Quách Đông Phương

Nhà họa sỹ Quách Đông Phương nằm trên phố Sơn Tây. Dọc cầu thang lên nhà anh, treo nhiều tranh, đặt nhiều tượng, lọ… Anh em gọi anh là Quách. Quách nghệ sĩ là người có nhiều thú chơi, và cao hơn, được mệnh danh là sành chơi. Sành chơi, sành thưởng, mà không dởm, ấy là không nhạt!

Cái sành chơi ấy, ở Việt Nam, chỉ có vài người được nể danh như Quách. Anh em nghệ sĩ “phím” người viết, nên gặp Quách, anh ta quả là một kho tàng những câu chuyện. Gặp thì gặp, xem cái nhạt nó tồn tại trong Quách thế nào!


Câu chuyện nhạt

Anh nghĩ gì về cái nhạt?
Cái nhạt của tôi, đồng nghĩa với sự văn minh. Càng văn minh, càng nhạt. Tôi sợ văn minh, nó có một sức hủy diệt văn hóa, mất văn hóa, và thế là ta sẽ nhạt!

Anh là một chuyên gia đi “liang biang” các vùng cao, chả lẽ, đó là một phương pháp giải nhạt của anh?
Tôi nghĩ, công việc của tôi nên đi. Tôi có một anh bạn nghệ sĩ, là người chỉ thích đọc sách, đọc xong, bảo rằng, cần quái gì phải đi. Tôi thì ngược lại, chỉ đọc sách khi cần. Tôi thích nay đây, mai đó, thích nói chuyện với người dân quê, thích các đồ thủ công của họ làm ra. Không đi, tôi cảm thấy mình bị bịt mắt. Càng nơi heo hút, tôi càng thích.

Tôi thích người Mèo, người H’mông ở Mường Khương, Bắc Hà, Sí Mần, Hà Giang. Tôi không thích những vùng người dân tộc đã bị nhiễm văn minh, vì nó sẽ nhạt và chán lắm! Nghệ thuật, là phải liên quan đến cái đẹp, mà cái đẹp, tức là cái không nhạt. Cô cứ thử nhìn 100 ngôi nhà lợp bằng mái ngói âm dương, tất sẽ thấy thú vị hơn là 100 ngôi nhà lợp bằng mái xi-măng.

Mỗi chuyến đi, là một lần bớt nhạt?
Cũng không hẳn. Câu chuyện dọc đường, là những câu chuyện rất… câu chuyện. (Họa sỹ Quách rất thích sử dụng từ câu chuyện). Cũng có cái vui, cái buồn, cái sung sướng, lẫn cái mệt mỏi, cái thất vọng cũng như cái thích thú. Đợt rồi, trong chuyến đi vùng cao, chúng tôi có bị bộ đội biên phòng bắt. Số là bọn tôi đi trên một cái xe có biển số hơi đặc biệt, anh bạn tôi, Trần Công Khanh lại có một cái máy ảnh là lạ, ai không biết lại tưởng cái điện đài. Tôi có quen anh đồn trưởng cũ, còn anh đồn trưởng mới, sau khi tìm hiểu xong thì chúng tôi lại là những người bạn. Và câu chuyện, trở nên rất khác!

Mỗi lần đi, tôi mua một vài chục cân sách, họa báo đèm đẹp (giống như tạp chí Đẹp của các cô ấy) để tặng cho bộ đội. Họ là những người có thể không thiếu về vật chất, nhưng thiếu về tinh thần. Họ đọc xong báo, rồi cắt những hình cô người mẫu xinh đẹp dán lên tường. Một ví dụ khác: Cách đây bốn năm, tôi đi hội Lồng tồng ở Lai Châu, Điện Biên, có múa xòe, và tôi đã thề là sẽ không bao giờ đi nữa, nhục lắm.

Sao nhục? (Quách tự nhiên không nói gì, tôi buộc phải hỏi anh)
Vì nó không còn cái gì. Tôi mê văn Nguyễn Tuân, vì câu văn của ông miêu tả những gót chân trần nhảy trên sạp nứa, rớm máu, lớp máu của ngày hôm qua, dẫm lên lớp máu của ngày hôm trước… mà tôi tìm đến. Nhưng, thất vọng. Chợ tình thì không thấy đâu, toàn thấy người ở đâu kéo đến, mỗi ông vác theo một cái máy ảnh to đùng.

Tự nhiên tôi thấy xấu hổ, phải giấu cái máy ảnh đi. Mà ở đó, thu tiền phí ôtô rất cao, biển hiệu tiếng Anh xí xố. Đêm, chúng tôi phải mua đèn pin đi bộ mấy km mới đến nơi. Chính những cái thất vọng, những nỗi buồn vì sự văn minh đang xâm chiếm dần những không gian vùng cao, nó cũng là những câu chuyện rồi. Những câu chuyện rất nhạt!

Nhưng đi nhiều vùng cao, gặp những chuyện văn minh xâm nhập, rồi cũng chỉ là những hình ảnh như vậy thôi, đôi khi cũng chán chứ?
Người Mèo trên vùng cao, phiên chợ nào cũng chỉ ăn thắng cố, uống bát rượu ấy, mặc bộ quần áo ấy, đeo đôi kính ấy, đi chặng đường từ đấy ra chợ… Chính ta, những người của đô thị, đang tác động biến đổi họ chứ họ không hề nhạt.

Tôi đi lên Hoàng Su Phì ở Hà Giang, bà con ở đấy biết tháng 10, anh em nhiếp ảnh lên ầm ầm, phòng đắt, phở đắt. Tôi không lên đó tháng 10, tôi lên đó tháng 11. Bà con bảo: “Ôi cái chú này, vừa rồi lúa chín đẹp thì chú không lên. Bây giờ mới lên, thì còn cái gì nữa đâu”. Tôi cười: “Dạ thưa bà, không ạ. Cháu lên không phải để chụp lúa ạ” – “Thế cậu chụp gì?” – “Cháu chụp… rạ ạ”. Đấy, các câu chuyện nó như thế, chán làm sao được? Thôi, tôi là tôi cứ đi về phía có cơn mưa mà!

Hà Nội đang nhạt

Vậy nếu không trốn về nơi xa kia ấy, anh sẽ làm gì?
Thực ra, có nhiều việc để làm. Nhiều lúc bạn bè gọi rượu, tôi cũng chả đi. Tuy tôi biết, có tôi, hội nó mới vui. Nhưng nếu lúc đó, tôi đang lắp một đôi loa, mấy cái dây, hay chế đồ nghe theo gout của riêng tôi. Thời gian rảnh, lôi hàng nghìn cái đĩa ra, tìm, và tự thu cho mình một cái băng chọn lọc, hoặc biên tập, sắp xếp lại hàng trăm bộ phim mình có. Lúc đó thì tôi say lắm, đang mê.

Một cái việc không nhạt, không vô bổ, nên nó hấp dẫn tôi hơn. Tôi cũng không thích lang thang ngoài đường Hà Nội đâu. Có thể, chỉ ngồi một quán rượu, tụ tập một chỗ. Tôi biết, bây giờ, chuyện ở Hà Nội, kiểu gì chẳng nhạt. Tôi không có thói quen sáng ăn phở, café, đọc báo, tán gẫu với mọi người rồi mới đi làm. Tôi có thể ở nhà cả tuần, chỉ để nghiên cứu một cái gì tôi thích.

Nói vậy, trong góc nhìn của anh, thì Hà Nội cũng đang… nhạt?
Rõ quá đi ấy chứ. Hà Nội giờ nhạt thếch đấy, cô ạ. Trong tương lai, làm gì còn phở như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn… Phở, giờ lai tạp, nhàn nhạt, trong một không gian cũng nhàn nhạt, máy lạnh chẳng hạn! Chuyện cấm vỉa hè, hàng rong cũng vậy, một câu chuyện đại nhạt được giải quyết không phải từ gốc, mà là từ ngọn. Tôi buồn lắm. Bây giờ bảo tôi đi ăn ốc ở hàng máy lạnh sang trọng lịch sự, tôi không chịu được đâu.

Bây giờ Hà Nội mở rộng rồi, khéo bộ sưu tập “Cổng làng” vĩ đại của anh, lại… lên ngôi?
Chuyện đi chụp những cái cổng làng trước kia, cũng là những chuyện bi hài kịch. Chỉ vì xe công nông không đi qua được, người ta sẵn sàng đập tan cái cổng làng đã một trăm tuổi.

Vừa rồi, bộ cổng làng của tôi được đề nghị in làm quà tặng nhân dịp ngàn năm Thăng Long, Hà Nội. Lúc đầu tôi háo hức và rất trân trọng lời đề nghị ấy, nhưng sau tôi không chịu nổi nữa. Họ bảo tôi là không yêu Hà Nội. Xin lỗi chứ, họ mới không phải dân Hà Nội, tôi cầm máy đi chụp, còn trước khi họ chụp cơ. Tôi yêu, chỉ đơn giản là tôi yêu văn hóa, tôi không có vụ lợi cái gì hết.


Tôi không Monotonecus

Còn trong sáng tác nghệ thuật, nếu mãi theo một loại, một kiểu, anh có nghĩ là sự nhàm nhạt sẽ xuất hiện ngay cả trong anh không?
Tôi không bao giờ nghĩ mình monotonecus (đơn điệu, nhàm chán). Người ta cứ hỏi sao tôi mãi vẽ như thế. Trước đây, khi nói đến vẽ nón, là nói đến tôi. Về sau, có một người khác vẽ triển lãm, nhại tranh của tôi. Anh bạn tôi, đến đứng trước bức tranh, phẫn nộ mà bảo: “Cái này của bạn tôi, Quách Đông Phương, tại sao lại còn ăn cắp của nó?”. Cái anh vẽ tranh đó không dám ra gặp. Hoặc trong một cuộc triển lãm, tôi bày 20 cái ảnh, người ta bảo: Sao bày ảnh mất nét thế? Họ không biết, đó là dụng ý của tôi.

Tôi có gần 1.000 khuôn mặt, nhưng đó là việc khác, 1.000 khuôn mặt “Hình như” và 20 cái ảnh mà họ nói là mất nét kia, là để chống lại những quan niệm của người cầm máy bình thường. Tôi có cảm quan riêng của tôi, để chống nhạt, tôi không thích đi theo cái thông thường.

Thế còn cái gọi là kiếm sống thì sao? Chắc là một câu chuyện không nhạt rồi, đủ lệ bộ hỉ nộ ái ố rồi?
Đúng, chúng xáo trộn nhau. Cái gọi là kiếm sống, cũng đôi lúc là một việc nhạt, nhạt lắm đấy. Vẽ, bán, kiếm sống. Phải chấp nhận thế thôi. Xác định thế rồi. Chúng tôi đâu có được đánh giá cao đâu, chúng tôi chỉ được coi là họa sĩ thị trường, chỉ vì chúng tôi bán được tranh! Gọi tôi là họa sĩ thị trường đấy! Thật là dở quá.

Một người làm nghệ thuật, bán tranh ở nước ngoài, thu được nhiều ngoại tệ, thế thì là có lợi, hay có hại? Ở nước ngoài, nghệ sĩ được ở trong những biệt khu ưu đãi, cho thuê giá rẻ để có xưởng sáng tác. Dân chúng đi thưởng thức nghệ thuật như mình đi chơi, đi picnic.

Với một người luôn tránh nhạt như anh, thì liệu cái câu họa sĩ thị trường có tác động mạnh thế sao?
Chúng tôi lao động chân chính, được thế giới công nhận và… trả tiền cho điều ấy. Tôi buồn nhiều năm nay rồi, chính tội đó làm các Gallery bị động. Khi chúng tôi vẽ, họ đưa ra tiêu chí cái nọ cái kia, màu đỏ đang bán chạy lắm đấy, Phương cho tớ thêm màu đỏ vào. Thế là họ đã biến chúng tôi thành một câu chuyện rồi. Vấn đề là chúng tôi phải xử lý những lời đề nghị đó như thế nào. Ờ, mà sao thiên hạ không nhớ, bao nhiêu kiệt tác cũng là được làm theo đơn đặt hàng hay sao?

Tôi hiểu, cũng… bi kịch nhỉ, nghe nói, anh đã cáu tiết mấy anh bạn, khi có thái độ không mấy làm vui vẻ trước sự… “dồi dào” của anh?
Những người lười lao động, không có tài, không bán được tranh, thì lại a dua, chửi lại chúng tôi. Tôi nhớ có lần, một người giật bao thuốc lá của tôi và đưa cho tôi bao thuốc khác bảo tôi cầm lấy mà hút rồi nói kháy chúng mày giờ sướng rồi… Tôi bực mình bảo: Tôi có thể cho 10 tút thuốc, nếu như lịch sự, còn ăn nói hằn học trâu buộc ghét trâu ăn như vậy, thì một điếu cũng không cho.

Thực ra, anh ta không hiểu, tên tôi là Quách Đông Phương, nếu tôi làm việc mất uy tín, nếu tác phẩm của tôi nhạt nhẽo, chỉ một năm sau, tên tôi sẽ biến mất. Tôi phải lo cho mình chứ, đấy là trách nhiệm, là tư duy, nằm ngay trong bản thể của tôi, đó là điều chắc chắn nhất. Mọi điều, phải vận động!

Kết luận nhạt của Quách

Gốc của nhạt trong bối cảnh thành thị hiện nay là gì, thưa anh?
Gốc của cái nhạt, đó là không thực, không chân thành. Người đô thị, thành thị ngày nay, thực ra cũng toàn quê lên đây lập nghiệp, bao nhiêu cái đậm đà bay đi hết rồi. Ấy là nói theo cụ Nguyễn Bính, em đi tỉnh về, là em đã bị lạt rồi!

Còn nhạt trong người nghệ sĩ thì sao?
Là tâm không có, đừng nhăm nhăm vẽ tranh để bán!

Nhà anh có cả một ngôi chùa nho nhỏ, nhiều tượng Phật xung quanh, có bao giờ Phật pháp hỗ trợ cho anh trong việc tránh… nhạt?
Có. Thi thoảng, tôi tìm thấy sự an tại ngay trong ngôi chùa của nhà tôi, cho dù có sư thầy, nói Phương lên chùa, thầy sẽ dành cho Phương không gian riêng.

Còn các cô gái xinh đẹp? Họ để lại cho anh ấn tượng gì?
Nhạt và đẹp liên quan đến nhau đấy. Thường trong cuộc sống, và tất cả các thứ, cái gì đẹp, thì ít nhạt. Nhưng với các cô gái đẹp, thì dường như hơi ngược lại thì phải. Thế nên người vẹn toàn, là hơi bị hiếm!

Tóm lại?
Cho đến giờ, tôi thấy mình được quá nhiều, gia đình, con cái, công việc, đi, chơi, thưởng… Bạn tôi bảo tôi là “Một chén điếc không nghe đầy ắp”. Tôi chưa bao giờ để lún sâu vào những nỗi chán chường thất vọng. Bởi nếu thế, chắc tôi đã sang Lào sống. Tôi thích Lào!


Bài: Codet – Ảnh: Sơn photo


From the same category