Thoát khỏi cái ngột ngạt mùi khói xăng cay sè trên những ngã tư kẹt xe, bầu không khí bụi mù của buổi chiều hè oi ả, đống rác hôi hám nơi góc phố, bản giao hưởng lộn xộn đủ thứ mồ hôi người cộng với mùi tanh tưởi thịt cá của chợ búa, ai chẳng thoải mái khi về đến nhà.
Dù việc bếp núc đang chờ đợi thì cũng đóng cửa lại, bật chiếc điều hòa chạy ro ro, rồi ngả lưng trên chiếc đi văng dăm bảy phút. Giãn xương giãn cốt, bầu không khí quen thuộc, cái mát lạnh mơn man da thịt, bạn thấy thật… thần tiên và dường như mọi thứ kẻ thù truy đuổi vừa rồi đã bị chặn lại phía sau cánh cửa. Mình đã được cách ly với sự ô nhiễm bằng bốn bức tường kín đáo. Một cảm giác an toàn tràn ngập.
Nhưng bạn đã lầm to, bị lừa dối rất thậm tệ nữa là khác! Bởi chốn riêng tư mà bạn coi là “nơi ẩn náu cuối cùng” trong cái thế giới xô bồ này vẫn đầy rẫy bất trắc. Những kẻ thù giấu mặt vô hình hoặc hữu hình đang hiện diện khắp nơi và sẵn sàng tấn công bạn một cách tàn bạo. Chúng là ai vậy?
Những tên biệt kích vô hình
Trong căn nhà của mình, bạn trang bị rất nhiều thứ tiện nghi của cuộc sống văn minh. Những đồ gỗ đắt tiền, bộ salon, chiếc tủ đứng, bàn phấn, rèm cửa, thảm trải sàn trong phòng khách và phòng ngủ. Trong nhà tắm, toilet bày đầy sữa tắm, dầu gội đầu, bột giặt, bình thuốc xịt khử mùi, thuốc chống ruồi, muỗi, gián, kiến. Trong gian bếp, chiếc bếp ga hiện đại, chỉ cần bấm nhẹ là bùng lên ngọn lửa xanh lét thật tiện lợi. Trước khi ra khỏi phòng, bạn xịt lên quần áo một làn sương nước hoa thoang thoảng. Bạn có hình dung được không, trong nhà bạn có cả một “kho” hóa chất rồi đấy.
Thế là ngày ngày, chúng “đồng lòng” giải phóng ra không gian nội thất cả binh đoàn những chiến binh vô hình lửng lơ trong bầu không khí. Tên của chúng là “các chất hữu cơ bay hơi” (volatile organic compounds, gọi tắt là VOC) thoát ra từ lớp vecni đồ gỗ bóng bảy, những dung môi hoặc chất tạo áp suất để phân tán nước thơm hoặc diệt côn trùng.
Bao nhiêu VOC có mặt trong một gian phòng “hiện đại”, bạn biết không? Bằng những máy móc hiện đại, Cục Môi trường Mỹ cho biết: không dưới 500 chất. Đó là những hydrocacbon mạch thẳng, mạch nhánh, mạch vòng, và nhiều hóa chất tên gọi lằng nhằng khác nữa. Chúng chưa đạt liều lượng đến mức bạn phải gọi ngay xe cấp cứu nhưng dần dần chúng “gặm nhấm” sức khỏe bạn. Chúng có thể gây khô da, ảnh hưởng xấu đến hệ tuần hoàn, tiêu hóa, gan thận… làm bạn nhức đầu, uể oải, chán nản, mệt nhọc. Chúng là nguyên nhân của cái mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm nội thất”.
Chúng nguy hiểm ở chỗ, nồng độ rất nhỏ và quá quen thuộc đến mức ta không nhận ra. Thường ở mức độ 5 phần triệu gam chúng đã bị khoa học kết tội là “kẻ gây ô nhiễm” rồi. Chúng tồn tại dai dẳng vì để tránh bụi, các gian phòng nhà bạn luôn luôn khép kín, khiến chúng bị “nhốt”, không thoát được ra ngoài. Ấy là chưa kể những chất độc hại ngoài phố, hoặc bụi bặm bám theo giày dép, quần áo, mũ nón khi ta đi đường mà lọt vào phòng để vĩnh viễn “định cư”.
Theo Cục Bảo vệ môi trường Mỹ, mức độ ô nhiễm trong nhà ở các đô thị lớn thường cao gấp 500 lần ở ngoài trời, nơi không khí được thường xuyên lưu thông theo kiểu đối lưu với tầng cao khí quyển.
Những hoạt động “văn minh” của chúng ta vô tình càng đẩy mức ô nhiễm lên cao. Chẳng hạn khi chúng ta mở vòi nước nóng pha chất thơm thì không khí ô nhiễm trong nhà tăng từ 20 đến 40 lần. Khi chúng ta xịt một chất khử mùi hôi nào đó trong phòng vệ sinh, nhà tắm… thì sau 48 tiếng, mức ô nhiễm trong nhà tăng 450 lần.
Bạn thường nghĩ ở gần một nhà máy hóa chất mới đáng sợ, đúng không? Không nguy hiểm hơn những gì do chính cuộc sống của chúng ta gây ra đâu! Nếu quy định mức ô nhiễm do VOC từ cái nhà máy hoá chất “đáng ghét” mang lại là 1, thì ông xã cũng chẳng “đáng yêu” lắm đâu khi ông lim dim đôi mắt thưởng thức điếu 555 sau bữa điểm tâm, thì điếu thuốc ấy tại chính lúc đó đã làm mức độ ô nhiễm tăng lên đến 100 rồi. Và có thể tạm tha thứ cho ông ta khi biết rằng nếu bạn dùng thuốc xịt bất cứ loại nào (dầu thơm, dầu xịt tóc, thuốc xịt muỗi…), mức ô nhiễm trong nhà là 1.000, còn nếu mở vòi nước nóng, giặt đồ, cho nổ xe gắn máy, xe hơi, giũ quần áo… thì mức độ ô nhiễm vọt lên đến 10.000.
Lượng khí oxyt nitơ rất độc hại trong gian bếp của bạn luôn luôn lớn hơn ngoài trời từ 2 đến 4 lần. Nếu bạn hứng chí, tự trổ tài làm chiếc bánh gatô bằng lò nướng dùng gas thì ôi thôi, bạn đã hứng trọn một lượng oxyt nitơ ngang bằng anh cảnh sát giao thông đứng trọn một ngày ở ngã từ kẹt xe nhiều nhất.
“Tại các thành phố đông đúc, thì đi ra ngoài làm việc ít bị ô nhiễm hơn ở trong nhà”. Đó là kết luận rất đáng lưu tâm của Hội nghị các Hiệp hội thí nghiệm hóa học (AACCC) gần đây.
Những kẻ địch chỉ nhìn được dưới kính hiển vi
Đồng minh với lũ biệt kích vô hình, một đội quân đông đảo nữa có hình có dạng hẳn hoi khi chụp dưới kính hiển vi nhưng vẫn nằm ngoài tầm nhìn của “người trần mắt thịt” và sẵn sàng tấn công chúng ta là vi sinh vật. Trước hết là những chú ve bét, chỉ thấy được dưới kính hiển vi chuyên sống bằng những mảng da tróc và tế bào chết. Chúng theo bụi bặm vào nhà, “đóng đô” ở giường ngủ, trên chăn, gối, đệm, thảm… Trung bình cứ 5 người thì có 1 người dị ứng với ve bét và hậu quả là ho, viêm mũi, viêm khí quản, hen suyễn.
Sang trọng một chút, ai cũng muốn sắm cho mình chiếc điều hòa không khí để khử cái nóng như rang của mùa hè mà bác Nguyễn Tuân mô tả là “nó làm giống đực giống cái không muốn gần nhau nữa”. Thế nhưng chiếc điều hòa làm bạn thoải mái bao nhiêu thì vi trùng, vi khuẩn cũng… thoải mái bấy nhiêu. Bởi chúng chẳng “thích” gì hơn là nhiệt độ và độ ẩm mà chiếc điều hòa mang lại, tạo điều kiện để chúng có thể sinh sôi nảy nở như… điên.
Nấm mốc ẩn mình dưới thảm, trên khung cửa sổ góp phần tăng sinh cho vi trùng, vi khuẩn và ve bét. Trong quá trình sinh trưởng, nấm mốc cũng “tung” vào không khí những bào tử gây dị ứng, ngứa ngáy, viêm mũi, viêm họng và hen. Các ống thông gió quanh máy điều hòa bao giờ cũng là sào huyệt của vi khuẩn tiết ra các chất độc gọi là endotoxin gây các bệnh cấp tính như sốt, đổ mồ hôi, đau cơ, viêm xoang, khớp.
Theo thống kê, ở Mỹ, số ngày một người phải nghỉ do các tác nhân sinh học kể trên là 5 đến 10 ngày mỗi năm, chưa kể do khặc khừ mà năng suất giảm sút. Hóa ra nhiều khi thủ phạm gây bệnh tật chẳng cần truy nã ở đâu xa mà ngay trong chiếc “tổ ấm” của chính mình.
Bảo Châu |