Thúy Hiền - Không có chữ ((Nếu)) - Tạp chí Đẹp

Thúy Hiền – Không có chữ ((Nếu))

Bộ Sưu Tập

Tôi lấy cảm hứng cho bài phỏng vấn này từ tứ truyện “Nửa kia của Hitler”*, và câu nói của dịch giả Nguyễn Đình Thành: “Một viên đá nhỏ có thể thay đổi dòng chảy của cả một dòng sông”. Nếu thả một viên đá ở đầu nguồn, dòng chảy sẽ đi về đâu? Bởi thế, tôi muốn thử cùng Thúy Hiền – Cô gái Vàng của thể thao Việt Nam ngày nào – xây dựng một Thúy Hiền giả định nào đó. Nhưng Hiền nói, cô không muốn có một chữ "Nếu" nào cả…

Tôi đã phải hy sinh

Năm 1992 có thể coi là một bước ngoặt đối với Thúy Hiền khi chị được ông Hoàng Vĩnh Giang chọn trở thành một trong những môn sinh Wushu đầu tiên tại Việt Nam. Nếu Thúy Hiền không theo nghiệp thể thao, hoặc không gắn với Wushu thì sẽ thế nào nhỉ?

Tôi không nghĩ có con đường khác ấy, bởi tất cả đến với tôi tự nhiên và tuần tự như một định mệnh. Ngay từ nhỏ, tôi và chị Thúy Vinh đã say mê với những bài tập quyền anh của bố, ngày nào cũng lén lên sân thượng xem. Rồi những bộ phim võ thuật Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông bấy giờ… Niềm yêu ấy cứ ngấm dần vào hai chị em như vậy. Nên bây giờ, tôi cũng chẳng hình dung mình có một con đường nào khác, một suy nghĩ nào khác cả.


Tức là chị chưa bao giờ phải đứng trước ngã ba đường?

Cũng không hẳn như vậy. Năm 1997, tôi nhận được lời mời khá bất ngờ từ một người vốn là thần tượng mà tôi vẫn chỉ thấy trên phim ảnh. Thời điểm đó, ông mở một trung tâm chuyên đào tạo diễn viên võ thuật đặt trụ sở tại Mỹ, học viên ở đây sẽ được giới thiệu cho các đoàn làm phim trên thế giới. Để chiêu sinh khóa đầu tiên, ông tới các nước, chọn những tài năng trẻ để trao học bổng và hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt. Thậm chí, ông còn ưu ái tới mức, hứa rằng nếu tôi muốn tiếp tục thi đấu cho đất nước, thì hàng năm đến thời gian có giải đấu, ông sẽ cho tôi về Việt Nam.

Thời điểm đó, tôi đủ trưởng thành để hiểu đây có thể là một bước ngoặt lớn trong đời mình, có thể thay đổi cả số phận của mình, nhưng cuối cùng tôi đã từ chối để ở lại cống hiến cho thể thao nước nhà. Tôi nghĩ đây cũng là một sự hy sinh không nhỏ của mình.

Với một cô gái 18 tuổi, để từ chối được cơ hội hấp dẫn như vậy quả không dễ dàng, phải không? Lúc đó có ai tư vấn hay đưa ra lời khuyên cho chị không?

Thật ra, suốt quãng thời gian đó tôi không có nhiều người để chia sẻ. Mẹ tôi sống ở nước ngoài, cha thì dù sao cũng là đàn ông. Hai chị em lại sớm sống riêng theo chương trình tập luyện chuyên nghiệp. Bạn bè ở trung tâm huấn luyện đều là nam giới cả. Thầy cô thì chắc chắn chẳng ai ủng hộ việc mình ra đi. Vì thế mình cứ tự suy nghĩ và quyết định thôi. Mà tôi thấy mình cũng lạ. Người ta chỉ mong có cơ hội ra nước ngoài để mở mang, còn tôi cứ thích ở đây. Thật lòng mình thấy yêu đất nước lắm, chẳng muốn đi đâu cả, chỉ muốn hàng ngày được gặp những gương mặt quen thuộc, nghe tiếng nói quen thuộc, ăn những món ăn quen thuộc thôi.

Chị hiện nay vẫn sống với nghiệp thể thao, nhưng trong vai trò một huấn luyện viên. Những ngày huy hoàng thì đã ở sau lưng. Vậy nếu bây giờ có một lời mời tương tự, chị có ra đi không?

Mỗi thời điểm có những sự níu kéo khác nhau. Bây giờ lại có gia đình, con cái nữa.

Ở chị hội tụ cả tài năng và nhan sắc, vì thế mà ánh hào quang của chị rạng rỡ hơn nhiều vận động viên chuyên nghiệp và tài năng khác. Có bao giờ chị phải gồng mình để gánh ánh hào quang đó không?

Vận động viên khác với ca sĩ ở điểm đó. Chúng tôi dù được khán giả mến mộ đến đâu, thì cũng không phải sống bằng sự ủng hộ của khán giả. Người ca sĩ tồn tại được hay không chính là nhờ khán giả. Còn với một vận động viên, sự yêu mến của khán giả có thể mang đến một cảm giác vui vẻ, có đôi chút tự hào, nhưng nó không tác động gì đến sự nghiệp của họ cả. Họ phải nỗ lực bằng chính mồ hôi và cả máu của mình. Tôi chẳng bao giờ sống vì ánh hào quang đó, nên có hay không thì cuộc sống của tôi cũng không thay đổi gì cả.

Nhưng nếu Thúy Hiền không phải là một vận động viên ngôi sao và được hưởng nhiều ưu ái đến vậy…

Tôi cũng công nhận là mình nhận được sự ưu ái từ các vị lãnh đạo ngành thể thao. Còn nói chung vận động viên chuyên nghiệp là thiệt thòi lắm. Họ phải gói gọn cuộc sống trong các trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp từ nhỏ, chỉ biết luyện tập và thi đấu, nhưng sống bằng đồng lương ít ỏi, môi trường cũng chưa thật sự chuyên nghiệp.

Khi hết tuổi thi đấu, hầu như không có cơ hội để họ có thể cống hiến tiếp cho thể thao. Một số ít được giữ lại làm huấn luyện viên với mức lương công chức, những người gia đình có điều kiện về kinh tế thì đi du học một ngành hoàn toàn khác, còn lại hầu hết đều ra ngoài bươn chải kiếm sống. Chẳng ai còn tâm trí mà nghĩ đến nghề nữa. Đó là một sự đào thải khắc nghiệt.

Chị đối diện với quãng thời gian mới nghỉ thi đấu như thế nào?

Buồn lắm, đặc biệt là những lần đoàn rục rịch chuẩn bị tới đấu trường quốc tế. Vẫn cái không khí ấy, mà mình thì đã ở bên ngoài. Nhưng may mà công việc, gia đình cũng cuốn tôi đi. Nếu không chắc tôi buồn không chịu được. Giờ thì đã quen với cuộc sống này rồi.

Không thể níu lại được nữa

Trong một bài phỏng vấn, chị có nói rằng chuyện tình yêu của chị với ca sĩ Anh Tú là “sét đánh”. Xin hỏi, nếu có thể quyết định lại, chị có kết hôn với Anh Tú nhanh như vậy không?

Thật ra chúng tôi đã làm bạn với nhau khoảng 2 – 3 năm rồi mới yêu nhau. Tôi nghĩ như vậy cũng không phải vội vàng. Chỉ có điều, thời điểm đó tôi còn trẻ quá.

Khi chị kết hôn thì con riêng của Anh Tú còn rất nhỏ. Bây giờ nhìn lại, chị có nghĩ rằng một người đàn ông dứt áo ra đi khi đứa con của mình còn nhỏ như vậy thì cũng không thể trở thành người đàn ông tốt với một người phụ nữ khác không?

Nói như vậy kể cũng oan cho anh Tú. Khi đó chúng tôi còn là bạn, chuyện gì cũng tâm sự với nhau, nên tôi hiểu rất rõ hoàn cảnh của anh ấy. Khi biết có em bé, thì hai người họ đã chia tay nhau, nhưng anh Tú vẫn đề nghị giữ em bé lại, anh sẽ có trách nhiệm nuôi nấng bé. Đó cũng chính là điều khiến tôi cảm động. Tôi nghĩ, một người đàn ông tốt và có trách nhiệm như vậy, chắc chắn sẽ là người chồng và người cha tốt.

Vậy hôn nhân đã làm giảm bao nhiêu phần trăm màu hồng của thuở yêu đương?

Cũng có nhiều điều nho nhỏ, chuyện gia đình mà. Ví dụ như trước đây khi yêu nhau, người ta rất chịu khó chiều theo những suy nghĩ của mình. Nhưng lấy nhau rồi, người ta quay trở về đúng với bản chất thật, sống theo bản năng của người ta, không còn để tâm đến cảm giác của mình nữa…

Tôi và anh Tú đều có hoàn cảnh gia đình giống nhau, cha mẹ ly hôn nên sống cô đơn, thiếu thốn tình cảm từ nhỏ. Vì thế, chúng tôi cùng tâm niệm sẽ giữ gìn gia đình nhỏ của mình để các con không rơi vào hoàn cảnh như vậy nữa. Thế nhưng, một điều mà khi yêu tôi không nghĩ tới, đó là cách sống, suy nghĩ… của một nghệ sĩ và một vận động viên quá khác nhau. Tôi vốn từ nhỏ sống trong môi trường khép kín, đơn giản, ít va chạm, không được mềm mại. Ngược lại, anh Tú là nghệ sĩ, vốn thích phóng khoáng, tự do, lãng mạn. Hai tính cách trái ngược ấy cứ đẩy chúng tôi rời xa nhau dần, cho tới lúc nhận ra rằng cả hai đã xa cách nhau quá rồi, không thể níu lại được nữa.

Nghe lời nói của chị, có vẻ không có chút giận hờn trách móc gì với anh Tú?

Bây giờ hờn giận trách móc cũng đâu có ý nghĩa gì nữa. Hơn nữa tôi nghĩ rằng lỗi chẳng phải một mình ai. Bản thân mình cũng chẳng phải là người hoàn hảo, cũng có những điều khiến người kia không hài lòng chứ.

Một người bạn đạo diễn của tôi có nói, trong mọi cuộc hôn nhân tan vỡ, mọi lỗi lầm đều ở phía người đàn ông. Họ đã không giữ được người phụ nữ của mình. Chị có nghĩ như vậy không?

Tôi thấy anh ấy nói như vậy cũng đúng. Vì phụ nữ nói chung đều không ai muốn phá vỡ gia đình của mình cả. Khi phụ nữ đã phải quyết định ra đi, tức là người đàn ông không còn gì để có thể níu giữ được họ nữa. Thông thường những cuộc chia ly thường dằng dai, chia tay – quay lại – chia tay… cũng chính bởi sự day dứt và tâm lý không muốn phá vỡ ấy.

Riêng tôi, khi đã quyết định thì tôi làm rất triệt để. Chúng tôi ly thân 5, 6 tháng rồi chia tay hồi giữa năm 2006, sau 4 năm chung sống. Trong suốt quãng thời gian ấy, tôi không cho anh Tú một cơ hội nào để quay lại, dù chỉ là một cái nắm tay. Khi tôi còn muốn giữ gia đình, tôi có thể làm tất cả, có thể chấp nhận tất cả. Nhưng khi đã vượt quá ngưỡng, thì không còn ý nghĩa gì nữa.

Trong cuộc hôn nhân của mình, nếu được làm lại, Hiền sẽ bắt đầu từ đâu?

Câu hỏi này, đúng ra phải hỏi anh Tú chứ. Tôi nghĩ tôi đã làm tất cả những gì nên làm, nên không bao giờ có câu “giá như” cả. Nói chung trong hôn nhân, đàn ông thường khiến phụ nữ thất vọng vì sự thiếu trách nhiệm của họ. Sống với nhau vài năm, tình yêu có thể giảm đi, nhưng chính cái trách nhiệm đó sẽ ràng buộc họ với nhau. Nếu người chồng suốt ngày chỉ thích ở bên ngoài, thì cuối cùng người phụ nữ sẽ cảm thấy chẳng cần đến họ nữa.

Có bài báo nói rằng hiện nay tình cảnh của Thúy Hiền rất bi đát, "nhiều bạn bè đã rơi nước mắt khi thấy Hiền cùng hai cô con gái phải thuê nhà ở và sống khá chật vật với đồng lương HLV ít ỏi…"

Bạn thấy rồi đấy, cuộc sống của tôi bây giờ đâu có thê thảm đến thế? (Thúy Hiền đang sống cùng mẹ và hai con gái trong một căn nhà rất đẹp – PV). Tôi đã quen với việc báo chí chỉ có một nửa sự thật rồi. Tôi có nghe bạn bè nói về bài báo đó, nhưng cũng chẳng tìm đọc.

Là người chủ động trong cuộc chia tay như vậy, nhưng Hiền có lúc nào rơi vào tâm trạng hụt hẫng, mất phương hướng không?

Có chứ. Đã có những lúc tôi mất hết hy vọng vào tương lai. Nghĩ rằng mình đã sống như vậy, sao cuộc sống lại thế này, làm sao có thể tìm được người đàn ông nào đủ tin cậy nữa… Hạnh phúc là gì? Tình yêu là gì? Nhưng rồi có lúc chán nản thì cũng phải có lúc tự xốc mình dậy. Tôi thấy rằng mình cứ sống đúng với mình, rồi sẽ được đền đáp, sẽ tìm được người đàn ông phù hợp và hiểu mình. Có thể với người khác, anh Tú không phải người xấu, chỉ là chúng tôi không hợp với nhau. Điều mà mình không chấp nhận được thì người khác lại có thể bỏ qua được thì sao. Như hiện nay, anh Tú đang yêu một cô ca sĩ, có thể người cùng nghề sẽ dễ dàng hiểu và chấp nhận nhau hơn.

Còn chị, chị đã tìm được người đàn ông ấy chưa?

Tôi đã tìm được rồi, một người đàn ông không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, yêu thương tôi và các con, hiểu tôi hơn người đàn ông trước. Lần này thì tôi xin giữ kín hạnh phúc cho riêng mình.

* “Nửa kia của Hitler”, tác giả Eric-Emmanuel Schmitt, dịch giả Nguyễn Đình Thành, Công ty Nhã Nam kết hợp với NXB Hội Nhà Văn ấn hành. Cuốn tiểu thuyết xây dựng hai nhân vật song song, một tên “độc tài đồng trinh” Hitler của lịch sử và một Adolf Hitler giả tưởng đã không bị đánh trượt khỏi Học viện Mỹ thuật Viên và trở thành một họa sĩ siêu thực lừng danh tại Paris.

Bài: Vũ Thủy – Hình ảnh: Passion

Make-up: Nguyễn Oanh

Thực hiện: depweb

09/09/2008, 16:02