Có thể bạn sẽ ngạc nhiên trước một chuyên đề có vẻ "khô cứng" (nhưng xin cam đoan là không phải như vậy). Có thể bạn hoang mang khi bắt gặp những ý kiến có vẻ trái chiều với những gì mà phụ nữ hiện đại đang muốn vươn tới – hoặc chứng tỏ.
Nhưng khi quyết định thực hiện chuyên đề này, chúng tôi thật sự muốn tất cả chúng ta có một quãng lặng, một điểm nhìn soi chiếu, để từ đó nhìn lại chính chúng ta, và tìm hiểu ý nghĩa thật sự của những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta nên làm.
Kể từ tháng 5 năm 1968 đó – mùa hè đã làm thay đổi bộ mặt xã hội phương Tây – đã tròn 40 năm qua đi, quãng thời gian đủ trải nghiệm của một đời người.
Eric John Ernest Hobsbawm, sử gia nổi tiếng người Anh gốc Do Thái, đã nói: "Một cuộc trải nghiệm, chỉ khi nào đã kết thúc rồi, họ mới nhận thức được bản chất của nó."
Và khi đang bắt đầu bước vào một cuộc thay đổi lớn lao trong xã hội, phải chăng chúng ta nên nhìn sang nơi cuộc biến chuyển tương tự đã diễn ra, như một sự soi chiếu.
Mục tiêu chủ yếu của phong trào 1968 là tự do tình dục, tự do đồng tính luyến ái, hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, phong trào giải phóng phụ nữ cũng trở thành một trong những thành quả quan trọng nhất, dù ban đầu nó ít được chú trọng.
Khởi phát của phong trào giải phóng phụ nữ là những nhóm phụ nữ biểu tình lẻ tẻ, phát truyền đơn tại các nơi công cộng phản đối thái độ trọng nam khinh nữ, coi phụ nữ như đồ chơi của nam giới.
Các phương tiện truyền thông bắt đầu chú ý đến những đòi hỏi này của phụ nữ khi nhóm 10 phụ nữ thuộc tổ chức "Phụ nữ New York Kiên định" (New York Radical Women) gây rối tại cuộc thi hoa hậu Mỹ với sự hậu thuẫn của nhóm biểu tình khoảng 100 người bên ngoài.
Xuất phát từ Pháp, phong trào 1968 đã lan rộng tới hầu hết các nước phương Tây, được coi là một cuộc cách mạng mang tính toàn cầu thời bấy giờ – một phong trào nghĩ lại và xét lại mạnh mẽ và rộng lớn nhất trong lịch sử. Kết quả là hầu như mọi quan hệ giữa người và người đều thay đổi.
Có một điều đáng chú ý là ngày nay, khi mà lối sống coi trọng tự do cá nhân, giải phóng tình dục… bắt đầu gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong các xã hội phương Đông, thì tại chính cái nôi của nó, dường như luồng tư tưởng đó đang dội ngược lại.
Theo điều tra của Tổ chức vì sự đổi mới chính trị thực hiện trên 20.000 thanh niên độ tuổi 16-29 tại châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Đài Loan và Nhật Bản thông qua Viện thăm dò Kairos Future, trong số thanh niên thuộc tất cả các nước được điều tra, chỉ riêng thanh niên Pháp cho rằng cần phải truyền dạy cho con cái mình sự vâng lời hơn là sự độc lập.
Từ tất cả những gì thanh niên đang phải đối diện – thất nghiệp, mức sống giảm sút, sự bấp bênh của đời sống trên mọi phương diện – với họ, thế giới mà "thế hệ 1968" để lại hoàn toàn chẳng mang lại hạnh phúc như mong đợi.
Vũ Thủy |
Các tin liên quan
1968
((Revolution))
Chuyện cá nhân…
Xã hội ”Hậu 1968” nhìn từ ”Hạt cơ bản”
”Hậu 1968” trong mắt Michel Houellebecq
Khi phụ nữ muốn trở thành tổng thống
Bạn có bầu cho nữ tổng thống?