Cindy Thái Tài: Tôi không phải “nghiệp chướng”

Gặp lại Cindy Thái Tài trong vẻ giản dị của một người phụ nữ không trang điểm nhiều, sự nữ tính của chị toát lên không chỉ ở trong từng lời ăn tiếng nói, điệu bộ, mà còn như đến từ một câu chuyện khác: Câu chuyện của một bà mẹ.

Tôi đã từng có ý định tự sát

Chào Cindy Thái Tài, chị đã từng nói rằng, mẹ là người chị yêu thương nhất trong gia đình. Nhưng chị lại có một quá khứ khá buồn khi chị từng bị mọi người chọc ghẹo, kỳ thị. Những lúc đó, mẹ chị đã ở đâu?

Tôi vẫn có cảm giác khi một đứa trẻ bị bạn bè chọc ghẹo, chúng thường cần sự bảo vệ từ phía người thân. Tôi cũng vậy. Tuy mẹ vẫn ở đó với tôi nhưng tôi còn phải ra đường, đi học, đi chơi, còn mẹ thì đi làm. Không thể lúc nào mẹ cũng ở bên cạnh để bảo vệ tôi, cho dù có lần mẹ đã đến trường để góp ý với cô giáo chủ nhiệm. Chuyện chọc ghẹo suy cho cùng là chuyện của trẻ con với nhau, người lớn dù thế nào cũng không thể can thiệp. Nhưng sự chọc ghẹo đến mức kỳ thị của những người bạn ấy đối với tôi là một nỗi đau.

Cho đến khi tôi trưởng thành, mẹ cũng chỉ bảo vệ cho tôi những khi tôi tâm sự với bà hoặc bà thấy sự việc ấy diễn ra trước mắt. Nhiều khi tôi nghĩ, mẹ là người đã sinh ra tôi nhưng ông Trời lại quyết định giới tính cho tôi, và đó cũng là thử thách trong ngần ấy năm tôi sống.

Thường thì con gái thương cha, con trai thương mẹ. Chị đã phải làm một người con trai cho dù chị không muốn, và chị rất yêu thương mẹ mình. Vậy sau khi chuyển đổi giới tính, tình cảm ấy có gì thay đổi không?

Trước hết, tôi thích dùng từ “điều chỉnh giới tính” hơn là “chuyển đổi”. Tôi nghĩ “chuyển đổi” nghe như có mục đích. Còn tôi, tôi chỉ “điều chỉnh” giới tính của mình theo đúng con người của tôi. Thứ hai, bản thân khi trở thành phụ nữ, tôi càng cảm nhận rõ ràng, làm một người phụ nữ không dễ dàng một chút nào hết.

Trước đó tôi thương mẹ bao nhiêu, thì về sau lại càng thương hơn bấy nhiêu. Về những công việc mà mẹ đã phải gánh vác trong gia đình. Khó khăn lớn nhất của người phụ nữ, tôi vẫn nghĩ đó là sự chịu đựng. Một người phụ nữ bình thường đã thế, huống hồ một người phụ nữ “đặc biệt” như tôi, sự chịu đựng đó sẽ như thế nào.

Nhưng có lẽ, không người mẹ nào mong muốn con mình sinh ra lại khác những đứa trẻ xung quanh. Có khi, họ lại tự dày vò và oán trách bản thân đã “tạo nghiệp” gì để giờ đây sinh ra đứa con như vậy. Nếu để sống thật với bản thân mà vẫn bị ám ảnh bởi nước mắt người mẹ, chị có chấp nhận con đường mình đã chọn không?

Trước đây, có đôi khi mẹ tôi cũng đã nói câu đó. Mà hình như không ít phụ nữ khi làm mẹ đều tự nhận phần lỗi về mình khi con cái bị điều gì đó. Nhưng xin lỗi, tôi không phải là “nghiệp chướng” của mẹ. Tôi cảm nhận được sâu sắc tình cảm của mẹ dành cho tôi, khi bà thấy tôi phải chịu đựng nhiều hơn những đứa con khác.

Tôi đã từng nói với mẹ “Con biết người mẹ nào cũng muốn sinh ra một đứa con hoàn hảo. Nhưng oan nghiệt là con không giống như bản chất của con như là mẹ và bố. Con chỉ còn cách là tự đi điều chỉnh lại cho đúng với bản chất của mình. Cho dù có lúc con đau khổ khi nghĩ rằng cái điều Trời ban cho con đó là một thử thách. Con chỉ mong mẹ đừng buồn vì mẹ đã làm tròn bổn phận của mình”.

Nói là vậy nhưng có những lúc quá bức bối, tôi đã nghĩ đến việc tự tử. Nhưng khi nhìn đôi mắt của mẹ, tôi đã bị ám ảnh bởi những câu hỏi “nếu tôi chết rồi, mẹ sẽ ra sao?”. Một mình mẹ đã sống và chăm lo cho cả gia đình, vậy tại sao tôi không làm được như thế. Và thật may, khi tôi quyết định con đường sống của mình, mẹ tôi đã nói: “nếu con nghĩ điều mình làm là đúng, con hãy làm sớm trước khi quá muộn”.

Có lẽ mẹ cũng đồng ý với tôi rằng, không gì hạnh phúc hơn được sống thật với bản thân mình. Và tôi đã làm được điều đó, xóa đi cái ám ảnh là một “nghiệp chướng” trong lòng mẹ.

Thế nhưng, có một sự thật là những người có khuynh hướng “điều chỉnh giới tính” như chị nói thường rất thích thể hiện bản thân mình trong cộng đồng. Và điều đó làm cho cha mẹ họ khó xử, thậm chí khó sống với những người xung quanh. Chị nghĩ gì về việc bất cứ ai cũng cần giữ thể diện cho gia đình?

Tôi nghĩ rằng, việc thể hiện bản thân cũng phản ánh một phần tư duy và trình độ nhận thức của mỗi con người. Và cách thể hiện bản thân mình của mỗi người đều khác nhau. Khi chưa “điều chỉnh” lại giới tính của mình, tôi vẫn ăn mặc như một người đàn ông, bởi gia đình tôi rất khắc khe, và tôi hiểu điều đó. Ở thời của tôi, mọi thứ không dễ dàng như bây giờ.

Tôi nghĩ thể diện của gia đình không xoa dịu được nỗi đau của tôi, khi tôi không được là chính mình. Nhưng tôi có lòng tự trọng, trong một hoàn cảnh xã hội như thế, tôi không cho phép người ta đánh giá xấu bản thân mình. Nếu tôi được gia đình chấp nhận sớm hơn, có lẽ tôi đã không bỏ lỡ nhiều cơ hội để thành công đến thế. Tôi có thể đóng góp cho gia đình và xã hội nhiều hơn nữa, khi tôi được là mình từ trước.

Không phải có con để thể hiện một điều gì hết

Chị đã tốn rất nhiều tiền của và công sức để có được dáng vóc của người phụ nữ như ngày hôm nay. Nhưng cái thiên chức làm mẹ vẫn là một ước vọng đối với những người “điều chỉnh giới tính”. Giả sử như khoa học tiến bộ hơn, phải bỏ ra gấp nhiều lần số tiền đó để có thể sinh con theo đường tự nhiên, chị có chấp nhận đánh đổi?

Có lẽ nói câu này thì hơi cũ, nhưng tôi vẫn cho rằng bất cứ người phụ nữ nào trên đời này cũng đều muốn được thực hiện thiên chức làm mẹ của mình. Nhưng có những phụ nữ không thể sinh con, điều đó cũng không là gì quá ghê gớm. Nếu khoa học có tiến bộ, có thể làm cho những người “điều chỉnh giới tính” có thể sinh con bình thường, tôi cũng muốn làm. Nhưng tôi không đánh đổi. Nếu điều đó không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, sức khỏe của tôi, tôi không bao giờ làm. Tôi không thể liều sinh con để rồi gặp rủi ro, khi đó, tương lai của con tôi sẽ ra sao? Tôi muốn có một đứa con để chăm sóc, để yêu thương, để mang lại hạnh phúc cho nó chứ không phải có một đứa con để thể hiện một điều gì hết.


Được biết, chị đang có một cậu con nuôi. Và hình như chị phải rất cẩn thận trong việc nuôi con. Vậy nỗi lo lớn nhất của chị khi làm mẹ là gì?

Như đã nói, tôi rất khao khát có một đứa con, nhưng ông Trời không cho tôi điều đó. Nói vậy không có nghĩa tôi không thể có con. Và đối với tôi, con nuôi hay con đẻ không quan trọng. Cho dù hiện nay, tôi không thể đứng tên trong giấy tờ làm mẹ con tôi một cách chính thức, tôi cũng chẳng lấy làm buồn phiền. Tôi yêu thương con mình, thế là đủ. Cũng như những người phụ nữ khác, tôi lo lắng không biết lớn lên con mình sẽ như thế nào. Tôi chỉ đang cố gắng hết sức để mang lại cho con tôi một cuộc sống đầy đủ, còn như thế nào thì cứ để thuận theo tự nhiên.

Có khá nhiều người lo sợ rằng, nếu một người chuyển giới hoặc đồng tính nuôi dạy con thì thường làm cho giới tính của con họ cũng sẽ như vậy. Chị nghĩ gì về điều này?

Cho phép tôi đặt lại vấn đề, cha mẹ tôi đã tạo ra tôi, vậy sao họ không làm cho giới tính của tôi giống như của họ? Vậy thì có lý do gì khi tôi nuôi dạy con mình và tạo ra cho nó giới tính giống tôi? Cho đến giờ này tôi là một phụ nữ, và tôi nuôi dạy con tôi như tất cả những bà mẹ khác. Tôi có trách nhiệm với con mình. Còn nếu sau này nó có ý muốn cần làm việc giống tôi trước đây, tôi sẽ đưa nó đi gặp bác sỹ tâm lý, để xác định thực sự nó muốn như vậy, và tôi sẽ thuận theo ý nó. Nhưng cho đến lúc này, tôi chưa tìm thấy ở con mình biểu hiện gì về lệch lạc giới tính cả.

Vậy có bao giờ với sự nổi tiếng của chị, đến một ngày nào đó, con chị sẽ biết được nó có một bà mẹ “đặc biệt”. Chị đã chuẩn bị tâm lý cho điều này chưa?

Tôi đã chuẩn bị tâm lý từ rất lâu, trước khi tôi có con. Và đó là lý do tại sao tôi không chấp nhận có con ở “trạng thái cũ”. Tôi cũng không chấp nhận việc đưa hình ảnh con mình lên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ sau đúng có một lần tôi công bố con mình trên chương trình của Đài Truyền hình quốc gia, rằng tôi đã có con. Và chỉ vậy thôi. Tôi không có quyền làm thay đổi tương lai của con mình. Còn chuyện sau này lớn lên, nó có chấp nhận tôi hay không thì đó là quyền của nó. Tôi chỉ biết yêu thương con hết mình, và tôi cảm nhận được tình cảm của nó dành cho tôi.


Thực hiện: V.Ũ – Ảnh: Phạm Hoài Nam


From the same category