Sau những nỗ lực không mệt mỏi để giành lại khán giả đến với phim Việt, vừa mới khởi sắc một chút, điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam lại phải đương đầu với một kẻ thù mới: Lạm phát và trượt giá! Hơn lúc nào hết, các nhà sản xuất phim đã bắt đầu cảm thấy… oải, và đối diện với nguy cơ thua trắng trên sân nhà!
Điện ảnh Việt thời… kỹ thuật số!
Nói kỹ thuật số nghe cho nó oai, nhìn sâu hơn đó là một bước thụt lùi. Điện ảnh dù có tiến triển như thế nào vẫn phải là phim nhựa. Làm phim kỹ thuật số trên thế giới bây giờ phát triển như vũ bão, nhưng kinh phí làm phim kỹ thuật số của họ cũng chẳng thua kém phim nhựa là bao. Ở Hollywood bây giờ làm phim kỹ thuật số khá nhiều, nhưng lý do chính là để việc xử lý kỹ xảo cho dễ dàng hơn.
Ở Việt Nam, làm phim nhựa giờ chỉ có Nhà nước với những điều kiện hết sức bèo bọt. Còn các hãng phim tư nhân – trừ ba bộ phim Việt kiều năm vừa qua – thì ba năm qua
đã chọn giải pháp quay kỹ thuật số rồi chuyển sang nhựa chiếu rạp như một hình thức tối ưu để tránh rủi ro.
Nhưng làm kỹ thuật số ở Việt Nam mấy năm vừa qua chỉ là theo tiêu chuẩn… nghiệp dư. Bởi máy quay hay những thiết bị đồng bộ chưa có, toàn là những thiết bị chỉ có giá thành trên dưới 10.000USD. Đã vậy, quay kỹ thuật số rồi chuyển sang nhựa chiếu rạp rất phức tạp và khá rối rắm, nên các hãng cứ vừa làm vừa mày mò, do đó chi phí cũng chỉ ở mức vừa phải.
Mặc cho các nhà sản xuất cứ hét tướng lên là đầu tư 6-7 tỷ, nhưng thực chất không phim chiếu Tết nào dám sản suất quá 4 tỷ! Hơn con số đó, xác suất… “húp cháo” rất cao!
“Cơn bão giá” ập đến sau Tết làm cho các Hãng phim tư nhân lao đao và im hơi lặng tiếng mãi đến giữa năm mới lác đác công bố kế hoạch sản xuất phim Tết. Đến thời điểm này ở Việt Nam mới chính thức xuất hiện những thiết bị kỹ thuật số cao cấp theo chuẩn Hollywood. Trong đó nổi bật nhất là camera kỹ thuật số Red One với độ phân giải gấp đôi phim nhựa (4K so với 2K).
Cảnh trong phim "Huyền thoại bất tử" |
Những hãng làm phim Tết đã bắt đầu sử dụng máy quay này như Chánh Phương (phim “14 ngày”), Thần Đồng (phim “Huyền thoại bất tử”). Một số hãng khác thì phân vân, bởi giá thuê Red One cũng không rẻ. Còn dùng máy quay kỹ thuật số kiểu cũ, thì chắc chắn sẽ cho ra chất lượng hình ảnh quá “bèo” so với các đối thủ!
Nhưng thật ra tiền thiết bị cũng chỉ là một phần, mà nặng nhất hiện nay là mọi chi phí đều tăng, trong đó tiền thù lao cho đạo diễn, kịch bản, quay phim và diễn viên tên tuổi hiện đã leo thang vùn vụt!
Theo đánh giá của các Hãng làm phim Tết, năm nay họ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn mọi năm, và dự đoán tiền sản xuất phim sẽ bị đội lên từ 20 – 30%. Đó là chưa kể đến việc tỷ lệ ăn chia giữa chủ rạp và chủ phim vẫn giữ y nguyên, giá vé chưa tăng là bao, rồi còn cạnh tranh giữa các phim, chi phí quảng cáo PR tăng cao…
Ở Việt Nam nguyên tắc làm phim xưa nay là, tăng chỗ này thì bắt buộc phải giảm chỗ khác để cân đối chi phí. Có những thứ giá cả không thể thay đổi thì phải cắn răng mà chịu, và thường trong trường hợp này, nạn nhân đầu tiên lãnh đủ sẽ là thù lao của những nhân công làm phim, sau đó là tới kinh phí chi trả cho phim. Như vậy, hy vọng về việc khán giả được xem những bộ phim tươm tất, e rằng sẽ rất khó khăn trong hoàn cảnh này!
Còn các Hãng nhà nước thì sao? Điệp khúc muôn đời vẫn là chờ “nguồn sữa” mẹ từ các bộ phim Nhà nuớc đặt hàng, để sống lay lắt “cầm hơi” qua ngày. Với mức xét duyệt kinh phí làm phim nghiệt ngã và vô lý tồn tại từ… thế kỷ trước, e rằng dùng chữ ngắc ngoải cho thân phận của các Hãng phim Nhà nuớc xem ra cũng còn quá nhẹ!
Nỗi thống khổ của phim truyền hình
“Tín hiệu chết” đầu tiên đã được phát ra từ anh cả VTV. Sau 20 năm lừng lẫy, chương trình Văn nghệ Chủ nhật sẽ nói lời chia tay vào tháng 9 này. Tương tự, chương trình Điện ảnh chiều thứ 7 cũng bị xóa sổ vào tháng 10, sau 8 năm tồn tại.
Lý do được đưa ra là hai chương trình này không còn phù hợp. Nhưng ai cũng biết từ lâu hai chương trình này là “cục nợ” của VTV – đặc biệt là Điện ảnh chiều thứ 7 Mặc dù số tiền đầu tư cho cả hai chẳng là bao (kinh phí cho thời lượng 100’ của Điện ảnh chiều thứ 7 chỉ có 110 triệu, còn Văn nghệ Chủ nhật cũng vào khoảng đó).
Cảnh trong phim "Luật giang hồ" |
Một chương trình muốn sống lâu là phải sinh lãi cho nhà Đài. Cả hai chương trình trên đều vắng bóng quảng cáo, Văn nghệ Chủ nhật lâu lâu còn có chút đỉnh, còn Điện ảnh chiều thứ 7 thì… “lõm” nặng!
Sóng truyền hình bây giờ là vàng, là ngoại tệ, làm sao VTV có thể để phí đến 200’/tuần. Đã không thu được “xu” nào lại còn phải “nuôi báo cô” cả chục năm ròng! Nhất là bây giờ lạm phát và trượt giá cũng khiến VTV lao đao và việc phải cơ cấu lại các chương trình không hiệu quả là lẽ đương nhiên.
Ở phía Nam, phim truyền hình đang phát triển mạnh bởi chiến lược xã hội hóa của HTV thành công ngoài dự đoán. Nhưng rồi cơn bão trượt giá ập đến chẳng dung tha ai hết, khiến những nhà sản xuất phim truyền hình giờ phải lâm vào cảnh khốn đốn dở khóc dở cười.
Kinh phí quá eo hẹp nên việc thắt lưng buộc bụng là mối quan tâm hàng đầu của nhà sản xuất. Ngay từ ở dạng đề cương kịch bản, các tác giả đã được khuyến cáo nên viết ít nhân vật và giảm bớt bối cảnh cho đỡ tốn kém. Mà khổ nỗi muốn viết được như vậy đâu phải dễ, phải là những nhà biên kịch giàu kinh nghiệm ở những nuớc mà phim truyền hình phát triển mạnh mới có đủ bản lĩnh làm được điều đó! Chính vì vậy “tội” lớn nhất của phim truyền hình Việt là cứ cố tình kéo dài lê thê mà chẳng có chuyện gì để xem!
Vai trò của các đạo diễn bây giờ không còn uy quyền như ngày xưa, bởi quyền hành đều thuộc về nhà sản xuất. Nếu gặp một nhà sản xuất giỏi nghề thì đạo diễn còn được nhờ, bằng ngược lại thì đạo diễn đành phải liều “nhắm mắt đưa chân” để giữ được chén cơm! Thông điệp của nhà sản xuất thường truyền đạt cho đạo diễn là “Nhanh hơn và nhanh hơn nữa!”. Đó là lý do vì sao những người được săn đón hiện nay không cần phải là tài năng, nhưng phải là người làm phim nhanh nhất!
Nhanh ở Việt Nam thường đồng nghĩa với… ẩu! Mà tiền lại ít nữa, nên cái sự ẩu này nó càng bôi bác hơn. Nhà làm phim nào cũng biết diễn viên chính là linh hồn của bộ phim. Nhưng giờ tiền ít quá nên đành phải… chọn bừa! Tệ hại hơn đó là kiểu làm việc “khoán” tiền diễn viên.
“Khoán”, nghĩa là tổng số tiền diễn viên (bao gồm chính, phụ, quần chúng…) phải chi cho bộ phim, đuợc giao “một cục” cho đạo diễn với thỏa thuận “lời ăn lỗ chịu”. Việc còn lại của đạo diễn là làm mọi cách để số tiền chi cho diễn viên ít nhất, phần còn lại “đút túi”!
Giới diễn viên vừa rồi “xôn xao” với thông tin M.T – cô diễn viên từng nổi đình đám cách đây vài năm, đã nhận số tiền cát-xê bèo bọt đến mức không thể tin nổi (khoảng 15 triệu) trong bộ phim truyền hình dài 30 tập vừa làm “xôn xao” dư luận! Tính ra cô nhận chỉ 500.000đ cho một tập phim! Trước khi vai diễn này tới tay M.T, tất cả các diễn viên được nhắm cho vai này đều lắc đầu từ chối, bởi số tiền cát-xê mà theo họ đó là… “sự sỉ nhục!”. Cũng không khó hiểu khi dàn diễn viên trong phim này bị dư luận chê bai không tiếc lời!
Diễn viên còn bị đối xử như vậy, thì những khâu khác còn bị cắt xén nặng nề đến thế nào! Ngay như mới đây, bộ phim lịch sử về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ “Vó ngựa trời Nam”, kinh phí do nhà Đài bỏ ra cũng chịu không nổi với cơn lốc của lạm phát và trượt giá. Đại cảnh dàn trận nghĩa quân đối đầu với thực dân Pháp mà lèo tèo chỉ có 7-8 con ngựa ốm! Phim bấm máy đã vài tháng mà những nhân viên trong đoàn phim cứ rơi rụng dần dần, vì điều kiện làm phim kham khổ mà thù lao thì bèo bọt không sống nổi.
Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn cả là nhiều đơn vị sản xuất đầy tiềm năng, đã không thể chống chọi nổi với tình hình lạm phát ngày một tăng cao. Quy định ràng buộc hợp đồng với Đài lại quá ngặt nghèo, không phù hợp với tình hình hiện tại, khiến họ đành ngậm ngùi rời bỏ cuộc chơi chỉ sau một hai phim đầu tiên.
Những tín hiệu mới khả quan từ HTV
Năm 2008 có thể nói là một năm thành công vượt bậc của các giờ phim Việt trên HTV, đặc biệt là sức hút của vệt giờ mới 10g30 – 11g30. Chỉ mới nửa năm đầu tiên, cả ba vệt giờ phim Việt đã khẳng định hướng đi đúng của HTV và Tp.HCM vẫn là thị trường phim truyền hình sôi nổi nhất cả nước.
“Cơn bão giá” gần như không hề ảnh hưởng đến nhà Đài, bởi những bộ phim phát sóng năm nay đã được các công ty sản xuất lên kế hoạch tài chính từ năm 2007. Tuy nhiên, trượt giá đã khiến các bộ phim sản xuất trong năm đa số làm rất cẩu thả, dẫn đến chất lượng phim bị dư luận phản ứng dữ dội.
Nhận thấy được sự bất cập trong việc quản lý giờ chiếu và đăng ký phim (phim đã được Đài chấp thuận là đương nhiên được phát sóng) đã dẫn đến tình trạng yếu kém chung của các bộ phim. Dự kiến sang năm 2009, Ban khai thác phim truyện của HTV sẽ áp dụng những tiêu chuẩn duyệt khắt khe từ đề cương kịch bản cho đến trước khi phát sóng. Nếu bộ phim không đạt đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và nội dung yếu kém cẩu thả, sẽ không được phát sóng.
Nhưng trên hết có lẽ là động thái tích cực mới nhất của nhà Đài hy vọng sẽ làm phấn khởi các nhà sản xuất: Từ 2009, HTV sẽ nâng giá thành sản xuất một bộ phim lên trên mức 200 triệu/tập (thông tin không chính thức: Con số đó sẽ dao động khoảng từ 220 – 230 triệu/tập, so với con số 180 triệu/tập đã tồn tại từ 2005).
Việc tăng giá này kèm theo những quy định mới về duyệt phim, không ngoài mục đích hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong “Cơn bão giá”, mà còn thể hiện quyết tâm nâng dần chất lượng phim Việt trên sóng truyền hình.