc biệt, mà tôi tin chắc sẽ có rất nhiều người quan tâm!).

 Dương Thúy
Ảnh: DV

Thực hiện: depweb

08/04/2008, 17:45