‘Sao’ Việt đã đúng nghĩa là ngôi sao?


Thị trường nghệ thuật giải trí (điện ảnh, ca nhạc, thời trang, kịch nói, cải lương, múa, thể thao…) bắt buộc phải tồn tại hệ thống ngôi sao. Còn tầm cỡ ngôi sao đến đâu thì phụ thuộc vào tài năng của ngôi sao và ảnh hưởng của thị trường đó đối với trong và ngoài nước. Thị trường giải trí của Việt Nam đã có ngôi sao từ lâu, nhưng hình như có cảm giác ngôi sao ở ta vẫn còn… thiếu thiếu một cái gì đó!
 
Quyền lực của những ngôi sao thế giới
 
Đã có nhiều định nghĩa như thế nào là một ngôi sao. Nói chung ngôi sao là người có tầm ảnh hưởng lớn đối với công chúng, là người có thể quyết định sự thành bại của một tác phẩm giải trí – kể cả về thương mại lẫn nghệ thuật.


Ở các nước phương Tây, quyền lực của các ngôi sao giải trí rất lớn và hầu như không có điểm dừng. Nước Mỹ, nơi giải trí đã được xem là một ngành công nghiệp, thì hào quang của các ngôi sao tỏa sáng chẳng khác một vì tinh tú!

“Bệnh ngôi sao” là ba chữ mà ở ta hay thường sử dụng khi nói đến bản tính, cách ứng xử hoặc đòi hỏi quá đáng của một ngôi sao. Nhưng ba chữ đó không tồn tại ở Mỹ, bởi một lý do đơn giản: Đã là ngôi sao thì không phải người thường, và vì thế ngôi sao có quyền xử sự khác thường! Vấn đề của anh là có chấp nhận được điều đó hay không, chứ không thể nói ngôi sao đó là… bệnh được!

 

Liz Taylor trong vai Cleopatra


Những ngôi sao phương Tây luôn ý thức được giá trị của mình với câu châm ngôn được xem là thước đo xác thực tầm cỡ của một ngôi sao: Phải luôn biết mình là ai, và đang ở vị trí nào! Phần lớn các ngôi sao trên thế giới có xuất thân nghèo khó, do đó việc họ ăn chơi bạt mạng, xử sự kém cỏi và đòi hỏi “trên trời” khi đã trở thành sao thường được người hâm mộ thông cảm chấp nhận, và xem đó là chuyện đương nhiên.

Năm 1960, khi ngôi sao điện ảnh đắt giá và nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là Liz Taylor đóng vai chính trong siêu phẩm vĩ đại “Cleopatra”. Ngoài mức cát-xê gây choáng váng cả thế giới (1 triệu USD vào thời điểm 1960), Liz Taylor còn làm hãng 20th Century Fox phải phát điên trước những đòi hỏi chưa từng có như: Tắm bằng… sữa, cả một đội quân phục vụ săn sóc riêng, còn hơn cả… Cleopatra thật thời cổ đại (không những cho riêng Liz mà cho cả chồng cô và… chó nữa)! Tất cả những tiện nghi mà Liz được hưởng trong quá trình làm phim (gần 2 năm) toàn là những thứ xa xỉ bậc nhất lúc ấy. Thế mà hãng Fox vẫn phải cắn răng chịu đựng vì tên tuổi của Liz quá lớn!


Kể từ lúc đó, Hollywood và thế giới showbiz bắt đầu phải luôn dành ra một khoản tiền không nhỏ trong kinh phí sản xuất để “hầu hạ” các ngôi sao. Thậm chí còn lập ra cả một bộ phận chuyên trách sản xuất để đáp ứng những đòi hỏi của các ngôi sao.

 
Khi tiến hành đàm phán hợp đồng – không tính đến cát xê – người đại diện của các ngôi sao thường đưa tất cả những yêu cầu và đòi hỏi của thân chủ như là một phần bắt buộc của hợp đồng. Có kham nổi được hết những điều khoản của các ngôi sao hay không là do tài đàm phán của hai bên.

 
Không thể kể hết được những đòi hỏi từ kỳ quặc đến quái đản của các ngôi sao (thuộc mọi lĩnh vực) với các nhà sản xuất. Nhiều khi cả một dự án nhiều chục triệu đô la phải hoãn lại chỉ vì chưa thống nhất được những đòi hỏi “trên trời” của các ngôi sao. Điển hình là bộ phim “Bản Năng Gốc” phần 2 từng phải hoãn tới… 3, 4 năm, bởi theo như lời nhà sản xuất là “… đáp ứng không nổi những đòi hỏi quá quắt của Sharon Stone”.

 
Tuy nhiên, chẳng thấy ai than vãn hay chỉ trích về sự quá đáng của các ngôi sao, bởi đơn giản chỉ là “thuận mua vừa bán”. Các ngôi sao đều biết giá trị của mình, và họ có quyền… nói thách! Những ai muốn mời họ đều có quyền trả giá, nếu không được giá thì không mua, chứ không có kiểu “ăn không được thì đạp đổ”. “Họ là ngôi sao mà!”, đơn giản là vậy!

 
Thời trang là không thể thiếu của các ngôi sao, họ có thể đi shopping để mua những món đồ gia dụng hàng ngày, nhưng hầu như ai cũng “tậu” cho mình một nhà tư vấn và thiết kế thời trang riêng. Đừng tưởng mỗi lần các ngôi sao đi ra ngoài, hoặc tham dự những buổi lễ hội tiệc tùng chỉ cần mở tủ quần áo khổng lồ của mình là xong! Tất cả đều phải được các chuyên gia tư vấn, hoặc thường là các nhà thiết kế “thửa” một bộ riêng. Không bao giờ có chuyện mặc lại lần hai bộ quần áo đó! Việc trang điểm cũng vậy.

 
Báo chí và truyền thông là bộ phận không thể tách rời trên bước đường thành công của một ngôi sao. Nhưng khi đã thành sao, họ lại rất hạn chế tiếp xúc với báo chí. Có nhiều nguyên do, có thể họ cần được yên tĩnh và không muốn bị quấy rầy, có thể họ chơi trò mèo vờn chuột. Nhưng càng kín đáo bí ẩn bao nhiêu, thì họ càng được giới truyền thông báo chí săn đón quyết liệt bấy nhiêu.

 
Cái chính là các ngôi sao biết “tiết kiệm” hình ảnh của mình, biết chọn lựa những tờ báo danh tiếng để xuất hiện và giữ mối quan hệ với những nhà báo tên tuổi. Sự chừng mực đó càng tạo cho các sao một vị thế vô hình kèm theo đó là giá trị được nâng lên.

 
Thật đáng nể cho các ngôi sao giải trí thế giới khi nhất cử nhất động của họ đều có thể kiếm được khối tiền. Những Angelina Jolie, Jennifer Lopez, Christina Aguilera đã “định giá” cho hình ảnh những đứa con của họ ngay từ lúc… có bầu! Paris Hilton bị đi tù có mấy ngày vì tội lái xe ẩu mà cũng kiếm được bộn bạc trong tài khoản. Nhưng cỡ Paris Hilton hay Lindsay Lohan chỉ được xem là người nổi tiếng chứ chưa phải là sao!

 
Fan hâm mộ là thước đo mức độ nổi tiếng của các ngôi sao. Tạo được dấu ấn và hình ảnh đẹp dưới mắt các fan là nhiệm vụ bắt buộc của sao. Gần gũi thân thiện là hình ảnh mà các fan muốn thấy ở sao. Nhưng đó là trên lý thuyết bởi khi họ xuất hiện trước công chúng, lúc nào cũng là hàng rào bảo vệ hay kè kè bên cạnh là những vệ sĩ hộ pháp sẵn sàng ra tay thô bạo với các fan cuồng. Tạo khoảng cách và cảm giác “khó với tới” với các fan là việc bắt buộc của sao. Nhưng công chúng lại thích thế! Thế mới là… sao!

 
Sao và người nổi tiếng được đối xử thế nào?
 
Các sao showbiz thế giới đến Việt Nam rất ít, nếu có cũng chỉ là những cái tên thường thường bậc trung. Do vậy, thông tin về những tiêu chuẩn mà các ngôi sao được hưởng, chủ yếu ta chỉ nghe qua báo chí. Ở đây chỉ xin thuật lại những gì được biết về bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” khi các ngôi sao thực thụ của Hollywood đến Việt Nam cách đây 8 năm.

 
Tài tử người Anh Michael Caine (thủ vai Thomas Fowler) lúc ấy gần 70 tuổi. Ông là một tượng đài của Hollywood với 2 lần đoạt giải Oscar và vô số lần đề cử. Còn Brendan Fraser (thủ vai Alden Pyle – Người Mỹ trầm lặng) lúc ấy là một ngôi sao có nhiều phim ăn khách. Tất nhiên cả hai đều được các nhà sản xuất ưu ái đặc biệt, vì không chỉ là diễn viên chính của phim, mà cả hai thực sự là những ngôi sao.

 
Về phương diện nghề nghiệp, Michael Caine được thế giới công nhận và đánh giá rất cao, nhưng tiền cát-xê của ông thua Brendan Fraser khá xa bởi tính về mặt kinh tế, tên của Brendan bán được vé còn Michael Caine không phải là cái tên bán vé. Nhưng tiêu chuẩn của đoàn phim dành cho cả hai không khác biệt là bao, tất cả là những tiện nghi hạng nhất phù hợp với một dự án gần 30 triệu USD.

 
Michael Caine từ chối vệ sĩ riêng vì ông thừa biết rằng điều này không cần thiết ở Việt Nam, bởi ở đây ít ai xem phim của ông nên sẽ không có fan quấy rầy. Trong suốt thời gian ở Việt Nam, dù đã cao tuổi và mệt cách mấy, nhưng ông lúc nào cũng nở nụ cười và chưa bao giờ từ chối chụp ảnh với bất cứ một ai – dù đó chỉ là diễn viên quần chúng. Thậm chí ông còn can thiệp với nhà sản xuất để ông được tiếp xúc tự do thoải mái với người bản xứ!

 
Brendan Fraser thì trái ngược hẳn, trừ khi phải diễn xuất, lúc nào kè kè bên anh cũng là một vệ sĩ cao to và khá bảnh trai. Brendan rất khó gần và hầu như ít tiếp xúc với người bản xứ mặc dù anh xử sự rất lịch sự. Brendan luôn nhẹ nhàng từ chối chụp hình với bất cứ ai, kể cả người ở trong đoàn với lý do để tập trung diễn xuất.

Nhưng sau này mới biết, hình ảnh của Brendan đã được bán độc quyền từ trước nên anh không thể tùy tiện được. Người viết bài đã từng chứng kiến, một nhà báo cố tiếp cận với Brendan và giơ máy định chụp, nhưng anh vờ quay đi chỗ khác với gương mặt… rất hình sự! Đó là chưa kể cánh báo chí Việt Nam lúc ấy cũng tỏ ra rất hào hứng quan tâm tới Brendan, đơn giản lúc ấy anh là một ngôi sao được khán giả Việt Nam yêu thích.
 
Còn Đỗ Hải Yến – cô gái Việt Nam cực kỳ may mắn thì sao? Tất nhiên tiêu chuẩn là không thể so với hai tên tuổi trên, lại càng không có lý do để yêu sách đòi hỏi. Nhưng những gì cô được hưởng trong suốt thời gian đóng phim này thật là… không mơ thấy nổi ở Việt Nam!

 
Hải Yến trong "Người Mỹtrầm lặng"

 
Từ khi được chọn, Hải Yến lập tức được đưa sang Úc để học tiếng Anh và hướng dẫn diễn xuất. Và bắt đầu từ đây cô được hưởng tiêu chuẩn với tư cách nữ diễn viên chính của phim. Hải Yến được ở trong một căn hộ VIP có hướng nhìn ra biển. Hoa và chocolate gần như không thể thiếu mỗi ngày. Cô được các chuyên gia săn sóc da và… răng rất kỹ lưỡng theo định kỳ. Một gia sư tiếng Anh – nữ giáo sinh người Mỹ rất giỏi tiếng Việt – được đưa từ Việt Nam sang để kèm tiếng Anh cho Hải Yến cho đến hết phim. Xe hơi hạng sang với tài xế riêng được cắt cử phục vụ cho cô trong thời gian ở Úc. Khi di chuyển từ nước này sang nước khác cô được ngồi trên khoang máy bay hạng nhất. Về đến Việt Nam, Hải Yến được đưa thẳng từ sân bay về khách sạn Caravelle – nghĩa là từ lúc nhận vai cho đến khi hết phim, Hải Yến không được về nhà! Mọi thứ cá nhân cần thiết đều đã được phục vụ chu đáo – điều này đã được các nhà sản xuất tính toán kỹ để tránh rủi ro cho phim! Ở Caravelle cô được ở… 2 phòng VIP – một phòng để ở và một phòng làm việc và tiếp khách! Cô có phòng hóa trang riêng và người phục vụ riêng tại hiện trường, khi mệt mỏi thì vào phòng nghỉ di động – là một chiếc xe tải nhẹ được thiết kế đặc biệt với đầy đủ tiện nghi dành cho diễn viên…

Có thể nói, số tiền chi trả cho những tiêu chuẩn và bảo hiểm mà Hải Yến được hưởng trong phim, vượt xa con số cát-xê mà cô được nhận. Đó cũng là điều dễ hiểu khi Hải Yến hầu như từ chối tất cả các phim Việt Nam sau này muốn mời cô. Có thể Hải Yến không yêu sách đòi hỏi, nhưng cô biết với những gì mình đã trải qua, sẽ không có bất cứ đoàn phim Việt Nam nào đáp ứng nổi!
 
Còn một chi tiết rất nhỏ nhưng đáng để chúng ta suy nghĩ. Ở ngoài hiện trường lúc nào cũng có 3 chiếc ghế có ghi tên hẳn hoi dành cho Michael Caine, Brendan Fraser và Đỗ Hải Yến. Tất cả ghế đều giống nhau, nhưng chiều cao của ghế là khác nhau từ thấp đến cao. Brendan Fraser tuy ngồi thấp hơn Michael Caine nhưng anh không hề phàn nàn. Hollywood là vậy, cát-xê và mức độ ăn khách có thể khác nhau, nhưng đẳng cấp vẫn là đẳng cấp – đó luôn là thứ có giá trị nhất!

 
Ngôi sao ở Việt Nam đang bị “bình dân hóa”
 
Chắc còn lâu lắm chúng ta mới có ngôi sao tầm cỡ khu vực hoặc quốc tế. Nhưng ít ra giờ đây họ cũng đã trở thành ngôi sao trong lòng công chúng Việt Nam. Chúng ta vẫn đang lên tiếng và chờ mong những ngôi sao thật sự của ngành giải trí, tuy nhiên cái cách mà một ngôi sao được dựng lên ở ta quả thật vẫn còn mang nặng tư duy “làng xã”. Nói thẳng ra chúng ta chỉ mới có người nổi tiếng “nội địa” thôi, chứ hai chữ ngôi sao – dù chỉ mang tính nội địa – thì quả thật là hơi lớn lao!

 
Ngoài chuyện “tuổi thọ” sao Việt Nam quá ngắn ngủi, hình thức giải trí tạo ra sao của chúng ta cũng quá đơn điệu, chỉ có ca nhạc và cải lương. Điện ảnh và truyền hình thì vắng bóng sao hơn chục năm nay, mặc dù phim truyền hình đang thống lĩnh mặt bằng giải trí tại Việt Nam. Mà cũng đúng thôi, phim truyền hình giờ vẫn còn phục vụ miễn phí với mức cát xê cao bằng cho diễn viên thì làm sao tạo ngôi sao nổi!

 
Các chiêu thức đánh bóng tên tuổi, đường đi nước bước, chiến lược PR và marketing… các ngôi sao của các ông bầu, các nhà sản xuất chúng ta quá lạc hậu, rẻ tiền và không đúng bài bản. Mà sự thật, chúng ta cũng chưa có một ông bầu nào (agent) đúng nghĩa của từng lĩnh vực. Tất cả đều là mày mò, sai tới đâu sửa tới đó và hầu hết là do các sao tự vận động để lăng-xê tên tuổi của mình.

 
Sao ở ta “mê” lên báo, thích phát ngôn giật gân, thích tạo những scandal rẻ tiền để mong tạo được sự chú ý. Họ sợ bị khán giả và giới truyền thông lãng quên mà quên mất một điều, chỗ đứng vững bền của sao trong lòng khán giả chính là tài năng.

 
Hãy nhìn ca sĩ Tuấn Ngọc, hẹn anh phỏng vấn không phải dễ, mặc dù anh không né tránh hoặc lẩn trốn báo chí, nhưng anh biết chọn lọc, biết “tiết kiệm” hình ảnh và phát ngôn của mình trước báo giới và truyền thông. Anh ít xuất hiện trước công chúng, nhưng cái tên Tuấn Ngọc vẫn tồn tại lâu trong lòng khán giả mấy chục năm qua!

 
Sao ở ta thường có khuynh hướng thích giao lưu gần gũi với khán giả để có tiếng là ngôi sao bình dị, dễ thương… Điều này không có gì sai, nhưng nó lại tạo cảm giác nhàm chán và bình thường nơi công chúng. Ngôi sao là của hiếm, của hiếm mà cứ gặp và giao lưu suốt ngày thì làm sao gọi là hiếm nữa!

 
Khổ nỗi khán giả và truyền thông báo chí của chúng ta cũng quá nhạy cảm, sao hơi xa cách hay khác lạ một chút là lu loa nào là: chảnh, khó gần, bệnh ngôi sao, không thiện cảm… Chúng ta cũng không quen với việc sao đi tới đâu là “trống giong cờ mở”, là gây sự chú ý với hàng lớp bảo vệ và vệ sĩ.

 
Nhà báo phỏng vấn sao chỉ thích gặp trực tiếp chứ không muốn phỏng vấn qua điện thoại, qua email, hoặc qua người đại diện. Ở ta cũng không hiếm việc sao và nhà báo thân thiết với nhau nên tìm mọi cách đưa sao lên mây, rồi đến khi “cơm không lành canh không ngọt” lại “bới lông tìm vết” để hạ sao xuống đất!

 
Chúng ta vẫn chưa quen và chắc còn lâu lắm mới quen với mệnh đề quen thuộc của các ngôi sao: Đã là ngôi sao thì không phải người thường, và vì thế ngôi sao có quyền xử sự khác thường! Nếu như vậy thì trong tương lai chúng ta vẫn cứ phải chấp nhận sống chung với những ngôi sao… tầm thường!


Mộc Lâm

From the same category