Người Việt ta luôn sợ sự công khai minh bạch, đã lên phương tiện thông tin đại chúng, người nào cũng muốn an toàn. Mọi câu trả lời của họ đều chỉn chu và mang nặng tính khuôn sáo nhằm tránh phạm húy, không có ngày mất tiếng như chơi.
Với những cuộc trò chuyện đã được dàn dựng một cách chu đáo như thế, suy cho cùng, chúng ta xem cũng được mà không xem cũng chẳng mất gì, nhất là với các talk show mang tính giải trí, bởi bạn có thể làm như người ta, lên mạng Google “search” thông tin về thế là biết hết.
Lay lắt sống những Talk show Việt
Talk show xuất hiện từ những ngày đầu có truyền hình, trên thế giới chúng ta có thế thấy các chương trình talk show có lịch sử tồn tại khá lâu đời, cỡ vài chục năm.
Buổi đêm có chương trình "cao niên" nhất là The Late Late Show của RTÉ. Hay các talk show buổi đêm đang được ưa chuộng hiện nay như The Tonight Show with Jay Leno và The Late Show with David Letterman được phát sóng từ 01/02/1982 trên kênh truyền hình NBC của Mỹ, thường xuyên mời những vị khách là các nhân vật nổi tiếng.
Talk show của Oprah Winfrey có sự tham gia của vợ chồng Barack Obama |
Tháng 9/1985 chương trình Oprah Winfrey show ra đời. Được coi là một chương trình quốc gia từ ngày 8/9/1986, Oprah Winfrey show đã trở thành talk show hàng đầu trong hệ thống cung cấp thông tin quốc gia Mỹ trong vòng chưa tròn 1 năm và ngày nay nó vẫn đang là một trong những show có tỷ lệ rating cao tại Mỹ.
Còn nói về talk show của Việt Nam, thì thực ra chúng ta đang mới manh nha bắt đầu, chứ chưa thể coi là có sự tồn tại của thể loại này. Số talk show trên truyền hình hiện nay không quá tràn lan như game show, nhưng cũng không ít, nhất là thời gian vừa qua, khi khán giả đã quá ngán với game show, nhà đài không thể ngồi im, nên đây được coi là cơ hội tốt để talk show có nhiều đất sống hơn.
Hầu hết các talk show của Việt Nam hiện đều bị lai chứ không thuần túy là talk show. Trong những talk show đang phát sóng phải nói tới “Người đương thời” đầu tiên, một talk show thuộc dạng sớm nhất và còn tồn tại cho đến ngày nay.
Có một thời người ta bị thu hút bởi những câu chuyện của MC Tạ Bích Loan, một lối dẫn mới, ít phụ thuộc vào kịch bản và những khách mời thú vị. Nhưng sau một vài năm, những vị khách hay cứ đuối dần đi, cộng vào đó suốt một thời gian dài show này được làm theo kiểu “biểu dương tấm gương người tốt việc tốt”, khiến tính hấp dẫn không còn mãnh liệt. Hiện nay, rating xem chương trình này bị giảm sút rất lớn, nhất là khi nó lại được phát trên VTV1 vào tối chủ nhật hàng tuần, một kênh không phải là ưu tiên cho lựa chọn cuối tuần của đại đa số người xem.
"Tại sao không?" của Thu Uyên ‘đứt gánh giữa đường’ |
Số phận của “Dành cho người hâm mộ" thì vừa được định đoạt vào tháng 5 vừa rồi, sau gần 10 năm phát sóng. Sự chia tay với khán giả của chương trình này cũng là biết dừng lại trước khi quá muộn. Như biên tập viên cũng đồng thời là MC của chương trình này nói: Vui vì được dừng lại để học thêm điều gì đó mới mẻ chuẩn bị cho công việc mới với áp lực mới.
Một talk show hay và gây được sự chú ý trên VTV là “Tại sao không?” Sau khoảng một chục số lên sóng nó bị đổi MC, và người biên tập. Những ý tưởng cấp tiến của Thu Uyên không được trọng dụng trong chương trình này nữa. Không lâu sau ngày Thu Uyên nói lời chia tay, “Tại sao không?” cũng đứt gánh giữa đường mà không có lời giải thích nào với khán giả.
Hiện nay trên VTV chỉ còn hai talk show được chú ý là “Văn hóa sự kiện & nhân vật” do Mỹ Linh dẫn và "Talk Vietnam" của Lousia Huỳnh. Nhưng diện khán giả của hai talk show này không rộng bởi tính chuyên môn của nó khá cao. Sở dĩ sức nặng của “Văn hóa, sự kiện & nhân vật” còn vì nó mang tính cập nhật hơn các chương trình khác, nhưng hiện nó cũng đang đứng trước khó khăn về đề tài bị bó hẹp, và vì sự kiện văn hóa đáng chú ý của chúng ta trong 1 tháng không nhiều. "Talk Vietnam" là chương trình thuần talk show hơn cả, nó đạt được sức nặng về cả trình độ người dẫn, khách mời cũng như chủ đề đưa ra, nhưng nó được thực hiện bằng tiếng Anh nên khi phát lên kênh tiếng Việt, khán giả phải xem qua phụ đề, do đó phần nào bị giảm mất tính hấp dẫn.
Talk – Vietnam của Louisa Huỳnh ít nhiều được chú ý |
Về phía Nam, thời gian gần đây HTV cũng xuất hiện rất nhiều talk show mới, trong số đó, “Trò chuyện cuối tuần” của Quỳnh Hương là một chương trình được đặt làm trọng điểm. Tiếp theo đó là nhiều chương trình khác. Nhưng tính hấp dẫn của chương trình, sự lôi cuốn của MC và sự chân thật của khách mời thật sự là một vấn đề cần được quan tâm.
Không bất ngờ, không hấp dẫn mới là talk show kiểu… Việt
Vai trò của MC trong một talk show quyết định rất lớn tới độ hấp dẫn của show. Nhưng có thể nói hiện nay, đại đa số MC của chúng ta đều chỉ là những… búp bê biết đọc. Theo những người trong nghề thì: nhiều khi biên tập viên phải ngồi trong xe màu để nhắc tuồng cho MC, người dẫn chỉ việc vểnh tai lên nghe mà nói lại, do đó sự tập trung chú ý của họ vào câu chuyện là không nhiều, chứ đừng nói tới những câu hỏi “phát tiết” trong quá trình talk. Nếu có được một người nhắc tuồng tốt và một MC biết “diễn” thì tình huống trong cuộc trò chuỵên còn đỡ khiên cưỡng, nhưng hầu hết talk show hiện nay đều có sẵn kịch bản cho người dẫn và thậm chí là câu trả lời cho khách mời, phần nội dung đã có sẵn, họ chỉ mời nhau lên trường quay để cùng đọc lại nội dung câu chuyện cho khán giả thưởng thức.
Có một thực tế phải thừa nhận là những MC kỳ cựu, có background tốt, có thể làm chủ được nội dung các talk show Việt hiện nay đều tập trung ở phía Bắc, chủ yếu là “đài V” (VTV). Nhưng hầu hết số MC này lại bị tình trạng “trên đe dưới búa”, họ không thể phát huy hết thế mạnh của mình. Họ phải làm theo định hướng từ ban lãnh đạo Đài, mà rất nhiều trường hợp định hướng đó đã là lối suy nghĩ cũ. Không có thực tế nên chương trình của họ cho lên sóng 10 thì mới có 2, 3 là thu hút được đối tượng mà họ đặt ra. Điển hình cho những tư tưởng không cấp tiến này là loạt talk show của V6, một kênh cho giới trẻ, nhưng những “Sinh ra từ làng”, “Nhà tròn”,… nếu hỏi lứa tuổi thanh thiếu niên thì chả mấy người thấy đủ hứng thú để bỏ thời gian ra xem.
Tại sao lại vậy ư? Tại chương trình họ làm mang tính dạy dỗ quá nặng nêç, không thì nêu gương người tốt việc tốt. Quả thực bây giờ không còn nhiều khán giả muốn ăn món dạy dỗ cứng nhắc nữa, bởi họ cũng thấy đủ khi bị dạy dỗ ở trường, ở nhà rồi. Nếu có dạy xin cũng nhẹ nhàng và tế nhị hơn, như thế sẽ đỡ gây ngán cho người xem. Trong khi các talk show phía Bắc không mang tính giải trí cao thì ngược lại, hầu hết talk show của phía Nam lại chọn mục tiêu này làm kim chỉ nam thực hiện.
Thời gian gần đây, do nhà đài mở rộng kênh ồ ạt nên tiêu chí chọn MC cũng rất cởi mở, không khó để làm MC trên truyền hình. Số gương mặt mới này xin không nhắc tới, vì họ quá nhiều, nhưng lại thừa nhạt nhòa và thiếu cá tính. Rất ít người được như Tạ Bích Loan , Mỹ Linh, Kim Ngân, Thu Uyên… được đào tạo bài bản, một vài người trong số họ được đào tạo về truyền thông tại các nước Âu Mỹ, nên tư duy cũng cấp tiến hơn, và thật sự họ có một background tốt.
Văn hóa trò chuyện của từng vùng miền cũng ảnh hưởng tới phong cách dẫn của MC. Sự thiếu linh hoạt, khéo léo và chiều sâu luôn là điểm yếu của các MC Sài Gòn. Hơn thế nữa, quá trình tích lũy kiến thức còn hạn chế, vì thế lối dẫn cũng như lối ứng xử của các MC phía Nam trước những tình huống rất khuôn sáo. Số MC có phong cách dẫn riêng biệt ở phía Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng số này cũng chỉ gọi là nhỉnh hơn mặt bằng chung chút xíu chứ chưa đủ để được liệt vào hàng top MC hiện nay, trừ MC Thanh Bạch, nhưng một thời gian MC này chạy sô nhiều làm gương mặt nhàm chán, và lối dẫn vẫn chưa được “sang” lắm Còn các MC kỳ cựu và có tiếng như Đỗ Thụy, Quỳnh Hương, Anh Quân… thì đẳng cấp có hạn và rõ ràng là lép vế trước những cây đa cây đề ở phía Bắc. Và có lẽ do chạy show nhiều, nên những câu thừa trong các show họ dẫn khá ngớ ngẩn, và đặc biệt càng bộc lộ rõ sự yếu kém trong những show trực tiếp.
Mọi so sánh đều khập khiễng, suy cho cùng, talk show của chúng ta mới trong giai đoạn chập chững, nên để có được những người thuộc hàng ngôi sao là đòi hỏi hơi quá cao. Ngay cả với những MC có tiếng ở trên cũng còn một khoảng cách khá xa so với những người dẫn talk show thế giới.
Talk show của Letterman luôn thú vị |
Theo dõi một show của ông chúng ta sẽ thấy tính hấp dẫn nhất của nó là sự bất ngờ và hài hước trong những tình huống ông đặt ra, mà nhiều khi khiến khách mời lắc đâu lè lưỡi, như vụ ông chơi khó tiểu thư nhà Hilton chẳng hạn. Liên tiếp những câu hỏi về chuyện “tù tội” khiến cô nàng lắm chiêu Paris Hilton cố hết sức lảng tránh cũng không được, Paris đã phải thốt lên “Tôi thực sự không muốn nói về chủ đề này nữa” nhưng David Letterman vẫn thản nhiên nói: “Tôi và cô khác nhau ở điểm này, đó lại là chủ đề mà tôi thực sự muốn nói đến”.
Thử hỏi, MC Việt có đủ bản lĩnh để “chơi khó” khách mời như “ông già” Letterman? Đó là chưa kể sự trái khoáy và những câu đùa của ông già tinh quái này là điều không thể có trong những talk show Việt, kể cả khi chúng ta đã Việt hóa để nó phù hợp hơn với văn hóa truyền thống xứ ta thì đây cũng không là tình huống dễ lọt qua được khâu kiểm duyệt để tới với người xem. Do đó mà xưa nay các talk show của chúng ta cứng nhắc và luôn rơi vào tình trạng giáo điều chán ngắt hoặc không thì sẽ là một món giải trí thiếu muối, xem cũng được mà không cũng không mất gì.
Dù đây là điều hiển nhiên ai cũng biết nhưng tình trạng trên vẫn xảy ra, ngoài chuyện năng lực của người làm show thì tư duy của lãnh đạo đài, văn hóa trò chuyện của người Việt mới là yếu tố chi phối chính tới sức hấp dẫn của những talk show hiện nay.
Người Việt là thế, luôn sợ sự công khai minh bạch, đã lên phương tiện thông tin đại chúng người nào cũng muốn mình được an toàn. Mọi câu trả lời của họ đều chỉn chu và mang nặng tính khuôn sáo nhằm tránh phạm húy. Tốt phô ra, xấu xa che lại, ông bà ta đã dạy thế, hơn nữa, lời nói chẳng mất tiền mua, nên đôi bên cứ lựa lời mà nói cho đạt được mục đích của cả hai, không nên để tình cảm bị sứt mẻ. Đó là chưa nói đến tình trạng những khách mời quá kém nên họ không thể tự chủ được tình huống trên sân khấu. Nếu không cho họ học thuộc lòng thì sẽ là đại họa cho nhà sản xuất bởi nhiều khi phần ghi hình sẽ chẳng khác gì bản nháp. Hơn nữa, không được thỏa mãn điều kiện này phần lớn khách mời sẽ không nhận lời lên tivi, vì họ sợ. Sảy tay còn đỡ chứ sảy mồn là hết đường gỡ, nhất lại là trước bàn dân thiên hạ. Cũng từ yếu tố này mà bất ngờ là yếu tố cực hiếm trong các talk show Việt. Những câu hỏi khiến người bị hỏi biến sắc chưa từng có tiền lệ được sử dụng.
Talk show hấp dẫn ở tính bất ngờ, nhưng mọi tình huống và câu hỏi trong chương trình đã được khách mời và MC chuẩn bị từ trước, sau đó cộng vào là định hướng của cách biên tập. Mọi sự cố xảy ra trong cuộc trò chuyện đã được cắt phăng đi, khi lên hình người xem chỉ chỉ thấy một cuộc nói chuyện trơn chu và đẹp đẽ. Tính chân thực của câu chuyện cũng như của thái độ khách mời đã bị gột sạch. Cuối cùng món khán giả được xơi là một món… giả dối!
Hai đối sánh: Liệu có được một cơn gió mát lành?
Một số talk show mới trẻ trung hơn bắt đầu phát sóng hoặc chuẩn bị lên sóng đang được nhà sản xuất hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo của talk show Việt trong thời gian tới. Đáng chú ý là hai talk show Phong cách và đam mê ở phía Nam và Jin’s show ở phía Bắc. Đây là hai show có những đổi mới gọi là có chút đột phá hơn những show đã phát sóng.
Phong cách và đam mê là talk show theo format cũ, không quá bất ngờ với người xem. Có chăng chỉ là mới mẻ trong cách dùng MC, show này được làm theo đúng phong cách Sài Gòn, nhẹ nhàng, có thông tin vừa phải. Vị trí MC được giao cho nhiếp ảnh gia Hải Đông, một tên tuổi không lạ trong làng thời trang Việt. Với một MC có kinh nghiệm và gắn bó nghề chụp ảnh thời trang như Hải Đông thì sẽ “thấu thị” từng nhân vật anh phỏng vấn, nhưng như thế không có nghĩa là đã đảm bảo được sự hấp dẫn. Vì từ thấu thị cho đến dám hỏi, dám nói là cả một khoảng cách xa. Bởi đôi khi là người quen vuốt mặt cũng phải nể mũi.
Có thể nhận xét “vượt mặt” này hơi khắt khe, nhưng Hải Đông không phải là người có duyên ăn nói, cộng vào đó kịch bản của chương trình khá nhạt, thông tin về khách mời không mới. Hơn nữa, show này mang tính thương mại rất cao, ngay tên show được ghi rất khiêm tốn và nhỏ nhắn dưới cái bóng to lớn của nhà nhà tài trợ, mà nếu nhiều người không để ý có khi lại tưởng tên nhà tài trợ là tên show. Cộng vào đó, mọi bài trí, màu sắc và hình ảnh của show cũng được nhắc khéo tới nhãn hiệu và chủng loại hàng của nhà tài trợ đang kinh doanh. Số nào khách mời và MC cũng buộc phải uống nước của nhà tài trợ được đặt để làm đẹp cho cái bàn trước mặt họ. Do tính khu biệt của chương trình, nên mọi khách mời đều phải trả lời những câu hỏi về sở thích quần áo, màu sắc và nhãn hiệu họ chọn, thêm vào vài câu về công việc họ đang làm. Thế là hết show!
Những mẩu chuyện “giờ mới kể” của các khách mời trong show này không gây bất ngờ cho người xem. Ngay cả phần khán giả hỏi, khách mời được MC yêu cầu trả lời nhanh và thật thì cũng được quay từ trước khi ghi hình phần talk chính, hoặc nếu không sẽ là những câu hỏi kiểu: một ngày anh mặc mấy bộ quần áo? Anh thích ăn món gì? Anh yêu lần đầu tiên năm bao nhiêu tuổi?… Với những câu vô thưởng vô phạt kiểu này không cần đến 3 giây suy nghĩ cũng có thể nói nhanh, nói thật được.
Jin’s show thì đang quay những số đầu tiên trong chùm 8 số, sẽ được phát trên VTC8 vào tháng 8 tới. Show này mang tên của chính người dẫn, người ta chọn nick name thay tên thật cho hay hơn. Ngay cái quyền được đặt tên mình cho show cũng là khá mới mẻ rồi. Điểm đột phá của show này là không có nhu cầu làm đẹp cho khách mời và cả bản thân chủ show. Sự hốt hoảng, bất ngờ cũng như các trạng thái tâm lý chân thực nhất khi những chuyện thâm cung bí sử của sao được host (người phụ trách show này không nhận mình là MC mà muốn mình sẽ là host, chủ nhà của cuộc trò chuyện) tấn công không báo trước sẽ là điểm hút người xem của show này, theo như mục tiêu mà chủ show hướng tới.
Cuộc trò chuyện của host và khách mời sẽ tự nhiên như cuộc nói chuyện thân mật giữa hai người bạn thân, khán giả chỉ là kẻ nghe lén cuộc nói chuyện này. Cái thú nghe lén chuyện của người khác cũng rất hấp dẫn với nhiều người, dựa trên những bản quay demo mà nói, show này sẽ đánh trúng vào tâm lý khán giả ở độ tuổi 18 đến 35, có nhu cầu giải trí không quá cao, thích tò mò chuyện riêng tư của người nổi tiếng, mang hơi hướng lá cải một chút.
Vì muốn đưa đến người xem show những gì sát thực tế nhất của cuộc nói chuyện mà cách dùng đại từ nhân xưng trong show này chắc cũng sẽ gây rất nhiều sự la ó. Khách mời có thể gọi host là: ông, cưng, bé,.. đúng như ngoài đời họ vẫn gọi host. Cũng đang có rất nhiều ý kiến cho rằng: host của show quá nổi trội, style theo phong cách unisex, dù đã bỏ khoen tai, khoen mũi đi, vẫn lạ so với hình dung của nhiều người, và thậm chí với nhiều người, sự “show up” hơi quá về mặt hình thức của host sẽ gây phản cảm khi xem.
Để tạo nên tính hấp dẫn cho show, người ta sẽ tôn trọng tối đa những góc máy, trong đó có cả những góc máy khuất để chộp được những hành động “xấu” của sao như: bức tóc, vò đầu, bĩu môi,… và luôn có máy áp sát mặt khách mời để đo độ biến sắc trên khuôn mặt họ, nhằm mang tới một cái lý lẽ rất thực tế: Anh, chị là sao thì cũng chỉ là sao trong lĩnh vực của anh chị, đến với show này anh chị cũng bình thường như ai, anh chị cũng phải tức giận, sợ sệt và hốt hoảng. Còn những người nổi tiếng đến với show này sẽ bị “thập diện mai phục” bởi những tình huống bất ngờ không báo trước, nhưng độ trớ trêu không nhỏ.
Như Host của show này nói: họ đến đây đơn thương độc mã và sẽ phải đối chọi với cả một êkíp hùng hậu làm chương trình, luôn tính toán nhằm chụp được những yếu điểm cũng như góc xấu của họ, nên kiểu gì chúng tôi cũng có lợi thế hơn họ trong những đòn cân não. Ý tưởng làm show nghe có vẻ đột phá (so với talk show Việt), nhưng từ nói đến làm không dễ, và chúng ta vẫn chỉ có thể chờ đợi!
Vấn đề lớn đặt ra cho những talk show kiểu mới này là độ dám nói và dám trả lời của người tham gia ở mức nào, họ có chấp nhận mình xuất hiện không long lanh toàn vẹn trên sóng của nhà đài không? Rất hiếm người dám thẳng thắn nói ra sự thật về những thâm cung bí sử của mình trước bàn dân thiên hạ. Liệu show mang tính riêng tư như thế tồn tại được bao nhiêu số, chỉ sợ khi đã hết người quen dám nói thì nó lại chìm vào quên lãng như không ít show trước. Ai dám chắc host của show này đủ sức thuyết phục khách mời dám nói? Sức ép cho show này là khá lớn, vì nếu nó được thực hiện tối đa những tiêu chí đặt ra thì không dễ mấy khách mời chấp nhận là vật thí nghiệm. Tuy rằng host của show này khẳng định sẽ mời đủ lượng khách cho 52 số của năm dựa trên những uy tín cá nhân cũng như tác động lòng tin từ phía các mối quan hệ.
Sự đột phá để mang tính bất ngờ, hấp dẫn hơn cho những talk show là điều cần thiết. Nhưng liệu sự đột phá này có phá vỡ được những khuôn khổ để talk show Việt đi lên không là điều cần thời gian để kiểm chứng. Chỉ biết trước mắt, hằng ngày chúng ta vẫn đang phải ăn “món cơm nguội” được mang tên talk show!