Bùi Việt Dũng
(Họa sỹ, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội)
Slogan về thời gian của tôi là: “Nhanh không hết!”. Với tôi, 24 giờ là vừa đủ. Công việc 12 giờ, nhu cầu sống và nghĩ 12 giờ là đủ.
Với người khác, sự sắp xếp thời gian chặt chẽ quá, cũng đôi lúc không ổn, còn tôi, tôi thấy mình sử dụng thời gian không đến nỗi quá bất hợp lý.
Rất ít khi tôi lãng phí thời gian. Bây giờ cảm thấy thời gian trôi quá nhanh, nhìn lại tuổi tác thì thấy hãi hùng. Cảm thấy buồn nhiều hơn vui, nên thường khi sống trầm trầm, chứ không sôi nổi phá trời như hồi trai trẻ. Hôm trước được vỗ đùi cười một cái ở Chùa Thầy mà thấy trong người nhẹ nhõm hẳn.
Sống lâu có cái hay của sống lâu, vì được chứng kiến nhiều biến động, nhưng cũng có cái… dở, khi con người ta nặng tình với cuộc sống quá.
Thế cho nên, sống đến bao nhiêu tuổi, cái đó, dành cho ông Trời quyết định hộ. Nếu có thêm giờ thứ 25, tôi sẽ dùng để chơi với con gái nhỏ.
Khương Hà
(Biên kịch, Tp. Hồ Chí Minh)
Một ngày của cảm giác là 24 cái túi chứa đầy bí mật. Ai chịu khó lục lọi nhiều hơn thì sẽ được nhiều thứ hơn kẻ khác, và thời gian của họ sẽ qua nhanh hơn vì họ không còn đi theo nó, mà là đi cùng nó.
Với những cái túi màu nhiệm đó, người ta có thể quyết định được mình sống nhiều hay ít, sống nhanh hay chậm.
Nghĩ lan man, nguyên nhân để loài người phát minh ra đồng hồ, có lẽ là cái chết. Từ cái chết, người ta nhận thức được giới hạn của con người, rồi người ta tìm cách ước lượng thử, sống khoảng bao lâu thì qua một kiếp.
Khi đã ước lượng được, người ta bắt đầu tính toán, thu vén cuộc sống, gia đình, sự nghiệp… sao cho trọn vẹn.
Khái niệm thời gian được sinh ra, và con người bắt đầu cuộc chạy đua không có hồi kết thúc.
Có thể coi thời gian là thế lực quyền uy nhất trong vũ trụ. Nó bao trùm tất cả, chứng kiến tất cả, không giữ được, không cản được, không thấy được (thậm chí đôi khi… không hiểu được !), nói chung là bất khả xâm phạm.
Người ta vốn luôn muốn làm chủ thời gian, nhưng làm “chủ” ở đây chỉ có ý nghĩa duy nhất là biết tận dụng thời gian một cách tối đa để làm tất cả những gì mình muốn trước khi không còn kịp.
Có những lúc ước gì ngày dài ra thêm vài tiếng, chắc sẽ đỡ mệt hơn. Thỉnh thoảng tôi cố đua nhanh hơn, để thừa ra vài ngày cho phép mình ngủ, lười hoặc chiều chuộng một sở thích điên rồ bất kỳ nào đó của mình.
Sống mệt như vậy, thì sống để làm gì? Tôi nhiều lần tự hỏi mình như vậy. Nhưng, một ngày có đến 24 tiếng, 24 cái túi chứa đầy bí mật – câu trả lời của tôi nằm trong đó.
Cứ cố gắng tận dụng đi, lục lọi nhiều thì mất công và mệt thật đấy, nhưng biết đâu ở đó bạn sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc, như tôi.
Nguyễn Hoàng Linh
(Biên tập viên tuần báo Nhịp cầu thế giới, Hungary)
Tôi thích câu: “Thời gian trong tay ta!”. Tôi còn nhớ lâu lâu, đọc những lý giải về “Kinh Thánh”, trả lời thắc mắc sao Đức Chúa Trời có thể tạo ra vạn vật trong vòng 7 ngày, hình như người ta giải thích rằng không nên hiểu một cách máy móc như thế: đơn vị “ngày” trong “Kinh Thánh” không phải tròn 24 giờ như “ngày” của chúng ta bây giờ, mà nó xê dịch, du di lắm. (Đọc lâu rồi, tôi cũng chỉ nhớ mang máng, hy vọng không sai về đại thể để đỡ mang tiếng “báng bổ”).
Đã nhiều lần tôi nghĩ: nếu được như vậy thì thích thật! Như hiện tại, đang có một mớ công việc phải làm đúng hạn, mà cái đơn vị “ngày” nó dài gấp đôi, gấp ba cho, có phải hay không?
Cơ mà, chúng ta phải bằng lòng với 24 giờ/ngày nếu vẫn muốn sống trên quả địa cầu này, hoặc ở một hành tinh nào đó có vận tốc di chuyển dừng quá lớn so với vận tốc ánh sáng, nhỉ?
Thế nên, 24 giờ ấy nghĩ cho cùng là hợp lý. Nhiều hay ít hơn… dễ loạn lắm, chỉ khiến cho chúng ta ỉ lại vào đó. 24 = 3 x 8, coi như đủ cho ba nhu cầu lớn nhất của chúng ta, là công việc, nghỉ ngơi và giải trí; vả lại, 8 là con số rất may mắn, rất đẹp, như vậy tôi thấy chấp nhận được rồi!
Cá nhân tôi, chọn một phương thức tận dụng thời gian khác, là chồng chéo những mảng công việc trong cùng một đơn vị thời gian. Tập là được, thực chất không khó!
Chẳng hạn, tôi ngồi làm việc, viết bài, một tai vẫn có thể nghe nhạc từ chiếc máy tính, tai kia… nghe thời sự trong TV để miệng… bàn bạc với vợ, và kết hợp trò chuyện với con. Hoặc giả, một tay bế cháu nhỏ, một tay vẫn đánh máy được, tranh thủ!
Nếu thêm giờ thứ 25, trên nguyên tắc thì mình sẽ làm một việc gì có ích, cho gia đình, vợ con chẳng hạn, mà lúc khác mình vẫn làm, có điều, có thêm 1 giờ thì càng làm được tốt hơn.
Còn tôi sẽ để trọn 1 giờ ấy, để nghĩ về những quãng thời gian mình đã sống, đã làm việc, đã yêu… không hết mình, không trọn vẹn… Để sau này, nhìn lại cuộc đời, mình có thể an lòng vì thời gian đã trôi qua với mình không đến nỗi quá vô ích!
Ca sĩ Nhật Sơn
(Tp. Hồ Chí Minh)
Tôi luôn tự nhủ rằng, đừng lãng phí 1 giây nào, vì kim đồng hồ sẽ không quay ngược lại. Tôi chấp nhận 24 giờ/ngày bởi đó là giới hạn thời gian bất biến.
Tôi biết, tôi chưa phải là người phân bố thời gian một cách hợp lý, nhưng tôi ý thức được nó.
Tôi phân chia như thế này cho quỹ thời gian của mình: 55% cho công việc, 10% cho gia đình, 10% cho tình yêu, 5% cho đọc sách, 10% cho đi chơi và phần còn lại là shopping.
Là một ca sĩ, tôi có thời gian biểu và lịch làm việc khá linh hoạt trong ngày tôi dành cho tập luyện các kỹ năng về chuyên môn, có ít nhất một buổi thảo luận cho những kế hoạch với các cộng sự của mình, tôi cũng có một khoảng thời gian nhất định trong một ngày cho riêng mình, dù rằng không dài. Khoảng thời gian này thường là trước khi tôi đi biểu diễn.
Không thể phủ nhận, có đôi khi, tôi cũng là người lãng phí thời gian. Tôi ở tình trạng như vậy, mỗi khi hy vọng, cũng như mong mỏi cho công việc không như ý mình dù đã cố gắng thực sự.
Tuy nhiên, tôi lại nghĩ theo cách tích cực riêng của mình, khoảng thời gian đã mất không thể lấy lại được, cho nên, tôi sẽ hết sức tận dụng khoảng thời gian đang có, và còn lại.
À, mà tôi cũng chẳng mong mình sống trăm tuổi làm gì, chỉ mong sống đủ lâu để thực hiện những hoài bão của mình một cách đúng đắn và có ích.
Đôi khi, nhìn lại 24 giờ trong ngày xem mình đã làm được gì, tôi sẽ vui với những thành quả đã làm được, và rút ra những kinh nghiệm cần thiết với điều chưa làm tốt và relax thật sảng khoái.
Nguyễn Bích Ngọc
(Tiếp viên Hàng không Việt Nam Airline)
Nhiều khi, tôi mất đi khái niệm về thời gian. Một chặng bay với thời gian tối đa là 12 tiếng, rồi ở nước ngoài 1, 2 ngày, rồi lại bay về.
Thời gian với tôi, khá khắc nghiệt, công việc của tôi không có thứ bảy, chủ nhật, hay ngày lễ, Tết cũng không có gì khác biệt.
Lúc ở trên máy bay, khái niệm thời gian đã không còn, lúc xuống máy bay ở một nước khác, đó là thời gian khác, lúc nghỉ giữa chặng, vẫn là nước ngoài, đương nhiên vẫn là thời gian khác, nhưng về nước, lại là một thời gian khác nữa rồi.
Cứ lặp đi lặp lại như vậy quá nhiều đến nỗi tôi không phải nghĩ đến thời gian nữa, mà chỉ nghĩ đến giờ ở cái điện thoại chuyên để báo thức tôi thôi. Thậm chí sáng trưa chiều tối, đôi khi cũng phải mất vài giây mới phân biệt được.
Chúng tôi được lên lịch bay theo kế hoạch từ trước nên muốn xin nghỉ phép phải đăng ký trước một năm. Nhưng, đó là công việc, và tôi chấp nhận, tôi tự điều chỉnh, thay đổi chính mình để phù hợp với công việc.
Tôi chưa bao giờ có thời gian để mà lãng phí. Thời gian ở lại nước ngoài để chờ chặng bay tiếp theo với tôi có vẻ là lãng phí nhất, những lúc ấy tôi luôn ước có người thân bên cạnh.
Tôi không có thời gian đi hấp tóc, dưỡng mặt định kỳ ở Việt Nam như mọi người, hoặc mua sắm, đi chơi với bạn bè bởi thời gian ở nhà của tôi quá ngắn. Lúc nào tôi cũng bị cảm giác vội vã.
Tôi biết, đôi khi mọi người không hiểu khi thấy tôi luôn nhìn đồng hồ, đó là thói quen công việc mất rồi, và tôi luôn sợ trễ. Tôi không chỉ ước có giờ thứ 25 đâu, mà tôi ước sau 6 ngày làm việc sẽ có một ngày 48 tiếng để nghỉ ngơi, chứ thêm có giờ thứ 25, 1 tiếng đồng hồ cho mỗi ngày, liệu sẽ giải quyết được gì với đặc thù công việc của tôi?
Ngay đến việc lập gia đình tôi cũng còn phải suy nghĩ, tôi cũng chưa tưởng tượng lúc đó tôi sẽ sắp xếp cuộc sống như thế nào. Tôi vẫn còn muốn dành cái thời gian ít ỏi kia cho riêng mình, cho người thân và bạn bè.