Cho đến nay bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng vẫn được coi là một trong những chứng bệnh nan y với tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn còn rất thấp. Ung thư được gây ra bởi nhiều yếu tố xác định và chưa xác định.
Các yếu tố xác định của nguy cơ ung thư là do hút thuốc lá, chế độ ăn, rượu, ít vận động, nhiễm trùng, các yếu tố hocmon và tia xạ.
Tỷ lệ mới mắc của các bệnh ung thư phổi, đại tràng và trực tràng, vú và tiền liệt tuyến nói chung tăng song song với phát triển kinh tế, trong đó ung thư vú là ung thư phổ biến thứ hai trên thế giới và phổ biến nhất ở phụ nữ.
Hiện nay, ở các nước đang phát triển, yếu tố chế độ ăn được ước tính chiếm khoảng 20% (theo Tổ chức Y tế thế giới), nhưng tỷ lệ này có thể tăng lên với sự thay đổi chế độ ăn.
Cân nặng cơ thể cùng với nguyên nhân giảm hoạt động thể lực được ước tính chiếm khoảng 1/5 tới 1/3 trong số vài loại ung thư phổ biến nhất, đặc biệt là ung thư vú (sau mãn kinh), đại tràng, nội mạc tử cung, thận và thực quản.
Các yếu tố chế độ ăn có khả năng gây tăng nguy cơ ung thư vú chỉ có duy nhất là béo phì và rượu. Béo phì làm tăng 50% nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh, có thể do làm tăng hàm lượng estradiol tự do trong huyết thanh (một loại hocmon đóng vai trò chính trong ung thư vú).
Béo phì không làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh nhưng có thể dẫn tới béo phì suốt đời và do đó làm tăng nguy cơ ung thư vú sau này.
Rượu gây tăng nguy cơ khoảng 10% nếu trung bình uống một lần mỗi ngày. Cơ chế mối liên quan này chưa rõ nhưng có thể do sự tăng estrogen (hocmon giới tính nữ).
Dưới đây là các khuyến nghị cụ thể của Tổ chức Y tế thế giới nhằm làm giảm nguy cơ phát triển ung thư đặc biệt ung thư vú bao gồm:
>> Duy trì cân nặng (ở người trưởng thành) vì béo phì là nguyên nhân nguy cơ số 1 gây ung thư vú hay nói một cách khác tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư vú thường tăng theo mức tiêu thụ mỡ.
Muốn vậy nên hạn chế mỡ và thịt động vật, ngoài ra tiêu thụ quá nhiều calo cũng làm tăng nguy cơ ung thư ở đường tiêu hóa.
>> Duy trì hoạt động thể lực thường xuyên. Mục tiêu chính phải là thực hiện hoạt động thể lực trong hầu hết các ngày trong tuần; 60 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải như đi bộ, đặc biệt cần ở những người có lối sống tĩnh tại, ít vận động trong công việc.
Hoạt động đòi hỏi sự gắng sức hơn, như đi bộ nhanh sẽ có ích hơn trong dự phòng ung thư.
>> Hạn chế đồ uống có cồn. Nếu nghiện rượu kèm theo nghiện thuốc lào, thuốc lá thì càng dễ mắc ung thư vì khói thuốc chứa rất nhiều hóa chất độc hại gây ung thư.
Người nghiện thuốc có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 10 lần so với người bình thường. Người hút thuốc thụ động (phải hít khói thuốc của người khác) cũng chịu nguy cơ tương đương thậm chí cao hơn.
>> Mức tiêu thụ chung của các thực phẩm bảo quản bằng muối và việc dùng muối hằng ngày nên vừa phải (không quá 6g muối/ngày).
Vì cá muối, dưa muối, nhất là dưa khú, thường có hàm lượng nitrosamin cao, liên quan đến ung thư vòm mũi họng, ung thư dạ dày…
>> Tránh tuyệt đối việc ăn hoặc tiếp xúc (hít thở, cầm nắm) với aflatoxin trong thực phẩm (một số loài nấm mốc tiết ra độc tố, đặc biệt là mốc Aspergillus flavus sản sinh độc tố aflatoxin cực kỳ nguy hiểm – một trong những chất gây ung thư gan mạnh nhất qua đường miệng).
>> Hạn chế ăn đồ nướng bị cháy và dầu mỡ rán nhiều lần. Khi nướng ở nhiệt độ khoảng 250oC, lớp mỡ trên thịt rơi xuống lửa than sẽ bị đốt cháy, tạo ra benzopyren (chất có khả năng gây ung thư) bám trên bề mặt thịt.
Ngoài ra, chỗ thịt nướng bị cháy cạnh cũng dễ tạo ra độc chất gây ung thư. Dầu mỡ rán ở nhiệt độ càng cao càng tạo thêm nhiều hóa chất mới, trong đó có những chất có khả năng gây ung thư.
Vì vậy, không nên ăn dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần. Xoong chảo xào, rán xong nếu không rửa sạch, dầu mỡ còn bám lại qua lần đun nấu sau cũng dễ tạo sinh chất gây ung thư.
>> Chế độ ăn có ít nhất 400g rau và trái cây mỗi ngày. Rau quả, đậu đỗ có tác dụng đặc biệt tốt trong việc phòng chống ung thư.
Rất nhiều chất trong thực vật là những chất có tiềm năng chống ung thư bao gồm lycopen (có trong cà chua và dưa hấu), quercetin (trong hành tây), ajoen (trong tỏi), indol (trong các họ rau cải), coumarin (trong các quả họ chanh)…
Ngoài ra, chất sulforaphon (có nhiều ở súp lơ xanh) cũng có khả năng kích thích tế bào sản xuất những yếu tố với tác dụng kịp thời ngăn chặn khối u trước khi nó có nguy cơ nhen nhóm.
Ở giai đoạn bắt đầu hình thành những tế bào ung thư, nó sẽ phát triển nhanh nếu như các hệ thống miễn dịch bị phá vỡ. Lúc này isoflavon (có trong nhiều loại rau quả, đặc biệt là đậu nành) sẽ ức chế sự phát triển men của tế bào ác tính (tế bào ung thư cần tăng một số enzym để phát triển mạnh), do đó hạn chế được sự hình thành các tế bào ung thư và không cho chúng phát triển.
Khi ung thư đã thành khối u, thì các khối ung thư muốn phát triển phải tạo nhiều mạch máu mới để đưa những chất dinh dưỡng và oxy đến nuôi nó.
Lúc này genistein (có nhiều trong đậu nành) có khả năng hạn chế sự hình thành các mao mạch mới của khối u.
Một số nghiên cứu cho rằng trong tỏi có một hợp chất là diallyl disunfua có tác dụng ngăn những mạch máu mới của khối ung thư và làm tiêu nó đi.
Các hóa chất thực vật như glucosinolar (có trong các loại rau thuộc họ bắp cải), saponin (có nhiều ở các loại đậu đỗ…) và nhiều hóa chất thực vật khác có hoạt tính sinh học mạnh, có thể tạo ra hương thơm, màu sắc và sức chống bệnh tự nhiên của thực vật nói chung và rau quả nói riêng, trong đó nhiều chất có khả năng phòng chống ung thư mạnh mẽ.
Chất xơ trong thức ăn thực vật thúc đẩy sự lưu thông ống tiêu hóa, làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với niêm mạc ruột. Ngoài ra, chất xơ còn có thể gắn kết và cố định những yếu tố gây ung thư để bài xuất theo phân ra ngoài cơ thể.
Như vậy, chất xơ đã góp phần quan trọng là bảo vệ niêm mạc ruột và cơ thể trong việc phòng chống ung thư. Nên ăn nhiều chất xơ có trong các loại rau tươi, quả chín và hạt ngũ cốc.
>> Nên tiêu thụ thịt bảo quản ở mức vừa phải (như lạp xường, xúc xích, thịt lợn muối xông khói, giăm bông) vì các chất nitrat, nitrit thường có trong chất bảo quản thịt, cá và thực phẩm chế biến, ăn nhiều cũng dễ gây ung thư dạ dày, thực quản.
Đối với gia cầm và cá có sử dụng các chất bảo quản công nghiệp không liên quan lắm với tăng nguyên nhân gây ung thư.
>> Không ăn uống các thực phẩm hoặc đồ uống khi chúng ở nhiệt độ còn rất nóng.
Bs.Ths. Phan Bích Nga |