NGUY CƠ “CHÁY” TỔ!
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, ban khu phố 3, phường 5, quận Gò Vấp, ngỏ ý mời gia đình chị Thái Hòa lên phường giao lưu kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. Hai vợ chồng trẻ, đẹp, có việc làm ổn định. Chồng công tác ngành hải sản, vợ kiến trúc sư, con gái ngoan ngoãn, đúng “mẫu” mà nhiều người mơ ước. Nhưng chị vợ lắc đầu: “Gia đình tôi có lúc nóng đến nghẹt thở, chứ đâu có ấm gì. Ông xã tôi cộc tính, hay cáu. Sự cáu kỉnh của ổng như cái hoa cứ nở dần, nở to ra mà không bị tàn, vì ổng cứ nuôi dưỡng cái hoa cáu kỉnh đó. Ở nhà, mỗi lần thấy ổng ngồi vào cái máy vi tính là tôi tránh xa hàng chục mét để khỏi bị văng miểng. Cái máy khởi động chậm, đường truyền trục trặc, và đặc biệt là đứng máy… là tay chân, mồm miệng của ổng hoạt động dữ dội. Ổng chửi bọn dịch vụ tráo trở nào đó, mà vợ con phải nghe nhức lỗ tai. Đứa con gái không dám nhờ ba dạy học, vì ba hay nghiến răng. Nhiều khi, vợ chồng đang nói chuyện vui vẻ, đến lúc ý kiến của tôi khác với ổng, là ổng la làng, nên không bàn được việc gì. Thôi, tôi ráng tư duy tích cực, cố mở mắt nhìn vào những điểm tốt của ông chồng mà sống qua ngày. Tôi nghĩ bụng, có lẽ tính ổng nóng nảy, không ai ưa, nên ổng chưa có… bồ! Đấy! Bảo ổng lên phường giao lưu, nhỡ không đồng ý, ổng lại cáu lên, khổ mẹ con tôi!”
9 giờ tối, bà Nguyễn Thị Nguyệt, tiểu thương chợ Bà Chiểu, tất bật chạy vào khoa cấp cứu bệnh viện Bình Dân, nhìn không ra ông chồng băng bó đầy người, không nói nổi câu nào. Công an cho biết, khi ông đang chạy xe trên đường, có hai cậu thanh niên chạy quá nhanh nên quẹt vào xe ông, lại còn quay lại nhe răng cười. Vậy là lập tức ông phóng xe theo để hỏi tội. Ông vượt cả đèn đỏ và bị taxi húc ngã. Bà không hề ngạc nhiên, vì bao nhiêu lần, bà ngồi sau xe ông, bà quá biết tính nóng như lửa, có thể bùng lên ào ào của ông. Ông không thể đứng yên khi kẹt xe, mà phải tìm cách luồn lách, leo lên lề để đi, dù chẳng có gì gấp gáp. Đi trên những con đường đang làm cống, sửa đường, ông luôn bực bội, văng ra những lời nói khó nghe, về đến nhà vẫn còn gây gổ một mình với “bọn đào đường”. Bây giờ, bà ngao ngán nhìn ông chồng, không biết thương tật có biến thành khuyết tật không. Cũng vì nóng nảy, la mắng thằng con ham chơi mà năm ngoái ông đã vào viện cấp cứu con tim muốn ngừng đập của ông. Số tiền bà dành dụm suốt mấy năm trời, giờ cứ tan theo những cơn nóng đột ngột của ông. Bà không nỡ trách ông, hay nặng lời, vì ông lo chu tất cho gia đình, không ngại gian nan, kiếm tiền nuôi vợ con. Nhưng cái kiểu “phát hỏa” của ông cũng gây tổn hại không kém “sức người, sức của” cho gia đình.
Gần 60 tuổi, về hưu được vài năm, bà Liêng Mai (phường 15 – Q.Bình Thạnh), gây sốc cho con cháu bằng sự kiện ra tòa ly hôn “ông ngoại mấy nhỏ”. Bà nói với tòa, gần như năn nỉ: “Tôi có mắc cỡ vì bị chê cười già mà bày đặt ly hôn cũng không chết, chứ ở còn với ổng, chắc chắn không sống nổi. Hồi trẻ, tôi có sức khỏe, ham con, lo cho gia đình, nên bỏ qua được hết. Còn bây giờ, tôi già yếu rồi, sống với… cái núi lửa chịu không xiết. Ông xã lại ngày càng “nóng bỏng”. Để vợ chồng già bớt căng thẳng, tôi cố mềm mỏng thuyết phục ông xã cùng đi học khiêu vũ. Đến buổi thứ hai, ổng bước sai nhịp tôi nhắc nhở. Có vậy, mà ổng nạt tôi giữa lớp học, rồi đùng đùng bỏ về. Tôi xấu hổ chỉ muốn độn thổ”.
Để có cơ sở biên soạn luật phòng chống bạo lực gia đình (đã được trình qua Quốc hội, và có hiệu lực từ ngày 1-7-08), Vụ Các vấn đề Xã hội đã tiến hành cuộc khảo sát trên quy mô cả nước, với sự tham gia của 2.000 phụ nữ. Những cuộc phỏng vấn các bà vợ cho thấy bạo lực gia đình luôn đồng hành với sự nóng giận “cấp tính” của ông xã. Tại Tp.HCM, theo thống kê của tòa án TP, năm 2007, số vụ ly hôn là trên 12.000. Trong đó, sự nóng giận của các ông xã đi kèm với bạo lực làm cho khoảng 45% gia đình tan vỡ.
AI DẬP LỬA?
Theo truyền thống, trong gia đình, nếu xảy ra mâu thuẫn thì xử lý theo khuôn “Một câu nhịn, chín câu lành”, hoặc “Cơm sôi, bớt lửa”. Và các bà vợ thường được xã hội, dư luận động viên là người nhịn, người bớt… bởi những cá tính trời ban cho người phụ nữ: dịu dàng, mềm mỏng, ngọt ngào. Song, các bà vợ ngày nay, sức kiên nhẫn, chịu đựng, lẫn sáng tạo có vẻ… yếu hơn thế hệ trước.
Chị Trần Thị Kim, thành viên CLB Gia đình Hạnh phúc phường 1 – Q. Tân Bình, tham dự nhiều chương trình tư vấn của các chuyên viên tâm lý. Chị rất “dị ứng” với những lời khuyên người vợ phải biết cách hạ hỏa cho ông xã, giảm nhiệt trong nhà, phải thế này, thế kia… Chị nói: “Các ông chồng gây ra hỏa hoạn, còn các bà vợ luôn là lính cứu hỏa, dập lửa và khắc phục mọi hậu quả. Đã bị phỏng nhiều nhất từ lửa của ông chồng, lại là người phải chịu trách nhiệm dập lửa, thì quả là… quá sức cho phụ nữ”. Bất công nữa là, đàn ông trút cơn nóng giận để xả hết xung đột, còn phụ nữ không có quyền… la làng. Nhiều bà vợ rơi vào trầm cảm vì cố giữ trong lòng ấm ức, chịu đựng. Tuy nhiên, phụ nữ bây giờ, ngoài chăm sóc con cái còn chịu áp lực công việc, nên đôi khi, họ cũng “nóng bỏng” lên theo nhiệt độ của ông chồng. Gia đình rất dễ tan vỡ.
Đồng tình với chị Kim, nhiều bà vợ khác cũng đưa ra ý kiến: “Các ông có lửa trong người thì phải tự dập lửa. Đó là trách nhiệm hàng đầu của một người đóng vai trụ cột gia đình. Các bà vợ chỉ là người hỗ trợ, động viên, nhất là không gây ra những hành vi nhằm kích hoạt lửa, không khiêu chiến”.
Hồi nhỏ, các cậu con trai hay bị bà mẹ “nghiêm cấm” kiểu nhõng nhẽo, hay khóc nhè, nhưng các bà mẹ thường bật đèn xanh “Con trai mà!” khi cậu bé tỏ ra cộc cằn, la hét. Cậu bé học được bài “Con trai thì có quyền nóng, và nóng mới khác với bọn con gái luôn dịu dàng, mềm mỏng”. Khi trưởng thành, lập gia đình, nhiều ông chồng cũng tiếp tục “nóng” một cách vô thức. Và nguy cơ ly hôn cao, khi các bà vợ thời nay không công nhận quyền được nóng của ông xã, như mẹ của ông ngày xưa.
Những người phụ nữ nóng tính thường được phong tặng danh hiệu “nóng như… đàn ông”, nên nóng giận được coi là thuộc tính của phái nam. Thế nhưng, cũng có không ít ông chồng tự giác ngộ và kiểm soát được cảm xúc của mình. Và điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho gia đình.
Anh Hồ Thái Nguyên, giám đốc một công ty TNHH ngành giày da, là một điển hình. Anh cho biết: “Sau một lần nghiến răng, trợn mắt với thằng con trai dám cạo đầu trọc lóc, tim tôi đau nhói, khó thở. Thêm hậu quả nữa là mối quan hệ vợ chồng bất hòa, khi vợ tôi cho rằng tôi không biết cách dạy con. Đúng là không nhịn được một lúc mà mệt lâu dài. Sự đau đớn thể xác, và nỗi lo gia đình tan vỡ như một sứ giả trao cho tôi thông điệp phải thay đổi. Tôi cố gắng kiềm chế, về nhà, mỗi khi gặp chuyện bực mình, tôi lánh vào phòng riêng, uống cốc nước mát, nghe nhạc, nghĩ đến những gì mình yêu thích… Thế nhưng, cho đến khi đi nghe buổi nói chuyện của Mike George – diễn giả người Anh, một chuyên gia quản lý và phát triển bản thân, vào đầu tháng 5, với chủ đề “Từ giận dữ đến bình an”, tôi mới hiểu ra hết tác hại của sự giận dữ, nhận diện ra được những niềm tin mù quáng đã vô tình nuôi dưỡng sự tức giận. Khi đã có nhận thức đúng đắn, tôi sản xuất ra những suy nghĩ tích cực, điều chỉnh cách cư xử, hành vi. Điều kỳ lạ, là khi tôi dịu mát, thì con trai tôi cũng bớt ngông nghênh, cứng đầu. Vợ chồng vui vẻ, thân thiết hơn. Tôi nghĩ, tạo ra không khí gia đình êm ấm đồng nghĩa với việc tôi làm tròn trách nhiệm làm chồng, làm cha hơn là khi chỉ biết mang tiền về nhà”.
Dành cho các quý ông hay nổi nóng: 7 NIỀM TIN TAI HẠI hay được sử dụng để nuôi dưỡng sự tức giận “Giận dữ không những nguy hại đến sức khỏe, mà còn tổn hại đến tinh thần, giết chết khả năng sáng tạo của con người. Tức giận là kẻ thù nguy hiểm đối với cuộc sống bình an, mãn nguyện, hạnh phúc. Nó có thể hủy hoại sự nghiệp và khả năng tạo dựng mối quan hệ của bạn với mọi người đang cùng chung sống trong gia đình, cộng đồng. Bình an là trạng thái nguyên thủy nội tâm, nó sẽ không xuất hiện nếu như bạn đánh mất nhận thức của mình về nó. Bình an là nền tảng quan trọng của sức mạnh nội tâm” Mike George |
Phước Chung