Đỗ Hoàng Diệu: Sẽ tự ngăn mình về Việt Nam

TIN VÀO TIẾNG SÉT ÁI TÌNH
Chị có thể giới thiệu qua về người chồng của mình?
Anh ấy là Alec, hơn tôi hai tuổi, đang làm luận án tiến sỹ về lịch sử Đông Nam Á tại trường Đại học Berkeley.
 
Nghe nói đây là mối tình sét… oánh?
Vâng, đó là tại Thư viện Quốc gia ở phố Tràng Thi. Hôm đó, tôi đã rất bực bội và stress do công việc. Tôi muốn đi massage chân cho thư giãn, nhưng cuối cùng khi đi qua thư viện, tôi chợt nghĩ, sao mình lại không rẽ vào đây và đọc một cái gì đó cho hạ hỏa. Và cuối cùng tôi đã gặp được Alec, hay nói đúng hơn, cả hai chúng tôi đã tìm thấy nhau.
 
Nghe chừng hai chữ duyên nợ là có thật bởi chỉ trước đó một thời gian ngắn, người ta vẫn nghe thấy chị nói sắp kết hôn với một Việt Kiều?
Trước kia, chẳng bao giờ tôi suy nghĩ là tôi sẽ lấy ai, người Việt, hay người nước ngoài, già hay trẻ. Mà tôi tin vào tiếng sét ái tình, muốn lấy ai, thì tôi sẽ lấy, chứ không có khái niệm gì hết. Nhưng thực ra, trong sâu thẳm, tôi vẫn không nghĩ cuộc hôn nhân của mình lại với một người nước ngoài. Bởi, tôi biết trình độ tiếng Anh của tôi rất dở, nếu như chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh thôi, thì làm sao hiểu hết ý nhau được, và chắc chắn sẽ không có cuộc hôn nhân này. May mắn thay, Alec giỏi tiếng Việt. Và đó là một yếu tố quan trọng dẫn đến hôn nhân. Tôi không lấy làm tin chuyện hai người không nói chuyện được với nhau mà có thể sống chung một nhà.
 
Chị đã viết về “Vu quy” – một truyện ngắn gây nhiều tranh cãi, nhưng còn lễ vu quy thực tế của chị ra sao?
Lễ cưới của chúng tôi cực kỳ đơn giản. Đó là một ngày đẹp trời, vợ chồng tôi và hai người làm chứng cùng đến Tòa thị chính. Sau đó, có một người đàn ông rất đẹp… lão, ra tiếp đón chúng tôi. Đó là một cựu chiến binh Việt Nam, biết tôi là người Việt, ông ôm hôn và giới thiệu về mình. Sau đó, ông làm lễ cho chúng tôi, cũng giống như một linh mục ở nhà thờ, hỏi hai người có đồng ý kết hôn với nhau không. Ông tặng cho tôi một bó hoa, rồi chúng tôi ký vào giấy đăng ký kết hôn.
 
Lễ thành hôn ở Mỹ đơn giản vậy sao? Lý do có phải vì… tiền?
Thực ra chúng tôi đã quyết định làm đơn giản vậy là bởi cả hai đều không thích, không muốn làm rình rang tốn kém. Tự nhiên mất đi mấy chục ngàn đô, mà mình không thích thì phí phạm làm gì. Thà để tiền đó để đi du lịch. Hôm đó, tôi ăn mặc cũng giản dị thôi, à, còn bế theo cháu Asa đã 2 tháng tuổi. Chúng tôi cưới nhau sau khi đã sinh con mà. Bây giờ về Việt Nam, nhiều người vẫn bảo tôi nợ một bữa tiệc cưới, không phải tôi không làm, mà là chưa đến lúc để làm.

 
Chị không ngại ở quê, nơi có bố mẹ chị đang sinh sống, người ta sẽ dị nghị, và bố mẹ chị sẽ buồn ư? Có ai nói gì làm chị không vui khi đồn đại về việc chị lấy một người chồng nước ngoài không?
Alec đã từng đưa bố mẹ anh ấy đến thăm gia đình tôi ở quê và thận trọng hỏi bố mẹ tôi về tất cả các thủ tục cần làm. Nhưng bố mẹ tôi nói với vợ chồng ông thông gia rằng: “Ông bà về đây chơi, du lịch, thì hãy cứ thoải mái đi”.
 
CHỒNG TÔI RẤT CHIỀU VỢ
 
Chị có thể nói gì về người chồng của mình?
Alec không đi nhậu nhẹt, không hút thuốc lá, uống café thì say, uống rượu rất tốt nhưng ít khi uống. Riêng với Alec, tôi có thể yên tâm bởi sự thật thà, trung thực, biết tôn trọng và chiều vợ. Tôi thì tính tình bướng bỉnh, hay cáu giận, hay im lặng, đôi khi cậy miệng ba ngày không nói gì. Tôi biết tôi bướng nhưng chưa sửa được.
 
Giữa hai người có ảnh hưởng gì đến nhau?
Có đấy. Khi về Việt Nam, những người bạn đã rất ngạc nhiên bảo sao Alec nói tiếng Việt giống Diệu thế. Ôi trời, ở nhà, tôi có hai người giúp việc cùng quê, đôi khi, tôi cũng nói tiếng quê với họ, và Alec, cũng vậy, nói giọng giống tôi luôn. Cả những cử chỉ nữa, cũng giống nhau. Alec đã giúp tôi ở một điều đó là trước kia tôi giấu sự bực mình trong lòng, nếu nó nhiều lên, cũng như khối ung thư, rồi sẽ tan vỡ hết. Nhưng giờ đây, Alec khuyến khích tôi nói hết ra, cởi lòng mình ra, còn trước đó, tôi không thích nói với ai, sống cô lập một mình vậy thôi.
 
Chị đã gặp may mắn tại sân bay trong ngày đầu tiên theo chồng sang Mỹ nhờ vào cái tên Đỗ Hoàng Diệu?
Đúng đấy. Trong ngày đầu tiên ấy, người ta đã kiểm tra rất gắt gao bởi vì sợ tôi là trường hợp của người muốn nhập cư bất hợp pháp. Mà người nào đến Mỹ cũng bị xem xét rất kỹ, không riêng gì tôi. Cuối cùng, tôi đã phải lấy bức thư mời của Đại học Berkeley ra. Và ông ta đã kiểm tra kỹ tên của tôi, rồi tìm nó trên google. Tôi nghĩ mình thật may mắn, bởi khi search, có đến hơn 700.000 kết quả hiện ra. Và ông ta đã mỉm cười, đóng cộp cái dấu cho đi. Alec chồng tôi rất bực bội cho rằng, lẽ ra, ông ta phải biết và làm điều đó ngay từ đầu, chứ để lại cả đoàn người ách tắc chỉ vì kiểm tra tôi thì thật là không phải.
 
BUỒN VÌ THÈM ĐỒ ĂN VIỆT NAM
 
Đến nước Mỹ, chị đã sống như thế nào?
Ở một năm trên nước Mỹ, tôi không có đi nhiều, chỉ một lần đến miền đông bắc nước Mỹ. Sau đó, với cái bụng to đùng, có muốn đi người ta cũng không cho lên máy bay nữa. Khi sinh xong, tôi cũng có dự định đi Los Angeles nhưng không đi được. Chúng tôi sống ở California, một bang có nhiều người Việt sinh sống, nhưng tôi cũng không tiếp xúc nhiều, chỉ gặp gỡ một vài nhà văn, nhưng từ chối hết các cuộc phỏng vấn. Chỉ loanh quanh một vài gia đình bạn bè ở Đại học Berkeley mà thôi.
 
Nghe có vẻ… khủng hoảng?
Vâng, tôi chỉ ở nhà, nhưng không hề buồn vì cái việc chỉ ở nhà không đi đâu. Nỗi buồn của tôi chỉ là sự lo lắng khi sinh con, buồn vì nhớ nhà, và buồn vì thèm đồ ăn Việt Nam. Nó kinh khủng đến mức trong một tháng đầu tiên, tôi không thể ăn uống được gì, gần như tuyệt thực.
 
Chị có vẻ như một người khó hòa nhập với môi trường mới?
Chỉ là một hai tháng đầu thôi. Về sau, tôi quen ngay. Nhưng cũng đã hai lần tôi sắp xếp vali, để sẵn trong phòng, và luôn có tư tưởng sẵn sàng mình sẽ xách vali về ngay Việt Nam. Nhất là hôm Tết, buồn kinh khủng, may mà chị bạn tôi hỏi thăm rồi mang thức ăn đến cho vợ chồng tôi. Đúng 12 giờ đêm, Alec lái xe chở tôi đi trong trời giá rét để hái một nhành hoa mận về cắm ở lọ. Hai đứa đứng ở trên cao ngắm nhìn Vịnh San Francisco, và tôi thầm nghĩ về bố mẹ giờ này đang làm gì.
 
Vậy chị đã phải làm gì để qua một ngày?
Tôi đi siêu thị, đi khám bác sĩ. Tôi làm việc nhà, đọc sách, và viết. Có chị bạn dạy học ở trường Brekely có rất nhiều sách quý, và tôi đọc ngấu đọc nghiến. Thực là may, vì chắc gì ở Việt Nam, tôi đã được đọc các cuốn sách đó. Alec cũng ở nhà nhiều và đọc sách.
 
Cuộc sống cũng chỉ toàn sách thôi nhỉ? Chị dự định sẽ làm việc bên Mỹ không?
Không. Chắc chắn là không. Tôi sẽ không đi làm, chỉ ở nhà trông con và viết truyện. Đâu phải cứ đi nhiều, thực tế nhiều là có thể viết văn hay được. Tôi thấy nhiều nhà văn giam mình một chỗ, những vẫn có những tác phẩm để đời đấy chứ. Tôi ủng hộ sự tưởng tượng của nhà văn, và thích thu mình lại một chỗ để viết.
 
XUNG ĐỘT GIỮA HAI NỀN VĂN HÓA
 
Cuộc sống nơi xứ người khác gì với trí tưởng tượng của chị?
Trước kia, ở Việt Nam, tôi thường hình dung nước Mỹ qua những bản tin thời sự, qua sách báo, qua mạng là một đất nước có nhiều bạo lực, nhưng sang đây, có thể là do nơi tôi sống thanh bình, không giống như phim. Nên tôi rút ra một điều, hãy đến tận nơi, tận mắt, sống ở đó, sẽ thấy sự thực thế nào.
 
Còn chuyện gì khiến chị nghĩ rằng, mình sẽ không thích khi ở đó?
Đó là sự chào hỏi nhau mỗi khi gặp, xa lạ cũng thăm hỏi về thời tiết, khen chó, khen mèo đẹp… người thân thì cũng chào hỏi nhau vậy thôi. Đó là điều văn minh và thân thiện, nhưng nhiều khi, tôi lại thấy giả tạo làm sao ấy. Nói chung, tôi không khoái lắm. Sự khen chê cũng vậy, lúc nào cũng lịch thiệp. Có thể, nó sẽ làm cho người khác đỡ bị tổn thương, nhưng đôi khi, tôi không biết đâu là sự thực nữa.
 
Sự khác biệt về các quan niệm mà chị đã rút ra được trong thời gian ngắn ở đó?
Đó là các mối quan hệ. Bố mẹ Alec rất tốt. Gần đây họ đã về Việt Nam gần một tháng, họ rất tò mò về Việt Nam, đây đúng là một thế giới khác. Mọi người trong gia đình Alec đều coi tôi như người bạn. Ở Việt Nam, coi dâu rể như người trong nhà, như con cái, còn người Mỹ thì coi như bạn. Nhưng khi về Việt Nam, Alec lại áp dụng quan điểm đó vào gia đình tôi, nên đôi khi, tôi hơi buồn.
 
Vì sao vậy?
Gia đình tôi cũng như các gia đình người Việt, cũng muốn coi Alec như con. Alec vẫn gọi bố mẹ tôi là bố mẹ, nhưng gọi chỉ là gọi vậy thôi, bởi quan niệm của Alec là mình lấy con gái người ta, không có nghĩa là mình là con của họ. Nói chung, cũng có nhiều xung đột giữa hai nền văn hóa, hai cách giáo dục trái ngược nhau. Tôi cũng đang đau hết cả đầu, đôi khi, giận quá, nghĩ rằng, ok, tại sao mình không lấy một người chồng Việt Nam cho nó đơn giản hơn.
 
Có vẻ như hơi… chua chát? Theo chị, khi sinh sống bên đó, điều gì là cần thiết nhất phải thay đổi?
Nếu mà sống ở nước ngoài với chồng, điều cần bước qua, đó là chính mình. Mình có chấp nhận hòa nhập và sống ở đây không? Hay chỉ trong một tâm trạng dao động nào đó, ok, thấy khổ quá à, thế về Việt Nam cho sướng. Bây giờ, tôi hy vọng Asa sẽ là người ghìm chân tôi. Tôi nghĩ, con tôi sẽ là người dạy dỗ tôi nhiều nhất sau này.
 
Chị sẽ quyết định sống bên nước Mỹ hay Việt Nam?
Trong những ngày nóng nực này, khi ra đường gặp bụi bặm, gặp giao thông kinh hãi, tôi cũng muốn quay lại ở nước Mỹ. Nhưng nghĩ đến các bữa cơm gia đình, nghĩ đến những món ăn quen thuộc, tôi lại chỉ muốn tức khắc trở về Việt Nam. Chuyện tôi quyết định sống như thế nào, sẽ phụ thuộc vào bé con Asa, có thể sẽ đi đi về về. Một điều nữa, tôi rất không thích nghe người ta chỉ toàn ca ngợi những người chồng Tây, ở đâu cũng có người tốt, người xấu mà. Hoặc tôi cũng thấy phản cảm, khi người ta nghĩ gái Việt lấy trai Tây, là do tiền bạc. Tôi cũng chẳng dám khẳng định rằng mình sẽ sống trọn đời trọn kiếp với Alec, bởi chẳng ai nói trước được điều gì. Nếu sang lại nước Mỹ, điều tôi nghĩ tới đầu tiên là ngăn cản mình xách vali quay trở lại!

 Bài: Codet – Ảnh: Hùng Sơn


From the same category