Không bao giờ hy sinh tất cả cho tình yêu - Tạp chí Đẹp

Không bao giờ hy sinh tất cả cho tình yêu

Bộ Sưu Tập

Khuôn mặt thư sinh trắng trẻo lấm tấm mụn “do uống café và thức quá nhiều trong thời gian làm album Café Sáng”, lặng lẽ ngồi đọc tờ báo tiếng Anh giữa quán café sang trọng bậc nhất Sài Gòn, những tưởng Hà Anh Tuấn sẽ rất… sinh viên và hồn nhiên như dáng vẻ bên ngoài, nhưng ý nghĩ ấy trở nên hoàn toàn sai lầm khi câu chuyện bắt đầu…

Tôi sẵn sàng bỏ tiền bao trọn gói nhạc sỹ

Vừa thực hiện đêm nhạc Trần Tiến cùng ca sỹ Đoan Trang ở phòng trà Không Tên, đây có phải là hướng đi sắp đến của Tuấn sau R&B?

Âm nhạc của chú Trần Tiến không nằm trong con đường chính của tôi, nhưng với người Bắc như tôi, nhạc Trần Tiến là một thứ tôn giáo, giống như “tôn giáo” nhạc Trịnh ở miền Nam vậy.

Tôi mê nhạc chú ấy từ khi còn bé, nên giờ quyết định hát, xem như là góc riêng dành cho niềm yêu thích.
  
Vậy con đường trước mắt vẫn sẽ là R&B?

Vâng! Hiện tôi muốn dùng dòng nhạc này để chinh phục được càng nhiều đối tượng khán giả càng tốt.

Tôi đang thực hiện một dự án mới sẽ ra mắt trong 3 tháng cuối năm, vẫn R&B nhưng sẽ mang màu sắc khác, hợp tác với một nhạc sỹ khác chứ không phải anh Võ Thiện Thanh.

Không ca sỹ nào có thể chinh phục mọi đối tượng, nhất là khi anh lại theo đuổi dòng R&B vốn chỉ thích hợp với đối tượng người nghe trẻ. Anh làm cách nào đây, đi hát tỉnh nhiều, biểu diễn phong cách trẻ trung gợi cảm?

Ồ, nói vậy thôi, nhưng đấy không phải là mục đích ca hát của tôi, tôi biết mình biết ta, tôi muốn quảng bá R&B, nhưng vẫn biết không phải ai và ở đâu cũng thích nghe thể loại này.

Điển hình như chuyện tôi rất lười đi hát ở tỉnh, không phải vì không muốn đi, mà vì biết mình sẽ không phù hợp với đại đa số khán giả ở đấy. Tôi chỉ hát ở những chương trình phù hợp, lớn hay nhỏ không quan trọng, nhưng phải có khán giả của mình, thế là được.

Còn biểu diễn trẻ trung hơn thì đúng là điều tôi đang cố gắng thực hiện, nhảy nhót một chút, hát với nhóm múa chẳng hạn.

Hình tượng mà anh xây dựng cho mình là gì? Một Hà Anh Tuấn đầy chất sinh viên, hay một ca sỹ hiện đại nhảy R&B tưng bừng?

Tôi không hướng đến một hình tượng cụ thể nào cả, hình tượng sinh viên là do mọi người gán ghép cho, tôi chỉ muốn hướng đến một hình ảnh Hà Anh Tuấn hát R&B, thế thôi.

Nói đến chuyện mọi người gán ghép, ví von anh với hình ảnh sinh viên, phải chăng vì người ta nghĩ anh không chuyên nghiệp, anh không được đào tạo chuyên môn về âm nhạc?

Nếu nhà báo đặt câu hỏi này để chờ đợi sự tức tối hoặc lúng túng của tôi thì rất xin lỗi đã làm anh thất vọng, còn nếu ai khác nghĩ vậy về tôi thì có lẽ họ đã không theo dõi tôi trong thời gian qua.

Tôi chẳng hề mặc cảm vì không được đào tạo chuyên ngành, rất nhiều ca sỹ nổi tiếng khác cũng không có chuyên môn sâu về nhạc, có sao đâu.

Chất sinh viên là ấn tượng ban đầu của mọi người về tôi khi tôi mới tham gia Sao Mai – Điểm Hẹn, rồi dần tạo thành định kiến. Tôi nghĩ rằng phải đánh giá sự chuyên nghiệp của một người thông qua quá trình phát triển, trưởng thành trong con đường của họ.

Hát nhiều, biểu diễn nhiều thì sẽ trở nên chuyên nghiệp, nhưng quan trọng là đẳng cấp và vị trí của anh trong nghề.

Anh quan niệm thế nào là một ca sỹ chuyên nghiệp, liệu có đơn giản chỉ là “hát nhiều, biểu diễn nhiều”?

Định nghĩa về chuyên nghiệp khá mơ hồ, mỗi người có một thước đo riêng, có người cho rằng chuyên nghiệp nghĩa là tạo được kịch tính trên sân khấu. Cũng có người nhận xét chuyên nghiệp là tâm trạng thế nào cũng hát được, dù buồn hay giận…

Với tôi, thước đo ấy phụ thuộc vào đẳng cấp và sức hút trên sân khấu. Thu hút được khán giả nghĩa là anh chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, những kiến thức cơ bản của âm nhạc thì cần  phải học, nhưng quan trọng nhất là học sự văn minh, điều mà tôi cảm giác đang rất thiếu trong nền nhạc nhẹ ta.

Vậy là tôi lại phải thỉnh giáo anh về định nghĩa của sự văn minh trong âm nhạc, đối với anh?

Như nhạc Trần Tiến là văn minh đấy: hiện thực có chiều sâu, âm nhạc nhân bản, hướng thiện. Không phải cứ hát nhạc sang là văn minh, nhạc xưa, nhạc khó hiểu cũng không phải là nhạc sang hay văn minh.

Tôi không quan niệm phân biệt sang – sến, chính thống – thị trường…, với tôi chỉ có nhạc cũ và nhạc mới. Sáng tạo ra cái mới và làm cho nó tồn tại, khẳng định giá trị bền lâu, đó chính là mục tiêu của tôi, cũng là định nghĩa về âm nhạc văn minh của tôi.

Mục tiêu đầy hoài bão và rất… vĩ mô, trong khi anh chỉ là một ca sỹ đơn thuần, không viết ca khúc, càng không phối nhạc được như những tài năng ca/nhạc sỹ tạo ra những trào lưu âm nhạc mới của thế giới. Thực tế ở Việt Nam chưa ca sỹ nào làm được điều anh vừa nói, vậy anh làm bằng cách nào đây?

Tôi có thể tác động đến sự sáng tạo của nhạc sỹ, chứ không chỉ đặt bài họ bỏ vào album rồi hết sức ca tụng những ca khúc trong đĩa của mình.

Anh tác động như thế nào? Nhạc sỹ thời cơm áo gạo tiền bây giờ chạy show túi bụi, một lúc nhận làm đĩa cho cả mấy ca sỹ, liệu anh có khả năng khiến họ quên đi mối bận tâm tiền bạc để mà dành trọn thời gian sáng tạo cùng anh?

Tôi sẵn sàng bỏ tiền bao trọn gói nhạc sỹ để họ yên tâm về mặt tài chính. Tất nhiên cũng phải nói đến sự may mắn, cái duyên hợp tác, như anh Võ Thiện Thanh từng từ chối nhiều dự án để tập trung làm album “Café Sáng” cho tôi, và anh đã đoạt giải nhạc sỹ Cống Hiến 2007 với sản phẩm chính là album của tôi.

Thực sự, tôi cần những nhạc sỹ đồng cảm với mục tiêu của tôi, chấp nhận giảm bớt thu nhập cho một mục đích rõ ràng.

Cũng từng có ca sỹ khát vọng như anh, họ cũng “bao trọn gói” nhạc sỹ, nhưng kết quả đem lại thì không được như mong muốn. Liệu anh có quá lạc quan không?

Tôi không nghĩ thế là lạc quan. Sáng tạo không bao giờ là dễ dàng, nếu làm gì cũng được ngay, thành công ngay thì không thể gọi là sáng tạo.

Tôi ủng hộ và theo đuổi mọi sáng tạo, cứ sáng tạo đi đã, cái gì tồn tại được, chinh phục được lòng người sẽ ở lại, không thử thì không thể biết.

Người Việt ta thiếu sự  sáng tạo

Một câu hỏi khá cũ, nhưng cái cảm giác mọi thứ đổi khác chỉ sau một đêm, từ một khán giả yêu nhạc trở thành một Sao Mai triển vọng ấy thật sự khiến tôi tò mò, hẳn đã rất lâng lâng bay bổng?

 

(Cười) Một đêm có nghĩa là 9 tuần thi thố đấy, không lâng lâng mấy, chỉ hơi lạ lẫm một chút, rồi liền bị cuốn theo công việc.

Đến khi có thời gian ngồi bình tĩnh suy ngẫm, mới thấy được sự khác biệt lớn giữa quá khứ và hiện tại.

Sự nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến bản thân mình ở cả hai mặt tốt và xấu, nhưng dù sao tôi cũng vẫn hết sức hân hoan vì điều ấy. Nhờ nó mà tôi làm được những điều mình mong muốn xưa nay, đối thoại được với rất nhiều người, thực hiện nhiều hoạt động xã hội…

Có hay không những cám dỗ mà môi trường showbiz đem lại cho một newbie (người mới) như anh?

Hẳn là có, dù không nhiều như mọi người vẫn nghĩ. Vấn đề là xác định được sự cám dỗ ấy như thế nào, nếu là cám dỗ tốt thì sẵn sàng chấp nhận nó thôi, còn nếu nó làm biến đổi con người mình theo chiều hướng xấu thì… cho tôi xin.

Trong thời điểm hiện tại, âm nhạc có là tất cả của anh?

Tôi chưa bao giờ dành hết thời gian cho âm nhạc, nó chỉ chiếm một phần trong cuộc sống của tôi thôi, dù bây giờ tôi đã là một ca sỹ chuyên nghiệp. Tôi chủ động phân chia như thế để không có cảm giác bị bắt buộc và để khỏi bị vội vàng.

Ngoài ra, tôi đang thiết lập cho mình những bước khởi đầu ở lĩnh vực khác không liên quan đến âm nhạc. Hiện tôi chưa muốn công bố, dù là để PR.

Từ sự văn minh trong âm nhạc chúng ta vừa bàn đến hồi nãy, tôi muốn liên tưởng một chút về Sự văn minh trong đời sống. Anh nghĩ thế nào về cụm từ này?

Văn minh trong đời sống nghĩa là có đầy đủ kiến thức hiện tại, không lạc hậu, và phải có tính cộng đồng – có thể tôi nói có vẻ cứng nhắc, nhưng đó là sự thật.

Ngoài ra, biết làm mới – refresh bản thân liên tục để sáng tạo, đó cũng là một phần của văn minh.

Tôi thấy nhiều người thiếu sự sáng tạo, một phần có thể vì cuộc sống bây giờ hội nhập quá nhanh, chúng ta bị cuốn đi quá nhanh, có xu hướng mới thì mọi người đều xếp hàng đi theo.

Nhưng anh cũng đang xếp hàng đi theo xu hướng R&B đấy thôi!

Vấn đề là đi theo như thế nào. Nhà báo thử nhìn lại xem, nhạc Việt ít ai làm ra chất R&B mà chỉ có hơi hướm mang máng. Tôi khẳng định đĩa nhạc của tôi đúng chất R&B.

Đó không phải là tình yêu

Chuyện tình yêu của anh với Phương Linh, sau một thời gian ồn ào, nay đã trở nên yên ắng…

Bản thân tôi không thích đề cập đến chuyện này, chỉ là do mọi người bàn tán, rồi báo chí đưa tin thôi.

Tôi muốn lên tiếng thêm lần này, cũng là lần cuối cùng, rằng: Tôi không cố tình làm nảy sinh chuyện tình cảm để lăng-xê đĩa “Ngày Hát Đôi” hay để mình nổi tiếng hơn.

Người ta thắc mắc tôi có lợi dụng Phương Linh không, tôi xin trả lời thẳng không bao giờ lợi dụng chỉ vì một cái đĩa, chỉ khi nào cái lợi lớn đến nỗi tôi không thoát khỏi cám dỗ, khi ấy may ra tôi mới suy nghĩ lại.

Chuyện tình cảm là có thật, nhưng cái gì không bền vững thì sẽ phải tan. Đến bây giờ nhìn lại, tôi có thể nói thẳng đó không phải là tình yêu, mà là điều gì đó mang máng thế thôi.

Không phải là tình yêu nhưng đã là một khoảng thời gian đẹp. Tôi dừng ngang đây thôi, nếu nói nhiều quá, sẽ tổn hại đến cô ấy và những gì đã qua, tôi không muốn thế.

 

 

Đó không phải tình yêu, vậy thế nào mới là tình yêu, với anh?

Tôi không định nghĩa được tình yêu, chỉ biết khi yêu nhau, cần nhau, ta sẵn sàng hy sinh nhiều thứ cho nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau, tôi đã trải qua tình yêu rồi, biết rằng nó là một thứ cảm xúc khác, cao hơn rất nhiều.

Hy sinh nhiều thứ chứ không phải mọi thứ?

Tôi không bao giờ hy sinh tất cả cho tình yêu, vì tình yêu không là tất cả đối với Hà Anh Tuấn.

Khái quát lại, với tôi, mục đích sống – phấn đấu và sáng tạo là quan trọng nhất, tình yêu cũng là một phần trong mục đích sống ấy, trong một giai đoạn nào đó.

Hẳn trong giai đoạn này, tình yêu không là mục đích chính của anh. Nhưng hiện anh đang có tình yêu không?

Tôi đang… không yêu vì tự nhiên khoảng thời gian này không có duyên, cơ hội không đến, không tiếp xúc với ai mới cả, quanh đi quẩn lại chỉ toàn những gương mặt cũ kỹ nhưng lại rất cần thiết cho cuộc sống và công việc hiện tại (cười mỉm).

Anh nói đã từng yêu, anh có thể chia sẻ chi tiết hơn không, chẳng hạn như đã yêu bao nhiêu người, yêu thế nào, khán giả của anh hẳn rất thích đọc những điều này.

Vâng thì chia sẻ. Từ bé đến giờ tôi sở hữu hai mối tình. Cuộc tình đầu đến rất nhanh, nhưng là một tình yêu thực sự, và là một điều may mắn cho tôi, vì người con gái đến với mình rất tốt, sống vì mình rất nhiều, trong khi mình nhiều khi ích kỷ lắm.

Cũng luôn cố gắng ý thức sửa sai đấy, mà chưa bao giờ sửa được. Rồi chúng tôi chia tay vì khoảng cách địa lý, và một phần vì tôi luôn tự ti chưa có sự nghiệp ổn định.

Mối tình thứ hai trải qua một thời gian dài, nhưng không thành, vì tôi không dám nói ra. Giờ người ấy là bạn rất thân của tôi. Tôi biết là do mình dở, nhiều lúc cũng thầm tiếc.

Sao anh không thổ lộ, người ta nói “muộn còn hơn không”?

Bây giờ điều đó đã trở thành một phần của cuộc sống, tôi không muốn thay đổi, không muốn quay lại, cứ để như vậy có khi lại tốt hơn.

Ngoài ra, thời gian ở Đức, tôi cũng có đôi lần chơi trò ái tình. Nhưng đó không thể gọi là tình yêu, là giải khuây thì đúng hơn, sinh viên xa nhà mà, cần tình cảm an ủi.

Anh nói hiện tại khó yêu, dường như đó cũng là tình trạng chung của một bộ phận thanh niên thời hiện đại, đối lập với một thực trạng khác là yêu rất nhiều…

Tôi nghĩ đấy là do cuộc sống và công việc tác động, chứ không ai muốn cô đơn cả.

Cuộc sống “cô đơn” của anh diễn ra như thế nào?

11-12 giờ đêm đi ngủ, 7-8 giờ sáng dậy, nói chung tôi sống rất điều độ, chứ không phải là ca sỹ thì phải thức khuya. Đi hát cần nhất là sức khỏe và tâm trạng vui vẻ thoải mái. Đối với tôi, gia đình và bạn bè rất quan trọng, ngồi café cười phớ lớ với nhau đã rất vui rồi.

Cảm xúc là thứ không thể nào tôi luyện, dù anh có hát nghìn năm trên sân khấu, quan trọng là anh phải biết điều phối, giữ cho tâm hồn mình thanh thản, cân bằng.

Tôi rất tâm đắc câu nói của chú Trần Tiến: “Hãy yêu thương tất cả những mặt tốt của con người, và đừng quan tâm đến đến mặt xấu của họ làm gì”.

Nếu mình không nhìn thấy mặt tốt của họ thì thôi, không nói chuyện. Đó cũng là cách tôi giữ cho mình thanh thản, không lo toan vướng bận, và không cảm thấy cô đơn.

Buồn và lo cho báo chí âm nhạc

Quay trở lại chuyện âm nhạc, anh còn điều gì bức xúc muốn lên tiếng?

(Suy nghĩ, trầm ngâm rồi quyết định nói). Tôi muốn nói về báo giới các anh. Tôi lo cho cái nhìn của báo chí nước ta về âm nhạc, thiếu công tâm, cực đoan và thiếu chuyên môn, trong khi họ là người góp phần định hướng thói quen nghe nhạc của công chúng.

Có những người vừa viết báo vừa kiêm luôn nhiệm vụ bảo hộ cho ca sỹ, như thế hỏi làm sao viết công tâm được? Họ luôn có thể phủ nhận thành quả của người khác, nâng người thân của mình lên.

Một thực tế là nhiều nghệ sỹ không coi trọng giải thưởng vì giải thưởng thiếu công tâm, một phần trách nhiệm chính do những người làm truyền thông.

Tôi cũng rất sợ thái độ cực đoan của một số nhà báo âm nhạc, chỉ yêu một dòng nhạc, một vài ca sỹ mà phủ định tất cả phần còn lại của thế giới.

Những nhà báo công tâm, có kiến thức, hiểu biết về chuyên môn âm nhạc, có thể thuyết phục cả độc giả lẫn ca sỹ, nhạc sỹ bằng bài viết của mình thực sự không nhiều.

Tôi thấy buồn khi báo chí âm nhạc Việt Nam đang đi theo hướng… lắm lo toan, chưa kịp viết gì sâu sắc đã phải lo nhiều việc khác, có thể là cơm áo gạo tiền, cũng có thể là sức ép của công việc…

Tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần các nhà báo ngồi bình lặng 30 phút để cân bằng tất cả mọi yếu tố, có cái nhìn công tâm trước mọi vấn đề, từ một ý của bài viết đến một lá phiếu bình chọn…

Anh phát biểu nặng lời như thế, không sợ sẽ bị báo chí tẩy chay sao?

Tôi vốn không được lòng báo chí từ trước rồi, chẳng hiểu có phải vì không tiếp xúc với giới phóng viên nhiều hay không. Báo chí có tẩy chay thì tôi vẫn sống, vẫn đi hát thôi.

 Mà tôi nghĩ, sẽ có không ít nhà báo chia sẻ với tôi những điều này. Người ta có thể ghét tôi một tháng, một năm, nhưng không thể ghét tôi cả đời, vì tôi nói đúng. Tôi chỉ mong cho một nền âm nhạc tốt đẹp hơn mà thôi!

 Lê Lê
Ảnh: Jundat

 

 

 

Thực hiện: depweb

06/06/2008, 11:45