Tâm Phan: Học được lòng nhân ái

– Tâm Phan, 30 tuổi.

– Làm việc cho một tổ chức Phi chính phủ, phụ trách tổ chức những Hội nghị Quốc tế ở Geneva, Thụy Sỹ.

– Chồng người Úc, làm việc cho Tổng hội Chữ Thập đỏ Quốc tế tại Geneva, Giám đốc cứu trợ thảm họa thiên nhiên.

1. Chúng tôi gặp nhau hoàn toàn là người dưng, nhưng lại có nhiều dịp tình cờ gặp lại. Chính vì vậy, tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi có duyên nợ với nhau. Trước đó tôi đã có bạn trai là người Việt Nam. Chúng tôi đã yêu nhau 5 năm từ thời đại học (kể cả khi đó tôi có rất nhiều bạn là người nước ngoài). Do vậy tôi không nghĩ rằng sẽ lấy chồng nước ngoài mà chỉ có ý định lấy anh người Việt mình yêu thôi. Tuy nhiên, số phận đã không cho chúng tôi lấy nhau và chúng tôi đã chia tay trước khi tôi gặp Simon.

 

Sau 6 năm quen nhau chúng tôi mới chính thức kết hôn. Trước đó chúng tôi đã có một lễ cưới theo kiểu Ấn Độ ở Sri Lanka. Lễ cưới này có ý nghĩa tôn giáo (Phật giáo Ấn Độ) và trên tinh thần vui vẻ với bạn bè ở Sri Lanka chứ không mang tính pháp lý và không hề có sự góp mặt của hai bên thông gia. Năm 2007 chúng tôi mới chính thức làm đám cưới và đăng ký kết hôn tại Úc. Mẹ tôi có sang Úc đại diện cho nhà gái và là người làm chứng pháp lý cho đám cưới của chúng tôi. Đám cưới này hoàn toàn theo phong cách phương Tây nhưng không phải tổ chức ở nhà thờ (nhà anh không theo đạo) và chúng tôi cũng muốn một lễ cưới thật đặc biệt.

 

Cuối cùng thì chúng tôi đã tổ chức đám cưới trên một du thuyền chạy trên cảng biển Sydney nơi có những cảnh đẹp nổi tiếng thế giới như nhà hát Opera, cầu cảng Sydney, Botanical Garden… Chúng tôi dự định sẽ tổ chức một đám cưới thứ 3 ở Việt Nam trong tương lai với con cái (nếu có). Đám cưới này sẽ theo nghi lễ truyền thống của Việt Nam, có ăn hỏi trầu cau, lễ gia tiên…

 

 2. Cuộc sống hôn nhân dĩ nhiên rất khác, lúc nào cũng phải nghĩ cho “chúng ta” nhưng bù lại luôn có người yêu bên cạnh. Đối với tôi, hôn nhân là chiếc áo mới của Hạnh phúc. Chồng tôi là một người tuyệt vời. Anh là một nhà nhân đạo bác ái. Anh rất rộng lượng và thương người, không phân biệt sắc tộc, địa vị hay giàu nghèo. Hôm trước bạn có thể thấy anh mặc complé gặp gỡ Thủ tướng bàn về một dự án trợ cấp nạn nhân lũ lụt, hôm sau bạn có thể thấy anh ấy bình dị xắn quần lội xuống bùn phát gạo và lương thực cho bà con nông dân. Đó là hình ảnh chính xác nhất về anh.

Sau hôn nhân cuộc sống của tôi không còn độc lập nữa, nhất là về công việc. Khi anh ấy chuyển công tác từ Sri Lanka sang Thụy Sỹ, tôi đã phải từ bỏ công việc và bạn bè ở Úc để theo chồng. Ở đây tôi phải xây dựng cuộc sống mới, làm quen với môi trường văn hóa mới, học tiếng Pháp, đi xin việc làm… Mọi thứ ban đầu rất khó khăn với tôi nhưng nhờ có chồng luôn ở bên cạnh động viên, giờ tôi đã có việc làm ổn định, có bạn bè tốt và một cuộc sống hạnh phúc.

Kể từ khi tôi gặp Simon, suy nghĩ và tư duy của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi học được ở anh lòng nhân ái, khả năng thích nghi cộng đồng và tính Quốc tế. Giờ tôi không chỉ nghĩ cho riêng mình, cho gia đình mình mà tôi còn nghĩ cho cả cộng đồng, cho Thế giới loài người. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng thực sự tôi đã không còn nhìn sự việc trong phạm vi bó hẹp “cơm – áo – gạo – tiền” mà tôi đã nhìn với con mắt rộng mở hơn rất nhiều.

Chúng tôi không bao giờ bất đồng về ngôn ngữ mà rào cản ban đầu có lẽ là Văn hóa. Khi đó tôi đã không hiểu những câu nói đùa của người Úc mà chỉ người Úc mới hiểu. Bây giờ thì tôi đã có thể nói đùa như họ và đôi khi tôi phải giảng giải cho chồng hiểu bởi đã hơn 10 năm nay anh không sống ở Úc.

Ngôn ngữ cũng chính là sự biến đổi rõ nét nhất. Khi ở Việt Nam, tôi làm việc với người nước ngoài, nói và viết tiếng Anh ở cơ quan, về nhà lại nói tiếng Anh với chồng… dần dần tiếng Việt bị mai một. Rồi sau đó là tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Thái, tiếng Singhalese (Sri Lanka) tôi học ở những nước chúng tôi đã sống và làm việc. Mấy năm nay tôi không dùng tiếng Việt nữa trừ phi gọi điện về cho bố mẹ. Gần đây tôi tham gia cộng đồng blogger Việt nhằm giữ gìn vốn tiếng Việt và khả năng viết tiếng Việt. Hiện tôi đang viết hồi ký bằng tiếng Việt kể lại những những kinh nghiệm cuộc sống tôi đã trải qua ở nhiều Quốc gia trong 6 năm trở lại đây.

3. Tôi nghĩ rằng, lấy chồng người nước ngoài có lợi thế là tôi có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, học hỏi sự văn minh của các nước tiến bộ, chứng kiến sự thống khổ của những nước nghèo nàn lạc hậu. Tôi đã đi qua 68 thành phố thuộc 17 quốc gia trong đó có 5 nước tôi đã sống và làm việc là Bangkok (Thái Lan), Yangon (Myanmar), Colombo (Sri Lanka), Sydney (Australia) và Geneva (Thụy Sỹ).

Điều bất lợi duy nhất là sự kỳ thị, và mỉa mai thay, nó chỉ xảy ra ở Việt Nam – quê hương tôi. Người Việt bảo thủ vẫn có cái nhìn không thiện cảm khi một cô gái Việt đi với người nước ngoài. Điều này bắt nguồn từ sự tự ti dân tộc, cho rằng người Việt không xứng đáng sánh vai với người phương Tây, phục vụ người nước ngoài thì khúm núm, phục vụ người Việt thì hống hách. Điều này thật đáng buồn!

Theo truyền thống người Việt đến tuổi phải lấy chồng/ lấy vợ rồi sinh con đẻ cái, kiếm tiền nuôi con ăn học thành người. Tuy nhiên quan niệm của tôi đã thay đổi, bằng chứng là tới năm 29 tuổi tôi mới lấy chồng trong khi các em tôi đều đã có chồng có con. Tôi rất muốn có con nhưng không phải bây giờ bởi chúng tôi muốn khi nào thật đầy đủ điều kiện mới sinh con. Điều này khác với lối nghĩ truyền thống là “trời sinh voi – trời sinh cỏ” cứ đẻ con ra rồi tự khắc xoay sở được. Tôi không tin vào việc “tặc lưỡi” nhắm mắt làm liều, nói đúng hơn là tôi không bao giờ để bản thân mình phải “tặc lưỡi”.

4. Công việc của chồng tôi không cố định lâu dài ở một nước nào. Mỗi 1-2 năm chúng tôi lại dời đi nước khác sống. Có thể năm sau chúng tôi sẽ ở châu Phi rồi sau đó là châu Mỹ chúng tôi không thể biết trước được. Điều duy nhất tôi biết là tôi sẽ theo chồng đi tới cùng trời cuối đất. Tôi vẫn rất thích một câu nói: “Happiness is what you think not what you want”. “Hạnh phúc là những gì bạn NGHĨ chứ không phải những gì bạn MUỐN”. Nghĩ và Muốn là hai từ khác nhau quyết định hạnh phúc của bạn. Và hiện tại tôi đang rất hạnh phúc.

Tôi có rất nhiều mong ước trong đó không có mong ước nào cho cá nhân tôi. Có lẽ mong ước thực tế nhất là sự bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam. Những người phụ nữ như mẹ tôi cả một đời hết lòng vì chồng vì con nhưng ít người quan tâm họ có hạnh phúc hay không bởi những ông chồng cho rằng đó là bổn phận đương nhiên của người vợ. Không! đó không phải là bổn phận mà đó là trách nhiệm chung mà cả vợ và chồng phải cùng chia sẻ.

 Thực hiện: T.Ngọc

     


From the same category