Đối thoại với Nguyễn Cường - Tạp chí Đẹp

Đối thoại với Nguyễn Cường

Bộ Sưu Tập

Nguyễn Cường nổi danh trong giới nhạc không chỉ bởi tài năng mà còn bởi những nhận xét cực đoan về nhiều thứ, nhất là về âm nhạc. Trong những dịp gặp nhau, bọn tôi thường xoay quanh hai chủ đề chính: chuyện nhạc và chuyện “nửa kia của người đàn ông“.

Gần 40 năm rồi, kể từ lần gặp đầu tiên, Cường tính khí không có nhiều thay đổi. Khi tôi gọi điện thoại mời ông bạn vàng của mình vào cuộc đối thoại Đẹp+1, Cường khoái: “Lại những chuyện ấy chứ gì?”. Đúng là lại những chuyện ấy, nhưng không thể thoải mái như khi nói chuyện bình thường, bởi đây là cuộc “cà phê internet”, phải viết ra những điều mình suy nghĩ, nghĩa là có cân nhắc, lựa chọn. “Nghiêm chỉnh” một tý để bạn đọc đỡ phê bình, kể cũng mất vui. Nhưng có một cái vui khác là những cuộc đối thoại như thế sẽ đươc chia sẻ với bạn đọc.

Chuyện nhạc:
70 năm bài hát Việt & bài hát Việt tuổi 70

70 năm bài hát Việt

Dương Thụ: Tháng này, 70 năm trước, cụ Nguyễn Xuân Khoát chắc là sau rất nhiều lần sửa đi sửa lại bản thảo, đã cắp ô đến tòa soạn báo Ngày Nay gửi đăng sáng tác đầu tay của mình. Đây là bài hát Việt đầu tiên được viết ra bởi một nhạc sĩ chuyên nghiệp, được ký âm nghiêm chỉnh và công khai trên mặt báo. Một con người như thế, một sự kiện như thế, lại rất ít khi được nhắc tới. Có vẻ chúng ta rất mau quên.

Nguyễn Cường: Với chúng mình, cụ Khoát luôn là hình ảnh con chim đầu đàn của bài hát Việt. Từ cụ Khoát tới nay âm nhạc Việt Nam đã đi bao nhiêu chặng đường và thật xứng đáng tấm gương phản ánh tâm hồn người Việt chúng ta. Mọi chặng đường đều ghi lại biết bao tài năng và tài hoa âm nhạc.

Từ thế hệ đầu Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Văn Chung, Phạm Duy rồi đến Hoàng Vân, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn… Các thế hệ nối tiếp nhau bộc lộ suy tư, tình cảm và vẻ đẹp tâm hồn Việt qua mỗi đổi thay trầm thăng lịch sử.

Dương Thụ: Công chúng chỉ biết đến bài hát, ít khi họ để ý đến tác giả và các sự kiện quan trọng của âm nhạc. Cụ Khoát là tác giả nhưng viết lại không du dương, không thuận tai đại chúng. Dễ nghe hơn như cụ Đỗ Nhuận, Hoàng Vân người ta vẫn chẳng để ý nữa là. Vả lại người Việt mình hăng hái đổi mới quá nên mắc bệnh chóng quên. Quên những người đặt nền móng, những người đi trước quả là tai hại. Về điểm này một nhạc sĩ trẻ đã thẳng thừng nói với mình: “Cháu nói thật chứ có gì hay đâu để mà nhớ” (?!?!).

Các nhà phê bình âm nhạc ở đâu? Sao có vàng mà lại chẳng dám phô. Những bài nhận định, tổng kết thì tôn vinh, ca tụng rất ghê gớm nhưng là ca tụng chung chung không cụ thể. Cụ nào cũng có vài chữ như thế, xem ra cụ nào cũng hay nhưng lại chẳng có những đặc sắc riêng biệt nào và tất cả chỉ đăng trong một tờ tạp chí chuyên môn phát không cho hội viên và một vài quyển sách hầu như không phát hành được cho ai ngoài mấy thư viện và vài nhà nghiên cứu độc lập.

Nói đến Việt Nam, người nước ngoài nghĩ Việt Nam là chiến tranh. Nói đến âm nhạc, chắc nhiều người thành thị Việt Nam nghĩ âm nhạc là Trịnh Công Sơn, là Văn Cao, là nhạc Tiền chiến (!?). Thật ra nhạc Việt dù có thể không so sánh được với ai, nhưng chắc có nhiều hơn thế, giá trị hơn thế. Các nhà sản xuất âm nhạc, giới truyền thông, tuy không phải là tất cả đã chạy theo thước đo cảm tính của công chúng. Và giới phê bình thì… thật khó nói, họ làm mà giống như chẳng làm gì cả.

Nguyễn Cường: Quả đúng vậy, làm sao ta trách được công chúng, khi mà chính chúng ta và những nhà phê bình không vào cuộc một cách sâu sắc. Cứ nhìn chẳng đâu xa, Hội văn vừa làm riêng một hội thảo về nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngay khi ông còn đang sống rất khỏe và viết rất khỏe. Hội nhạc ta có bao nhiêu nhạc sĩ để có thể hội thảo một cách hoành tráng. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một ví dụ. Giữa lúc âm nhạc Việt Nam vẫn còn ủ ê sướt mướt trong không khí nhạc vàng (bây giờ người ta gọi một mỹ từ cho sang là tiền chiến), thì Đỗ Nhuận đã cất lên tiếng hát hào sảng mà lại rất Việt Nam.

Lần đầu tiên trong âm nhạc của chúng ta, tôi nghe một quãng 8 hào sảng đến vậy trong bài Đồi Him Lam: “Đột phá chúng ta tiến vào”. Đúng là Đỗ Nhuận đã đột phá cái âm khí của nhạc chúng ta lúc đó mà truyền vào nó cái khí dương của thời đại mới. Đáng bàn lắm, đáng thảo lắm chứ.

Và còn bao nhiêu nhạc sĩ khác mà đóng góp của họ về ngôn ngữ âm nhạc thật mới mẻ, vừa hiện đại vừa truyền thống. Có một số người tỏ ra lo lắng về thế hệ trẻ quay mặt với nhạc truyền thống. Nếu chúng ta có nhiều hội thảo kèm theo đêm diễn một cách trang trọng những đóng góp đó thì tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ sớm hiểu ra những giá trị đích thực của âm nhạc. Rất vui là trong chương trình của Bài hát Việt được phát sóng hàng tháng, mỗi số đã có hai tiết mục tôn vinh những giá trị trên.

Bài hát Việt tuổi 70

Dương Thụ: 70 là tuổi già, bài hát Việt tuổi 70, già quá nhỉ. Bọn mình cũng gần bằng tuổi bài hát Việt, vài năm nữa cũng 70 chứ còn gì. Nhớ lại gần 40 năm trước nghe bài hát “Tháng tư”, hay “Mùa hè” gì đó của Cường phát trên radio thật trẻ trung, phơi phới. Mình hỏi Tiến (Trần Tiến): “Cường là thằng nào thế?”. Tiến cười “Cường Hàng Bạc, Cường xen lô ấy mà”. Thế rồi bọn mình gặp nhau tại cuộc thi vào khoa sáng tác đại học, “công xéc va toa” Ô Chợ Dừa, năm 1972, gặp nhau là thân liền.

Chúng ta quấn quýt với nhau, cùng nuôi giấc mộng lớn. Bây giờ thì đã biết giấc mộng ấy “lớn” đến đâu rồi. Thụ cũng chỉ là Dương Thụ, Cường cũng chỉ là Nguyễn Cường. Và đến bây giờ có người đã coi bài hát của “ông Thụ, ông Cường” là bài hát của ông già (dĩ nhiên có thể họ nghĩ là ông già gân. Liệu mình già nhưng bài hát có già không nhỉ?

Nguyễn Cường: Đúng là dạo ấy chúng mình có những giấc mơ lớn lao thật. Những giấc mơ Chopin, Beethoven, Stravinski… Nhưng rồi năm tháng đã cho chúng mình hiểu cái hạn chế của Việt Nam bé bỏng, của chiến tranh, của kinh tế, của dân trí nữa. Thôi ta đành liệu cơm gắp mắm, bằng lòng với mấy bài hát xinh xinh vài chục nhịp nhạc. Nó đúng với Việt Nam và đúng cả với chúng ta những năm tháng này.

Nhưng Thụ này, nói vậy không có nghĩa là yếm thế bi quan đâu nhé. Có những ca khúc để chia sẻ, để được đồng cảm với 70 triệu đồng bào của mình là hạnh phúc rất lớn rồi. Nghe Trần Tiến mà “bằng lòng đi em”.

Sao cậu lại nghĩ là chúng mình già nhỉ. Tớ chưa nghĩ tới việc này. Vẫn đi vẫn viết, vẫn ham muốn. Mai chết hôm nay vẫn cười và hát và yêu. “Trời cho là được, đất gọi là đi”.

Dương Thụ: Tuổi chắc là già. Con người sinh học cũng già luôn. Mình tóc đã bạc, mỗi tháng phải nhuộm một lần, còn Cường thì đầu bị hói nên luôn phải đội mũ là gì. Nhưng… tính tình chắc là còn trẻ lắm (ý là nói Cường thôi). Vừa rồi ông Châu Diên gặp mình, sau một hồi quan sát phán ngay một câu: “Thụ này, mày già rồi đấy”, tớ cười: “Anh đừng lo, em đã già từ lúc còn trẻ mà” (năm 20 tuổi có biệt danh “cụ non”, năm 37 tuổi được Trần Tiến gọi là “ông già đau khổ”, nên bây giờ có bảo Thụ già cũng chẳng hề hấn gì).

Cái mình muốn nói không phải là chuyện trẻ già của bọn mình mà là của bài hát kia. Bài hát thì không bao giờ già Cường nhỉ, vì nếu không hay thì nó đã chết non rồi. Bài hát bao giờ cũng trẻ hơn người viết ra nó. Khoảng năm 2000, 2001 gì đó, một fan nữ hâm mộ xinh đẹp đã thốt lên nỗi thất vọng khi gặp mình ở ngoài đời: “Nghe bài hát của chú (chắc là trước khi gặp dự định gọi bằng anh – tiếc thật) cháu cứ tưởng chú trẻ hơn thế này cơ ”.

Chuyện nửa kia của đàn ông:
Đàn bà làm nhạc, đàn bà hát, và đàn bà để yêu

Đàn bà làm nhạc

Dương Thụ: Phụ nữ là nghệ sĩ biểu diễn thì rất đông, đông tới mức người ta bảo bây giờ âm thịnh dương suy, nhưng là nhạc sĩ sáng tác thì rất hiếm. Hiếm nên quí vô cùng. Cả thời tiền chiến và kháng chiến không có một bài hát nào do người viết là nữ để lại. Thế hệ bọn mình chắc là có Trương Tuyết Mai và có thể còn một người nữa là Hà Té, nhưng chỉ thấy có một bài viết chung với ông Hoàng Đạm.

Nguyễn Cường: Cùng thế hệ với bọn mình còn có Thụy Loan, Nguyễn Thị Nhung với nhiều tác phẩm khí nhạc trong giới phải kính nể đấy chứ. Đôi khi mình nghĩ nghệ thuật là đẹp, đàn bà là đẹp, vậy đàn bà cần gì phải sáng tác, đi tìm cái đẹp ở đâu nữa. Nói câu này chắc chị Thụy Loan, chị Nhung giận lắm đấy. Mà nói cho cùng, cái sự nghiệp sáng tác đâu có suôn sẻ dễ dàng chi. Người ta chỉ thấy mấy ông nhạc sĩ mơ mộng ca hát, có biết đâu cái giá họ phải trả cho từng nốt nhạc mới, cho từng ca từ sáng tạo.

Những trăn trở tìm tòi đi tìm chất liệu, tìm đề tài mà người ngoài cuộc hay gắn cho cái chữ lang thang. Cho nên khi thấy các nữ nhạc sĩ trẻ mình vừa vui, vừa lo cho họ, liệu họ có trả nổi cái giá mà vai trò đặc biệt của người vợ trong gia đình Việt Nam luôn luôn ở trên vai họ.

Dương Thụ: Đừng lo Cường ơi. Nữ nhạc sĩ trẻ bây giờ họ lấy chồng muộn lắm. Ngoài 30 vẫn đang xoan mà. Lo gì, ở nhà với bố mẹ. Yêu là đủ rồi. Mà yêu nhiều thì mới ra nhạc chứ. Trông con sớm có khi lại hỏng đấy. Còn có cô lấy chồng sớm, nhưng chồng lại là nhạc sĩ sáng tác, cùng nghề thì cũng lo gì. Bây giờ đàn ông nấu cơm, trông con có khi còn giỏi hơn cả đàn bà.

Có lẽ thế hệ chúng ta tính nam quyền nó cao nên đàn bà con gái mới ít người trở thành nhạc sĩ sáng tác như thế. Giờ nam nữ bình đẳng, chỉ nội cuộc thi Bài Hát Việt thôi, số người tham gia là nữ được chọn vào chung kết và được trao giải thưởng cũng khá đông: Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Trịnh Minh Hiền, Sa Huỳnh, Lê Yến Hoa, Bảo Lan, Minh Phương, Mai Khôi…

Tất nhiên là họ chưa thể là Thụy Loan hay Nguyễn Thị Nhung, nhưng họ là những tác giả tiềm năng, chỉ vài năm nữa thôi nhiều người trong số họ sẽ trở thành tác giả thật sự và một vài người có thể có tác phẩm để đời đấy. Hãy tin mình đi.

Những người đàn bà hát

Dương Thụ: Nữ ca sĩ đông lắm. Bọn mình hoạt động nghề cũng đã vài chục năm nay, nghe, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với họ cũng đã nhiều, Cường thử nghĩ xem những ai có thể được gọi là người đàn bà hát (chứ không phải ai là Diva theo cách hiểu kiểu như của các nhà báo).

Hát không phải là diễn. Gào thét, quằn quại, nức nở… và tất cả những thứ này dù được “tố” lên bằng kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, bằng kinh nghiệm sân khấu già dơ, nhưng “bên trong”, “đằng sau” câu hát lại chẳng có gì thì cũng chỉ là diễn thôi. Hát không phải chỉ có giọng. Giọng tuyệt vời, nhưng nội tâm nông cạn, hát mà chẳng có điều gì để “nói” với người nghe thì khác nào một thứ robot – ca sĩ tuyệt hảo. Người đàn bà hát không như thế.

Nguyễn Cường: Mình mới thấy một người, đó là nghệ nhân Hà Thị Cầu ở Ninh Bình. Bà theo học một ông già mù hát xẩm và làm vợ thứ của ông ta. Cho tới nay, hơn 80 tuổi vẫn hát với tất cả sự say mê kỳ lạ. Có lần được nghe bà hát trong một hội diễn toàn quốc về dân ca mà mình được làm giám khảo, mình phải ghi vào phiếu chấm điểm như sau: “Tôi không đủ tư cách, tài năng để chấm nghệ nhân này”.

Dương Thụ: Thế còn các ngôi sao ca nhạc của ta: Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Tâm thì sao?

Nguyễn Cường: Cậu lại quên câu nói gần 20 năm trước về mình rồi ư?. “Nguyễn Cường là người yêu dân ca tới mức sùng bái” (lời nhận xét này không biết là khen hay chê nhưng mình rất sung sướng), nên khi được hỏi về người đàn bà hát là mình nghĩ ngay tới nghệ nhân. Còn mấy ngôi sao cậu nêu mình thấy họ còn trẻ quá để nói về điều trên. Tuy nhiên mình đã cảm thấy Lam, Linh, Nhung cũng có một cái gì đó…

Và đàn bà để yêu

Dương Thụ: Chuyện lá cải một chút, người ta hay bảo người đàn bà để yêu của nhạc sĩ thường là ca sĩ. Điều này có vẻ đúng. Các cặp vợ chồng là nhạc sĩ – ca sĩ ở ta nhiều lắm. Nhưng bọn mình thì không phải. Sao thế nhỉ?

Nguyễn Cường: Đàn bà là một thế giới hoàn toàn khác với chúng ta, mãi mãi bí hiểm. Người đàn ông biết yêu, hay không biết yêu, yêu nhiều lần hay yêu ít, cuối cùng vẫn phải thốt ra: Một nửa kia mãi mãi là đường tiệm cận với chúng ta. Và như thế mới hay.

Họ như là một giao hưởng xuất sắc, nghe mãi vẫn thấy cảm xúc mới, vẫn không thể nói là hiểu hết được. Đàn bà thật giống như nghệ thuật: mờ ảo, xa xăm. Có lẽ vậy bọn mình thích người đàn bà để yêu có công việc khác với mình. Nói là vậy thôi chứ tại số cả. Ông tơ bà nguyệt định đoạt cả rồi.

Dương Thụ: Ông tơ bà nguyệt là chuyện hôn nhân. Yêu có thể khác đấy. Có phải cứ yêu nhau là lấy được nhau đâu, và có phải cứ lấy nhau tức là đã từng yêu nhau đâu. Cường dạo này “tán” giỏi thật. Ca tụng đàn bà như thế thật là tuyệt chiêu, hỏi ai mà chẳng yêu. Đối với tớ, người đàn bà để yêu không phải là ca sĩ có lẽ bởi một lý do rất đơn giản, là tớ rất sợ phải nghe người yêu hát, và chẳng may cô ấy thành vợ để rồi phải nghe vợ hát thì khủng khiếp lắm.

Vậy người đàn bà để yêu có thể là bất kỳ người nào (dĩ nhiên không phải là ca sĩ), nó chẳng có tiêu chuẩn gì cả, nó là cái ta chẳng giải thích nổi vì sao. Chỉ biết khi gặp người ấy, ta “bị”, ta “chết”, ta đánh mất cái điểm tựa lý tính và thế là ta “đổ”. Người ấy có vĩ đại không? Có tuyệt vời không? Có thể là cái không gì có thể thay thế không? Ngần ấy câu hỏi lúc ấy chỉ có một câu trả lời: “Có!”, để rồi khi chia tay, lúc hết buồn, lúc đã “tỉnh đòn”, ngồi một mình nghĩ đi nghĩ lại, ta lẩm nhẩm “sao mình lại dớ dẩn thế nhỉ ”. Tình yêu là một kinh nghiệm cá nhân, chẳng ai giống ai.

Nguyễn Cường: Không dám đâu, cậu luôn luôn là thầy của tớ về cái món lí luận này. Phương – Tiến cũng bái cậu mà. Nhưng mà với kinh nghiệm sống, mình thấy cả hôn nhân, cả yêu đương và cả tác phẩm nữa cũng có số của nó đấy.


Bài: Dương Thụ – Ảnh: CTV

Thực hiện: depweb

09/09/2008, 17:37